Nội Tình Sau Hôn Nhân – Janis Abrahms Spring, Michael Spring

Dù bạn là người bị tổn thương hay người gây ra tổn thương cho người còn lại trong mối quan hệ hôn nhân thì chúng ta cũng phải nhìn nhận rõ vấn đề, có thể việc này sẽ không vãn hồi được cuộc hôn nhân này nhưng sẽ giúp bạn hiểu hơn về những gì chúng ta đã trải qua trong hôn nhân và trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân mình.

Review Nội tình sau hôn nhân (2)

NỘI TÌNH SAU HÔN NHÂN: GẮN BÓ HOẶC TỰ DO

Đây là cuốn sách dành tặng những cô gái đã từng bị phản bội, từng kết thúc mối quan hệ vì chuyện ngoại tình, những người đang khổ sở vượt qua giai đoạn khó khăn này, những cô gái muốn hiểu tại sao hôn nhân tan vỡ và họ nên chấp nhận những điều gì về trách nhiệm của mình cho những chuyện đã xảy ra.

Liệu sau ngoại tình, hôn nhân còn có thể cứu vãn được không?

Rất nhiều người phụ nữ giải quyết chuyện chồng ngoại tình bằng việc tìm tiểu tam xả giận. Nhưng đây hoàn toàn không phải là một cách xử lý khôn ngoan. Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn biết làm sao để vực dậy sau nỗi đau bị phản bội, và cách làm sao để hai vợ chồng hiểu rõ nhau hơn, hàn gắn vết thương sau khi một người đã ngoại tình.

Điều đầu tiên, sau khi chuyện ngoại tình bị phanh phui, người bị phản bội dường như rơi vào hố tuyệt vọng sâu thăm thẳm, không tin một người đã từng tử tế như vậy lại có thể phản bội mình. Ban đầu là buồn bã, hoang mang tìm câu trả lời cho sự hoang đường ấy. Nhưng sau một thời gian, họ bắt đầu quy hết lỗi về bản thân, nghi ngờ bản thân, cảm thấy có phải là do mình không đủ tốt, rằng mọi chuyện đều do mình gây ra. Họ cáu kỉnh hơn, h.u.n.g dữ hơn, hay ném đồ đạc. Lúc nào cũng cố gắng thật bận rộn, không dám nghỉ ngơi, vì sợ cảm xúc cô độc kia sẽ nuốt chửng chín họ.

Có phải những người bị phản bội đều từng cư xử như vậy với bản thân khi mới bước ra từ một cuộc tình dối lừa?

Nhưng theo Janis Abrahms Spring và Michael Spring, đây đều là những hành động không có lợi cho bản thân. Vì vậy, chuyện chữa lành, bước đầu tiên là hãy cho bản thân một khoảng thời gian để trút bỏ mọi cảm xúc, sau đó hãy bình tâm lại cảm xúc và làm “người bình thường” để tiếp tục bước tiếp.

Thứ hai. đối thoại với chính mình và cải thiện bản thân

Sau khi xử lý cảm xúc, điều nên làm tiếp theo là nói chuyện với đối phương, nói cho ra vấn đề của sự phản bội kia là gì. Nhiều người đàn ông ngoại tình chỉ vì không yêu vợ, hoặc do anh ta không được thỏa mãn một số nhu cầu về tình dục hoặc tinh thần.

Bình thường, đàn ông nếu cảm thấy chán trong hôn nhân thường sẽ tâm sự với bạn bè hoặc người lạ, chẳng bao giờ kể với vợ. Bạn biết vì sao không? Không phải vì họ thấy xấu hổ mà vì bạn là “vợ” của anh ta. Thường đàn ông sẽ cho rằng, nếu vợ biết mình không còn yêu, biết mình cảm thấy chán chường thì sẽ nổi nóng, cáu gắt và tổn thương. Vì vậy, để có thể hiểu rõ được nội tình trong chính cuộc hôn nhân của mình. Chúng ta phải tạm bỏ thân phận người vợ, tạm quên rằng chúng ta là vợ chồng, hãy cứ xem mối quan hệ này chỉ là bạn bè. Vì chỉ khi đó, người đàn ông mới thoải mái mà bộc bạch.

Đôi khi điều này thực sự hữu ích. Bởi nó sẽ cho bạn biết, bạn còn thiếu sót những gì trong cuộc hôn nhân này, mong muốn của chồng mình thực sự là gì?

Khi chúng ta buông bỏ được những đề phòng và định kiến của mình, những rạn nứt trong mối quan hệ cũng được đem ra nói chuyện một cách thẳng thắn và chân thành, đôi bên cũng sẽ thấu hiểu được câu chuyện của nhau hơn.
Nhìn lại chính bản thân mình và luôn luôn cần hoàn thiện bản thân hơn nữa. Điều quan trọng trong hôn nhân là: cho dù bạn là một người “phụ nữ của xã hội” hay là một người “phụ nữ nội trợ”, bạn cũng phải luôn không ngừng hoàn thiện bản thân, theo kịp sự phát triển của chồng, bởi vì sự đồng điệu về tâm hồn, lý trí trong mối hôn nhân sẽ quyết định chất lượng cuộc sống hôn nhân của bạn.

Để ngay cả khi cuộc hôn nhân có kết thúc, ít nhất chúng ta cũng sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Cuối cùng, chữa lành

Bước cuối cùng trong quá trình chữa lành chính là là lấy lại những cảm xúc vốn có của bản thân. Cho dù sau cùng cuộc hôn nhân này có cứu vãn được hay không, thì điều này cũng giúp bạn ý thức được chuyện tình của bản thân. Cũng từ đó mà đối xử với mọi chuyện, mọi người cũng thoải mái hơn.

Về việc xử lý mối quan hệ hai người sau khi chia tay. Bản thân mình sau khi đọc xong cuốn sách này đã nghĩ có mấy cách sau: 1. Quay trở lại cuộc sống hàng ngày như chẳng có gì 2. Cả hai cùng thấu hiểu và bầu bạn với nhau 3. Mỗi người một ngả, tự xây dựng cuộc sống tươi đẹp của bản thân 4. Luôn ôm trong mình và nhớ về những kỷ niệm trong quá khứ.

Một điều cuối mà mình muốn nói, đàn ông- sợ nhất là bị bắt quả tang, bị lăng nhục chốn đông người. Vì vậy, người vợ nên làm gì đó để xua tan sự lo lắng của anh ta, giảm bớt lại những lời buộc tội. Tóm lại, để cứu vãn hôn nhân, bao dung đúng cách sẽ đập tan được hết những cuộc ngoại tình. Chỉ cần kiên trì đấu tranh, ta có thể lấy lại hạnh phúc của riêng mình.

Trong cuốn Nội tình sau hôn nhân, tác giả đã xem ngoại tình như một cái đẩy để cuộc hôn nhân của bạn thêm bền chặt và gắn bó hơn. Những khủng hoảng hậu ngoại tình của hai bên, những cảm xúc vẫn còn lưu luyến của một trong hai bên. Cuốn sách này dành cho những người đang bị tổn thương sâu sắc bởi chuyện ngoại tình nhưng còn đủ can đảm để thừa nhận rằng các bạn vẫn muốn ở bên nhau, đối mặt với sai lầm của từng người khi đã để xảy ra chuyện ngoại tình và cố gắng xây dựng lại lòng tin cũng như sự gần gũi.

– Đỗ Thu Hà

HÔN NHÂN LIỆU CÓ PHẢI LÀ NẤM MỒ CHÔN CỦA TÌNH YÊU?

Các câu chuyện cổ tích lúc bé ta say mê chỉ khép lại với lễ cưới và câu nói “họ sống với nhau vui vẻ, hạnh phúc đến suốt đời”; mà lại thường không đề cập đến giai đoạn hậu hôn nhân. Liệu có phải giai đoạn đấy quá trắc trở hay quá nhiều vấn đề phát sinh, nên người ta sợ làm mất đi cái “màu hồng” vốn có của truyện cổ tích? Và “Nội tình sau hôn nhân” sẽ là một gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt, để ta hiểu rõ hơn về một góc khuất của hôn nhân – Ngoại tình.

Không có chủ đề nào vừa khiến ta thích thú bàn tán mà lại vừa làm ta e ngại (vì sợ sẽ có ngày mình vướng phải) như ngoại tình. Gõ từ khóa ấy ở các mạng xã hội là ra hàng loạt các bài báo về tình cảm đổ vỡ, các video đánh ghen tưng bừng; nhưng lại rất ít ai đề cập đến việc “xử lý” cảm xúc và cân bằng cuộc sống hậu ngoại tình. Với “Nội tình sau hôn nhân”, từng ngóc ngách của giai đoạn đó đều được tiến sĩ tâm lý học Janis Abrahms Spring và Michael Spring phanh phui một cách trần trụi và khai thác dưới góc độ tâm lý học – khiến người đọc không thể nào chối bỏ được phản ứng của mình. Tôi xin phép không dùng các cụm từ: người đi ngoại tình – nạn nhân, người bị phản bội – người phản bội; vì đây chính là điều tối kị của tác giả.

Hậu ngoại tình được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn tự vấn và ổn định cảm xúc – Giai đoạn “Dùng dằng đi hay ở?” – Giai đoạn “Làm lại từ đầu” (riêng giai đoạn này bạn nên chọn lọc nội dung cần đọc cho từng đối tượng). Và trong từng giai đoạn ấy là cả một cuộc đấu tranh tâm lí dữ dội của người trong cuộc. Từng ngóc ngách, từng suy nghĩ, từng suy diễn trong đầu ta đều được tác giả gõ cửa để thăm khám và giải quyết.

Hôn nhân không chỉ đơn thuần là tình yêu, mà còn là sự bao dung, cảm thông và dung hòa. Tình yêu không thể cắt nghĩa, với mỗi người sẽ có một phạm trù và định lượng khác nhau; nên sẽ có nhiều kết cục khác nhau cho một cuộc ngoại tình. Tuy nhiên, tác giả không hề có hàm ý khuyên mọi người duy trì hôn nhân bằng mọi giá hoặc ly hôn chỉ vì cảm thấy không hạnh phúc.

Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng cuốn sách này chỉ dành cho người có gia đình, hoặc người đã và đang trải qua đổ vỡ. Nhưng thực tế, “Nội tình sau hôn nhân” phù hợp cho rất nhiều đối tượng, kể cả bạn chưa hoặc có người yêu, chuẩn bị kết hôn; và đặc biệt là những người con trong một gia đình đổ vỡ. “Nội tình sau hôn nhân” sẽ giúp ta tránh đi vào những vết xe đổ của nhiều người, hiểu hơn về tâm lý, cảm xúc khi yêu để có thể vun đắp, xây dựng một mối quan hệ bền vững, hạnh phúc. Và đặc biệt, với người đi qua tổn thương, quyển sách sẽ giúp bạn kiềm chế nỗi tuyệt vọng và tìm được sự bình yên, gắn kết cũng như hài lòng hơn với những người quan trọng trong đời mình.

– Hân Lê