Những Tù Nhân Của Địa Lý – Tim Marshall

Bằng dẫn chứng khách quan, nhãn quan cá nhân dựa trên sự hiểu biết thấu suốt, thông qua hệ thống bản đồ địa lí rộng khắp năm châu, Tim Marshall đưa người đọc bước vào hành trình khám phá và trải nghiệm lịch sử – chính trị, truyền cảm hứng cho những bạn trẻ thích tìm hiểu về lịch sử phong phú của các quốc gia, dân tộc, và địa lí của thế giới!

Review Những tù nhân của địa lý (2)

Tim Marshall, một ký giả người Anh chuyên về những tin tức đối ngoại, đã viết nên một cuốn sách hấp dẫn về địa – chính trị. Nó hấp dẫn ngay từ tên sách: “Prisoners of Geography” – Những tù nhân của địa lý. Tù nhân ở đây không phải chỉ một cá nhân mà là một quốc gia, những kẻ luôn mắc kẹt trong không gian giới hạn của những đường biên giới quốc gia trên cả đất liền và biển cả.

“Địa lý vẫn luôn luôn là một loại nhà tù định nghĩa một quốc gia là gì, hoặc có thể là gì, và là một nhà tù mà các nhà lãnh đạo thế giới thường phải nỗ lực phải thoát ra.” . Những yếu tố địa lý về tự nhiên như vị trí địa lý, khí hậu, địa hình,… hay về xã hội như dân cư, văn hóa, tôn giáo – tín ngưỡng kinh tế,… trong một quốc gia, khu vực đều buộc các nhà lãnh đạo phải đưa ra những quyết định để bảo vệ lãnh thổ, gia tăng lợi ích quốc gia, và đôi khi còn là để thỏa mãn tham vọng bá chủ thế giới. Cuốn sách viết dễ hiểu, dễ hình dung với những tờ bản đồ khu vực có thể vừa đọc vừa đối chiếu

Cuốn sách gồm mười chương tương ứng với mười khu vực lớn trên thế giới: Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, Châu Âu, Châu Phi, Nhật Bản và Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan, Bắc Cực, Châu Mỹ Latin. Hơi tiếc một chút là Đông Nam Á là một khu vực có vị trí địa lý quan trọng, khá nhạy cảm nhưng không được tác giả nghiên cứu chi tiết mà chỉ nhắc đến như một mối quan tâm của Trung Quốc. Mỗi một khu vực đều có đều được mẹ thiên nhiên dành cho những ưu đãi và hạn chế. Nước Nga với nỗi lo âu về bình nguyên phía Tây và cảng nước ấm. Hoa Kỳ với lợi thế về địa lý cũng như kinh tế luôn tăng cường và củng cố sức mạnh của mình cũng như đề phòng “anh nhà giàu mới nổi” Trung Quốc. Sự khác nhau về tín ngưỡng, tôn giáo gây nên sự bất ổn cho khu vực Trung Đông giàu năng lượng. Sự phân chia lại ranh giới quốc gia sau khi nước Anh rút quân khỏi tiểu lục địa Ấn Độ đã tạo nên sự nghi kỵ bất hòa cho khu vực Ấn Độ – Pakistan mà bản chất là sự xung đột giữa người theo Hồi giáo và Hindu giáo….

Một số yếu tố địa chính trị lớn tác động đến quyết định của một quốc gia có thể kể đến như vấn đề biển đảo, quyền kiểm soát tuyến đường giao thông biển. Vấn đề di dân tự nhiên có thể trở thành công cụ nguy hiểm nhưng hiệu quả của những quốc gia có tham vọng bành trướng, như Nga, Trung Quốc. Và một vùng đệm giữa các quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến những quyết định về ngoại giao, kinh tế và quân sự. Ngoài ra, mâu thuẫn tôn giáo – tín ngưỡng đã và đang gây nên nhiều bất ổn và xung đột cho nhiều khu vực trên thế giới.

Tuy nhiên, một khu vực có vị trí địa lý quan trọng, khá nhạy cảm là Đông Nam Á nhưng không được tác giả nghiên cứu chi tiết mà chỉ nhắc đến như một mối quan tâm của Trung Quốc trong vấn đề mở rộng quyền lực của mình trên biển. Thêm vào đó, với hơn 400 trang sách và mười khu vực chỉ đủ để tác giả khái quát về tình hình chung của khu vực một cách đơn giản và dễ hiểu.

Về hình thức thì sách được làm bìa cứng, trông khá chắc chắn. Bìa đẹp. Chữ in to, khoảng cách chữ rộng dễ để đọc. Nhưng về cảm giác cầm trên tay khi đọc thì không thích bằng những ấn phẩm bìa mềm của Nhã Nam. Và sách cũng không có ruy băng để đánh dấu sách thường thấy ở những quyển bìa cứng.

Nhìn chung, “Những tù nhân của địa lý” là một cuốn sách đáng đọc để hiểu thêm về địa chính trị.

– Nguyen Diep Anh

Ông tổ của ngành nghiên cứu địa chính trị Việt Nam có lẽ là Nguyễn Trãi. Xưa xửa xừa xưa trước khi xuất hiện thuật ngữ “địa chính trị” cụ đã biên soạn cuốn “Dư địa chí” khái quát sơ lược về địa lý hành chính và tự nhiên của Việt Nam qua các thời kỳ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của địa lý, cụ viết “Quan hà bách nhị do thiên thiết” (dùng chữ của Tư Mã Thiên ý nói địa thế hiểm trở khiến hai người có thể chống được trăm người) và tóm tắt những yếu tố hình thành nên một quốc gia – dân tộc độc lập, có chủ quyền:

“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.”

Quay xe về thời hiện đại, địa chính trị là một khái niệm quen thuộc ngày nay, nhất là với ai quan tâm đến tin tức quốc tế. Nhưng địa chính trị là gì? “Những tù nhân của địa lý” mang đến kiến giải hay ho về tác động của các yếu tố địa lý đến sự phát triển về chính trị, xã hội, quân sự, con người, chính sách đối ngoại và vị thế của các quốc gia trên thế giới.

Vì sao Crimea ám ảnh nước Nga? Vì sao Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông? Vì sao Mỹ nhanh chóng trở thành một siêu cường? Vì sao châu Âu đói khát năng lượng? Vì sao Trung Đông mãi bất ổn? Tất cả những vấn đề này được Tim Marshall trình bày ngắn gọn và dễ hiểu.

Tác giả – một nhà báo kỳ cựu từng tác nghiệp tại tiền tuyến ở Balkan, Afghanistan và Syria – cho rằng cách duy nhất để thấu hiểu các quyết định, các sự kiện, những mâu thuẫn quốc tế và những cuộc nội chiến là xem xét đầy đủ những hy vọng, sợ hãi và định kiến do lịch sử và môi trường địa lý hình thành. Những dãy núi, con sông, bình nguyên, sa mạc chính là những “lá bài” mà thiên nhiên chia cho mỗi quốc gia, và chính những yếu tố địa lý này đã khiến các nhà cầm quyền phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ chính sách nào. Vị trí địa lý cũng khiến tham vọng bá chủ của một số quốc gia bị giới hạn. Theo luận điểm của Tim Marshall, nhân loại chính là “những tù nhân của địa lý”.

Cuốn sách chia làm 10 chương, mỗi chương chỉ khoảng trên dưới 40 trang kèm ít nhất 1 tấm bản đồ đơn giản minh họa cho luận điểm của tác giả. Ở mỗi chương tác giả đề cập đến một đất nước hoặc một khu vực cùng những đặc điểm địa lý cũng như tình hình chính trị mà các quốc gia ở đó đã, đang và sẽ đối mặt. Cuốn này như kiểu Địa chính trị đại cương hoặc là Địa chính trị nhập môn, lượng kiến thức kha khá nhưng chia nhỏ nên dễ theo dõi.

Bên cạnh yếu tố địa chính trị, Tim Marshall cũng đề cập đến các vấn đề bao gồm ý thức hệ, các xung đột tôn giáo – sắc tộc, tranh chấp tài nguyên hay âm mưu thao túng, xây dựng quyền lực cho quốc gia. Mặc dù Tim Marshall cho rằng địa lý là nhà tù không thể phá bỏ của một quốc gia, nhưng vẫn có những chiến lược “nới lỏng” nhà tù này bằng công nghệ, thương mại hoặc lợi dụng sắc tộc (di dân tự nhiên) để vươn tay ra khỏi biên giới.

Đây là một cuốn sách đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, bìa cứng chữ nổi, tuy nhiên văn phong dịch thuật có lẽ không thân thiện lắm khiến một số ý khó hiểu hoặc bị hiểu sai. Đọc bản gốc tiếng Anh chắc sẽ nuột nà hơn nhưng mình dốt tiếng Anh nên thôi bỏ qua.

– Hin Ngoan