Quân Khu Nam Đồng – Bình Ca

Khu tập thể Nam Đồng là khu gia binh lớn nhất thủ đô Hà Nội, được hình thành cách đây hơn 50 năm. Là nơi ở của hơn 500 gia đình cán bộ quân đội trung, cao cấp, hơn 70 vị tướng đã từng sinh sống và trưởng thành từ Khu tập thể Nam Đồng, nhiều gia đình có cả hai thế hệ “tướng cha” và “tướng con”. Đây là một khu gia binh điển hình, một đại gia đình quân nhân thu nhỏ thời chiến và hậu chiến.

Tác giả là một người con của khu tập thể Nam Đồng, ông vừa là nhân chứng, vừa là nhân vật trực tiếp tham gia vào các sự kiện; lại cũng là người quan sát tỉnh táo có độ lùi thời gian để rút ra những chiêm nghiệm và thông điệp sâu sắc về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước chúng ta.

Review Quân khu Nam Đồng

Còn nhớ, lần đầu cầm cuốn sách này trên tay, trong lòng tôi không có cảm giác gì đặc biệt lắm. Một cuốn sách dày với cái tên như vậy và trang bìa là hình vẽ mấy cậu thanh niên mặc áo bộ đội như thế, có lẽ, lại là một cuốn tiểu thuyết thời chiến kể về một thời hào hùng và bi tráng. Dẫu bà chủ hiệu sách nổi tiếng nhất nhì đất Hà Nội đối với giới văn chương và với những người có thâm niên mua sách đã hết lời ngợi ca về nó, tôi vẫn rất thờ ơ.

Ba tháng sau, tình cờ thấy người ta nói về cuốn sách trên facebook, khi nó đã tái bản lần thứ ba ngay sau khi in 5000 cuốn cho ấn bản đầu tiên, tôi sinh tò mò và quyết định sẽ đọc cuốn sách ấy. May mắn, ở hiệu sách vẫn còn một cuốn có chữ ký của Bình Ca nằm đó chờ tôi.

Ngay sau khi đọc xong cuốn sách, để thỏa mãn nhu cầu được chia sẻ, tôi đã lùng khắp trên mạng những review về nó, nhưng không một bài viết nào làm tôi hài lòng. Bởi vậy tôi sẽ không dám viết gì nhiều, vì tự biết ngôn ngữ nghèo nàn của mình khó mà thể hiện được cái hồn của nó. Những dòng này tôi viết, chỉ vì muốn dụ dỗ thêm ai đó trong số bạn bè mình tìm đến cuốn sách ấy, để tôi có thêm một người cùng trao đổi về nó, có thể là bên ly trà đá một chiều hè ven hồ Xã Đàn(*) chẳng hạn. (cứ tưởng tượng thế đi).

“Quân khu Nam Đồng” là cuốn sách duy nhất từ trước tới giờ khiến tôi có cảm giác vừa muốn đọc tiếp, lại vừa muốn để dành vì sợ nó kết thúc, để rồi khi gấp sách lại, trong lòng ngập tràn nuối tiếc vì đã lỡ đọc hết một câu chuyện hay.

Tác giả nói đúng, không thể gọi cuốn sách này là tiểu thuyết hay hồi ký,và nó cũng không lựa chọn đối tượng đọc riêng cho mình. Người già đọc sách có thể hồi tưởng lại một phần quá khứ, người trẻ đọc sách có thể tưởng tượng và mộng mơ.

Quân khu Nam Đồng là truyện viết về hồi ức thuở hoa niên của những con người từng sống bên nhau ở một khu gia binh giữa lòng Hà Nội. Bối cảnh của nó là những năm cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, nhưng cuộc chiến chỉ là nhân vật phụ làm nền cho những câu chuyện giấu trong từng trang sách. Cuốn sách khiến những năm tháng xưa trở nên gần gũi vì nó làm ta cảm nhận được, rằng dù sống ở thời đại nào, ước mơ và cảm xúc của con người vẫn thế. Bởi vậy, dẫu có những nỗi mất mát và cay đắng, trải suốt cuốn sách vẫn là tiếng cười – tiếng cười hồn nhiên trong sáng của những cô bé cậu bé tuổi bẻ gãy sừng..bò. Tôi đã cười trước những trò nghịch ngợm quậy phá của họ, đã run rẩy cùng họ lớn lên với những rung động đầu đời, đã xót xa cho những sai lầm mà đứa trẻ nào cũng có thể gây ra khi lạc lối, và cảm thương cho họ với những dang dở không kết được bằng lời.

Đọc Quân khu Nam Đồng, người ta không còn nghĩ tới ranh giới của bên thua và bên thắng cuộc, không còn nghĩ về chiến tranh một cách tự hào hay thù hằn. Tôi rất nhớ những lời đạo diễn Trần Văn Thuỷ đã viết trong “Chuyện nghề của Thuỷ”, đại ý rằng, những ai đã thực sự đi qua chiến tranh, sẽ không thể kể về nó một cách hào hùng được. Vì chiến tranh chỉ có đau thương và mất mát. Đó thực sự là điều tôi thấm thía và cảm nhận được trong Quân khu Nam Đồng –với từng con chữ được viết bằng cả trái tim và phần tâm hồn (mà tôi tin là) đẹp nhất của tác giả Bình Ca.

Điều tôi hâm mộ nhất ở Bình Ca là lối kể chuyện hấp dẫn, thông minh và vô cùng hài hước. Tin tôi đi, hãy đọc nó và cảm nhận, ở đó vẫn có chiến tranh – hiện lên theo một cách khác và điều kỳ lạ là bạn có thể bắt gặp chính mình trong đó. Bạn sẽ không tránh được đôi lúc xót xa với số phận của những con người xuất hiện trong trang sách, nhưng tôi cam kết bạn sẽ được cười rất nhiều. Cuối cùng, món quà lớn nhất mà Quân khu Nam Đồng đem lại cho bạn chính là cảm nhận ngọt ngào về cuộc sống sau khi gấp lại cuốn sách. Tôi biết, thế giới trong đó sẽ làm bạn tương tư và nhung nhớ, như thể gặp được mối tình đầu…

Một năm, 8 lần tái bản, một cuốn sách đáng để đọc thử, phải không…
——————
(*) hồ Xã Đàn: một hồ nhỏ ở khu Nam Đồng, Hà Nội, từng một thời nổi tiếng trong giới sinh viên “bụi” với quán cafe bán trà đá chỉ 500đ

– Nguyen Ngoc Anh