Nín Đi Con – Lê Nguyễn Nhật Linh

“Nín đi con” là lời của một cô gái trẻ gửi những đứa con trong tương lai của mình. Ghi lại những vấp váp, trải nghiệm, cảm xúc tuổi trẻ của mình qua những từ khóa như một cuốn từ điển cảm xúc đặc biệt cho trái tim, “người mẹ trẻ” hi vọng, sau này trên đường đời con mình có thể lật mở cuốn từ điển, tìm đến từ khóa con cần, lặng lẽ vài khoảnh khắc, để vững bước.

Review Nín đi con

NÍN ĐI CON! CÓ MẸ Ở ĐÂY RỒI..
“Mẹ không sợ con không mở cửa phòng.
Mẹ chỉ sợ con không mở lòng, để nỗi buồn có khe hở – rời đi”
———————————————–
Lời mẹ muốn nói với con có khi đầy ắp vài trang giấy, có khi vỏn vẹn có một dòng, nhưng độ ngắn dài của câu chữ có là gì khi tất cả những gì mẹ muốn gửi gắm cho con chính là: mẹ yêu con. Vì yêu nên mẹ dặn dò, mẹ sợ con vấp ngã, đổ vỡ, tổn thương, mắc kẹt trong những rối rắm của cuộc đời. Mẹ mong con luôn dũng cảm đối diện với những khó khăn thử thách, nhưng những lúc lỡ con có yếu lòng, có vấp ngã hay bị đẩy xô bởi những xấu xa, tị nạnh, mẹ sẽ nhẹ nhàng giúp con gạt đi những dòng nước mắt nóng hổi và dịu dàng nói: “Nín đi con!”.

Mình tin rằng, cuốn tản văn này sẽ khiến tim bạn lỡ đi một nhịp.

Lê Nguyễn Nhật Linh sẽ không phải là cái tên xa lạ nếu bạn là người yêu Nhật Bản hay là một độc giả trung thành của nhãn sách Bão. Mình biết đến chị lần đầu tiên qua cuốn sách “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” rồi sau đó mê tít thò lò những trang viết của chị. Văn chị Linh nhẹ nhàng nhưng nồng nhiệt, giản dị nhưng đầy sức gợi; năng lượng ngập tràn từng trang sách rồi tỏa ra quấn lấy người đọc và ghì chặt họ vào từng trang một cho đến kì hết mới thôi. Mình không phải là một người thích đọc tản văn nhưng “Nín đi con!” thực sự là một ngoại lệ. Cuốn sách này như tâm sự, như yêu thương, thỏ thẻ, nhẹ nhàng. Người ta nói đây là một “cuốn từ điển cảm xúc đặc biệt cho trái tim” và mình đồng ý hoàn toàn. Mỗi chữ cái mở ra một vài từ ngữ, một vài định nghĩa đến từ cách nhìn nhận của người mẹ dưới con mắt của tình thương và cảm tình trìu mến dành cho đứa con mình. Mẹ giúp con hiểu thế nào là xấu xa, bắt nạt, buồn, buông bỏ… nhưng cũng giúp con tin vào bản lĩnh, sự tử tế, niềm hạnh phúc và những chân thành… Cuộc đời sẽ dạy con những gì cần dạy nhưng cách học, cách ứng xử lại hoàn toàn phụ thuộc vào con. “Nín đi con!” vì dẫu đôi khi giông bão, con vẫn có thể vượt qua bởi niềm tin của chính mình và bởi sự hiện diện của những người tốt quanh con.

Tuy “Nín đi con!” không phải là một cuốn sách hoàn hảo bởi câu chữ đôi lúc hơi lòng vòng và đôi khi bị lặp, lỗi chính tả vẫn còn trong quá trình biên tập, mình vẫn rất trân trọng cuốn sách này và trân trọng những suy tư của tác giả – chị viết nó khi chị chỉ có hai mươi hai tuổi và là một cô gái “chưa làm mẹ”. Bạn chưa có con? Bạn đọc để chắt lọc, để suy nghĩ, để hồi tưởng về những năm tháng đã qua, về những lát cắt nhỏ trong câu chuyện đời mình mà câu chữ vô tình làm sống lại rồi cố gắng sống tốt cho hiện tại. Bạn đã có con? Bạn đọc để thêm cho mình một góc nhìn mới, để có thể sẻ chia thêm cho con những gì chưa chia sẻ, để bổ sung cho con những “múi” nhỏ trong quả ngọt to lớn của cuộc đời.

Có nhiều ý kiến trái chiều sau khi cuốn sách này được xuất bản, bởi một vài độc – giả – là – phụ – huynh lo lắng rằng chị Linh đang “vẽ đường cho hưu chạy” khi khuyến khích “con” đi bar, hay con gái thì nên học uống rượu, … Nhưng thực ra, nếu đọc kỹ và ngẫm sâu, thì theo mình, những lời khuyên đó là hoàn toàn rất hợp lý và đạt tình. Đó là cách để “phá vỡ khoảng cách thế hệ trong mỗi gia đình” mà như chị đã viết ngay từ khi bắt đầu. Bởi xã hội hiện đại, “con” cũng sẽ đứng trước nhiều cám dỗ và những phép – thử – cuộc – đời, con nên trải nghiệm những điều đó để thấy, để nghe, để biết và nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống, từ đó có riêng cho mình những bài học mà sách vở hẳn sẽ không thể nào dạy đủ.

“Đọc một cuốn sách, giống như mở một cánh cửa sổ. Đọc sách nhiều, như sống trong ngôi nhà có nhiều cửa sổ, mở thoáng. Bất cứ lúc nào ngột ngạt chỉ cần đẩy cửa ra. Tâm hồn sẽ như một bãi biển căng vút gió”.

Mà mình, thì luôn mong mỏi, tâm hồn bạn luôn mở bung như lá và xanh ngát hoa, sau mỗi lần đọc sách.

– Mỹ Trang Trần

Trích dẫn Nín đi con

“An nhiên là cảm giác như những khung cửa sổ hiền lành, bên gió và nắng, ngày qua ngày.”

“Mọi sự ảo tưởng đều rất đáng thương. Những lầm lẫn, hiểu sai cũng từ dó, mà khiến bung vụ, mục nhũn các mối quan hệ. Thừa hoặc thiếu tự tin, đều dễ dãi ảo tưởng. Vừa đủ niềm tin, để sau này không phải tự thương hại mình, con ạ.”

“Phụ nữ tham vọng thừa bản lĩnh nhưng thiếu sự bình yên của đàn bà an phận.

Núi càng lên cao, càng lạnh.”

“Con ạ!

Đối với không ít người, bar, pub, club… là những nơi không nên tới, dù họ cũng có, không cạn thì đầy, sự tò mò. Con người, đôi khi cứ dễ dãi đánh giá nhau dựa trên những chuẩn mực cũng chẳng biết có chuẩn mực thực không. “Chỉ có những kẻ thiếu đứng đắn, chơi bời, thậm tệ là hỏng hư, dư thừa thời gian, tiền bạc… mới đi bar” ư?

Vậy có ngược đời không, khi mẹ thật lòng khuyên con nên đi bar một lần. Con sẽ nhìn thấy nhiều điều, nghe nhiều chuyện, vỡ ra nhiều giá trị, rồi biết nhiều hơn. Từ biết, mẹ hy vọng con tự hiểu được nhiều vấn đề hơn nữa.

Đi bar để giật mình vì sự đối lập. Rằng trên đời tồn tại những thứ ánh sáng khác hẳn nhau, ánh sáng của chùm đèn nháy xanh nhánh đỏ quay cuồng cùng tiếng nhạc lúc lùng bùng khi chát chúa dội vào tai và những cốc rượu lắc đá. Thứ ánh sáng đó khác đến bất ngờ với thứ ánh sáng bước ra khỏi bar vào lúc 12 giờ đêm, 1 giờ sáng. là ánh sáng dưới gầm cầu, khi chợ đầu mối bắt đầu hoạt động, có những con người không dám ngủ, để kịp một chuyến xe chở hàng đi cho vừa vặn trời sáng từng mảng. Từng thùng xốp hoa quả chất lên xe cứ thơm ngọt giữa gió, còn lòng người cứ ngang ngổn âu lo.

[…] Làm sao con nhìn thấy những cuộc đời đó khi đêm buông con vùi mình trong chăn, ngập trong giấc ngủ trọn vẹn, không dang dở? Đời vẫn là đời, bất kể, ngày hay đêm.”

“Bi kịch là thứ không ai muốn gặp, càng không muốn thừa nhân. nếu bi kịch là một phần của cuộc đời, vậy thì hãy bất chấp nó và sống cho trọn vẹn phần còn lại.”

“Dù có lúc con làm sai và bị mẹ mắng giận. Thì mong con nhớ, đó vẫn luôn là yêu thương. Và chỉ vì yêu thương. Sự nóng dữ, là nhất thời thôi. Một lúc nào đó, xin hãy hiểu, mẹ không nuông chiều con, mà là mẹ nâng niu con. Mẹ không nghiêm khắc, nhưng mẹ sẽ dạy con một cách nghiêm túc. Mẹ sẽ không đề cao con, dù mẹ tự hào đến mấy đi nữa, mẹ chỉ cổ vũ và tôn trọng con.

Mẹ không phải là một bà mẹ hoàn hảo. Trên đời, không có bà mẹ nào tuyệt đối hoàn hảo. Nhưng tình cảm dành cho con cái là thứ không bao giờ sứt mẻ. Và nguyên khối chân thành. Chúng ta đều là con người, sẽ có chỗ chưa tốt, có điểm còn thiếu, có khi bị sai, có lần nhầm lẫn… Rồi để hiểu, để yêu, để chia sẻ và bên cạnh nhau. Đi ngang dọc năm cùng tháng tận. Suốt cuộc đời.”