Những Ngộ Nhận “Vì Sức Khỏe” – Toshio Akitsu

Lần cập nhật gần nhất December 17th, 2020 – 03:20 pm

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng mạng lưới internet toàn cầu ngày càng lớn mạnh đã giúp cho chúng ta thoải mái tiếp cận thông tin, trao đổi thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết; làm thế nào để “LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN GIỮA MỘT BIỂN TIN”, câu giải đáp sẽ có trong cuốn sách này. Tác giả trình bày ngắn gọn, dễ hiểu mọi thông tin cần truyền đạt, có tóm tắt lại nội dung chính cuối mỗi mục, lần lượt từng câu hỏi đưa ra và câu trả lời kèm theo. Với số đông người đọc thì những thông tin đưa ra là phù hợp, phổ biến và cần thiết cho mọi người. Thời gian bỏ ra không nhiều nhưng thông tin, kiến thức nhận lại đúng là đáng để mua cuốn sách này trong tủ sách gia đình, và như lời của bác sĩ Ngô Đức Hùng viết lời tựa: “Tôi hy vọng cuốn sách sẽ đem lại sự thú vị cho tất cả những ai đọc nó, như tôi. Hơn hết, đọc để không bị cuốn vào những trào lưu sức khỏe phản khoa học”.

Review Những ngộ nhận ‘vì sức khỏe’ (2)

“NHỮNG NGỘ NHẬN “VÌ SỨC KHỎE” được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa Nội tổng hợp được chứng nhận bởi hội Nội khoa Nhật Bản – Toshio Akitsu.

Quyển sách giống như một người bạn y tế, một chuyên viên tư vấn chăm sóc sức khỏe mà mỗi người mỗi nhà cần “kết bạn” và cần “tuyển chọn”. Nó đề cập đến những băn khoăn thường gặp, những nỗi sợ mơ hồ khi nhìn thấy một chỉ số xét nghiệm bất thường và tầm quan trọng của việc nắm bắt các thông tin đúng đắn.

Cuốn sách là tập hợp 35 câu hỏi liên quan đến sức khỏe cùng những lời giải đáp đơn giản, dễ hiểu và có chứng cứ xác thực. Có những câu hỏi tôi tưởng chừng như có thể trả lời dễ dàng bằng những kinh nghiệm vốn có của mình nhưng KHÔNG, đó chỉ là ngô nhận mà thôi. Các bạn hãy đọc kĩ từng câu hỏi và tự mình suy nghĩ câu trả lời để ngộ ra rằng “những điều mà mình nghĩ trước giờ tốt cho sức khỏe lại sai rồi ư?

Sách gồm 5 chương, với từng chương tôi sẽ lấy ra một câu hỏi cụ thể để xem bạn trả lời như thế nào:

Chương 1: “Y TẾ”: CHỌN CÁI NÀO?

“Kết quả bất thường khi khám sức khỏe” và “kết quả không có vấn đề gì khi khám lại ở bệnh viện” nếu tin thì tin ở bên nào? Không nên lập tức vui buồn chỉ với kết quả khám sức khỏe hay kết quả khám lại. Điều quan trọng là xem xét và so sánh các dữ liệu của quá khứ và hiện tại. Hãy giữ lại kết quả khám sức khỏe hàng năm……

Chương 2: “THUỐC”: CHỌN LOẠI NÀO?

“Khỏi bệnh là dừng ngay thuốc?” và “uống hết thuốc đã được cho”, hành vi nào sẽ làm thuốc trở nên mất tác dụng? Tùy theo loại thuốc, có những loại nếu khỏi mà dừng uống thuốc ngay thì tác dụng của thuốc sẽ dần bị mất đi các triệu chứng cai nghiện thuốc. Đặc biệt là “thuốc kháng sinh”, “thuốc chống trầm cảm”,… nếu dừng ngay sẽ nguy hiểm nên tuyệt đối không tự quyết định…….

Chương 3: “PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN SỨC KHỎE”: CHỌN PHƯƠNG PHÁP NÀO?

“Nước lọc” và “nước có ga”, mỗi ngày uống trên 2 lít, loại nào sẽ gây ung thư? Việc uống nhiều nước hoặc nước có ga trên 2 lít mỗi ngày chỉ tốt với những người có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Còn với những người có ruột, dạ dày yếu sẽ dẫn đến nguy cơ làm cản trở việc hấp thụ tiêu hóa; giảm sút nghiêm trọng lượng muối Natri, gây ra chuột rút cơ, huyết áp quá thấp và gây ra các rối loạn về ý thức. Nên uống trong phạm vi cơ thể chúng ta cần……

Chương 4: “ĂN UỐNG”: CHỌN CÁI NÀO?

“Một lon bia loại dài 500ml” và “60ml rượu” thứ nào sẽ bào mòn tính mạng của bạn. Nếu mỗi ngày uống khoảng 30ml rượu trở xuống hoặc một lon bia khoảng 500ml chính là liều thuốc tốt nhất, tỉ lệ tử vong các bệnh về tim sẽ thấp hơn. Còn nếu uống vượt quá lượng nói trên thì sẽ rút ngắn tuổi thọ của mình……

Chương 5: “SINH HOẠT HẰNG NGÀY” CHỌN CÁI NÀO?

Người hay dùng thuốc nhỏ mắt và người không dùng, ai sẽ dễ bị mù lòa? Thuốc nhỏ mắt thường có chất bảo quản, khi bị ảnh hưởng của điều hòa hay sử dụng điện thoại thông minh quá mức dẫn đến khô mắt thì chất bảo quản có trong thuốc nhỏ mắt bán ngoài thị trường hiện nay sẽ không được rửa trôi và sẽ làm tổn thương lớp thượng bì giác mạc. Việc nhỏ mắt sẽ còn làm trôi luôn các chất dinh dưỡng có trong nước mắt. Hãy chớp mắt mạnh vài lần thì lập tức nước mắt sẽ chảy ra, và có thể rửa được mắt. Vì “nước mắt” chính là loại thuốc tự nhiên tốt cho mắt nhất…….

Nội dung cuốn sách giúp người đọc trang bị những kiến thức cơ bản về cơ thể, sức khỏe. Hơn nữa, hãy đọc để tránh những thông tin sai lệch, phản khoa học.

– Cát Tường

Hôm nay mình bắt đầu ngày mới với cuốn Những ngộ nhận “vì sức khỏe” này. Sách của tác giả Toshio Akitsu.

Mình đang đọc tới chương 3 của quyển sách này (có tất cả 5 chương). Ở chương 3 có 1 phần nói về “CHẠY BỘ” và “ĐI BỘ”, thói quen nào chỉ toàn bất lợi? Câu trả lời là chạy bộ vào sáng sớm. Mình sẽ chia sẻ với mọi người một chút về nội dung của phần này. Mình sẽ trích dẫn và tóm lược một số thông tin trong sách, không phải là tất cả.

Để thói quen chạy bộ có ích trong việc làm giảm nguy cơ tử vong thì cần phải thỏa mãn ba điều kiện sau:

1. Cự ly chạy bộ không được quá 32 km/tuần.

2. Tốc độ chạy bộ 8 – 11.2 km/h.

3. Số lần chạy phải trong khoảng 2 – 5 lần/tuần.

Tuy nhiên, việc thực hiện được các điều kiện trên là không dễ.

Trong vòng 2 giờ sau khi ngủ dậy. Vào lúc này, nếu chúng ta chạy bộ thì nhịp tim sẽ nhanh lên dẫn đến huyết áp càng tăng cao và vì vậy mà nguy cơ nhồi máu cơ tim sẽ tăng cao bất ngờ. Những người có bệnh tim mạch, đặc biệt những người cao tuổi thì không nên thực hiện.

Hơn thế những cơ quan khác của cơ thể trong vòng vài giờ sau khi thức dậy buổi sáng cũng chưa thể hoàn toàn được đánh thức. Nhiệt độ cơ thể đã hạ thấp trong khi ngủ cũng chưa tăng lên lại khi thức dậy và các cơ còn cứng.

Vào lúc này, nếu chúng ta chạy bộ thì sẽ làm đau các cơ khớp, và cho dù có khởi động kĩ nhưng với một cơ thể chưa sẵn sàng cũng sẽ không tránh khỏi làm đau các sợi hay bó cơ.

Cuối cùng tác giả khuyến khích hãy đi bộ nếu muốn tốt cho sức khỏe.
Đi bộ là một môn vận động có thể tiến hành mà không gây ra gánh nặng lớn cho cơ thể. Khí oxy được lấy vào từ việc di bộ sẽ giúp ta đốt cháy mỡ thừa và đường glycogen tích trong cơ thể….

Quyển sách này chỉ có khoảng 300 trang thôi, sách không dày cục và dễ đọc. Mình nghĩ nó rất đáng để đọc.

– ‎Đỗ Thu Trang‎

Đọc online Những ngộ nhận ‘vì sức khỏe’ (2)

Chương 1: “Y tế” – chọn cái nào?

Q1: “Phòng khám tư” và “Bênh viện đa khoa”, khi cảm thấy không khỏe thì nên đi khám ở đâu?

Q2: “Bệnh viện Đại học” và “Bệnh viện quy mô vừa”, nếu làm phẫu thuật thì chọn ở đâu?

Q3: “Kết quả bất thường khi khám sức khỏe” và “Kết quả không có vấn đề gì khi khám lại ở bệnh viện”, nếu tin thì sẽ tin bên nào?

Q4: “Phát hiện và điều trị sớm” và “Phó mặc”, đâu là câu trả lời đúng trong điều trị ung thư?

Q5: “Ghét camera soi dạ dày” và “Ghét chất Barit”, điều nào sẽ khiến bạn bị ung thư dạ dày?

Q6: “Ung thư vú” và “Ung thư đại tràng”, đâu là nguyên nhân gây tử vong số một ở nữ giới?

Q7: “Ung thư tuyến tụy” và “Ung thư thận”, loại ung thư nào có hiệu quả khi chụp PET?

Chương 2: “Thuốc” – chọn loại nào?

Giới thiệu

Hơi đường đột một chút nhưng tôi xin được đưa ra câu hỏi cho các bạn.

Xin hãy cho biết môn thể thao nào gây ra nhiều ca đột tử nhất cho mọi lứa tuổi?

Câu trả lời đúng là “Chạy bộ”.

Khi nghe đến điều này, chắc hẳn sẽ có người nghĩ rằng “thật không ngờ, vì đây là môn thể thao tốt cho sức khỏe mà nhỉ?”.

Sau đây, tôi xin được hỏi tiếp.

Xin hãy cho biết lý do gì khiến “Chạy bộ” được cho là tốt cho sức khỏe?

Thế nào rồi?

Các bạn đã đưa ra được lý do rõ ràng nào chưa? Có lẽ là chưa, phải không?

Đó là vì hầu hết mọi người đều chỉ hình dung mơ hồ rằng chạy bộ là tốt cho sức khỏe và đang thực hiện việc chạy bộ.

Nhưng thực tế, nhìn từ góc độ của bác sĩ thì đây là một môn thể thao không nên khuyến khích. Đặc biệt, trong số những người có tinh thần rèn luyện sức khỏe cao còn có những người chạy bộ vào sáng sớm. Tuy nhiên, nếu tiếp tục làm vậy thì nguy cơ dẫn đến đột tử sẽ càng cao (cụ thể sẽ được giải thích ở chương 3).

Tôi xin kể thêm một trường hợp khác nữa, đặc biệt hay xảy ra ở nam giới, đó là có những người “thường xuyên đi xông hơi vì sức khỏe”.

“Muốn đổ mồ hôi để giảm cân”.

“Giải độc cơ thể bằng mồ hôi, vì sức khỏe”.

Họ đi xông hơi với những mục đích trên nhưng tất cả đều là những điều vô lý, không có cơ sở.

Từ góc nhìn của các bác sĩ thì xông hơi chính là “Trăm hại mà không lợi”.

Đó là những hoang tưởng về sức khỏe mà hầu hết mọi người đều đang bị nhầm lẫn.

Hơn thế nữa, ngoài các thông tin về phương pháp rèn luyện sức khỏe như trên, cũng còn rất nhiều thông tin sai lệch khác khiến nhiều người mù quáng tin vào.

• Sử dụng thuốc Đông y an toàn cho cơ thể.

Quan điểm thuốc Đông y an toàn cho cơ thể là sai lầm, thuốc Đông y cũng có đủ các tác dụng phụ.

• Quyết định đăng ký phẫu thuật ở bệnh viện có vị trí số 1 trong “Bảng xếp hạng các bệnh viện được tin dùng”.

Nếu chọn bệnh viện đó thì có thể bạn sẽ được phẫu thuật bởi một bác sĩ ít kinh nghiệm.

• Bệnh ung thư thì nên để phó mặc, dù sao cũng không cần chữa trị nên việc thực hiện các kiểm tra sức khỏe phiền phức cũng có thể bỏ qua luôn.

Hầu hết các trường hợp bị ung thư nếu được phát hiện, chữa trị ở giai đoạn đầu thì 90% đã được chữa khỏi.

Vậy thì tại sao lại có nhiều người cả tin vào những thông tin sai, thông tin lệch lạc như vậy?

Một trong những nguyên nhân có thể kể đến là sự gia tăng đột biến lượng thông tin trong những năm gần đây.

Trong đó, dường như để phản ánh ý thức về sức khỏe của mọi người, ngày qua ngày những thông tin về y tế, sức khỏe vẫn cứ xuất hiện ồ ạt một cách tràn lan đại hảỉ.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, đa số đều là những thông tin khiến ta cảm thấy ngờ vực như: “những thông tin không hẳn là sai nhưng được truyền đạt lệch lạc” hay “những thông tin sai được truyền đạt nguyên bản”.

Đương nhiên, vẫn có những thông tin đúng được kiểm chứng khoa học, được báo cáo, nhưng hầu hết đều là những nội dung không mấy nổi bật, chưa thu hút được sự chú ý của mọi người.

Người Nhật Bản ngày nay đang tự rút ngắn tuổi thọ của mình bằng sự cả tin vào những thông tin nghe được và nghĩ rằng đó là “vì sức khỏe”.

Trong cuốn sách này, tôi đã chuẩn bị 35 “câu hỏi” liên quan đến sức khỏe.

Đối với từng câu hỏi, các bạn hãy vừa đọc vừa suy nghĩ câu trả lời theo cách riêng của mình.

Khi làm vậy, các bạn chắc hẳn sẽ cảm nhận được rằng những điều mà mình đang nghĩ là tốt cho sức khỏe liệu có phải là hiểu lầm rồi hay không.

Hơn thế nữa, khi các bạn đọc hết cuốn sách này thì cũng là lúc các bạn sẽ học được tầm quan trọng của việc nghi ngờ các thông tin, và chắc hẳn sẽ có thể tiến bước trên con đường sống lâu, khỏe mạnh bằng việc nắm bắt những thông tin thật sự đúng đắn.