Đọc Vị Bất Kỳ Ai – David J. Liebermen

Lần cập nhật gần nhất December 16th, 2019 – 01:45 pm

Giá gốc 69.000 | Tiki 47.985 | Fahasa 51.060

Các kết quả nghiên cứu trong cuốn sách này được đưa ra dựa trên phương pháp S.N.A.P – cách thức phân tích và tìm hiểu tính cách một cách bài bản trong phạm vi cho phép mà không làm mếch lòng đối tượng được phân tích. Phương pháp này dựa trên những phân tích về tâm lý, chứ không chỉ đơn thuần dựa trên ngôn ngữ cử chỉ, trực giác hay võ đoán. Cuốn sách này đang được FBI, Quân đội Mỹ, các công ty thuộc Fortune 500 và quan chức chính phủ của hơn 25 quốc gia sử dụng.

Đọc vị bất kỳ ai cho thấy rõ ràng từng bước để có thể nhận biết ai đó đang nghĩ gì và cảm thấy thế nào trong những tình huống thực tế của cuộc sống.

Review (2)

Đọc vị bất kì ai chỉ ra từng bước rõ ràng để bạn nhận biết ai đó đang nghĩ gì và cảm thấy thế nào trong những tình huống thực tế của cuộc sống.

Khi đối diện với một ai đó, liệu bạn có thể biết được những cảm xúc, những suy nghĩ chân thật nhất từ bên trong nội tâm họ? Đôi khi chỉ cần một vài cử chỉ, một vài lời nói khéo léo cũng có thể tìm ra được chân tướng mà họ đang cố che giấu.

“Đọc vị bất kì ai“ đã chỉ ra rằng: mọi hành động, lời nói của con người đều bị ảnh hưởng ít nhiều từ cảm xúc của họ, từ những cử chỉ nhỏ nhất như việc nhìn vào tay khi lấy lon nước, hay việc đồng tử được giãn nở như thế nào đến việc trả lời một số câu hỏi vô cùng bình thường cũng giúp bạn “đọc vị“ được đối phương.

Bạn sẽ biết được một người bán hàng đó có thật sự đáng tin hay không, hoặc buổi hẹn hò đầu tiên có đúng như mong muốn của bạn hay đi theo hướng khác. Và trong những cuộc thương thuyết, thẩm vấn, tranh luận… bạn có thể dễ dàng nhận ra ai đang ủng hộ bạn – điều này giúp bạn tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, sức lực, thậm chí tránh được những cơn đau tim…

Với từ ngữ logic, sự nhạy bén trong từng suy nghĩ và cử chỉ, cùng với những ví dụ chân thật lại vô cùng cuốn hút khiến người đọc hứng thú hơn qua từng trang sách, như việc Tiến sĩ David J. Lieberman đưa ra một ví dụ rằng:
“Trong một lần trò chuyện thân mật với một người đồng nghiệp, bạn thấy cô ta với lấy một chai soda mà lại phải đưa mắt để ý tới cánh tay trong quá trình với lấy nó và trong lúc đưa chai lên miệng uống. Hành động này cho thấy người đồng nghiệp đang cảm thấy lo lắng, bất an và không tin tưởng vào khả năng thực hiện một hành động mà bản thân cô ta đã thực hiện cả ngàn lần trước đó – lấy nước để uống – hành động đáng nhẽ không cần chú ý cũng có thể làm được. Điều này chỉ có thể giải thích là do ý thức của cô ta đã bị đánh động ở mức độ cao“ (Đo mức độ tự tin – Chương 3 )

Không chỉ với những ví dụ đầy lôi cuốn mà cuốn sách còn được thêm vào những câu nói vô cùng ý nghĩa đầy triết lí

“Tự tin là điều kiện tiên quyết để có những công việc tốt “
Samuel Johnson (1709 – 1784)

“Đừng tưởng rằng bạn có thể che giấu suy nghĩ bằng cách che giấu những bằng chứng từng tồn tại“
Dwight D. Eisenhower (1890 – 1969)

“Tha thứ cho kẻ thù bao giờ cũng dễ hơn tha thứ cho bè bạn“
William Blake (1757 – 1827)

“Tính cách có thể mở ra những cánh cửa, nhưng chỉ có nhân cách mới giữ được những cánh cửa đang mở“
Elmer G. Letterman

“Sáng tạo đôi khi cũng có thể biến thành phá hoại. Nó phụ thuộc chủ yếu vào nhân cách con người: ở mặt tốt hay xấu. Và nếu cả nhân cách cũng không có thì không người thầy nào có thể giúp học sinh tạo ra nó hay thay thế học sinh quyết định”.
Carl Jung (1875 – 1961)

Đọc vị bất kỳ ai bao hàm những thủ thuật giúp các bạn “đọc vị“ được người khác một cách nhanh chóng mà không làm mất lòng hay ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ giữa bạn và họ. Có cuốn sách, bạn sẽ là người nắm được thế chủ động hơn trong mọi tình huống, sẽ không phải lo về việc bị lừa dối và lợi dụng. Góp phần tôi luyện thêm “bản năng“ nhìn nhận người khác một cách chính xác có logic, giúp ích cho bạn trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Trên thực tế, nếu nhạy bén hơn trong việc nhận ra mình đang bị lợi dụng, bị lừa dối hay bị thao túng, bạn sẽ tránh được những thương tổn không đáng có cả về tinh thần, tài chính hay thậm chí là thể xác. Có thể, sau khi nghiền ngẫm quyển sách này và thực hiện đầy đủ những chiến thuật trong đó, bạn sẽ có được hiểu biết sâu hơn về bản năng của con người, bạn sẽ hiểu thêm về chính bản thân mình, điều này sẽ giúp bạn trở thành một con người khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần, có được những mối quan hệ tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.

Đọc vị bất kỳ ai là chiếc chìa khóa cho những ai muốn tìm hiểu sâu về tâm lý con người, cũng như những người muốn bước những bước chân vững chắc cho các mối quan hệ tốt đẹp hơn.

– Độc Tiểu Băng

ĐỌC VỊ BẤT KỲ AI – David J. Liebermen – Hay lắm, nhưng không được như tưởng tượng

Mình đã được bạn thân giới thiệu cuốn sách này do đó rất hào hứng về nó, tuy nhiên khi đọc thì mình nhận thấy có cả những ý kiến tích cực và tiêu cực.
Phần tích cực là tác giả rất chăm chỉ lấy ví dụ minh họa, các ví dụ cũng rất hay. Phải nói rằng, tác giả phải có một kho tàng kiến thức khổng lồ, tham khảo rất nhiều tài liệu (mọi thứ đều được trích dẫn kỹ càng, ghi rõ nguồn), rất nhiều tình huống và có nhiều kinh nghiệm mới đúc kết nên được cuốn sách này, và những chương đầu của cuốn sách thì khá hay.
Tuy nhiên, nhược điểm là cách viết, không biết do tác giả hay do người dịch, mình gần như không tìm được câu chốt ý của mỗi phần, khiến cho phần viết rất lan man nhưng đọc xong nhiều phần không hiểu kỹ, chẳng hiểu cuối cùng tác giả nói nhiều như vậy thì ông muốn nói điều gì, vì mình có thói quen highlight lại những câu mà mình thấy hay, điều đó khiến mình thấy rất rõ là nhiều đoạn chẳng biết đâu là câu chốt – câu chủ đề, và một vài phần do lỗi người dịch.
Thêm một điều là sự cách biệt về văn hóa, Văn hóa Phương Tây và Châu Á khác nhau rất nhiều, văn hóa, lỗi sống, nhịp sống và con người ở Việt Nam nói riêng thì còn khác nhiều hơn nữa, do đó tính thực tế của cuốn sách vốn đã không nhiều nay lại giảm đi kha khá.
Tác giả đưa ra rất nhiều ví dụ, phân tích, mổ xẻ vấn đề thành rất nhiều nhánh, chính vì thế đã khiến việc phân tích tập trung vào phần ngọn của vấn đề mà chính ra lại không đi vào cái gốc, khiến cho việc áp dụng các phương pháp và quy tắc được nêu ra là rất máy móc và ăn may.
Càng về sau cuốn sách đi vào phân tích tâm lý, cái gốc càng nhiều hơn phần đầu, và điều đó lộ ra rằng dường như kiến thức của tác giả chưa sâu lắm, không còn các ví dụ dễ hiểu và thực tế mà thay vào đó là các kiến thức về tâm lý hơi khó hiểu và thậm chí là sau, dài dòng, lằng nhằng, nhiều người nếu chưa có nhận thức đúng đắn có thể sẽ bị hiểu sai bản chất luôn.
Ví dụ như phần trong mỗi con người tâm lý chia làm 3 đó là bản ngã, lương tâm và cơ thể, thực ra chỉ có 2 mà thôi, đó là bản ngã, và lương tâm, còn mình cũng không chắc dùng từ lương tâm có đúng không nữa…
Thế nên khi đọc một cuốn sách, mọi người phải cẩn thận để những nhận thức chưa thấu đáo của mình không bị cuốn sách đó bóp méo.
Dù sao thì, đây cũng là một cuốn sách khá hay, khá là đáng đọc, nhưng mà khi đọc phải rất cẩn thận và chọn lọc.

– Review sách Fanpage

Tóm tắt

Quyển sách này hầu như thích hợp với mọi lứa tuổi bởi những kiến thức mà sách mang lại có thể được dùng như một cẩm nang trong chính cuộc sống của chúng ta. Một bí quyết để có thể tự bảo vệ, làm chủ cuộc sống của chính mình khỏi những điều không tốt đẹp. Trong đời có lẽ đôi lần chúng ta thoáng nghĩ muốn thâm nhập vào đầu óc người khác để biết họ đang nghĩ gì. Biện pháp phân tích tâm lý cao cấp mà tiến sĩ David J. Lieberman mang đến cho chúng ta ở quyển sách này sẽ giúp bạn thực hiện ý nghĩ ấy.

1. Học cách phát hiện ra những điều người khác nghĩ hay cảm nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đó chính là nội dung của phần một của quyển sách với bảy câu hỏi lần lượt là:

Liệu đối phương có đang che giấu điều gì không?

Khi chúng ta nghi ngờ ai đó đang giấu diếm mình chuyện gì, thông thường chúng ta sẽ phản ứng theo ba cách: hỏi thẳng người đó, lờ đi và âm thầm thu thập thông tin. Tuy nhiên, theo tác giả thì ba cách này đều không hề mang lại kết quả tốt nhất. Nếu ta hỏi thẳng, người đó sẽ càng phòng vệ cao hơn mà không hề cho chúng ta câu hỏi mà ta cần, ngược lại, còn đánh giá bạn là một người hay ghen ghét đố kỵ…nên mới hỏi họ như thế. Nếu ta lờ đi rất có thể sẽ làm hại chính bản thân mình. Nếu ta âm thầm thu thập thông tin sẽ rất bất lợi khi bị phát hiện. Chính vì vậy, tác giả đã đưa ra 6 thu thuật để giải quyết vấn đề này là:

  1. Đọc tâm trí (không hỏi thẳng vào vấn đề mà chỉ dùng những câu hỏi mang tính ám chỉ sự việc mình muốn biết, sau đó đánh giá phản ứng khi trả lời của người được hỏi để tìm ra điều mà anh ta đang chố che giấu);
  2. Gọi bác sĩ bombay (Cung cấp cho đối tượng những lựa chọn tương đương nhau, nếu sự chú ý của anh ta thiên về một hướng nào đó, rất có thể điều anh ta che giấu liên quan đến hướng này);
  3. Bạn đang nghĩ gì? (Đối tượng sẽ để lộ suy nghĩ của mình khi được thông báo một tin mới);
  4. Lảng tránh hoặc biểu lộ (giả vờ nghi ngờ một điều gì đó mà bạn biết chắc hoàn toàn đúng. Nếu đối tượng cố tình bác bỏ hoặc che giấu sự thật mà bạn đã nắm chắc trong tay thì bạn đã tìm được câu trả lời cho chính mình);
  5. Đề phòng sẽ gây ra hành động dại dột (Khi sự nghi ngờ ngày càng tăng cao, hãy thông báo cho đối tượng và người cộng sự của bạn rằng cả hai đều đang nằm trong vùng nghi ngờ của bạn và tỏ vẻ không quan tâm đến đối tượng nghi vấn. Sau đó, bạn cứ việc âm thầm quan sát phản ứng của đối tượng, nếu người đó bận tâm đến người thứ ba thì rất có thể anh ta vô tội);
  6. Bạn sẽ làm chuyện đó thế nào (Đặt giả thiết kẻ bị tình nghi cố gắng làm tất cả để chứng minh mình vô tội. Chúng ta sẽ hỏi trực tiếp đối tượng đã thực hiện hành vi mà bạn đang buộc tội anh ta như thế nào. Phản ứng của anh ta sau đó sẽ cho chúng ta rất nhiều câu trả lời cần thiết.)

Dấu hiệu tán thành hay phản đối: Liệu anh ta có thích điều đó không?

Làm sao để biết một người đang nghĩ gì khi trò chuyện cùng chúng ta khi họ cố tình không muốn để chúng ta biết điều này. Chương này sẽ cho chúng ta câu trả lời với 4 thủ thuật sau:

  1. Sử dụng nỗi ám ảnh: Bằng việc liên tưởng hoàn cảnh hiện tại với một tác nhân kích thích trung gian, những cảm xúc thực của một người được gắn với tác nhân đó
  2. Toàn bộ thế giới này là một sự phản chiếu: Nếu đột nhiên có người nghi ngờ bạn vô căn cứ, bạn có thể tự hỏi: “Tại sao hắn lại hoang tưởng như vậy?”. Trong tâm lý học, hiện tượng này được gọi tên theo thuật ngữ “sự phản chiếu”. Thuật ngữ này giải thích việc chỉ có kẻ lừa đảo mới nhận ra chân tướng và kết tội một kẻ lừa đảo khác. 
  3. Những bài học về ngôn ngữ: Ngôn ngữ luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhận thức của con người và hệ quả của nó là ảnh hưởng tới cảm nhận khi chúng ta tiếp nhận thông tin.
  4. Những dấu hiệu tích cực: Dấu hiệu nhận biết cần mang tính tích cực, cho phép người sử dụng có thể lựa chọn gắn bó với nó hoặc không công nhận nó.

Liệu đối phương có thực sự tự tin?

Ở chương này tác giả sẽ chỉ cho chúng ta cách thức để đo sự tự tin của một đối tượng thông qua:

  1. Dấu hiệu cơ thể: gồm có 5 biểu hiện cụ thể là hội chứng “chiến đấu hay bỏ chạy”, giọng nói hoặc cơ thể run rẩy, khó nuốt nước bọt, thay đổi giọng nói, “người chớp mắt”
  2. Quyết định điểm tập trung: Việc một người nào đó tập trung cao độ vào công việc đang làm mà không hề chú ý đến bản thân mình gọi là trạng thái không quan tâm đến bản thân. Nếu trong lúc ấy đối tượng chỉ cần quan tâm đến bản thân một chút thôi anh ta sẽ bị phân tâm ngay lập tức và không thể tập trung vào công việc đang làm.
  3. Dấu hiệu nâng cao “Điều chỉnh nhận thức” Một người đang trong trạng thái lo lắng nhưng lại cố tỏ vẻ ngược lại chứng tỏ anh ta đang cố thể hiện theo hướng có lợi cho bản thân. Người giả vờ tự tin chắc chắn anh ta đang mất tự tin.

Mọi chuyện…có thực là vậy?

Chúng ta có thể nhận biết tâm trạng và thái độ của một người dù anh ta có kín tiếng như thế nào đi nữa bằng cách:

  1. Sức mạnh của nhận thức: Việc tự nhận thức của một người ta cố định. Tuy nhiên, sẽ có những co giãn nhất định phù thuộc vào hoàn cảnh và những sự việc xảy ra trước đó. Điều này giúp chúng ta có thể phán đoán điều gì đã xảy ra dựa trên những điều đang xảy ra.
  2. “Cảm giác của anh ta như thế nào?”: Khi cần thông tin của một đối tượng, chúng ta có thể hỏi anh ta một câu hỏi bất bình thường và mơ hồ về một sự kiện nào đó và quan sát phản ứng của anh ta. Từ đó có thể rút ra được anh ta đang trong trạng thái lạc quan hay bi ai.
  3. Nhận biết mâu thuẫn: Những biểu hiện mâu thuẫn nhau như lắc đầu khi đang nói có sẽ là một dấu hiệu để nhận ra cảm xúc thật của một người.
  4. Một trang mới của cuộc đời: Một người càng lạc quan về tương lai bao nhiêu thì càng dễ tha thứ cho lỗi lầm trong quá khứ bấy nhiêu. Vì vậy chúng ta có thể nắm tình hình hiện tại của đối tượng một cách dễ dàng khi tiến hành so sánh cảm xúc của người đó với một việc tương tự xảy ra trong quá khứ.
  5. Ánh mắt biết nói: Đối với những người thuận tay phải, khi anh ta nhìn lên trên nghĩa là anh ta đang hồi tưởng lại một hình ảnh nào đó, hướng thẳng khi nhớ lại một âm thanh, hướng xuống khi nghĩ về ngôn ngữ hoặc cảm xúc, nhìn sang phải để bịa ra một chuyện gì đó và nhìn sang trái để nhớ lại một kỷ niệm.

Đo mức độ quan tâm: Liệu anh ta có thực sự quan tâm bạn hay bạn đang lãng phí thời gian?

Khi một người quan tâm đến một vấn đề gì đó anh ta rất khó để che giấu cảm xúc thật sự của mình. Ở chương này tác giả sẽ cung cấp cho chúng ta hai thủ thuật, hai dấu hiệu cơ bản để nhận biết mức độ quan tâm của một người.

  1. Tính tư lợi: Mỗi khi chúng ta thăm dò ý nghĩ của một ai đó, cẩn thận xem xét hành động của người đó chứ đừng nghe những gì họ nói.
  2. Sự tò mò có thể tiết lộ nhiều điều: con người thông thường sẽ tò mò về vấn đề mà anh ta đặc biệt hứng thú. Vì vậy từ việc gợi sự tò mò chúng ta sẽ có thể xác định một người có hứng thú với một vấn đề nào đó hay không.
  3. Thay đổi thực tế: Lòng tự tin của một người thường tỷ lệ nghịch với mức độ quan tâm của họ. Khi càng quan tâm đến một vấn đề gì đó, chúng ta càng cố gây sự chú ý thì càng đánh mất sự tự tin. Qua đó ta có thể đánh giá mức độ quan tâm của một người thông qua sự tự tin của người đó.

Đồng minh hay kẻ phá hoại, thật ra họ đang ở phía nào?

Nếu nghi ngờ một người đang giả vờ ủng hộ nhưng lại đâm lén sau lưng bạn, những thủ thuật sau sẽ có ích:

  1. Tôi có thể giúp gì cho bạn?: Điều này được xác định vô cùng đơn giản. Nếu một người thực sự muốn giúp đỡ người khác, họ sẽ làm bất cứ điều gì họ cảm thấy có ích. Nhưng một người chỉ cố giả vờ, họ sẽ chỉ bày tỏ lòng tốt thông qua lời nói chứ không hề có hành động giúp đỡ nào.
  2. Trao đổi thông tin tự do: Người muốn giúp bạn là người luôn muốn thông tin trao đổi từ hai phía là chính xác, ngược lại, nếu anh ta không hề quan tâm gì đến thông tin của công việc của bạn thì anh ta hoàn toàn không hề có ý định giúp đỡ, nghiêm trọng hơn là sẽ đâm sau lưng bạn.
  3. Người nhiệt tình: Thủ thuật này giúp chúng ta xác định độ thành thật của một người dựa vào mức độ hợp tác của người đó trong từng tình huống cụ thể.
  4. Đánh giá sáu nhân tố: Sự quan tâm, lòng trung thành, niềm tự hào, lòng trung thực, sự tôn trọng, đức hy sinh
  5. Bán hàng đại hạ giá: Thủ thuật này nghĩa là chúng ta tỏ vẻ nghi ngờ rằng đối tượng đang không thật sự ửng hộ mình, sau đó dò xét thái độ của họ.

Đọc vị cảm xúc: Có phải bạn đang nói chuyện với một người ôn hòa không?

  • Điều gì khiến một người “bình thường” hay “không bình thường”: Trong con người mỗi chúng ta đều tồn tại 3 nhân tố: tâm hồn, bản ngã và lương tâm. Tâm hồn cố gắng làm điều đúng đắn, bản ngã thì muốn trở nên đúng còn cơ thể chỉ muốn thoát khỏi những lý luận lằng nhằng này. Chính ba nhân tố này sẽ quyết định một người có bình thường hay không.
  • Mất bình tĩnh và giận dữ: Một người không tự tôn trọng bản thân sẽ rất dễ đánh mất kiểm soát. Những người như thế rất dễ mất bình tĩnh, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, phần thiếu tôn trọng bản thân sẽ khiến cho anh ta có những hành động không thể lường trước được. Tiến sĩ David J.Lieberman

2. Những kế hoạch chi tiết cho hoạt động trí óc: Quá trình đưa ra quyết định.

Phần hai gồm có tám chương với thông điệp “Vượt ra ngoài việc đọc các suy nghĩ và cảm giác đơn thuần: Hãy học cách người khác suy nghĩ để có thể nắm bắt bất kỳ ai, phán đoán cách hành xử và hiểu được họ còn hơn chính bản thân họ”.

S.N.A.P không dựa trên tính cách:

Tính cách là cái mà chúng ta biểu hiện ra bên ngoài và là cách chúng ta ứng xử. Cùng một người đứng trước cùng một hoàn cảnh những phản ứng của anh ta sẽ khác ở các thời điểm khác nhau. Khi trạng thái cảm xúc thay đổi thì cách nhìn và cảm giác của chúng ta hoàn toàn thay đổi.

Màu sắc cơ bản của suy nghĩ, ba sắc màu cơ bản và bốn sắc màu thứ cấp:

  • Lòng tự trọng: mức độ một người thích bản thân anh ta và mức độ giá trị hạnh phúc mà anh ta cảm nhận được
  • Sự tự tin hay cảm thấy mình hiệu quả
  • Mức độ hứng thú
  • Sự nỗ lực Sự bào chữa và hợp lí hóa
  • Lòng tin
  • Tâm trạng

Suy nghĩ về những điều chúng ta hành động: Tại sao và như thế nào?

  • Lòng tự trọng và “cái tôi”: Lòng tự trọng và “cái tôi” của một người tỷ lệ nghịch với nhau. Lòng tự trọng càng cao thì “cái tôi” càng bé. Khi một người không có “cái tôi” lớn thì họ sẽ có cách nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn.
  • Sức mạnh của cách nhìn nhận vấn đề: Biết được cái tôi của một người lớn đến đâu là mấu chốt trong quá trình đọc biết suy nghĩ của người đó.
  • Dự đoán cách nghiên cứu tiếp theo.

Ảnh hưởng của lòng tự trọng: Sáu nhân tố lớn

Lòng tự trọng ảnh hưởng đến hai cách nhìn nhận vấn đề và bốn biến số phụ thêm.

  • Nhân tố thứ nhất: các loại nhu cầu. Những người có lòng tự trọng thấp thường là những người bồng bột, chưa chính chắn và dễ dàng bị hấp dẫn bởi những nhu cầu vật chất trước mắt, không nghĩ đến lâu dài và ngược lại. Những người có lòng tự trọng cao sẽ chỉ nghĩ đến những lợi ích lâu dài của bản thân họ.
  • Nhân tố thứ hai: Sự tự tin. Một người có tự trọng cao sẽ tự tin hơn vào khả năng, suy nghĩ cũng như hành động của mình.
  • Nhân tố thứ ba: Sự nổ lực. Việc cân đo đong đếm sự nổ lực tỷ lệ nghịch với mức tự trọng của một người.
  • Nhân tố thứ tư: Các giá trị và lòng tin. Khi tầm suy nghĩ không thể vượt ra khỏi những ham muốn nhất thời của bản thân, chúng ta sẽ tự làm giảm giá trị của chính mình.
  • Nhân tố thứ năm: tự bào chữa và hợp lý hóa: Để tự cảm thấy giảm bớt cảm giác tội lỗi, chúng ta có xu hướng tự tìm ra lí do biện hộ cho mình. Để có cảm giác tốt đẹp về bản thân, chúng ta sẽ dựng lên những hình ảnh về bản thân và thế giới xung quanh theo ý mình chứ không phải như trên thực tế vốn có.
  • Nhân tố thứ sáu: ảnh hưởng của tâm trạng. Tâm trạng chính là cái bóng của lòng tự trọng, có liên quan đến việc cổ vũ hay dập tắt ý chí của chúng ta. Khi mức tự trọng của một người càng thấp, tâm trạng càng có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và cảm xúc của anh ta.

Anh ta có lòng tự trọng cao hay chỉ giả vờ? Năm sai lầm dễ mắc phải

Trên thực tế việc xác định mức độ tự trọng của một người không quá khó khăn nhưng cũng rất dễ mắc sai lầm:

  • Sai lầm 1: Dễ đánh đồng giữa tự trọng và tự cao. Chúng ta không nên nhầm lẫn một kẻ có lòng tự cao với một người biết trân trọng bản thân mình.Mức độ tự trọng và tự cao của một người hoàn toàn tỷ lệ nghịch với nhau.
  • Sai lầm 2: Đánh đồng giữa tự trọng và tự tin. Một người có thể tự tin về bản thân trong một số trường hợp cụ thể và có cả biểu hiện điển hình của lòng tự trọng, nhưng một người có lòng tự trọng cao cũng có những trường hợp họ không hề tự tin. Phân biệt rạch ròi hai khái niệm này rất khó nhưng rất cần thiết để đọc vị chính xác một người.
  • Sai lầm 3: Những câu chuyện thành công. Chúng ta không thể đánh giá lòng tự trọng của một người qua mức độ thành công của anh ta.
  • Sai lầm 4: Nhúng nhường hay đáng khinh. Sự khiêm tốn rất dễ nhầm lẫn với sự yếu kém, Chúng ta cũng cần xác định một người thật sự khiêm tốn hay chỉ giả vờ, người khiêm nhường và kẻ tự hạ thấp bản thân để lấy tình cảm của người khác.
  • Sai lầm 5: Đánh đồng giữa tự trọng và tâm trạng. Tâm trạng một người đang vui vẻ có thể khiến anh ta biểu lộ sự cởi mở, duyên dáng…nhưng biết đâu trên thực tế anh ta là một kẻ xấu tính và ích kỷ.

Thăm dò lòng tự trọng. Xác định mức độ tự trọng của một người.

Làm thế nào để xác định một người có lòng tự trọng cao hay không? Chúng ta có thể quan sát cách anh ta đối xử với bản thân và những người xung quanh. Một người thiếu lòng tự trọng sẽ chỉ hành động để phục vụ cho lợi ích của bản thân mình và ngược lại.

Ba loại tính cách:

Loại tính cách LE-D người tự coi mình là thấp kém. Những người thuộc loại tính cách này thường hay nói xin lỗi mặc dù họ không gây ra lỗi lầm gì cả. Họ chấp nhận làm điều mình không thích cho một người nào đó không phải quý mến người ta mà vì không muốn làm mất lòng họ. Biểu hiện của loại tính cách LE-D:

  1. Không dễ dàng chấp nhận lời khen
  2. Không quyết đoán và không dám nói ra chính kiến của bản thân
  3. Nói những điều không tốt về mình
  4. Lúc nào cũng xin lỗi và cảm giác mình là người có lỗi
  5. Thường xuyên chịu đựng cảm giác không tốt về mặt tâm lý
  6. Thường xuyên có cảm giác lo lắng, bồn chồn khi phải rơi vào môi trường mới hoặc khi ở cạnh những người họ không quen, chỉ thích ở nơi mà họ có được cảm giác an toàn.
  7. Sợ phải mạo hiểm, thậm chí đó là sự mạo hiểm có tính toán và khôn ngoan.

Loại tính cách LE-A người kiêu ngạo. Loại người này thích trở thành trung tâm của sự chú ý, dễ nổi cáu và hay phàn nàn. Những biểu hiện của tính cách này:

  1. Rất dễ nối cáu tức giận và ra oai, lúc nào cũng muốn người khác chú ý đến mình. Có thể coi là một ngời hung hăng
  2. Có xu hướng phản ứng thái quá với bất kỳ sự đối xử nào mà anh ta cho rằng không công bằng, bất chấp đó là việc lớn hay nhỏ.
  3. Thường huênh hoang, khoác lác về những thành công dù vô cùng nhỏ nhặt của bản thân anh ta.
  4. Lúc nào cũng nghĩ về tài sản, vật chất. Luôn tìm cách để củng cố địa vị, tầm quan trọng của mình.
  5. Có xu hướng kiểm soát tất cả hành động của mọi người trong mọi trường hợp
  6. Thường có thái độ say mê kiểu quá khích.

Những kiểu tính cách kết hợp giữa LE-D và LE-A:

  1. Nhạy cảm quá mức cần thiết
  2. Thường sử dụng những ngôn từ chán nản và sống trong quá khứ
  3. Thường cố gắng trong vô thức để gây ấn tượng mình là người quyết đoán.
  4. Tự dựng lên một hình ảnh sai lệch về bản thân với thế giới xung quanh vì muốn người khác nghĩ rằng mình tốt đẹp hơn bản thân trên thực tế.
  5. Mọi chuyện họ đều liên hệ tới bản thân vì đối với họ họ là “trung tâm vũ trụ”.
  6. Thường tìm kiếm sự ủng hộ và cảm giác yên lòng nơi người khác.
  7. Tràn ngập niềm tin mù quáng, luôn hành động theo cảm tính.
  8. Tâm trạng thay đổi thất thường.
  9. Thường không giữ được mối giao hảo với nhiều người, rất khó hòa hợp.
  10. Đổ lỗi cho tất cả trừ bản thân anh ta khi gặp vấn đề nào đó.
  11. Dễ buồn chán, thất vọng hoặc lo lắng bất an.
  12. Gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định.

Nghệ thuật và khoa học tìm hiểu tính cách: Những ví dụ thực tế.

Ở chương này chúng ta sẽ được tác giả chỉ hai cách phân loại có thể áp dụng trong hầu hết các trường hợp trong thực tế. Hai kiểu phân loại gồm:

  • Loại A: Người không có hứng thú từ đầu với kết quả khi đánh giá công việc hoặc giúp đỡ một người bạn.
  • Loại B: Người có hứng thú từ đầu.

Phân tích S.N.A.P: Đánh giá chung.

Khi đang đối mặt với những vấn đề nguy cấp, cần bỏ ra nhiều công sức để làm được việc. Con người có xu hướng giảm các hành động nghĩa hiệp hoặc tích cực của mình. Tuy nhiên, đối với một người có lòng tự trọng cao sẽ có sự kiên định hơn.

  • Kiểu người có vẻ có lòng tự trọng thấp: họ thường tập trung vào các ham muốn nhất thời của bản thân, thường rất tư lợi; tâm trạng lấn lướt lòng tự trọng để chi phối mọi thứ; Mức độ tự tin tỷ lệ nghịch với hứng thú.
  • Kiểu người có vẻ có lòng tự trọng cao: Biết tập trung cho những lợi ích lâu dài và biết nghĩ cho người khác, có bản lĩnh vượt qua mong muốn tư lợi; Trong trường hợp có cảm giác bị nguy hiểm không ở mức quá thấp, tâm trạng không ảnh hưởng tới suy nghĩ của họ; Trong trường hợp không có quá nhiều hứng thú, lòng tự tin trong họ thường chỉ xoay quanh mức độ hứng thú và không chiếm quá nhiều suy nghĩ của họ.

Cảm nhận của người viết về quyển sách: Mình quyết định mua quyển sách này khi vừa mới ra trường. Bắt gặp tiêu đề của sách mình đã vô cùng hứng thú và không do dự mua về và đọc ngấu nghiến trong vòng hai ngày. Sau đó đọc lại thêm một lần nữa vì mình cảm thấy hơn lúc nào hết mình cần nó. Môi trường học tập và môi trường làm việc ngoài xã hội hoàn toàn khác nhau nên thời điểm đó mình có chút hụt hẫng về phản ứng, cách đối xử của những người xung quanh, đồng nghiệp. Tuy nhiên, sau đó mình đã cố làm theo những hướng dẫn của tiến sĩ David J.Lieberman. Phân tích từng người đồng nghiệp và từ đó cố gắng “đọc vị” họ. Tìm một cách ứng xử phù hợp nhất để bản thân không bị lợi dụng, thậm chí là ức hiếp. Ban đầu có rất nhiều mâu thuẫn vì mình khó nhớ hết những khái niệm chuyên ngành mà tác giả đưa ra, nhưng để có kết quả như ý, không thể chỉ đọc quyển sách một hai lần, đòi hỏi chúng ta dành thời gian nghiền ngẫm và thực sự quan sát tỉ mỉ đối tượng của mình khi đã áp dụng các bước “đọc vị” mà quyển sách đã hướng dẫn.

– sachhaynendoc.net