Lần cập nhật gần nhất June 2nd, 2020 – 09:49 am
Những tấm lòng cao cả là một cuốn sách giản dị, được viết dưới dạng nhật kí học trò, ghi lại những việc lớn nhỏ, những chuyện hàng ngày của cậu bé lớp ba Enricô Bôttini theo trình tự thời gian một năm học, từ những hoạt động trong lớp của học sinh, những bức thư của phụ huynh viết cho con em mình để nhắc nhở lỗi lầm, những truyện đọc hàng tháng của thầy giáo về các nhân vật cùng trang lứa với các em… Sức hấp dẫn của tác phẩm chính là những câu chuyện xúc động về tình người, những bài học giáo dục trẻ con sâu sắc được thể hiện bằng giọng văn trìu mến, tràn đầy yêu thương.
Review Những tấm lòng cao cả (3)
“Những tấm lòng cao cả” – Thiên đường của Giáo dục và Nhân văn
Cứ đọc xong mỗi câu chuyện, tôi lại lặng người đi vài phút, thậm chí là suy nghĩ cả ngày về thông điệp, bài học hay chủ đề mà nhà văn người Ý, Edmondo De Amicis truyển tải. Cuốn sách phù hợp cho cả các bậc cha mẹ, cho trẻ em và nhất là cho những người làm trong ngành giáo dục.
“Những tấm lòng cao cả” là tập hồi ký của nhân vật chính mang tên Enricoo trong suốt gần một năm (từ tháng mười đến tháng bảy). Dù chỉ là lát cắt cuộc đời của một cá nhân trong một thời gian ngắn ngủi so với kiếp người nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để khiến cho người đọc xúc động khôn cùng.
Nhà văn đã lý tưởng hóa một nền giáo dục với những người thầy, người cô tận tâm, tận tình, tận lực cho những người học trò của mình; những đứa trẻ, dù nhiều phẩm cách khác nhau nhưng cùng được sống trong sự quan tâm, tình yêu thương của người thân, thầy cô, bạn bè; và nhất là có những người cha, người mẹ, luôn quan tâm đặc biệt đến việc học hành của con mình, đến công việc giáo dục con trẻ (tiêu biểu là cha mẹ của Enricoo).Cả một xã hội tôn vinh và coi trọng giáo dục và như thế và dù chẳng mô tả về tương lại của xã hội đó ra sao nhưng chúng ta hoàn toàn có thể có cơ sở để đưa ra những dự đoán tốt lành.
Qua cuốn sách, tôi thấy rằng cách giáo dục hiệu quả nhất mà chắc chắn là bằng yêu thương và bằng cả tấm lòng của người thầy đối với trò, của cha mẹ với con cái, của người lớn với trẻ nhỏ. Nhà văn De Amicis đã trả lời những câu hỏi trăn trở nhất trong giáo dục: dạy trẻ cái gì và dạy như thế nào.
Dạy trẻ những gì?
Nhà văn người Ý quan niệm: Dạy trẻ trước hết là dạy làm người, dạy đạo đức
Phải Trung thực; Sống biết ơn những người đã sinh thành mình, dạy dỗ mình, giúp đỡ mình; Yêu nước, biết hy sinh cho Tổ quốc; Sống bản lĩnh, dũng cảm, can đảm trước những thứ được cho là khó khăn (đơn giản như việc đến trường vào những ngày nóng nực); Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi; Biết chia sẻ những gì mình có; Tôn trọng người lao động, tôn trọng sản phẩm lao động và cả phần hệ quả của lao động; Trân trọng những gì mình có (dù chỉ là những cái rất hiển nhiên như đôi mắt sáng, giọng nói)…
Dạy trẻ như thế nào?
Đó là nhiệm vụ của cả xã hội với ý thức rằng dạy trẻ là đang tạo ra cả tương lai với tất cả tình yêu thương.
Muốn trẻ nhận thức rõ vấn đề, người lớn cần làm gương, nhất là cha mẹ; Hãy kể cho chúng nghe những câu chuyện hay ho; Cho chúng đi, trải nghiệm và trò chuyện cùng trẻ những điều tuyệt vời trên thế gian này…
Dù những bài học và cách lý giải được đưa ra mang tính lý luận nhưng người đọc không hề cả thấy khô khan, giáo điều mà chúng được dẫn dắt vô cùng lôi cuốn qua cách kể chuyện tự nhiên, mộc mạc trong những nhân vật khác nhau: khi là thầy giáo, khi là cha hay mẹ Enricoo…Đọc xong từng trang sách, tôi tin rằng bạn sẽ nhìn thế giới với một màu hồng đẹp tuyệt và dù có thấy điều không thực tế lằm thì cuốn sách chắc chắn đã làm không ít người lạc quan, yêu đời hơn, biết sống tử tế yêu thương.
Ra đời vào những năm 80 của thế kỷ XIX, có thể cách học như nhà văn thể hiện trong tác phẩm không thực tiến bộ trong thời buổi hiện nay (thế kỷ XXI) nhưng những giá tri, những bài học đạo đức mà nhà văn khẳng định sẽ luôn còn mãi.
– Quang Trần
Không có các cốt truyện phức tạp. Không có các nhân vật kinh điển. Không có các lời thoại triết lý sâu xa. Ở đó, tôi cảm nhận một cốt truyện giản dị, những con người bình thường, lời thoại không mài giũa, đẽo gọt.
Nhưng ở đó có những tấm lòng cao cả và thánh thiện, có những bài học đạo đức nhẹ nhàng mà thấm thía …Và những trang nhật ký đó khiến tôi khóc, bất chợt thẹn với lòng mình.
Ở đó có gì?
Có cậu bé Rô-bet-ti sẵn sàng lao đến cứu em nhỏ đang tuột khỏi tay mẹ rơi vào cái lưỡi hái tử thần của chiếc xe khách đang vụt tới…khiến cho cậu bị gãy một chân.
Có cậu bé Ga – rô – nê hào hiệp và rộng lượng sẵn sàng bảo vệ người bạn Crôt-xi đáng thương, tóc hoe, cánh tay bị liệt và có bà mẹ bán rau quả nghèo khi cậu ấy bị đám học sinh khác nhạo báng, châm chọc.
Có cậu bạn Vô – ti- ni, giữa tính “hợm hĩnh” của mình, Enricô vẫn tìm thấy trong trái tim bạn là một người “không xấu bụng”. Một người đã dằn vặt suy nghĩ về hành vi khoe khoang đôi giày, cái áo thêu, đồng hồ quả quýt bằng vàng,… trước mặt một cậu bé mù chắc chắn là một người “không xấu bụng”….
Có người cha của Enricô vô cùng tinh tế và khéo léo dạy dỗ con khi cậu bé thợ nề đến chơi nhà và vô tình để lại vết vôi trắng trên lưng ghế. “Có thể đó là bụi bặm, là vôi vữa, là sơn dầu, hoặc là gì đi nữa, nhưng đó không phải là cái gì bẩn. Lao động không làm bẩn đâu con….Con hãy nhớ lấy điều ấy và phải hết lòng yêu mến cậu bé thợ nề…”. Đọc đoạn này nghĩ về cha về mẹ, về anh về chị và về em của tôi. Tất cả đều bị người đời giữa cái xã hội đang quá độ này gọi là lao động chân tay. Có gì sai đâu nếu lao động ấy không trái đạo đức và pháp luật. Bất cứ ngành nghề nào cũng đều đáng trân trọng vì những giá trị mà nó mang lại chứ?…
Ở đó còn có thầy hiệu trưởng, thầy chủ nhiệm, cô giáo cũ hết mực yêu thương học trò, có những cách cư xử đáng quý biết bao nhiêu mà bản thân tôi làm một giáo viên cần học hỏi
……………………..
Và còn biết bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu bài học, bao nhiêu nhân cách, tấm lòng đang chờ bạn. Đề cảm nhận bằng đôi tay, bằng con mắt và chính trái tim của bạn mà thôi!
– Hoa Đinh
Xã hội ngày càng phát triển, con người càng trở nên thực dụng hơn. Người ta chỉ tập trung vào chăm chút cho trí óc. Mọi người thường chỉ toàn đọc những cuốn sách dạy làm giàu, dạy kỹ năng, mà quên đi 1 việc khác cũng quan trọng không kém, đó là nuôi dưỡng tâm hồn. Tâm hồn quan trọng còn hơn kiến thức vậy. Muốn trở thành người thành công, thì trước hết chúng ta phải THÀNH NGƯỜI đã.
Đọc sách là một trong những cách nuôi dưỡng tâm hồn tốt nhất. Và Edmondo de Amicis đã tạo ra một cuốn sách tuyệt hay về tấm lòng cao cả của con người.
Câu chuyện lấy bối cảnh vào cuối thế kỷ XIX tại thành phố Torino, Italia. Thông qua cậu bé Enrico – một cậu bé rất bình thường, tác giả kể cho chúng ta những câu chuyện tốt đẹp của những người xung quanh cậu. Cha mẹ, bạn bè, thầy cô, em gái, những người mà cậu tình cờ gặp, hay thậm chí là những nhân vật trong câu chuyện cậu bé đọc. Hầu như tất cả mọi người trong thành phố Torino ấy, trên khắp mảnh đát hình chiếc ủng ấy đều làm chúng ta yêu quý, thậm chí là xúc động, vì những điều tốt đẹp họ đã làm.
Đó là Garrone, chàng trai hào hiệp chuyên giúp đỡ các bạn. Đó là Derossi, cậu bé học giỏi nhất lớp nhưng chưa bao giờ kiêu ngạo. Đó là Precossi, cậu bé thường xuyên bị bố đánh đập nhưng vẫn chăm ngoan học giỏi, cuối cùng làm ông bố tự hào và thay đổi. Rồi còn cả những Robetti, Stardi, Crossi, Corretti, bố con Enrico,, hay những cậu bé đánh trống, cậu bé đi tìm mẹ, cậu bé viết thuê,…. Bên cạnh đó là những Franti, Carlo Nobis, những cậu bé kiêu căng và xấu tính. Hệ thống nhân vật của Những tấm lòng cao cả vô cùng phong phú, đầy màu sắc, tuy là 1 cuốn sách mang tính giáo dục cao nhưng cũng không kém phần thú vị.
Và qua những con người ấy, tác giả nhẹ nhàng nhắc lại cho người đọc cách sống đúng đắn. Rằng phải biết hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng với thầy cô, chan hòa với bạn bè, lễ phép với người lớn tuổi. Không được coi khinh những người lao động, càng không được đối xử tệ với người tàn tật. Đó thực ra toàn là những điều đơn giản mà có lẽ ai cũng biết, nhưng hình như lại ít ai nhớ.
Cá nhân mình thấy cuốn sách này rất hay. Người lớn nên đọc và gia đình nào có trẻ con thì lại càng nên cho các bé đọc. Có thể cuốn sách sẽ không giúp bé trở thành người thành công, nhưng sẽ góp phần giúp các bé thành người.
“Trên thế giới thứ rộng lớn nhất là đại dương, nhưng thứ rộng lớn hơn đại dương lại là bầu trời. Mà thứ rộng lớn hơn cả bầu trời lại chính là lòng người.”
– Vũ Đức Huy
Trích dẫn Những tấm lòng cao cả
Thứ năm, 10 tháng mười một
Bố để ý là sáng nay, lúc cô giáo đến thăm, tôi nói với mẹ có nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ. Bố thấy mình có nhiệm vụ viết mảnh thư này cảnh cáo tôi. Đọc thư tôi xúc động vô cùng.
“Trước mặt cô giáo của em, con đã thiếu lễ độ với mẹ! Việc như thế không bao giờ con được phạm nữa, En-ri-cô của bố ạ! Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy! Bố nhớ tới mẹ con, cách đây mấy năm, đã phải thức suốt đêm, cuối mình trên chiếc nôi của con, trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thế mất con đi!… Nhớ lại điều ấy, bố không thể nén được cơn tức giận đối với con.
Hãy nghĩ xem En-ri-cô à! Con mà lại xúc phạm đến mẹ con à! Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hy sinh tính mạng để cứu sống con!
Hãy nghĩ kỹ đến điều này, En-ri-cô ạ: trong đời con sẽ có thể trải qua những ngày thật buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ con.
Khi con đã khôn lớn, con đã trưởng thành, mà các cuộc đấu tranh đã luyện con thành người dũng cảm có thể có lúc con sẽ hồi tưởng tới mẹ con, với lòng mong ước tha thiết được nghe lại tiếng nói của mẹ, và được mẹ lại dang tay ra đón con vào lòng; vì dù con lớn, dù khỏe mạnh thế nào chăng nữa, con sẽ vẫn tự thấy mình chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp yếu đuối và không được che chở. Con sẽ nhớ lại với một nỗi cay đắng những lúc con đã làm cho mẹ phải phiền muộn; lương tâm cắn rứt, sẽ bắt con phải trả một giá rất đắt.
Khốn khổ thay! Con không thể hy vọng được yên ổn trong đời nếu con đã là cho mẹ con buồn phiền. Dù có hối hận, có cầu xin tha thứ, có sùng bái linh hồn của mẹ, tất cả cũng vô ích mà thôi. Lương tâm sẽ không để cho con được chút nào yên tĩnh đâu. Hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của mẹ con sẽ làm cho tâm hồn con như bị khổ hình. En-ri-cô, hãy nhớ rằng, tình thương yêu cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Vô phúc cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó!
Từ nay, không bao giờ con được thốt ra một lời nói nặng với mẹ con, và con phải xin lỗi mẹ, không phải vì sợ bố, mà do nhiệt tình thành khẩn của lòng con. Con hãy cầu xin mẹ hôn con, để cho cái hôn ấy xóa đi cái dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con. Bố rất yêu con, con ạ, con là niềm hi vọng tha thiết nhất của đời bố, như thà rằng bố phải thấy con chết đi, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ con. Thôi, và trong một thời gian con đừng hôn bố: bố sẽ không thể vui lòng đáp lại cái hôn của con được.
Bố của con.”