Nỗi Buồn Chiến Tranh – Bảo Ninh

Lần cập nhật gần nhất December 17th, 2020 – 01:25 pm

Nếu như trước đây, chiến tranh thường được tái hiện từ cái nhìn của cộng đồng, con người thường được khai thác từ phương diện xã hội, được nhìn từ góc độ của cái đẹp, cái anh hùng, và kết cấu tiểu thuyết thường được xây dựng theo chiều tuyến tính, thì đến Nỗi buồn chiến tranh, người ta bắt gặp một lối viết hoàn toàn mới: Cá nhân hoá hư cấu, xây dựng nhân vật trên phương diện tâm lý cá nhân, tái hiện cuộc chiến từ góc độ chủ yếu là bi kịch, với kết cấu tiểu thuyết theo mô hình dòng ý thức, tiểu thuyết ở bên trong tiểu thuyết.

Review Nỗi buồn chiến tranh (3)

Đọc đi, đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, nó còn cho các bạn thấy mình may mắn đến mức nào!!!

“Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát. Nghĩa là buồn, là nhớ, là niềm đau êm dịu có thể là cho người ta bay bổng lên trong thời gian quá khứ, tuy nhiên với điều kiện không được dừng lại ở cụ thể một điểm nào, một sự việc nào, một con người nào, bởi vì khi dừng mắt lại thì không còn là nỗi buồn nữa mà là sự xe đau trong lòng và nhất là đưng có nhớ chạm vào cái chết” – (p110)

Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” – năm 1987 của Bảo Ninh là một tác phẩm có số phận đặc biệt, ngay từ khi mới ra đời và lập tức gây “bão” trên văn đàn Việt Nam ở đủ mọi khía cạnh khác nhau; là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Việt Nam được đưa vào vòng đề cử Giải Nobel Văn học; đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng…

“Nỗi buồn chiến tranh” không phải là những trận chiến hào hùng, không phải là từn đoàn quân đi lớp lớp, không phải là “dù cách xa hai ngả đường chiến dịch ta vẫn hẹn cùng chung một ánh trăng ngần”… “Nỗi buồn chiến tranh” là sự tàn khốc, bi thảm, là chết chóc, đau thương, là nỗi ám ảnh đớn đau của người lính sống sót trở về sau chiến tranh khi các đồng chí của họ nằm lại nơi rừng thiêng nước độc; là tình yêu dang dở của lứa đôi…

Tôi đã ám ảnh rất lâu khi đọc xong tác phẩm này, ám ảnh về những trận đánh, những cái chết đến bất ngờ, những xác chết trương phình, tím ngắt; những vết thương có dòi của các đồng chí thương binh; là hình ảnh người – vượn, mà người lính đã bắn nhầm: “khi ngã ra, cạo sạch bộ lông thì hóa ra: con vật hiện nguyên hình là một mụ đàn bà béo xệ, da sần lở, nửa xám, nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược; một loài hoa ưa hút máu người tử trận nên hoa rất thơm ….

Chúng ta đã phải trả cho hoà bình một cái giá quá đắt. “Nỗi buồn chiến tranh” đã cho tôi thấy, cái giá đắt của hoà bình mà chúng ta phải trả bên cạnh những vật chất hiện hữu là những nỗi đau da diết, tận cùng. Cái giá của những cơn đau vật vã lúc trái gió trở trời của người lính trở về sau cuộc chiến; của nỗi đau khi họ nhìn những thế hệ thứ 2, thứ 3 của mình người không ra người vì di chứng của chất độc da cam; nỗi ám ảnh về cái chết đau đớn của đồng đội ngay trước mắt mình, cả những nỗi đau khi họ biết rằng, họ đã hy sinh thật nhiều để đổi lấy hoà bình mà những con người sinh ra đã hưởng ngay hoà bình với thái độ rất vô ơn…

Tôi chỉ muốn nói rằng (không phải khầu hiệu đâu), các bạn trẻ ạ, các bạn cứ xinh đẹp, học hành, yêu đương; hãy cứ “Nghĩ giàu làm giàu”; cứ “Mặc kệ nó, làm tới đi”…. Nhưng đừng bao giờ quên ông cha mình đã phải trả những gì để đồi lại hoà bình. Hằng năm, hãy dành chút thời gian, tình cảm, bằng cách nào đó thể hiện lòng biết ơn với những người thương binh, liệt sỹ, với những gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến tranh … họ đáng được biết ơn nhiều hơn thế.

“Nỗi buồn chiến tranh” với tôi là để lắng lòng mình lại, biết ơn sâu sắc những gì mình đang có, trân trọng những con người đã không tiếc thân mình cho ngày hôm nay.

– Trà Mốc

“- Mãi mãi chúng mình sẽ không rời xa nhau chứ Kiên?
– Ừ
– Và khi chết cũng chết bên nhau nhé! – Thầm thì Phương rủ rê.

– Nhưng sao lại chết? Chiến tranh: Từ nay mới thật là sống!
– Thật là sống à… Có lẽ thế. Nhưng chỉ sợ chúng mình sẽ không kịp sống và yêu… Không kịp, đã mất hết!”

“Nhưng chỉ sợ chúng mình sẽ không kịp sống và yêu”, có ai chết đâu, nhưng tình yêu đó, tình yêu giữa Phương và Kiên chỉ mãi mãi nằm trong ký ức để họ nhớ về nhau.Tình yêu đau đớn nhất có lẽ là yêu mà không đến được với nhau. Nhưng một khi đến được với nhau rồi liệu tình yêu có còn đẹp nữa hay không?

“… Hai đứa mình, Kiên ơi… Có thể đến khi chết đi vẫn còn trong trắng… Vậy mà chúng mình yêu nhau biết là ngần nào…”

Tuổi trẻ! Họ đã yêu nhau như thế! Trắng trong, ngây ngô và sâu đậm.

Chiến tranh mang đến tang thương và giết chóc. Chiến tranh làm rạn nứt tình yêu. Chiến tranh vốn dĩ ác nghiệt và mãi mãi ác nghiệt. Chiến tranh diễn ra, Kiên phải lên đường phụng sự tổ quốc, bỏ lại sau lưng niềm yêu non trẻ với Phương, người con gái của mình. Chiến tranh khiến một cô gái cá tính như Phương bị vùi dập và mất đi hạnh phúc với người mình yêu. Sống sai thời điểm đã làm cuộc đời con người ta trở nên phiền muộn và u tối. Chiến tranh mãi mãi là nỗi buồn cho dù là chiến thắng hay chiến bại.

Bảo Ninh viết về chiến tranh không hoàn toàn là tính chất anh hùng cách mạng như “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, không vẽ nên một bức tranh chiến tranh trọn đầy oanh liệt như “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi,… Chiến tranh trong văn Bảo Ninh vừa bi tráng hào hùng, vừa bi lụy đau thương. Cảnh sống khốn khổ, lắm đau thương và chết chóc dường như đã ám ảnh nhà văn này. Và trong văn ông, chiến tranh được vẽ nên một cách chân thực, không giấu giếm và che đậy. Đó là cảnh sống và sinh hoạt của những chàng trai mười chín đôi mươi chờ giờ ra trận, cờ bạc, ma túy cho quên tháng ngày. Ma túy chẳng gì khác hơn là sợi hồng ma cho quên đi cái chết cận kề. Đó là những chàng thanh niên mới lớn, chưa một lần biết đến mùi yêu, hàng đêm lần lượt kéo nhau xuống “khu trang trại gia tăng của huyện đội 67” với mỗi ba cô gái đang sống và chờ đợi từng đêm, chờ đợi bước chân người lai vãng. Bảo Ninh viết mà mỗi khi đọc tôi xốn xang và suy nghĩ rất nhiều: “Biết hết, và vì thế, lý ra là chỉ huy, anh cần ngăn chặn hiện tượng vô kỷ luật quá quẩn này, cần phải, nhưng người ta thường nói, uốn nắn, chấn chỉnh, lập lại nề nếp khuôn khổ, đạo đức tác phong, cần phải thẳng tay kéo đội viên của mình thoát khỏi tình trạng mê mẩn chẳng khác nào bị chài ếm, cần phải… Song trái tim, trái tim của anh, trái tim thực thụ của người lính chiến không đời nào cho phép anh ra tay hành động như vậy. Không những nó năn nỉ anh mà trái tim anh buộc anh phải im lặng, buộc anh phải hết lòng cảm thông. Chứ còn biết làm thế nào khác được, thực thể tiếng gọi man sơ, hoang dã ấy của tuổi thanh xuân?”. Đó là nỗi ám ảnh trước những cái chết của đồng đội và kẻ thù. Cái chết của Thịnh “con”, của Quảng, của Can (người đồng đội bỏ trốn đáng thương của anh),..; cái chết của những thằng lính Mỹ, có lần anh vì muốn cứu một lính Mỹ mà bỏ chạy đi tìm dụng cụ cứu thương, đến khi đến nơi, người lính kia đã bị nước mưa nhấn chìm dưới hố sâu. Rồi lần lượt lần lượt cái chết của những người xung quanh Kiên kéo đến, bám riết trong tâm trí của anh. Có cả những tiếng cười thảm thiết, man rợ của những người đồng đội hóa điên của mình… Miêu tả bằng giọng văn chân thực, nhưng chiến tranh trong văn của Bảo Ninh luôn hừng hực tính sử thi (cho tôi được dùng từ hừng hực bởi như thế mới diễn tả được những gì tôi muốn nói). Chiến tranh và chết chóc khiến con người ta trở nên trầm lặng và ít nói, làm con người ta sợ hồi nhớ về quá khứ. Bỗng, tôi nhớ đến diễn biến tâm trạng của chàng trai Cozak Grigori trong tác phẩm “Sông Đông êm đềm” của Sholokhov. Trong chiến tranh, Grigori cũng có nhiều nỗi trăn trở, ám ảnh về máu thịt, giết chóc và cái chết.

“Nỗi buồn chiến tranh” miêu tả chân thực cuộc sống bị “sốc” của những con người từ giả chiến trường trở về cuộc sống đời thường. Họ, những chàng lính anh dũng trên chiến trận, còn lại gì khi đất nước đã hòa bình? Phải chăng, họ còn lại là nỗi buồn, mất mát, ám ảnh và đang loay hoay trong cái gọi là hòa nhập, là sống lại với hòa bình? Kiên sau khi trở về Hà Nội, anh đã viết, viết để kể, được hồi ức, để tránh những nỗi ám ảnh, nỗi cô độc, nỗi buồn trong chính con người mình về tình yêu, về chiến tranh. Có ai đó đã nói “Cách tốt nhất để né tránh nỗi đau là đối diện trực tiếp với nó”. Phương đã rời xa anh, còn lại một mình anh chỉ biết viết mà thôi.

Sau tất cả, điều đẹp nhất của “Nỗi buồn chiến tranh”, với tôi, đó chính là kí ức, kỉ niệm đẹp về tình yêu, về những rung động đầu đời, cho dù sau này có yêu bao nhiêu người đi nữa, cũng không thể nào lấy lại được cảm giác ấy. Cảm giác rạo rực, say đắm nhưng hoang mang, sợ sệt. Đó là những hoài niệm về những điều đã xa, trôi vào ký ức nhưng mãi mãi, mãi mãi không bao giờ biến mất…

– Thuy Duy Nguyen

Nỗi buồn chiến tranh – Nỗi buồn của khát vọng bị tước đoạt

Bảo Ninh (tên thật là Hoàng Ấu Phương) đã từng có khoảng thời gian tham gia quân ngũ trong giai đoạn cuộc chiến tranh ác liệt giữa Việt Nam và Mỹ đã dần đi đến hồi kết, và vì thế, ở ông có sự từng trải sâu sắc. Sự từng trải này được thể hiện rất đậm nét trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh vang danh một thời. Được xuất bản lần đầu ở Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vào năm 1990, Nỗi buồn chiến tranh lúc ấy có nhan đề là Thân phận của tình yêu. Sau này, tác phẩm được dịch sang tiếng Anh và trở thành một trong số ít tác phẩm nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở phương Tây. Nỗi buồn chiến tranh với kiểu “rượu cũ bình mới” đã góp phần nâng tên tuổi Bảo Ninh lên một vị trí cao trong văn đàn khi khai thác đời sống tinh thần con người. Dù cũng cùng đề tài người lính nhưng khác với các tác phẩm sử thi trước đó, Nỗi buồn chiến tranh lại miêu tả chiến tranh từ góc độ cá nhân, thân phận con người, đào sâu vào những nỗi niềm riêng tây thầm kín, đề cập đến những khía cạnh bị xem là cấm kỵ thuở trước. Do đó, có một thời gian, Nỗi buồn chiến tranh đã tạo ra một cuộc tranh cãi trong dư luận, nhưng cuối cùng, tác phẩm vẫn có được lượng độc giả đông đảo.

Nỗi buồn chiến tranh là dòng hồi ức của nhân vật Kiên từ lúc anh chỉ mới là chàng thanh niên tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, mong ước dấn thân vào chiến trường miền Nam cho đến hiện tại, sau khi anh giải ngũ và trở thành một nhà văn. Kiên có một mối tình với Phương – người bạn thân thiết ở trường Bưởi, nhưng với lý tưởng của mình, anh quyết định bỏ lại tất cả. Anh nhập ngũ và trở thành lính trinh sát bộ binh B3 của tiểu đoàn 27. Trong quãng thời gian ấy, chiến tranh đã bào mòn lý tưởng và nhân tính của Kiên từng chút một khi anh chứng kiến quá nhiều cái chết đau thương, của cả đồng đội, của cả quân thù và của cả những người do chính tay anh giết chết. Chiến tranh cũng đã “cướp mất” Phương, cướp mất bản chất ban đầu của một mối tình trong sáng, tạo ra khoảng trống quá lớn giữa hai người. Vì thế sau chiến tranh, những tưởng Kiên sẽ có một tương lai tươi sáng khi là người may mắn sống sót, những tưởng Kiên sẽ có một cuộc đoàn tụ hạnh phúc với người anh hằng đêm nhung nhớ nhưng hóa ra, mọi thứ đều tan vỡ. Kiên bước ra khỏi cuộc chiến, hòa bình nhưng trong tâm trí anh không hề có sự bình yên thanh thản. Anh lao vào tìm quên trong những cơn say và tìm quên trong những trang bản thảo dày đặc vào những đêm mất ngủ. Vì tác phẩm là dòng hồi tưởng ngẫu nhiên đan xen lúc hiện tại, lúc quá khứ của Kiên nên cốt truyện không theo trật tự thời gian tuyến tính, “trang nào cũng hầu như là trang đầu, trang nào cũng có vẻ là trang cuối”. Các sự kiện như bị tan ra thành những mảnh vỡ phức tạp và vì thế, cốt truyện là một bức tranh lắp ghép, phân mảnh, mà các mảnh ghép đó lại bị đảo lộn, bị lật nhào toàn bộ thứ tự, bị tách ra khỏi vị trí ban đầu. Chẳng hạn biến cố với Kiên và Phương trong hành trình đuổi theo chuyến tàu đi B dài được kể lại đến một nửa, sau đó hàng loạt biến cố khác xen vào giữa, rồi cuối cùng mới kể nốt câu chuyện còn đương dang dở. Cứ như thế, từng câu chuyện không có quan hệ nhân quả gì với nhau lại được xếp cạnh nhau, tạo nên sự phức tạp, đứt gãy và chuyển đổi nhanh chóng.

Trước năm 1975, vì hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, văn học mang trong mình âm hưởng sử thi và “thiêng hóa” hình ảnh người lính: những anh Vệ quốc quân mặc áo xanh màu lá cây, tay cầm súng, can trường, oai phong, uy nghiêm; họ luôn trong trạng thái khắc kỷ, đặt lý tưởng cao hơn hết thảy, dám dấn thân và sẵn sàng chết vì Tổ quốc. Chính vì bút pháp lý tưởng hóa ấy, người lính trở thành những bậc thánh nhân, những anh hùng thời đại, hoàn toàn gạt bỏ mọi dấu vết của những gì thuộc về cá nhân, mà bản năng lại càng là điều cấm kỵ. Thế nhưng, sau chiến thắng khải hoàn vang dội, trong tinh thần đổi mới, văn học đã dần rũ bỏ lớp vỏ hoa mỹ, nới rộng nhãn quang và mang khuynh hướng “giải thiêng”. Nói như Nguyễn Minh Châu thì: “Chúng ta đang sống trong cái thời những người anh hùng và các đức thánh đang phấn đấu để trở thành những người bình thường giữa cõi đời.” Chính vì thế, tình yêu và yếu tố tính dục trở thành một đề tài nóng bỏng, một hướng khám phá mới mẻ, thú vị của các nhà văn. Các tiểu thuyết thời kỳ Đổi mới cũng thường xuyên dung chứa yếu tố tình cảm – tính dục này như Thời xa vắng (Lê Lựu), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) v.v. Qua lăng kính ấy, con người được soi chiếu một cách toàn vẹn và nguyên bản hơn, có chất “người” hơn.
Trong Nỗi buồn chiến tranh, yếu tố tình cảm – tính dục trước hết thể hiện khát vọng tình yêu từ trong sâu thẳm con người. Đứng trước những xung lực trong đời sống như định kiến và chiến tranh, nhu cầu tính dục cũng chính là một loại nhu cầu cao đẹp: nhu cầu được hạnh phúc. Lần tiếp xúc thân mật dưới hầm giữa Kiên và Hạnh là một ví dụ cho điều này. Hạnh là một cô gái độc thân xinh đẹp trong xóm. Nhưng chính vì sự xinh đẹp ấy, chị bị gán cho cái định kiến là loại gái lẳng lơ, là “con ma chài” chuyên dụ dỗ đàn ông. Thế nhưng đối với Kiên, Hạnh là người hàng xóm bình thường như bao người hàng xóm khác, chị vẫn rất vui vẻ, cởi mở với Kiên và anh là người duy nhất ở khu chung cư không nhìn nhận chị với những định kiến thâm căn cố đế. Thuở ấy, chiến tranh đã ngấp nghé, Hạnh nhờ Kiên sang nhà mình để đào hộ một cái hầm cá nhân phòng khi có còi báo động. Trong ánh đèn dầu khi tỏ khi mờ và trong một tình huống gần gũi, Kiên đã nảy sinh cảm giác với Hạnh. Và với cách thay đổi xưng hô cùng lời thì thầm: “Mình cần nói với Kiên điều này”, chị cũng thể hiện thái độ nương theo. Dù sau đó vẫn không có chuyện vượt quá giới hạn, dù cả hai vì ngại ngùng nên dần trở nên xa cách, nhưng chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy thôi, bản năng lên tiếng đã bộc lộ bao nỗi khát khao tình yêu của cả Kiên và Hạnh. Hay một ví dụ tiêu biểu khác là lần Kiên và Phương cùng nhau trốn mít tinh để đi tắm Hồ Tây. Có thể nói, ngoài Kiên, Phương là một nhân vật luôn gắn với yếu tố tính dục. Trong buổi chiều tối hôm đó, Phương đã chủ động muốn trao tất cả cho Kiên bởi cô đã linh cảm được tương lai chỉ toàn là “sự đổ nát, sự thiêu hủy”. Chính lúc đứng trước xung lực dữ dội của cuộc sống, chính lúc đứng trước chiến tranh, chính lúc cái chết đang treo lơ lửng trên đầu, khao khát được hiến dâng cho nhau trọn vẹn của Phương đã nói lên tất cả: việc con người tìm đến bản năng tính dục cũng chính là một dạng diễn ngôn cho nỗi khắc khoải hạnh phúc.

Bên cạnh đó, yếu tố tính dục còn phản ánh sự thiếu thốn khi bị ức chế, tước đoạt những nhu cầu hạnh phúc tự nhiên nhất của bản năng con người; đồng thời cũng phản ánh những ám ảnh, những tổn thương, những khắc nghiệt trong đời sống. Bước vào cuộc chiến ác liệt, Kiên và đồng đội, hay nói rộng hơn là những người lính, thèm khát biết bao những giây phút ngọt ngào, dù chỉ là hư ảo, nhưng họ vẫn khao khát được nhập thân, được đắm chìm, được đê mê trong làn khói hồng ma để say sưa mơ màng về những thời khắc tuyệt đẹp. Và trong cơn mê hồng ma ấy, Kiên mơ thấy Hà Nội với “hàng phượng vĩ ven hồ, tiếng ve sầu ran lên khi hoàng hôn xuống”, mơ thấy Phương “đang cùng ở trên thuyền thoi với anh, tóc vờn trước gió, trẻ trung xinh đẹp, không một nét sầu thương.” Chợt nhớ đến đôi câu trong bài thơ Tây Tiến (1948) của Quang Dũng:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

giấc mơ đê mê trong khói hồng ma của Kiên thật ứng với hai câu thơ này, đều là những mộng tưởng về điều không thể có được bởi chiến tranh đã tước đoạt hết thảy. Chiến tranh không chỉ ức chế tình cảm mà còn tước đoạt nhu cầu bản năng (về tình yêu và tình dục) của con người theo cách dã man, tàn nhẫn nhất. Đọc Nỗi buồn chiến tranh, độc giả mấy ai quên được chuyện tình bí mật của đội trinh sát (với Kiên là trung đội trưởng) và ba cô gái Hơ-bia, Mây, Thơm bị bỏ lại ở thung lũng bên kia Truông Gọi Hồn. Trong chiến tranh, con người vốn đã thiếu thốn và mong mỏi được thỏa mãn nhu cầu yêu đương vốn rất bình thường, vậy mà chiến tranh lại chẳng buông tha. Với khuôn mặt gớm guốc và những móng vuốt của nó, chiến tranh (mà bảy tên lính viễn thám là đại diện) đã tước mất đi hạnh phúc hiếm hoi đó của đội trinh sát. Nhưng đau đớn nhất vẫn là Phương, người phụ nữ đáng thương đã bị chiến tranh vùi dập. Hành trình đưa tiễn Kiên đi B dài đã xảy ra một biến cố hết sức kinh hoàng và quan trọng, để rồi từ sau biến cố ấy, cả Phương lẫn Kiên đều không thể quay trở về đời sống như bình thường được nữa. Chuyến tàu ấy chẳng may bị oanh tạc ở Thanh Hóa. Trong khung cảnh hoảng loạn bom rơi máu chảy, Phương đã bị những kẻ xa lạ cưỡng hiếp. Với nỗi đau đớn và mặc cảm thất thân, Phương chẳng dám, cũng chẳng thể đến với Kiên như trước. Sự ngọt ngào của đời sống đã bị “tiếng huýt gió của chiến tranh” vùi dập vĩnh viễn. Bước ra khỏi chiến tranh với những “vết thương” chằn chịt về thể xác lẫn tinh thần, Phương trở thành nàng ca kỹ. Bản năng tính dục lúc này chính là một phương thức biểu hiện cho một đời sống tâm lý bất bình thường với những ám ảnh, những dồn nén tiềm tàng trong vô thức con người. Buông lơi bản thân trong những cuộc vui tình ái dường như là cách để Phương lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Bởi vì chiến tranh mà “những người tình tuyệt vời” như Phương (và cả Kiên) trở thành “những con người cô độc vĩnh viễn, chẳng những đã mất lứa đôi mà còn mất đi khả năng yêu đương, và bởi những ám ảnh mà trở nên suy đồi theo cái cách của họ.” Trong chiến tranh hay sau chiến tranh, con người luôn bị tước đoạt những nhu cầu chính đáng và vĩnh viễn mất đi khả năng yêu thương bình thường. Như vậy, yếu tố tính dục chính là tín hiệu cho một đời sống bất ổn bởi ảnh hưởng của chiến tranh.

Tiểu thuyết về chiến tranh kể từ sau 1986 hầu như đều đề cập đến khía cạnh bản năng tình yêu – tình dục. Thế nhưng, với cách khai thác không hề tầm thường hóa, con người không còn “vầng hào quang” lại hiện lên hết sức chân thật, tự nhiên. Việc khám phá những góc khuất này một mặt thể hiện cách tân mới của tiểu thuyết, mặt khác đặt ra cho nhân loại một vấn đề đáng suy tư: số phận con người thời loạn. Rõ ràng mưa bom bão đạn nếu không giết chết được con người thì cũng từ từ gặm nhấm thể xác và tâm hồn họ. Dù cho chính nghĩa đã thắng nhưng cuối cùng, bạo lực phi nhân tính cũng chiến thắng. Chiến tranh để lại những gì ngoài những nỗi buồn triền miên, dai dẳng trong tâm hồn những người lính may mắn sống sót? “Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành, đau khổ sẽ hóa thạch, nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn”, một nỗi buồn của những khát vọng chính đáng bị tước đoạt tàn nhẫn.

 – Trần Thị Mai Thy

Trích dẫn Nỗi buồn chiến tranh

“Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đai, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người! Anh đã hoàn toàn không có cơ may thoát khỏi sự hư hại của tâm hồn thì đồng đội trẻ tuổi của anh phải thoát khỏi sự hư hại của tâm hồn, phải vượt ra khỏi sự ràng buộc và câu thúc của thói thường mà hưởng lấy những giọt cuối cùng còn sót lại của tình người. Để đến ngày mai thì chẳng còn gì.

[…] Có lẽ bởi vì bấy giờ là thời buổi chiến tranh thời buổi ngược đời, cho nên những chuyện được coi như là lớn lao, những mối nguy to tát đều là sự thường nhật, còn những gì nhỏ nhoi, cỏn con nhưng niềm vui nỗi buồn hằng ngày của kiếp người thì lại rất trái lẽ và họa hoằn lắm, hãn hữu lắm mới có nổi. Hãn hữu tới độ chúng trở nên gần như điềm gở. Mà quả thực thế.”

“Nhưng chúng tôi còn có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi trong cảnh chém giết triền miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, những đầu lê, những ám ảnh bạo lực và bạo hành, để bước trở lại con đường riêng của mỗi cuộc đời, những cuộc đời có lẽ chẳng sung sướng gì và cũng đầy tội lỗi, nhưng vẫn là cuộc đời đẹp đẽ nhất mà chúng tôi có thể hi vọng, bởi vì đấy là đời sống hòa bình.”

“Núi vẫn thế, rừng vẫn thế, suối sông cũng vẫn thế thôi, bở có là bao một năm trời. Chỉ có điều hồi đó đang chiến tranh còn bây giờ trái lại, đã hòa bình rồi. Cùng là một trang cuộc đời nhưng mà là hai thế giới, hai thời đại…”

“Ở đời có những chuyện khi cần biết thì ta không biết, không hiểu. Khi biết được, hiểu được thì đã chẳng còn để làm gì nữa. tuy thế biết được thì vẫn hơn là không.”