“Phi Châu Thịnh Vượng – Lịch Sử 5.000 Năm Của Sự Giàu Có, Tham Vọng Và Nỗ Lực” là bức tranh toàn cảnh 5.000 năm lịch sử của lục địa châu Phi rộng lớn, đặc biệt là giai đoạn thịnh vượng đã kéo dài hàng nghìn năm, thu hút bao nhà thám hiểm và kẻ xâm chiếm đến từ những vùng đất xa xôi.
Review (2)
Châu Phi huyền bí – Điều này quả thật rất đúng đối với tôi. Nơi ấy trong trí nhớ của tôi luôn hiện lên với 2 thái cực đối nghịch nhau: một bên là các Pharaoh vững mạnh và xa hoa trên đỉnh cao quyền lực cùng các Kim tự tháp và một bên là những người nô lệ khốn khổ tận cùng. Nếu như còn một chút hiểu thêm về châu lục ấy thì hình như tôi chỉ biết châu Phi có mỏ vàng, kim cương trữ lượng cực lớn và chủ nghĩa Apartheid. Bởi vậy nên khi đọc Phi Châu thịnh vượng tôi gần như choáng ngợp bởi lượng thông tin dồ sộ và mới mẻ của cuốn sách này. Phi châu thịnh vượng – một cuốn sách dày đặc thông tin với trên 900 trang, tái hiện Lịch sử Châu Phi hơn 5000 năm thăng trầm từ thời các Pharaoh đến hiện tại đầy biến động và một số cảnh báo đến năm 2050.
Cuốn sách chứa rất nhiều thông tin, kiến thức về châu Phi, phân thành 4 mảng như sau:
* Châu Phi thời cổ đại đến trước khi bị người châu Âu xâm lược.
* Châu Phi dưới sự thống trị của người Châu Âu.
* Các tôn giáo chính của châu Phi: Ki tô giáo và Hồi giáo.
* Châu Phi hiện đại.Châu Phi đã sản sinh ra Ai cập – một đất nước có nền văn minh vĩ đại, đã hình thành và phát triển rực rỡ khi châu Âu còn đang trong thời kỳ mông muội.
Ai cập có những vị vua trị vì từ rất sớm so với lịch sử nhân loại, đó là các Pharaoh. Các Pharaoh luôn là chủ đề cuốn hút độc giả: tầm vóc vĩ đại của họ trong dòng chảy lịch sử, các công trình kiến trúc kỳ vĩ: đền đài, lăng tẩm, kim tự tháp, những hiểu biết vượt thời gian…
Các Pharaoh đều là những người yêu thích các công trình kiến trúc to lớn, mỹ lệ, nhất là các kim tự tháp – lăng mộ của chính họ.
Ai cập cổ đại đã rất nhiều lần bị nạn ngoại xâm. Từ người Kush đến người Assyria rồi người Ba Tư. Tuy bị đô hộ hàng mấy trăm năm nhưng người Ai cập vẫn giữ được truyền thống văn hóa và tôn giáo riêng của họ với rất nhiều tập tục độc đáo. Ai cập từ một đất nước phát triển huy hoàng dần tàn lụi và bị La mã xâm chiếm. Cùng với Ai cập, toàn bộ miền Bắc châu Phi đều rơi vào tay La mã : Carthage, Berber, Afrisa Nova, kéo dài đến bờ biển Đại Tây Dương, trải từ Ai cập đến Maroco.
Ai cập thuộc La mã dưới thời Ptolemy còn có Alexandria – một thành phố là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu, có thư viện lớn nhất thế giới (thư viện sở hữu bộ sưu tập sách vĩ đại nhất thời cổ đại bao gồm mọi bộ sách được viết bằng chữ Hy Lạp).
Dưới sự chiếm đóng của La mã, khu vực này ngày càng thịnh vượng. Châu Phi cung cấp đủ ngũ cốc cho Roma. Ngũ cốc cùng với dầu Oliu đã làm cho châu Phi trở nên giàu có hơn. Nông nghiệp phát triển, La mã đã xây dựng các thị trấn, đường ống nước, cảng biển và đường bộ. Sự cai trị của La mã với châu Phi cũng dễ thở, họ áp dụng các biện pháp cẩn thận và tinh tế. Người Kush sau khi ký hòa ước liên minh đã trở thành nguồn cung cấp ngà voi và các vật dụng bằng thép.
Người La mã xâm chiếm châu Phi còn đem đến cho châu lục này một tôn giáo mới: Ki tô giáo. Khởi đầu một cách không suôn sẻ, Kitô giáo dần trở thành một tôn giáo lớn mạnh tại Alexandria với cộng đồng dân Do Thái đông đảo.
Với sự chối bỏ lời thề trung thành với nhà vua, Kitô giáo đã khiến cho các nhà cầm quyền tức giận dẫn đến xảy ra các đợt đàn áp lớn với người Kitô giáo.Khi sự cai trị của La Mã chấm dứt nhường chỗ cho Ả rập thì thể chế này cũng đã mang theo một tôn giáo mới cho châu Phi: Hồi giáo. Ban đầu, người Ả rập chấp nhận các tôn giáo của người Ai cập nhưng sau đó trong vòng một thế kỷ mọi chuyện dần thay đổi. Người Ả rập đã dùng những phương pháp thầm lặng để thay đổi tôn giáo của người bản địa như: đồng hóa thông qua hôn nhân, giao dịch buôn bán bằng tiếng Ả rập, nếu theo đạo Hồi sẽ được miễn nhiều loại thuế. Cho đến thế kỷ IX người Ả rập và Ai cập đã hợp nhất thành một cộng đồng dân cư với đạo Hồi là tôn giáo chủ yếu.
Nếu như ở phương Đông có con đường tơ lụa nổi tiếng thì ở châu Phi cũng có những tuyến đường băng qua sa mạc Sahara nối liền các trung tâm thương mại của Bilad as Sudan – “vùng đất của người da đen”. Cùng các đoàn lữ hành lạc đà, Sahara đã trở thành một tuyến đường cao tốc thương mại với hai mặt hàng nổi bật là vàng và nô lệ. Vùng thảo nguyên phía Nam sa mạc Sahara đã phất lên nhờ vào con đường này. Ban đầu họ bán lượng nông sản dư ra, đổi lấy muối và đồng từ các khu mỏ nằm sâu trong sa mạc Sahara. Sau này, vương quốc Wagadu đã bắt đầu hoạt động buôn bán vàng với các trung tâm thương mại Soninke.
Ở trung Sudan, vương Triều của Kanem (thế kỷ IX) không hề có vàng, đồng hay muối cũng như nông sản, họ giàu lên nhờ buôn bán nô lệ. Đến thế XV, tổng số người trên sa mạc bị bắt làm nô lệ thời đó lên đến hơn 4.000.000 người.
Đường cao tốc xuyên sa mạc Sahara cũng trở thành một con đường truyền bá đạo Hồi trên khắp Tây Phi. Giáo dục Hồi giáo khiến cho các tín đồ biết chữ, biết ghi chép, biết đọc và hiểu biết được thế giới rộng lớn xung quanh.Lịch sử của châu Phi luôn gắn liền với những cuộc xâm lược của người châu Âu với mở đầu là người La mã. Đến năm 1415 là người Bồ đào nha cùng hải quân hùng mạnh. Hoạt động chủ yếu người Bồ đào nha là bắt người da đen bản xứ về làm nô lệ. Dần dần người Bồ Đào Nha đã chuyển qua kinh doanh đơn thuần và cởi mở. Cùng với việc đi sâu vào lục địa, họ bắt đầu kinh doanh ngà voi, vàng và sa khoáng. Điều này đã dẫn đến việc bắt người làm nô lệ lại xảy ra với mức độ lớn hơn.
Ngoài việc săn bắt người bản địa làm nô lệ, những người châu Âu còn lấn chiếm, cướp đất canh tác, chăn nuôi của người bản xứ. Điều này tất yếu dẫn đến việc dân bản địa nổi dậy, xua đuổi những người định cư châu Âu. Trật tự đã được vãn hồi cùng với Hòa ước đã được ký kết nhưng những mâu thuẫn giữa người châu Phi với người châu Âu vẫn luôn âm ỉ, chỉ chực bùng phát chứ không bao giờ mất đi. Thỉnh thoảng lại có bạo động dẫn đến tổn thất cho cả hai bên khiến cho người dân không thể ổn định cuộc sống.
Nước Anh khi bắt đầu xâm nhập vào châu Phi đã cho một nhóm tình nguyện viên sang với mục tiêu thành lập thị trấn mới. Thị trấn Granvile thành lập với những con phố đẹp đẽ, tự cung tự cấp gạo rau củ… Song khi cuộc chiến tranh Anh – Pháp nổ ra, mọi thứ sụp đổ hoàn toàn, người Pháp kéo đến đốt phá hết thảy.
Với những cuộc đấu tranh dữ dội ngày càng nhiều, châu Phi đã đòi lại được độc lập cho mình.. Hệ thống thuộc địa của Anh, Pháp, Bỉ, Bồ đào nha dần tan rã. Nhưng làn sóng này đã dừng tại Nam Phi. Với sự thành lập chế độ phân biệt chúng tộc Apartheid, chế độ này loại bỏ quyền bầu cử của người da màu, sau giờ làm việc họ không được phép ở trong thành phố của người da trắng, có những khu vực riêng dành cho người da trắng trên xe buýt, xe lửa, bưu điện, nhà hàng, rạp hát…
Các nước châu Phi sau những hân hoan khi giành được độc lập, có một thời gian kinh tế phát triển. Nhưng sau đó lại chìm vào sự hỗn loạn do nội chiến, đảo chính. Người dân không chịu nổi sự tham nhũng của các quan chức, những người này chia nhau tiền từ tài nguyên của đất nước, tranh giành giám sát lẫn nhau.
Kết thúc cuốn sách, châu Phi vẫn chìm trong nội chiến, tham nhũng, nghèo nàn và lạc hậu. Nhưng “Bất chấp mức độ rủi ro và phiền nhiễu cao như vậy, sự cám dỗ của một châu Phi giàu có ở thế kỷ 21 vẫn mạnh mẽ như trong quá khứ. Tương tự hoạt động của các tập đoàn phương Tây trước đây, những tay chơi mới lại đặt chân đến vùng đất này. Đó là Trung Quốc và các nước châu Á khác, với sức mạnh kinh tế đang gia tăng đã kích thích bùng nổ nhu cầu đối với tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản của châu Phi. Một lần nữa đất đai trở thành loại hàng hóa được đánh giá cao. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, các tập đoàn nước ngoài đã mua lại những vùng đất rộng lớn ở châu Phi giống như những gì người La mã đã từng làm”.
– Huỳnh Thu Giang