Rồi Một Ngày Cuộc Sống Hóa Hư Vô – Hideko Suzuki

Cuốn sách đề cập rất nhiều đến cái chết, nhưng theo hướng tích cực. Khi chúng ta nhìn nhận một sự thật rằng mình sẽ chết vào một ngày nào đó, nó sẽ khiến cho chúng ta biết trân trọng những thứ ở hiện tại hơn, biết yêu thương mọi người hơn (kể cả những người chúng ta ghét cay ghét đắng), cho đi nhiều hơn và tập nói “cảm ơn” nhiều hơn, cố gắng tìm được đam mê của chính mình.
Hãy chuẩn bị cho cái chết của chính mình!

[Review] Rồi Một Ngày Cuộc Sống Hóa Hư Vô - Hideko Suzuki

Review Rồi một ngày cuộc sông hóa hư vô (2)

Điều mà tôi ấn tượng đầu tiên với quyển sách này có lẽ vì do nó viết về “cái chết”. Đây không phải là một cuốn sách về sự bi quan mà nó viết về cách tiếp nhận cũng như việc sống chung với cái chết. Thực tế thì không ai biết trước được cái chết khi nào xảy ra, chúng ta và nó luôn song song cùng đồng hành. Cuốn sách này sẽ giúp rất ích rất nhiều cho những ai bi quan hay sợ hãi cái chết đang cận kề cũng như những người xung quanh họ làm thế nào để tiếp nhận cũng như việc sắp mất đi một người quan trọng.

Tác giả của cuốn sách này là một phụ nữ – giáo sư Hideko Suzuki có lẽ chính vì vậy mà những câu văn trong đây đã thể hiện sự tinh tế của một người phụ nữ, sự hiểu biết trên phương diện của một nữ giáo sư . Bà đã tiếp xúc với rất nhiều người đang cận kề cái chết và nhận ra điểm chung giữa họ là không thể chấp nhận sự thật rằng mình sẽ chết kể cả khi họ biết họ chỉ còn vài tháng để sống. Sự yếu đuối của con người thể hiện lúc sắp dời xa dương thế, sự sợ hãi đến tột cùng khi cái chết bủa vây đều được viết một cách chân thật nhất qua từng nhân vật trong quyển sách này.

Khi đọc cuốn sách này, trên phương diện cá nhân của tôi mà cảm nhận thì cái chết không hề đáng sợ như những gì mình thấy trước đây. Bản thân tôi đang học y nên chuyện “sinh-lão-bệnh-tử” là điều thường xuyên phải đối mặt, chính quyển sách này giúp tôi tìm ra cách để bản thân không sợ hãi chính là bình thản tiếp nhận và đối mặt với nó. Chỉ có như vậy chúng ta mới không sợ hãi, không yếu đuối khi cái chết đang cận kề. Và đôi khi ta phải biết ơn “cái chết” vì nó giúp ta trân trọng sự sống ta đang có, nó giúp ta sinh ra những suy nghĩ tích cực, nhờ nó ta nhận ra điều quan trọng thực sự với bản thân là gì, giúp bản thân trở nên hiền hòa và trưởng thành hơn,…

Và dưới đây là 10 đoạn nhỏ mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất:

1. “Nếu quá coi nhẹ cuộc sống thường ngày sẽ còn chẳng còn điều gì tốt đẹp. Hãy trân trọng những thứ cơ bản mình đang có, dành nhiều thời gian hơn cho nó. Quan trọng nhất là biết ơn cuộc sống mình đang có.”

2. “Còn hơn cả cuộc sống nhung lụa, cuộc sống hằng ngày trong căn phòng của chính bạn mới đem lại hạnh phúc.”

3. “Con người là một sinh vật yếu đuối, nếu không thấy viễn cảnh tương lai, chúng ta thường không thể sống kiên cường. Bởi vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, xác định được mục tiêu cuộc sống vô cùng quan trọng.”

4. “ Đừng quá phô trương,quá coi trọng thể diện… Con người thường bị cái tâm hư vinh ám ảnh.”

5. “Khi ý thức được việc sắp bị chia lìa bởi cái chết, con người sẽ trỗi dậy bản năng muốn tha thứ, tôn trọng và yêu quý đối phương.”

6. “Cuộc đời không có bất hạnh là cuộc đời không có nhận thức cũng không có hạnh phúc.”

7. “Chính vì tàn phai nên hoa anh đào mới càng thêm tuyệt vời. Giữa trần thế u uất này thứ gì mới có thể tồn tại vĩnh hằng?”

8. “Hãy thử tưởng tượng dáng vẻ của mình lúc chết, bạn sẽ có động lực để sống đẹp mỗi ngày”

9. “Dù cái chết đang đến gần hay còn ở rất xa, nếu có thể ý thức được về nó và bày tỏ lòng biết ơn tới những người xung quanh, cuộc đời bạn sẽ càng ý nghĩa hơn rất nhiều.”

10. “Một sớm mai kia khi mọi thứ trong đời bỗng hóa thành hư vô, chỉ mong vẫn có thể nở nụ cười mãn nguyện bởi vì mình đã sống những ngày trọn vẹn.”

Điều cuối cùng tôi muốn nói ở đây chính là cuốn sách này thực sự rất đáng để đọc bởi nó chính là nguồn truyền cảm hứng sống tích cực đến mỗi chúng ta. Cuộc sống luôn thiên biến vạn hóa không thể nói trước được bất kỳ điều gì, điều chúng ta cần làm làm hãy sống làm sao cho tích cực và hãy đón nhận một cách thản nhiên, bình tĩnh nhất có thể về những điều bất ngờ mà tạo hóa đã đem lại cho chúng ta.

Qua đây tôi cũng muốn nhắn nhủ đôi điều rằng: trước tình hình dịch bệnh phức tạp mong tất cả mọi người luôn bình an và biết tự bảo vệ mình cũng như mọi người xung quanh.

– Nguyễn Thị Phương Anh

[RỒI MỘT NGÀY CUỘC SỐNG HÓA HƯ VÔ – HIDEKO SUZUKI]

2h ngày 2 tháng 4 năm 2016… Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa

2h ngày 2 tháng 4 năm 2020 … Bóng đêm phủ lên vạn vật. Nội! Con nhớ người!

Dẫu biết là Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật của tự nhiên, mà quy luật thì chẳng cách nào xoay chuyển được… Nhưng tại sao con người ta vẫn thấy lòng quặn đau khi đứng trước sự ra đi của người thân mình? Ngày ông tôi mất, tại sao mặc dù biết ông ra đi vì tuổi già, sức yếu, nhưng tại sao tôi vẫn chẳng kìm nổi nước mắt của bản thân? Tại sao những kí ức giữa tôi và người luôn hiện về trong tâm trí, khiến tôi nhớ vô cùng, đau vô cực để rồi những giọt lệ buồn cứ thay nhau tuôn trào? Tại sao …? Là do tôi quá yếu đuối, chưa đủ chín chắn, can đảm hay do sự tình đến bất ngờ khiến tôi chẳng thể chấp nhận? Là do tôi vẫn chưa hiểu hết và sự ra đi, mất mát, đau thương hay là do…?

Cũng là sự đau đớn trước cảnh phải nói lời từ biệt với người mình thương yêu, tôi đã tự thêm cho bản thân mình đầy tâm sự khi bắt gặp dòng nhật kí đẫm nước mắt “Bạn trai tôi qua đời ở Vũ Hán”. Từ sau cái mất của ông tôi, tôi đã tự trau dồi cho bản thân sự điềm tĩnh khi đối mặt với sự ra đi của ai đó. Bản thân tôi đã tự học được cách kiềm chế và tập ngăn dòng lệ trước những hoàn cảnh tương tự. Cứ nghĩ rằng bản thân sẽ chẳng thể rơi thêm giọt lệ nào từ ấy… thế nhưng tôi đã lầm, câu chuyện trên thực sự đã lấy đi nước mắt của tôi, cũng lấy đi cả sự điềm nhiên, vô tình vốn có của tôi nữa. Không khóc vì sự ra đi, tôi khóc vì câu nói “Nựu Nựu, anh sợ rằng mình không thể tiếp tục đi cùng em đến cuối cuộc đời. Anh muốn nói với em một việc, nhưng em phải hứa với anh là không được khóc, phải mạnh mẽ lên” của Đồng Sinh. Không khóc vì sự mất mát, tôi khóc vì những dòng chữ anh ấy gửi đến bạn trai tương lai của cô gái mình thương nhất trên đời. Không khóc vì sự đai thương, tôi khóc vì hối tiếc… Hai người họ đã có một chuyện tình “đẹp đẽ đến thê lương”. “Từng hoài niệm, từng mất mát, triền miên, khóc, cười. Nhưng rồi cuối cùng chỉ còn là đau đớn vỡ tan…”. Chúc anh ở trên trời bình an! Chúc chị nơi trần gian hạnh phúc!

Ở “đại dịch toàn cầu” corona-19 với mức độ cảnh báo cao nhất phản ánh sự lây lan của dịch bệnh trên toàn thế giới như hiện nay, tôi lại nghĩ sẽ có bao nhiêu người gặp phải hoàn cảnh tương tự như cặp đôi trên chứ? Sẽ có bao nhiêu người phải đối mặt với sự ra đi của người mình yêu thương, của người mình trân trọng chứ? Sẽ có bao nhiêu người phải đối mặt với cái chết của chính mình chứ? Họ… liệu sẽ đối mặt ra sao? Sẽ chọn cách yếu đuối, đau buồn, khóc lóc như tôi của ngày xưa, hay sẽ chọn sự bình tĩnh, điềm nhiên như tôi của ngày nay?

Vậy nên, một câu hỏi được đặt ra “Chúng ta sẽ làm gì nếu ngày mai ta chết?” Bình thường, mọi người sẽ nghĩ, cái chết là một điều gì đó rất đau đớn, là sự chia ly, là một điều chẳng nên nhắc tới. Tôi sẽ tạm coi đây là trốn tránh cái chết. Thế nhưng, thay vì trốn tránh, tại sao ta không chọn cách đối mặt với nó? Thay vì hoang mang hay lo sợ cái chết, tại sao ta không biết trân trọng cuộc sống hơn, để mỗi phút giây tồn tồn tại của chúng ta trên cõi đời này trở nên trọn vẹn và ý nghĩa nhất.

Tôi từng nghe câu nói “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thành, đông đi”. Xuân- Hạ-Thu-Đông là 4 mùa trong năm, cũng là tượng trưng cho 4 giai đoạn của cuộc đời là sinh- trưởng- thành- đi. Mùa đâu tiên trong năm cũng là ngày đầu tiên ta cất tiếng khóc chào đời trong sự hân hoan, vui sướng tột đồ của người làm cha, làm mẹ. Sau Xuân, là Hạ, mùa thứ hai trong năm cũng là giai đoạn thứ hai của cuộc đời con người, đó là quãng thời gian ta dần lớn lên trong sự thương yêu, nâng niu, trân quý của bố mẹ trong gia đình, của thầy cô, bạn bè nơi mái trường dấu yêu. Đây cũng là khoảng thời gian con người trải qua quãng thời quan tươi đẹp nhất của cuộc đời . Bước qua giai đoạn này, con người dần trưởng thành, có công ăn, việc làm, có hạnh phúc, mái ấm riêng của mình … Và dần dần, ai ai cũng phải đi đến kết thúc. Điều này là tất nhiên! Thế nhưng con người ở độ tuổi “ Đông” kia phần lớn vẫn lưu luyến nơi trần thế, lưu luyến tình cảm, hạnh phúc của con người. Họ sống trong kỉ niệm, sống trong mơ ước, sống trong hai từ “Giá như”.

Con người cứ thế, bận rộn sống qua 4 mùa này, liệu có ai từng nghĩ đến một ngày, bản thân mình mãi mãi dừng lại ở một độ tuổi nhất định nào đó, đến một ngày cuộc sống của mình hóa thành hư vô … thì ta sẽ làm sao?! Tôi đã rút ra câu trả lời cho chính bản thân mình khi đọc cuốn sách “ Rồi một ngày cuộc sống hóa hư vô” của tác giả Hideko Suzuki

Hideko Suzuki là một người có điều kiện tiếp xúc với nhiều người cận kề cái chết, nên bà biết rõ điểm chung giữa họ là sự yếu đuối khi biết mình đang đến gần điểm kết của cuộc đời. Vậy nên “Rồi Một Ngày Cuộc Sống Hóa Hư Vô” của giáo sư Hideko Suziki không chứa bất kỳ giọt nước mắt nào mà thay vào đó, nó hàm chứa một tấm bản đồ vô cùng rộng lớn. Hơn thế, khi ta dõi theo nó, ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn, phá vỡ những giới hạn của chính mình ngay khi thần chết đã bắt đầu gõ cửa.

Bạn còn nhớ câu nói “Cái chết như là phát minh hay nhất của sự sống.” của Steve Jobs không? Câu nói này thực sự khiến tôi rất tâm đắc, và nó cũng vô cùng hợp để nói cùng với cuốn sáng của Hideko Suzuki. Cái chết vốn không phải là sự kết thúc, mà nó là bắt đầu cho một khởi đầu tốt đẹp. Chúng ta đều là những người trẻ, là người có hi vọng sẽ cống hiến cho đất nước, nhưng cũng chẳng thể tránh khỏi ngày nào đó chúng ta sẽ già đi và từ từ buông bỏ cuộc sống. Thời gian của mỗi người là không nhiều, vậy nên hãy cố gắng lắng nghe xem bản thân muốn gì và làm những điều bản thân muốn!

Trở lại với “Rồi một ngày cuộc sống hóa hư vô”, ở cuốn sách, tác giả đã đem đến cho mọi người về câu chuyện mộ chí và đồng thời hướng người đọc nghĩ đến những dòng sẽ ghi trên bia đặt trước nấm mồ của chính mình. Có ai sẽ ghi vào đó là chức vụ, tài sản khổng lồ, hay học hàm, học vị chứ? Chắc không đâu nhỉ? Bởi lẽ chính nhân cách mới là điều mà mọi người sẽ nghĩ đến khi khắc mộ chí cho người nằm xuống. Tác giả đã mở cửa cho người đọc đến với những ngôi nhà đang có người hấp hối, dẫn người đọc đến các viện dưỡng lão lâu năm, và cả những buổi đối thoại của các đài truyền hình quốc gia… Và xuyên suốt những câu chuyện trực tiếp về cái chết ấy sẽ luôn là những thông điệp sâu sắc dành cho người sống.

Có quá nhiều câu nói trong cuốn sách đặc biệt này khiến ta phải suy nghĩ rất nhiều:

“Nếu quá coi trọng cuộc sống thường ngày sẽ chẳng còn điều gì tốt đẹp. Hãy trân trọng những thứ cơ bản mình đang có, dành nhiều thời gian hơn cho nó.”

“Còn hơn cả cuộc sống nhung lụa, cuộc sống thường ngày trong căn phòng của chính bạn mới đem lại hạnh phúc.”

“Con người là sinh vật yếu đuối, nếu không nhìn thấy viễn cảnh tương lai, chúng ta không thể sống kiên cường. Bởi vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, xác định được mục tiêu sống vô cùng quan trọng.”

“Giá trị của một con người không phụ thuộc vào giá trị xã hội của người đó. Hãy sống ở đây, ngay lúc này, thật bình thản.”

“Đừng để cuộc đời của mình kết thúc đáng buồn, chết đi mà không được nói lời cám ơn tới ai”

Con người thật lạ lùng, họ chẳng trân trọng những giây phút bản thân được sống nhưng sau đó lại vô cùng nuối tiếc những khoảng thời gian tuổi trẻ. Họ luôn luôn gắng gượng chịu đựng những đau khổ với hy vọng ngày mai mọi điều sẽ tốt hơn nhưng chẳng biết cuộc sống vô thường, khổ đau là do mình tự tạo. Họ luôn tranh chấp thay vì yêu thương, giận dữ thay vì lựa lời, và có lẽ chẳng thể cảm thông cho nhau vậy!

Tôi dám chắc là, nếu bạn tưởng tượng, ngày mai bạn chết, bạn sẽ thay đổi hoàn toàn! Có mất mát mới biết trân trọng, có đau đơn mới biết yêu thương. Hi vọng bạn có thể sống những tháng ngày trọn vẹn, không hối hận, không “giá như”!

Cảm ơn tác giả vì cuốn sách ý nghĩa này!

– Thu Hương