Đô-La Hay Lá Nho? - Lột Trần Cô Nàng Kinh Tế Học

Đô-La Hay Lá Nho? - Lột Trần Cô Nàng Kinh Tế Học

Đô-La Hay Lá Nho? – Lột Trần Cô Nàng Kinh Tế Học

Tác giả : Charles Wheelan

Cuốn sách bàn về những nguyên lý, vấn đề của kinh tế học, kinh tế thị trường thông qua việc phân tích những vấn đề, sự kiện cụ thể theo một phương cách đơn giản giúp cho những người chưa có kiến thức cơ bản về kinh tế học có thể hiểu được. Với phong cách viết dễ đọc, những ví dụ hay, sinh động, cuốn sách cung cấp một lượng kiến thức rất phong phú về các vấn đề của kinh tế nhưng lại không làm bội thực người đọc.

Ai nên đọc cuốn sách này?

Những ai quan tâm đến nền kinh tế vận hành ra sao

Những ai vẫn chưa qua được môn Kinh tế vĩ mô tại trường Đại học

Những ai mong muốn trở thành nhà hoạch định chính sách

Tác giả cuốn sách này là ai?

Tác giả – Tiến sĩ Charles’Charlie’J. Wheelan là nhà kinh tế học người Mỹ. Ông là sáng lập viên và diễn giả của The Centrist Party. Ngoài cuốn sách này, ông còn là tác giả của cuốn “Thống kê trần trụi” (Naked Statistics: Strip-ping the Dread from the Data).

1: Sức mạnh của thị trường

“Ai nuôi sống Paris?” Các nhà kinh tế hay dùng câu hỏi hoa mỹ mang tính tượng trưng này khi muốn nói đến những hoạt động tạo sự vận hành cho nền kinh tế hiện đại xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

 

 

Nhà hàng ở Rue De Rivoli luôn được cung cấp đủ số cá ngừ tươi từ một tàu đánh cá ở Nam Thái Bình Dương, một quá nước có đầy đủ mọi thức uống cho nhu cầu của khách, bất kể chúng được nhập từ 10 – 15 nước khác nhau.

Trong một nền kinh tế phức tạp, mỗi ngày có hàng tỷ giao dịch diễn ra. Thị trường, chứ không phải Chính phủ, đã vận hành những giao dịch này và cuộc sống của chúng ta cũng tốt đẹp hơn nhờ những sự vận hành của Thị trường.

Giả định quan trọng trong kinh tế học: Các cá nhân luôn mong muốn làm cho cuộc sống của họ khấm khá hơn. Và vì thế họ luôn tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình, và phải đối diện với việc ra quyết định, lựa chọn để đánh đổi: lựa chọn giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu vào, giữa lợi ích hiện tại và lợi ích tương lai.

– Nền kinh tế thị trường giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn bởi vì các doanh nghiệp luôn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách hướng đến người tiêu dùng.

– Thị trường  nằm ngoài phạm vi luân lý bình thường. Ví dụ: kim cương được định giá cao hơn nước rất nhiều lần, trong khi nước đóng vai trò quan trọng hơn kim cương trong cuộc sống con người.

– Thị trường chỉ bán những gì chúng ta muốn chứ không phải những gì chúng ta cần.

– Thị trường tư bản sử dụng giá cả để phân phối hàng hóa và các nguồn lực khan hiếm (trong khi đó, Liên Xô phân chia hàng hóa qua thứ tự xếp hạng). Cũng nhờ vào việc sử dụng giá cả, thị trường  có khả năng tự điều chỉnh.

– Nếu bị áp giá cố định, các doanh nghiệp sẽ tìm cách khác, như là nâng cao chất lượng, tạo sự khác biệt, để cạnh tranh.

– Giao dịch thị trường, đặc biệt là toàn cầu hóa có lợi cho tất cả các bên tham gia thị trường.

– Sự tan rã của khối Đông Âu cho thấy sự can thiệp thô bạo của chính phủ vào thị trường sẽ gây những hậu quả lớn.

Động cơ tư lợi của mỗi con người dẫn dắt hành động của con người.

 

Khi được trả tiền thưởng, hoa hồng cao, chúng ta sẽ làm việc chăm chỉ hơn. Nếu giá xăng dầu tăng lên, chúng ta sẽ hạn chế đi lại bằng xe riêng. Nếu đứa con gái ba tuổi của tác giả biết là tác giả sẽ cho nó một cái bánh nếu nó nín khóc, thì khi tác giả đang nói chuyện điện thoại, nó sẽ khóc thật to để được cái bánh.

Tác giả Adam Smith viết trong cuốn “Sự giàu có của các quốc gia”: “Không phải do lòng nhân từ của người bán thịt, người ủ rượu bia, người bán bánh mì mà từ mối quan tâm đến lợi ích bản thân của họ mà chúng ta có bữa ăn tối”.

Hiểu rõ về tính tư lợi của con người, chúng ta có thể lên kế hoạch tương ứng để giải quyết phần nào hầu hết các vấn đề vốn khó giải quyết như sau: bảo vệ tê giác đen, khỉ đột, các loài thú quý khỏi sự tuyệt chủng, giảm bớt nhu cầu về điện  ở những nơi mất cân bằng về cung và cầu điện như California, giải quyết mâu thuẫn quyền lợi giữa người đại diện (quản  lý, CEO) và các ông chủ, thiết kế chính sách thuế của Chính phủ nhằm thu được thuế của người giàu chuyển sang người nghèo…

4: Chính phủ và nền kinh tế thị trường

Khi đổi từ chiếc Honda Civic sang chiếc Ford Explorer với những tiện ích tốt hơn cho gia đình, tác giả và chiếc xe mới của mình sẽ làm phát sinh những vấn đề bên ngoài: làm rủi ro hơn cho tính mạng của những người chạy xe Honda Civic hay xe nhỏ, ảnh hưởng đến những đứa trẻ bệnh hen mốn yếu do khí độc hại và xe Ford Explorer thải ra, làm tăng mực nước biển – bởi khí thải CO2 và các khí thải khác ảnh hưởng đến cả thế giới, đặc biệt là những người sống ở các vùng bị ảnh hưởng như New Orleans.

Tuy vậy, như mọi người khác, tác giả không phải bận tâm về những vấn đề bên ngoài này, mà chỉ quan tâm đến chi phí mua và vận hành xe.

Các yếu tố bên ngoài xuất hiện và tăng lên khi chi phí của xã hội cao hơn chi phí của cá nhân. Với động cơ tư lợi cao, các cá nhân sẽ tận hưởng tối đa sự miễn phí của chi phí của xã hội nếu thị trường  vắng bóng vai trò của chính phủ. Vai trò chủ yếu của chính phủ trong nền kinh tế thị trường là giải quyết những yếu tố bên ngoài trong những trường  hợp mà trong đó hành vi của cá nhân hoặc công ty gây ra những hậu quả lớn cho xã hội.

5: Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thị trường

– Cung cấp cơ sở hạ tầng cho cả nền kinh tế

– Tạo ra và duy trì khung pháp lý giúp thị trường  có thể vận hành, ví dụ như xác lập và bảo vệ quyền sở hữu vật chất và trí tuệ cho các cá nhân và công ty, ban hành những luật chống độc quyền, cấm các công ty không được  liên kết theo những hướng  xóa bỏ các lợi ích từ cạnh tranh, cấm tình trạng gian lận thương mại.

– Cung cấp những “hàng hóa công” giúp cuộc sống của công dân trở nên tốt đẹp hơn, ví dụ như hệ thống phòng thủ tên lửa, hoặc ngọn đèn hải đăng trên biển. Có những loại hàng hóa công nếu giao vào tay các công ty tư nhân sẽ gây ra nhiều hệ lụy; nên chính phủ phải là người cung cấp và quản lý, chẳng hạn như: nghiên cứu cơ bản, thực thi pháp luật, các công viên và các không gian mở.

– Giải quyết những vấn đề còn yếu kém của chủ nghĩa tư bản bằng cách điều chỉnh cho phù hợp với các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường.

– Tham gia phân phối lại của cải: thu thuế từ một số công dân và đem lại cho những công dân khác. Cuộc tranh cãi giữa hai lựa chọn: một cái bánh với các phần chia khá đồng đều hay một cái bánh lớn hơn với các phần chia không đồng đều là cuộc tranh cãi chưa bao giờ kết thúc của các nhà kinh tế học, chính trị gia.

Chính phủ đối với thị trường  có thể được ví như dao mổ của bác sĩ phẫu thuật đối với bệnh nhân. Nếu bác sĩ giỏi, mổ thận trọng và đúng thì mọi việc sẽ tốt hơn. Nếu bác sĩ không đủ năng lực, hoặc hành động thiếu thận trọng, thì dù với những ý định tốt đẹp nhất, nó sẽ tạo ra những hậu quả vô cùng tai hại.

6: Kinh tế học thông tin

Theo lý thuyết kinh tế học đại dương (Econ 101), tất cả các bên tham gia thị trường đều có “thông tin hoàn hảo”. Cả người tiêu dùng và công ty sản xuất đều biết những gì mà họ muốn biết. Thế nhưng thực tế xảy ra trên thị trường thú vị và lộn xộn hơn nhiều so với lý thuyết kinh tế học đại cương này.

 

Chương trình học bổng Hope Scholarships của cựu Tổng thống Clinton không thành công vì các sinh viên có đủ thông tin về kế hoạch tương lai của mình trong khi các nhà quản lý quỹ thì không. Vì vậy chỉ những sinh viên thuộc nhóm thu nhập thấp mới xin học bổng này. Kết quả là các khoản hoàn trả không bù lại vốn và chi phí quản lý quỹ. Khi đi khám bệnh, chúng ta luôn ở thế bất lợi về thông tin so với các bác sĩ. Nếu bác sĩ không giỏi hay không có đạo đức, bệnh nhân luôn là người chịu thiệt.

Để đối phó với tình trạng thông tin bất đối xứng nhằm bảo vệ quyền lợi của mình, các công ty bảo hiểm hoặc là bán bảo hiểm theo nhóm (trong nhóm xác định nào đó, ai cũng phải mua), hoặc sẽ thẩm định rất kỹ nếu bán bảo hiểm cá nhân.

Thông tin đóng vai trò quan trọng trong kinh tế thị trường. Các nhà kinh tế nghiên cứu những gì chúng ta làm khi có thông tin, và những gì chúng ta làm khi không có thông tin.

7: Năng suất lao động và vốn con người

Vốn con người (human capital) là toàn bộ kiến thức, kỹ năng của một cá nhân: kiến thức, sự thông minh, tầm ảnh hưởng,  uy tín, trung thực, tính sáng tạo, kinh nghiệm làm việc, các loại kỹ năng, ý chí quật cường…

 

Có thể nói, vốn con người là tất cả những gì còn lại của một người nếu ai đó lấy đi tất cả tài sản – công việc, tiền bạc, nhà ở, các tài sản khác – và để anh ta, chị ta trên góc phố chỉ với bộ quần áo trên người.

Vốn con người quan trọng vì nó có sự liên hệ chặt chẽ với một trong những khái niệm kinh tế học quan trọng nhất: năng suất lao động- theo định nghĩa đơn giản nhất là số giờ tối thiểu người lao động cần để sản xuất ra một món hàng hóa nào đó.

Tổng vốn con người của một đất nước sẽ quyết định mức độ thịnh vượng của xã hội đó chứ không phải tài nguyên thiên nhiên hay những thứ khác. Marvin Zonis, giáo sư Đại học Chicago đã phát biểu đại ý như sau: Nhu cầu của nguồn lực con người ngày càng cao hơn.Quốc gia, công ty nào có thể huy động và sử dụng vốn con người và trường  học nào có thể sản sinh ra nguồn vốn này là người chiến thắng. Còn những quốc gia không làm được điều đó sẽ muôn đời lạc hậu, lầm than và là mối phiền toái cho các quốc gia khác.

8: Các thị trường tài chính

Thị trường tài chính cung cấp những chức năng sau đây cho chúng ta:

 

– Huy động vốn: Các cá nhân, các công ty và các chính phủ cần vốn để có thể làm những việc mà hiện tại họ không đủ khả năng tài chính để thực hiện, và các thị trường  tài chính cấp vốn cho họ ở một mức giá nhất định nào đó.

– Bảo vệ và sử dụng vốn để tạo ra lợi nhuận.

– Bảo hiểm tính mạng con người, tài sản đối với vô vàn rủi ro.

– Đầu cơ ngắn hạn: con người luôn có nhu cầu kiếm ra tiền trong khoảng thời gian ngắn.

Rất khó kiếm một món hời – lợi nhuận cao, rủi ro thấp – trong đầu tư, vì thị trường  tài chính nếu không phải hoàn toàn thì hầu như là rất hiệu quả. Nghĩa là giá cả luôn thể hiện được giá trị và rủi ro của sản phẩm tài chính.

Cũng vì thị trường hiệu quả nên những quỹ chọn cổ phiếu không thắng được những quỹ đầu tư theo chỉ số, tức là đầu tư vào cả thị trường. Đa dạng hóa danh mục đầu tư là một cách đầu tư khôn ngoan để chống rủi ro. Và đầu tư dài hạn sẽ đem lại thành quả nếu sự lựa chọn danh mục đầu tư là hợp lý.

9: Sức mạnh của nhóm lợi ích

Kiến thức về kinh tế học, về chính sách công của các nhà kinh tế học, các nhà chính trị ngày càng tăng lên nhưng tại sao các Chính phủ lại có những quyết định đi ngược lại những kiến thức kinh tế, những chính sách công “hoàn hảo”?

 

Câu trả lời nằm ở “lợi ích nhóm” của các chính trị gia. Hãy nghe hai chính trị giao trao đổi với nhau: “Nếu ông ủng hộ nông dân sản xuất vải nỉ trong địa phương của tôi, tôi sẽ ủng hộ việc xây dựng toàn nhà vinh danh Ông Bingo trong địa phương của ông”.

Ngược lại với suy nghĩ thông thường,  dân chủ không có nghĩa là sẽ phục vụ cho quyền lợi của đa số. Những nhóm có thể chỉ chiếm tỷ lệ 2% nhưng thật sự quan tâm vấn đề nào đó, được  tổ chức tốt sẽ giành phần thắng so với nhóm 98% có lợi ích ngược lại nhưng không quan tâm sâu sắc, không được tổ chức và không có động cơ để “đấu tranh” đòi lợi ích.

10: Những chỉ số đo lường nền kinh tế

 GDP thể hiện giá trị của tất cả hàng hóa dịch vụ mà một nền kinh tế sản xuất ra. GDP thường dùng để đánh giá quy mô, sự tăng trưởng của một quốc gia. GDP danh nghĩa là GDP chưa tính đến lạm phát. GDP điều chỉnh là GDP đã điều chỉnh lạm phát. Trong ngắn hạn, một quốc gia có thể tiêu thụ nhiều hơn GDP tức là tiêu thụ nhiều hơn sản xuất. Nhưng về lâu dài, tổng tiêu thụ của một quốc gia sẽ bằng hay gần bằng với tổng sản xuất.

– GDP bình quân đầu người – GDP chia cho dân số của quốc gia – đánh giá mức độ giàu có của các quốc gia. GDP là một thước đo không hoàn hảo, vì giàu có hơn không có nghĩa là hạnh phúc hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nghiên cứu cho thấy, GDP bình quân đầu người tại Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1970 – 1999, nhưng cũng trong giai đoạn này số người tự cho mình là “vô cùng hạnh phúc” giảm xuống từ 36% còn 29%.

– Tỷ lệ thất nghiệp: phần trăm số người muốn làm việc nhưng không thể tìm được việc. Định luật Okun: nếu GDP tăng 3% – tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi, GDP tăng 4% – tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,5%, GDP tăng 2% – tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5%. Tức là 1% thay đổi của GDP sẽ làm thay đổi 0,5% tỷ lệ thất nghiệp.

– Đói nghèo. Dù nền kinh tế có thịnh vượng đến đâu, luôn có một tỷ lệ nghèo đói trong xã hội. Hiện tại Mỹ có 13% thuộc vào nhóm nghèo với thước đo do Chính phủ Mỹ đưa ra: mức nghèo cho người độc thân là 8.350 USD/năm trở xuống, và cho một gia đình có hai con là 22.050 USD/năm trở xuống.

– Bất bình đẳng thu nhập. Các nhà kinh tế sử dụng chỉ số Gini để đo sự bình đẳng về thu nhập. Chỉ số Gini bằng 0%: là tình trạng bình đẳng tuyệt đối: tất cả người đi làm có thu nhập bằng nhau, còn khi chỉ số bằng 100% – tình trạng bất bình đẳng tuyệt đối – chỉ một người chiếm toàn bộ thu nhập của xã hội. Vào năm 2007 chỉ số này của Mỹ – 45%, Pháp – 28%, Thụy Điển – 27%, Brazil – 57%.

– Quy mô của Chính phủ. Nói quy mô Chính phủ lớn hay nhỏ phải căn cú vào thước đo nào đó. Một thước đo khá đơn giản là tỷ lệ của toàn bộ chi tiêu của Chính phủ – địa phương, bang, liên bang – đối với GDP. Quy mô Chính phủ Mỹ: 30%, Anh: 40%, Nhật Bản – trên 45%, Pháp và Thụy Điển – hơn 50%. So với các nước vừa kể, quy mô của Chính phủ Mỹ nhỏ hơn, và vì thế người dân Mỹ nhận được ít hơn. Chính phủ Mỹ là đất nước phát triển duy nhất không cung cấp dịch vụ y tế công. (Người viết: tính đến thời điểm cuốn sách xuất bản).

– Thâm hụt và thặng dư ngân sách. Thâm hụt ngân sách xảy ra khi Chính phủ chi tiêu nhiều hơn tổng thu, thặng dư ngân sách thì ngược lại. Cân đối ngân sách nên được thực hiện trong thời gian dài, theo đó Chính phủ nên duy trì thặng dư ở mức vừa phải trong thời gian tốt của nền kinh tế, và thâm hụt ở mức vừa phải trong thời gian khó khăn.

– Cán cân thương mại. Khi thu nhập của một quốc gia từ các nước khác (chủ yếu là hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu) cao hơn thu nhập  của các nước  khác từ quốc gia đó, thì  quốc gia đó đang có thặng dư thương mại. Ngược lại gọi là thâm hụt thương mại. Nếu quốc gia mua nhiều hàng hóa để đầu tư và phát triển trong tương lai thì sự thâm hụt này là tốt. Còn nếu quốc gia mua nhiều hàng hóa để tiêu dùng thì sự thâm hụt này là không tốt. Các quốc gia phá sản đều có sự thâm hụt thương mại lớn.

– Tiết kiệm quốc gia. Các cá nhân, sau khi chi tiêu cho những nhu cầu và kế hoạch cá nhân, cần phải tiết kiệm vì tiết kiệm là yêu cầu thiết yếu để tích lũy tư bản cho đầu tư, và đầu tư giúp cho năng suất lao động của cả xã hội tăng lên. Quốc gia có tiết kiệm thấp phải vay mượn nước ngoài và phải trả phần thu nhập của đầu tư cho khoản vay gốc lẫn lãi.

– Nhân khẩu học. Quỹ an sinh xã hội dành cho người lớn tuổi được hoạt động như một mô hình hình tháp tức là những người trẻ, còn làm việc – ở đáy tháp – đóng góp tiền an sinh xã hội cho những người già, đã về hưu – ở đỉnh tháp. Hệ thống sẽ chạy tốt khi số người trẻ ở đáy tháp nhiều hơn số người già ở đỉnh tháp. Khi xã hội già đi, số người trẻ ít hơn, họ phải làm việc nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn để duy trì quỹ an sinh xã hội.

11: Cục Dự trữ Liên bang, chính sách tiền tệ và lạm phát

Cục Dự trữ Liên bang bao gồm 12 ngân hàng và 1 Hội đồng Thống đốc gồm 7 thành viên. Người đứng đầu Hội đồng này cũng là Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang.

 

Cục làm nhiệm vụ giám sát, điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng thương mại, gắn kết hoạt động của hệ thống tài chính; và một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là điều hành chính sách tiền tệ. Cục Dự trữ Liên bang cần phải quyết định một lượng tín dụng “vừa đúng” để giữ nền kinh tế tăng trưởng ổn định.

Nếu lượng  tiền do Fed (Cục Dự trữ Liên bang) cung cấp đến nền kinh tế – thông qua các ngân hàng thương  mại lớn – lớn, lãi suất sẽ giảm, các công ty sẽ đầu tư sản xuất nhiều hàng, kinh tế phát triển. Nhưng khi lãi suất thấp, người tiêu dùng sẽ đầu tư, tiêu dùng nhiều, cung cao hơn cầu, dẫn đến việc tăng giá các sản phẩm và lạm phát xảy ra.

Lạm phát sẽ dẫn đến những hệ lụy sau: sức mua đồng tiền giảm; ngân hàng không dám cho người dân vay tiền thời gian dài, ảnh hưởng lớn đến những cá nhận đã nghỉ hưu hay những người đang sống bằng những khoản thu thập cố định khác, nền kinh tế bị chệch hướng… Vì những ảnh hưởng to lớn này, lạm phát, đặc biệt là lạm phát phi mã, là điều mà tất cả các chính phủ đều ngán ngại.

Giảm phát – một tình trạng đối nghịch của lạm phát – cũng gây những ảnh hưởng xấu không kém. Giảm phát sẽ làm cho người tiêu dùng ngừng chi tiêu và nền kinh tế ngừng tăng trưởng. Các công ty phản ứng bằng cách tiếp tục giảm giá. Cứ như thế giảm phát tạo ra một vòng xoắn ốc kéo nền kinh tế đi xuống.

Chính sách tiền tệ giống như con dao hai lưỡi. Sử dụng đúng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng  thuận lợi và không bị những cú sốc lạm phát, hay giảm phát. Nếu sử dụng sai, nền kinh tế sẽ bị tổn hại nghiệm trọng.

12: Thương mại và toàn cầu hóa

Thương mại là một phát minh kỳ diệu. Thương mại – trao đổi hàng hóa – đã biến ngô thành máy nghe đĩa CD, biến phần mềm Windows thành những chai rượu vang hảo  hạng, biến Boeing thành hàng tấn hoa quả và rau tươi…

 

Những nước có khả năng tiếp cận thương mại với nhiều nước khác sẽ tăng trưởng nhanh hơn những nước không có khả năng thương mại.

Toàn cầu hóa – thương mại ở tầm toàn cầu – giúp cho mỗi quốc gia tập trung vào việc sản xuất những gì họ đạt năng suất cao nhất, có lợi thế nhất và sau đó tiến hành mua bán, trao đổi hàng hóa với các nước khác. Toàn cầu hóa mang tính cạnh tranh cao và vì thế tạo ra những người thua cuộc – những nước không đạt năng suất cạnh tranh với những nước khác cùng sản xuất một mặt hàng.

Vì lý do này và một số lý do khác – trong đó có lý do chính trị – một số nước đã không thật sự tham gia vào việc toàn cầu hóa. Và đây là sai lầm của họ vì xem xét tất cả mọi yếu tố liên quan, tham gia toàn cầu hóa vẫn đem lại nhiều lợi ích hơn so với việc đóng cửa.

13: Những giải pháp cho nền kinh tế của các nước đang phát triển

Theo tổ chức Nông nghiệp và Lương thực  của Liên Hiệp Quốc (FAO) hiện tại vẫn còn đến 1 tỷ người không có đủ lương thực để ăn. Và trong lúc thế giới đã đạt được những thành tựu vĩ đại như lên mặt trăng, giải mã bộ gien con người, vẫn có đến 2 tỷ người có thu nhập dưới 2 đô la Mỹ một ngày. Phần đông nhóm người  “nghèo khổ” này thuộc về các nền kinh tế đang phát triển. Chúng ta hãy xem xét những giải pháp sau đây cho những nền kinh tế này:

– Cần thể chế Chính phủ hiệu quả. Để tăng trưởng và thịnh vượng, một nước cần có luật pháp, khả năng cưỡng chế khi có người phạm pháp, tòa án nghiêm minh, cơ sở hạ tầng cơ bản tốt, Chính phủ có khả thu thuế, không tham nhũng và được dân tôn trọng.

– Xác định quyền sở hữu của người  dân và doanh nghiệp một cách chính thức và rõ ràng. Quyền sở hữu – tư cách pháp nhân đối với tài sản – giúp người dân thuê, chia nhỏ, chuyển nhượng hợp pháp, hay sử dụng tài sản làm vật ký quỹ để mượn vốn.

– Loại bỏ những luật lệ bất hợp lý. Những luật lệ bất hợp lý gây ra sự bất ổn, phiền toái đối với người dân và doanh nghiệp. Chúng cũng tạo điều kiện cho tham nhũng.

– Tập trung nâng cao vốn con người. Những nền kinh tế phát triển cần phải luôn chú trọng vào việc đào tạo và huấn luyện vốn con người. Và hơn thế nữa, những nước này phải tạo ra một môi trường làm việc tốt để những người  có kỹ năng cao có thể cùng làm việc với nhau và phát huy kỹ năng của họ. Nếu không họ sẽ tìm môi trường thích hợp ở các nước đã phát triển.

– Vượt qua những trở ngại gây ra do địa lý. Theo Ngân hàng Thế giới, trong 30 nước được xếp là giàu chỉ có 2 nước – Hồng Kông và Singapore nằm trong vùng nhiệt đới. Khí hậu nhiệt đới – nhiệt độ cao mưa nhiều – không tốt cho sản lượng lương thực và sức khỏe của con người. Các nước đang phát triển nằm trong vùng nhiệt đới cần tạo cơ chế để thúc đẩy các công ty dược sản xuất nhiều hơn thuốc điều trị những căn bệnh ở vùng nhiệt đới. Giải pháp quan trọng là mở cửa nền kinh tế để thoát khỏi cái bẫy của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp.

– Mở cửa nền kinh tế. Ở trên chúng ta đã bàn về tầm quan trọng của việc mở cửa nền kinh tế, giao thương, nhập và xuất khẩu đến các nước khác. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, mở cửa nền kinh tế không chỉ quan trọng mà còn là cốt yếu, then chốt.

– Thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có trách nhiệm. Các Chính phủ cần phải thực hiện chính sách tài khóa một cách hợp lý, có trách nhiệm. Nếu Chính phủ lạm chi ngân sách sẽ gây ra những vấn đề sau: thuế cao hơn (để trả các khoản nợ), lạm phát (làm giảm giá trị các khoản nợ), và cao hơn là vỡ nợ. Chính sách tiền tệ cũng cần phải thực hiện đúng để tạo ra sự phát triển kinh tế ổn định mà không bị những cú sốc lạm phát hay giảm phát mạnh.

– Đừng quá trông chờ vào tài nguyên thiên nhiên. Israel không có dầu nhưng giàu hơn bất cứ nước láng giềng có dầu nào ở Trung Đông; Nhật Bản và Thụy Sĩ có rất ít tài nguyên thiên nhiên nhưng giàu  hơn nhiều lần so với Nga – một đất nước có tài nguyên phong phú; Agola thu được 3,5 tỷ đô la Mỹ từ nguồn dầu mỏ khổng lồ của mình nhưng lại là một đất nước nghèo khổ. Tài nguyên thiên nhiên – xem xét một cách tổng thể – tạo ra nhiều bất lợi hơn là thuận lợi. Các nước có tài nguyên thiên nhiên cần sử dụng nó một cách khôn ngoan và đừng quá lệ thuộc vào nó để phát triển kinh tế.

 

Du Học Đồng Thịnh

Lâm Minh Chánh tóm tắt / Theo Nhượng quyền Việt Nam.