Lần cập nhật gần nhất July 20th, 2021 – 06:20 pm
Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là tác phẩm hư cấu chứa đựng nhiều nhất con người thật của Murakami, cũng là câu chuyện đơn giản nhất mà ông từng kể. Cuốn sách chứa đựng những tầng sâu suy ngẫm, đi sâu vào góc khuất tâm lý và tâm hồn con người. Murakami có thể viết tác phẩm của mình một cách đơn giản nhưng sức mạnh nội tại và tầm ảnh của nội dung lại không hề tầm thường.
Review Phía nam biên giới, phía tây mặt trời (2)
Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời – Cuốn sách “nhập môn” vào thế giới của Haruki Murakami
Đầu tiên, phải thú nhận rằng mình đã thai nghén bài cảm nhận này từ rất rất nhiều năm trước. Nhưng thừa nhận là mình không biết phải bắt đầu từ đâu cả. Mỗi lần cầm bút lên là một lần tâm trí cứ như vừa trải qua một trận sóng thần cuốn băng mọi ý niệm, đầu óc trở nên trống rỗng và mơ hồ. Thế là lại thôi, không viết nữa. Nhưng lần này thì mình tuyệt đối không chần chừ nữa và sẽ hoàn thành nó ngay trong một lần “xuống tay”. Và phải cảnh báo rằng bài viết không hề ngắn đâu nhé.
Mình bắt đầu “nhảy hố” Haruki Murakami từ những năm cấp ba. Cuốn sách đầu tiên mà mình đọc là “Rừng Nauy”. Thật ra thì mình đọc nó vì đú trend, nghe nhiều review bảo quyến đó hay, “nhân sinh” đồ, tuổi trẻ đồ blah blah toàn những ngôn từ hoa mĩ. Thế là mua về đọc và kết cục là fail vkđ.
Với một tấm chiếu mới toanh như mình lúc đó thì việc đọc nó và việc cho một đứa trẻ đang tuổi ăn dặm đi gặm đùi gà quay chẳng khác quái gì nhau cả.
Mình không hiểu một cái gì trong đó, ngôn từ thì cứ trôi tuồn tuột. Và thế là mình tự nhủ “chắc không hợp gu mình rồi”. Sau đó thì vứt “Rừng Na Uy” sang một bên và đọc những cuốn khác, những tác giả khác. Phải đến năm hai sinh viên, mình mới bắt đầu quay lại với Haruki, nhưng lần này là một quyển khác với cái bìa đôi môi đỏ trên nền tuyết trắng khá ấn tượng. Phải, bạn đoán đúng rồi đấy. Là “Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời”.
Và rồi cứ như bị đánh bùa choáng. Mình yêu Haruki, hay nói đúng hơn là yêu quyển sách này ngay từ những dòng đầu tiên.
“Thế nhưng tôi lại là con một. Suốt hồi bé, lúc nào tôi cũng có mặc cảm thấp kém. Tồn tại của tôi có một điều đặc biệt: tôi bị tước mất một thứ mà những người khác có và coi là bình thường.”
“Khi còn nhỏ, tôi không chịu nổi khái niệm “con một”. Mỗi khi nghe thấy từ đó, tôi liền ý thức được ngay điều mà mình thiếu. Nó giống như là một ngón tay chỉ vào tôi và nói: “Mi là một thằng người không hoàn chỉnh”.”
“Trong cái thế giới nơi tôi sống, mọi người đều chắc chắn rằng bọn con một là một lũ được nuông chiều quá mức, yếu đuối và thất thường khủng khiếp. Cái đó giống như một thứ quy luật thần thánh và tự nhiên, theo cùng lỗi với những quy luật như: “Bò sữa cho sữa” hoặc “Càng lên cao áp suất không khí càng giảm”. Chính vì vậy tôi rất ghét bị hỏi về gia đình. Tôi biết thừa là ngay khi nghe câu trả lời của tôi, người kia sẽ tự nhủ: “À hóa ra là một đứa con một; thế thì chắc chắn là nó phải được nuông chiều quá mức, yếu đuối và thất thường khủng khiếp”. Những phản ứng trăm lần như một đó làm tôi cảm thấy bị tổn thương, tôi biết chúng quá rõ, đến mức ngán ngẩm. Nhưng điều tôi chán nhất là những người nói xấu tôi đó hoàn toàn có lý: không nghi ngờ gì nữa, tôi được nuông chiều quá mức, yêu đuối và thất thường đến khủng khiếp.”
Mình là con một, phải nói ngay với bạn như thế. Và cho đến những năm chưa đọc những dòng ấy mình cứ luôn thấy bản thân có gì đó “sai sai”, “thiếu thiếu” ở đâu đấy nhưng lại không tài nào tìm ra được. Nhưng rồi Haruki đến và vả ngay vào mặt mình những câu chữ thần thánh ấy. Mình như được giác ngộ và vỡ ra nhiều điều về chính mình. Phải, không còn nghi ngờ gì nữa. Mình là đứa được nuỗng chiều quá mức, yếu đuối và thất thường khủng khiếp.
Càng đọc “Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời” lòng mình lại càng thấy buồn kinh khủng khiếp. Nỗi buồn theo chân nhân vật chính- Hajime từ khi anh ấy còn là một đứa trẻ, gặp được chân ái đời mình, cho đến khi hai người lỡ vuột mất nhau trong những năm tháng trưởng thành, đến lúc là người đàn ông của gia đình rồi tình cờ gặp lại người con gái ấy.
Trong hành trình ấy, Hajime đã trải qua nhiều bài học trong cuộc đời, nếm trải nhiều thứ, cũng có thêm nhiều mối quan hệ. Anh đã trưởng thành. Đã đổi khác. Nhưng nỗi cô độc luôn vây quanh anh thì không. Anh luôn muốn níu lấy cuộc sống, luôn muốn chứng minh rằng bản thân mình có tồn tại. Nhưng bức tường vô hình ngăn cách giữa anh và mọi người lại không cho phép anh làm điều đấy.
Hành trình Hajime trưởng thành cũng là hành trình mà mình nhìn thấy bản thân trong đó. Cảm giác mà anh miêu tả là cảm giác mình đã gặp qua. Dù không muốn nhưng mình phải thừa nhận điều đó là sự thật. Từ cảm giác cô độc đến việc không thể hiểu nổi chính mình. Không biết cách làm bạn với nó.
Thời khắc gấp lại cuốn sách, cũng là lúc mình học cách chấp nhận bản thân. Chấp nhận rằng mình không hoàn hảo, chấp nhận cả sự khác biệt của bản thân và hiều hơn về chính mình.
Còn nhiều nhiều lắm những điều mà mình muốn viết ra. Nhưng thôi, vẫn là nên giữ lại một chút cho riêng mình. Nếu bạn muốn nhấm nháp chút cô đơn trong một chiều lộng gió, nếu bạn muốn hiểu hơn một chút về thế giới nội tâm của những đứa con một. Hay đơn giản chỉ là muốn bước vào vương quốc của Haruki một cách dễ dàng, hãy thử đọc “Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời” nhé. Sẽ không làm bạn thất vọng đâu. Yêu bạn lắm, vì đã kiên nhẫn đọc những dòng này đến tận cuối cùng.
– Nguyen Thi Thuong Hoai
Một chiều chủ nhật đẹp trời. Tôi không ra ngoài mà ngồi ở nhà nhâm nhi nốt những khoảnh khắc cuối cùng của kì nghỉ lễ. Hai tuần nghỉ lễ diễn ra không tệ. Và một trong những điều tạo nên cảm hứng cho tôi là đã hoàn thành cuốn “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”. Tôi gọi ngày hôm nay là một ngày chủ nhật hứng khởi. Trong cuộc đời, hiếm có nhiều những ngày thế này trong một năm. Thế nên tôi khởi động máy tính. Và viết.
Tôi không thường xuyên viết review về sách. Giờ thì tiếng Việt của tôi thật tệ, tôi không biết có từ nào trong tiếng Việt chỉ hoàn hảo ngữ nghĩa của từ review hay không. Bài cảm nhận? Bình phẩm? Bản thân tôi không thích những từ đó, vì chúng mang tính đánh giá và hợm hĩnh quá cao. Như thể đứng lên đầu tác phẩm nghệ thuật mà xét nét đủ kiểu. Tôi chỉ muốn một từ giản dị và thẳng thắn, như review. Có lẽ từ trước tới giờ tôi chỉ viết 3 lần review về sách trong đời. Một lần là về thơ Tố Hữu (vâng, và bạn có quyền cười ạ), một lần về “Cuốn theo chiều gió”, và lúc này đây. Thực ra cũng có một lần tôi định viết về Nguyễn Ngọc Tư, nhưng chỉ được đúng 1 câu. Rồi mãi mãi không viết tiếp được nữa. Ý tôi là mãi mãi, cho tới thời điểm này. Phải nói thêm, tôi đang viết bài bằng máy tính xách tay cá nhân. Sở dĩ tôi nhấn mạnh điều này là bởi một khi tôi đã dùng đến máy tính, chứ không phải điện thoại di động, thì hẳn đó là việc hết sức nghiêm túc! Tôi từng viết những bài dài thật dài và lưu một đống trong điện thoại cầm tay. Nhưng chỉ những khi tôi thực sự viết trôi chảy, chạy không kịp với cảm xúc thì tôi mới dùng đến máy tính. Hoặc khi làm luận văn hay đồ án (những việc này dĩ nhiên không thú vị bằng, nhưng cần sự nghiêm túc tương đương).
Nếu như bạn từng đọc Haruki (hoặc Murakami, tôi không biết bạn gọi thế nào, và không muốn bị coi là không tôn trọng ông), thì hẳn nhận ra giọng văn tôi đang viết cũng mang hơi hướng văn phong của ông. Tôi có cái tật bị tiêm nhiễm rất nhanh. Chẳng hạn nếu bạn tình cờ gặp tôi trên đường và chúng ta nói chuyện với nhau, chỉ cần ở bạn có một cử chỉ hay cách nói nào khiến tôi thấy hay ho, tôi sẽ học theo cái hay của bạn ngay được. Nhiều khi tôi nghĩ cũng vì thế mà tôi nhái giọng khéo và có thể bắt chước ngữ âm các tiếng nước ngoài. Tương tự, trong văn viết, khi tôi hoàn toàn nhập tâm vào một lối hành văn nào, tôi cũng dễ dàng viết nên bằng một lối diễn đạt tương tự. Thế nên tôi không bao giờ tự nhận mình là nhà văn. Vì theo tôi đã là nhà văn thì phải có phong cách. Mà tôi thì không mang một phong cách cố định nào thuộc riêng về tôi cả. Dù thế, tôi vẫn trọng cái nghiệp văn như cái cách mà Nguyễn Tuân khắt khe ấn định vào nó. Tôi chưa từng nghĩ, mình sẽ viết review về Haruki theo cái cách mà ông viết văn đấy. Tất nhiên là cho đến lúc tôi đặt tay lên bàn phím của mình. Chà, càng viết tôi càng yêu sao cái lối tự sự rất phóng túng và đầy ngẫu hứng của ông. Như đang dốc dần tâm can ra mà viết. Ở ông, những triết lý vừa có một tầng nghĩa sâu xa nhất định, lại vừa có một giãi bày mộc mạc gần gụi lạ thường. Có lẽ nếu không phải Haruki Murakami, không ai khác có thể kể chuyện nhiệt thành đến thế.
Bạn biết không, trước khi đọc “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”, tôi chưa từng tự nhận mình yêu thích Haruki. Có chăng, tôi chỉ thấy khâm phục ông vì đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi về những lỗ đen toang hoác trên cánh đồng, về triết lý tình yêu vứt đi cái bánh dâu của cô bạn Midori, hay cảnh mắc kẹt rùng rợn trên chiếc đu quay khổng lồ… Những phân cảnh đại loại thế. Nhưng cho đến “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”, tôi biết rằng đó không gì khác là niềm yêu mến tôi đã dành trọn cho ông. Tôi không mê văn chương của ông ngay từ cái nhìn đầu tiên, như cái lực hút vô hình mãnh liệt mà ông miêu tả. Nói thực ra, tôi không mấy tin về cái lực hút ấy trên đời. Vì tôi tin hơn vào những sự gắn kết bền chặt và dài lâu, mà con người ta cố sức gây dựng và gìn giữ ngày này qua tháng khác. Thế nên tình yêu của tôi với văn Haruki cũng đến rất từ tốn. Đủ thời gian. Đủ trải nghiệm. Và tôi đủ rung động vì những câu chuyện đầy bí ẩn ông xâu kết. Đến lúc đó tôi mới dõng dạc công nhận rằng, tôi yêu Haruki Murakami biết bao.
Tôi chưa đọc toàn bộ sách của Haruki. Nhưng với tôi, “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời” là cuốn sách bạn cần phải đọc, nếu đã quyết định đọc sách của ông. Không phải là “Rừng Na-uy” làm mưa làm gió đâu. Tôi chưa từng thấy một cuộc quảng bá nào rầm rộ cho cuốn sách này (như thời “1Q84” chẳng hạn), hoặc dân chúng đồn thổi ghê gớm (trường hợp “Rừng Na-uy”, thậm chí còn chuyển thể thành phim). “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời” giản dị thôi. Nhưng một khi đã đọc được, nó sẽ là một tiếng vang thật lớn thét qua màng nhĩ, qua nội tâm, qua cả những nỗi sợ hãi hay niềm đam mê đánh mất từ sâu trong quá khứ của bạn. Có thể nói rằng, nếu không đọc cuốn sách này, chắc tôi sẽ chẳng cho rằng mình yêu thích Haruki Murakami. Có lẽ đó là cái duyên giữa tôi và văn chương của ông vậy đó.
Này nhé, cho tôi hỏi một câu tế nhị chút đỉnh (nhất là nếu bạn là một cô gái): Năm nay, bạn bao nhiêu tuổi ? Ồ, bạn không cần phải trả lời tôi đâu. Bạn có thể trả lời nhẩm ở trong đầu. Và tôi xin cám ơn bạn vì câu trả lời ấy. Thực ra tôi chỉ muốn nhắc cho bạn rằng, đã từng đó năm bạn tồn tại trên đời. Thế rồi, tôi sẽ nói với bạn một câu của Phan Ý Yên mà tôi rất thích, đã nhắc đi nhắc lại không biết đến bao nhiêu lần: “Những cô gái hai mươi tuổi lần thứ năm, / Quên mất cách đánh vần chữ đam mê”. Xin hãy giơ tay nếu như bạn từng có một đam mê nào cháy bỏng và đã lãng quên mất nó ? Vâng, tất nhiên, bạn có thể giơ tay trong tưởng tượng. Nhưng nếu như bạn trả lời có, tôi tin là bạn sẽ thấu hiểu “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”. Bạn có thể sống sung túc, no đủ, có gia đình ở bên, có người thương yêu, có thể làm những gì mình muốn. Thế nhưng bạn vẫn cảm thấy thiếu một thứ động lực mãnh liệt như thời còn trẻ (hay một thời xưa cũ), vẫn có một người bạn vẫn luôn nhớ về, vẫn luôn có một niềm ao ước cháy bỏng. Bạn có tin không? Bạn đang nhập vào vai chính của cuốn tiểu thuyết này rồi đấy.
Có một thay đổi nho nhỏ từ khi tôi tìm được một nửa với thời tôi vẫn để mình tự do. Đó là trước kia tôi có thể thấu hiểu và cảm thông cho những con người đến sau mà duyên số không ưu ái (dù thế, tôi vẫn không chấp nhận chuyện họ xen vào giữa hai người đang yêu). Tôi có thể cảm thấy người thứ ba này đáng thương, và vẫn có thể có một cảm tình nhất định. Nhưng từ khi tôi có một mối quan hệ nghiêm túc (mà dù sao thì tôi cũng chưa bao giờ có một mối quan hệ nào bỡn cợt cả), thì tôi luôn coi trọng những con người chính thức và không dung thứ cho những lối rung động “cửa sau”. Rõ ràng tôi đã bớt rộng lượng hơn, và nghiêm khắc hơn nhiều với tình cảm lứa đôi. Nhưng tôi cũng không thấy mình tệ hại vì chuyện ấy. Thế nên từ khi nhân vật chính lấy vợ, tôi không còn cảm tình với cô bạn thuở bé, Shimamoto-san nữa. (Nhân tiện, rất cám ơn bạn dịch giả đã dịch câu chuyện này cho chúng tôi được đọc, thế nhưng tôi không hiểu vì lý do gì bạn ấy cứ giữ nguyên cụm từ Shimamoto-san mà không để Shimamoto không thôi, như lối người Việt vẫn hay gọi tên nhau ấy. Cách gọi này khiến cho tôi có thiên hướng cho rằng Shimamoto-san mới là tên của nhân vật, chứ không phải Shimamoto, dù tôi hiểu rõ điều đó không đúng. Và điều này khiến tôi thấy hết sức phiền hà). Tôi hiểu rằng con người ta ai cũng có những khát khao và mong muốn có được nó đến cháy bỏng. Nhưng tôi hoàn toàn không phải là dạng người từ bỏ những thứ mình gầy dựng, chà đạp lên nỗi đau người khác (dù đó là điều không thể khác được) để theo đuổi khát vọng đó. Vâng, tôi có xu hướng để mình chịu đựng nhiều hơn người khác chịu đựng. Đối với tôi, đó là một phong cách sống đúng với đạo lý của cuộc đời mình, như một thứ tôn giáo. Con người ta sẽ không thấy đau đớn khi hành động vì thứ mình tin. Và dù hơi buồn, vì tôi dùng lối suy nghĩ cổ hủ ấy áp đặt lên những nhân vật của Haruki, nhưng tôi nghĩ rằng phần nào, tác giả đồng ý với tôi.
Đoạn cuối câu chuyện làm tim tôi suýt nữa nghẹt thở. Lại một câu chuyện mất tích lạ lùng. Tôi nhận ra, ở Haruki Murakami, sự tồn tại chỉ mang tính tương đối. Đó hẳn là biệt tài của ông. Duy nhất chỉ ông mới có được. Biến thứ có thật trở nên không và ngược lại. Những rối ren phức tạp làm con người ta chao đảo, chuếnh choáng. Nhưng rồi mới khiến ta nhận rõ ra, thứ gì mà ta đang thực sự có bên mình. Những câu chuyện kì ảo và bí ẩn của Haruki luôn thiếu lời giải thích. Ban đầu đọc những cuốn sách khác tôi luôn khó chịu, bứt rứt về sự không rõ ràng này. Nhưng rồi dần dần, tôi hiểu cái ý nghĩa mà ông muốn truyền tải. Tôi cũng dần mường tượng ra con người ngoài đời của ông qua những câu chuyện kì thú ấy : một người đàn ông ít nói, thẳng thắn đến mãnh liệt, và không khi nào giải thích. Như thể một cái nhún vai rất đỗi bình thường mà đầy ý nhị. Và tôi nhận ra, cái cử chỉ kín đáo đó của ông thật quá sức tuyệt vời!
Nếu nói về nhân vật yêu thích của câu chuyện, tôi chắc chắn sẽ chọn người vợ Yukiko. Cô ấy có cái lối điềm tĩnh và thành thật mà tôi quý trọng vô cùng. Tôi thật đã suýt khóc và đọc đi đọc lại lời cô nói với chồng khi phanh phui mối quan hệ mờ ám: “Em không muốn nghe gì từ người phụ nữ đó. Anh đừng làm cho hoàn cảnh của em trở nên nặng nề hơn nữa. Em không thèm quan tâm đến kiểu quan hệ mà anh có với cô ta, những gì hai người đã làm với nhau. Điều quan trọng với em là anh có ý định bỏ em hay không. Em không muốn gì hết, nhà và tiền đều không. Nếu anh muốn có lũ trẻ, em cũng sẽ để chúng cho anh nuôi. Thật đấy, em hết sức nghiêm túc. Thế nên, nếu anh muốn bỏ em, chỉ cần nói với em ‘anh bỏ em’. Đó là tất cả những gì quan trọng với em”. Chỉ thế thôi, và thêm câu nói: “Em không chết. Bởi vì em nghĩ nếu anh có ý định quay lại, em sẽ ở đây chào đón anh”. Tôi chỉ có thể nói rằng, cô là một người vợ đúng nghĩa tuyệt vời !
Tôi thầm cám ơn tác giả vì “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời” không hề có một cuộc tự vẫn nào. Dù ít nhiều cũng có lúc nó thoáng mang mùi chết chóc. Có vẻ như ở Nhật vấn đề tự tử, nhất là ở những người trẻ tuổi, là một mối quan tâm to đùng. Chín trên mười tác phẩm Nhật Bản tôi đọc thì các tác gia đều viết trong đó những câu chuyện bao gồm một (hay nhiều) cái chết, những ham muốn muốn chết đến ám ảnh, mùi vị tang thương lởn vởn không thể bay hơi. Nhưng rồi cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích đây thì thuộc số phần trăm ít ỏi còn lại khác biệt, may làm sao!
Câu chuyện dài là cả một chuyến phiêu lưu. Một chuyến đi xa, vượt quá những hạn mức gò bó, những sợ hãi không tên. Những tưởng sẽ là một cuộc vượt ngục ngoạn mục dù cái giá phải trả không hề rẻ. Thế nhưng rồi nó lại là một bước dừng chân không ngờ. Nhẹ nhàng và ám ảnh. Ngã gục xuống bàn và chờ ai đó đặt tay lên bờ vai…
2014.05.04 – Trăng Tròn.
– Nguyen Thi Trang Tron
Trích dẫn Phía nam biên giới, phía tây mặt trời
“Trong một số trường hợp, sự tồn tại của một người sẽ làm tổn thương người khác.”
”Khi tôi nhìn em, đôi khi tôi có cảm giác đang ngắm nhìn một ngôi sao rất xa, một ngôi sao rất sáng, nhưng ánh sáng thực ra đến từ cách đây hàng nghìn năm ánh sáng. Có thể là tôi đang ngắm nhìn một thiên thể đã không còn tồn tại và lúc này nữa, nhưng trong mắt tôi, nó thực hơn bất kì điều gì khác.” (Epilogue)
“..chưa lần nào tôi bị một cô gái quyến rũ chỉ vì cô ta đẹp. Sự quyến rũ với tôi phải là điều gì đó tuyệt đối hơn và sâu hơn là vẻ đẹp thể chất đo đếm được.”
“Em nghĩ rằng anh vẫn yêu em, nhưng chúng ta không thể trốn thoát được một điều rằng, em không đủ cho anh. Em biết điều này rồi sẽ xảy ra. Vậy nên em không trách anh vì đã yêu người phụ nữ khác. Thậm chí, em cũng không giận dữ. Em chỉ thấy nỗi đau, rất nhiều nỗi đau. Em nghĩ em có thể tưởng tượng chuyện này đau đớn nhiều thế nào, nhưng em đã sai”.
“Chính cô đã dạy tôi, bằng cách nắm tay tôi, rằng có tồn tại một nơi toàn vẹn ở ngay chính giữa của hiện thực.”
“Dù tôi có đi đâu, tôi vẫn là người cuối cùng. Những gì đã mất thì chẳng bao giờ thay đổi. Cảnh tượng có thể thay đổi, nhưng tôi vẫn là con người bất toàn như trước. Những phần thiếu sót đó đều hạnh hạ bằng cơn đói mà tôi chẳng bao giờ thõa mãn được. Tôi đồ rằng càng khiếm khuyết bản thân nhiều thì tôi sẽ càng hoàn thiện bản thân hơn.”
“Trong một thời gian dài, cô giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Một vị trí chỉ để dành cho cô, như một cái bàn khuất trong một quán ăn có biển ‘Đặt trước’ ở trên. Thế nhưng khi đó tôi đã nghĩ sẽ không bao giờ còn gặp lại cô.”
“Thế giới của chúng ta giống như thế. Khi trời mưa, hoa nở, và khi trời không mưa, hoa héo. Bọn thằn lằn ăn côn trùng, và bị bọn chim ăn thịt. Nhưng tất cả đều sẽ chết và khô teo đi. Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Đó là một quy luật tuyệt đối. Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc.”
“Anh là một người rất bình thường, tôi nói tiếp, anh không có gì đặc biệt để có thể tự tán dương. Và khi còn trẻ anh còn kém cỏi hơn nữa, kiêu ngạo và không có chút tinh tế nào, vì thế chắc là anh không phải là một người thích hợp để ở bên em. Nhưng anh có thể nói với em điều này: anh sẽ không bao giờ thấy chán em. Về điểm này thì em khác với những người khác. Với em, anh là một người đặc biệt, anh cảm thấy thế.”