Sang Chấn Tâm Lý – Bessel Van Der Kolk

“Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành” là một công trình nghiên cứu khoa học với đầy đủ tính lịch sử, phương pháp luận, thí nghiệm lâm sàng và hàng loạt thống kê, dẫn chứng thuyết phục. Ngoài những thuyết tâm lý nổi tiếng như thuyết phân tâm, thuyết hành vi, thuyết phát sinh nhận thức, thuyết hoạt động,… cuốn sách còn lồng ghép vào các tình huống, câu chuyện cụ thể, mang tính gợi mở.

Review Sang chấn tâm lý (2)

“Ai cũng có thể bị sang chấn tâm lý, kể cả tôi, bạn, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn,…Sang chấn không chỉ để lại những dấu vết trong tâm hồn, cảm xúc của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến cả cơ thể, hệ thống miễn dịch.”
Đó là lời những câu đầu tiên trong phần mở đầu của cuốn sách SANG CHẤN TÂM LÝ – HIỂU ĐỂ CHỮA LÀNH.

Với tôi, đây là một quyển sách không dễ đọc. Để đọc được nó ta phải đọc chậm rãi, dùng nhiều thời gian để suy ngẫm về những gì mình vừa đọc mới có thể thấu hiểu được hết.

Bệnh tâm lý và những nỗi đau nó gây ra không giống như bệnh tim, bệnh đau đầu, cảm cúm hay một cơn sốt. Nó dày vò trong tâm trí chúng ta, khiến ta kiệt quệ và đau đớn theo cái cách người khác không thể nào hiểu nổi. Những người lính sau khi trở về từ chiến trường vẫn giật bắn mình lên khi nghe thấy một âm thanh lạ, những đứa trẻ bị lạm dụng hay bỏ bê thường mất nhận thức về giá trị của bản thân, một người sống sót trở về từ một vụ tai nạn xe cộ kinh hoàng bỗng nhiên tê liệt mọi phản ứng trước những sự việc nguy hiểm…Nỗi đau từ sang chấn tâm lý thì muôn hình vạn trạng và nó để lại những hậu quả phức tạp lên não bộ, cách mà con người ta phản ứng với các tác nhân xung quanh và khiến họ tìm đến một hay nhiều biện pháp cực đoan để giải tỏa nỗi đau của mình như chất hướng thần, tự làm đau bản thân,…

Cuốn sách là tổng hợp của những kiến thức y khoa đồ sộ của tiến sĩ Bessel Van Der Kolk, nhằm cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về sang chấn tâm lý, những nguyên nhân, tác hại của nó lên người bệnh và người thân xung quanh đồng thời giới thiệu đến chúng ta các con đường để chữa lành những thương tổn do sang chấn tâm lý.
Cuốn sách gồm có 5 phần tất cả. Ở đây, tôi sẽ giới thiệu sơ khai về phần I của cuốn sách với tiêu đề là Tái khám phá sang chấn. Chương đầu tiên, tác giả nói về những người cựu chiến binh trở về Mỹ sau thời gian tham chiến tại Việt Nam, những gì tội ác chiến tranh gây ra không chỉ cho những nạn nhân của nó gánh chịu mà ngay cả những người đã gây ra những tội ác đó cũng không thể vượt qua nổi bóng đen quá khứ như thế nào.

Chương tiếp theo, chúng ta sẽ được giới thiệu về cuộc cách mạng thấu hiểu tâm trí và não bộ. đối với cơ thể của một người bình thường thì khi chúng ta bị đe dọa, cơ thể sẽ tiết ra mức độ stress nhất định để khiến chúng ta phản hồi lại rất nhanh, và sau đó sẽ trở lại vị trí cân bằng. Tuy nhiên đối với người bị PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) thì hệ thống này bị rối loạn và liên tục sản sinh ra stress dù tác nhân đã không còn nữa.

Cuối cùng trong phần I, chương số 3, chúng ta được giới thiệu về bộ não của một người phụ nữ gặp sang chấn tâm lý nghiệm trọng tên là Marsha. Người ta vừa chụp não bộ của cô vừa để cô nghe lại câu chuyện về tai nạn đã khiến mình gặp phải sang chấn. Người ta phát hiện ra rằng vùng limbic hay còn gọi là não cảm xúc của cô bị kích hoạt mạnh nhất, nhưng một vùng khác thì lại bị bất hoạt đó là vùng Broca. Vùng này quản lý ngôn ngữ của não bộ, điều đó lý giải cho việc nhiều nạn nhân của các vụ tấn công và tai nạn…lại bị “mất ngôn ngữ” hay không muốn nói chuyện…

Nội dung của cuốn sách rất dài và chứa đựng thông tin đồ sộ nên tôi cũng cảm thấy khá khó khăn trong việc nắm bắt và truyền tải được hết cái tinh thần mà tác giả muốn đem đến cho người đọc. Tuy nhiên, tôi, với tư cách là một người cũng đang vật lộn với các tổn thương tâm lý thì tôi nghĩ rằng thấu hiểu về sang chấn tâm lý cũng là một cách để thấu hiểu về bản thân và đem đến cho mình liều thuốc chữa lành.

Tôi rất rất cần sự chia sẻ về cảm nhận của các bạn khi bạn đọc cuốn sách này. Bạn nghĩ sao về cuốn sách được mệnh danh là CUỐN SÁCH VỀ TÂM LÝ HỌC BÁN CHẠY NHẤT TRÊN AMAZON này? Cùng chia sẻ ý kiến với mình nhé!

– JoJo Phạm

SANG CHẤN TÂM LÝ – HIỂU ĐỂ CHỮA LÀNH, có quá khó để đọc nó khi bạn không phải là một người trong ngành Tâm lý?

Mình đã từng nói, cuốn Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành thực sự rất thu hút dù nội dung vẫn mang tính học thuật cao. Mình thường bị cuốn vào câu chuyện thực tế của các bệnh nhân mà bác sĩ Bessel Van Der Kolk, tác giả cuốn sách, đã tiếp xúc hoặc chữa trị. Có lẽ, nếu không được đọc các câu chuyện này thì mình cũng không thể nào hình dung được sang chấn tâm lý đã khiến người bệnh nhìn nhận thế giới xung quanh một cách “khác thường” đến thế.
Mình lược trích dưới đây câu chuyện của bệnh nhân nữ tên Marilyn để mọi người cùng đọc và cảm nhận. Tựa đề do mình đặt lại.

HỌ CÓ HIỂU KHÔNG?

KHÔNG. THẬM CHÍ HỌ CÒN CHẲNG NHẬN RA.

(lược trích từ cuốn Sang chấn tâm lý – hiểu để chữa lành)

Marilyn khoảng 35 tuổi, cao ráo, dáng người thể thao, làm y tá phòng mổ. Cô kể với tôi rằng cách đây mấy tháng, cô bắt đầu chơi quần vợt tại câu lạc bộ thể thao với một lính cứu hỏa tên Michael. Cô thường né tránh đàn ông, nhưng với Michael thì cô cảm thấy khá thoải mái. Một hôm, Michael mời Marilyn đi ăn pizza và cô đồng ý. Vừa ăn, họ vừa vui vẻ trò chuyện về những chủ đề không quá riêng tư như quần vợt, điện ảnh, những đứa cháu của mình,… Michael rõ ràng rất thích bầu bạn với Marilyn, nhưng cô tự nhủ rằng anh ấy không biết gì nhiều về mình cả.

Một tối thứ Bảy, sau khi chơi quần vợt và cùng ăn pizza, Marilyn mời Micheal ở lại nhà mình. Cô mô tả rằng mình cảm thấy “căng thẳng và mơ hồ” ngay khi họ ở một mình với nhau. Cô nhớ mình đã yêu cầu anh hãy đi chậm lại nhưng cô không nhớ gì nhiều sau đó. Sau vài ly rượu vang và xem phim, họ thiếp đi cùng nhau trên giường.

Khoảng 2 giờ sáng, Michael trở mình nên đụng vào người Marilyn. Bất chợt, Marilyn bùng nổ như kho thuốc súng. Cô bật dậy, dùng tay đấm Michael túi bụi, hết cào cấu đến cắn xé, la hét: “Đồ khốn nạn! Đồ khốn nạn!”. Michael bừng tỉnh, vội vàng vơ hết đồ đạc phóng như bay ra khỏi nhà.

Còn lại một mình, Marilyn ngồi trên giường suốt hàng giờ đồng hồ, choáng váng vì những gì vừa xảy ra. Cô cảm thấy nhục nhã và chán ghét bản thân vì những gì mình đã làm. Thế nên, cô tìm gặp tôi và nhờ giúp đỡ để không lặp lại chuyện vừa rồi.

Kinh nghiệm nghề nghiệp đã giúp tôi biết kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện đau lòng như của Marilyn mà không cố gắng bắt tay khắc phục vấn đề ngay lập tức. Triệu chứng của nhiều bệnh nhân thường bắt đầu bằng một hành vi không thể giải thích được như: tấn công bạn trai vào giữa đêm, cảm thấy sợ hãi khi có ai đó nhìn vào mắt mình, thấy mình bị bao phủ bởi máu sau khi tự cắt cơ thể bằng mảnh kính, cố tình nôn mửa trong mỗi bữa ăn. Phải mất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn mới có thể làm hiện rõ cái thực tế ẩn đằng sau những triệu chứng như vậy.

Marilyn nói với tôi rằng Michael là người đàn ông đầu tiên cô đưa về nhà trong hơn 5 năm qua, và đây không phải lần đầu cô mất kiểm soát bản thân khi gần gũi đàn ông. Cô lặp lại rằng cô luôn cảm thấy sợ hãi và xa cách khi ở một mình với một người đàn ông, và đã có những lần khác khi cô “định thần lại” trong căn hộ của mình, quỳ xuống ở một góc và không thể nhớ rõ những gì đã xảy ra.

Marilyn cũng nói rằng cô cảm giác như thể mình chỉ đang “trải qua những chuyển động” của cuộc sống. Cô thường cảm thấy mình như tê liệt, trừ khi chơi quần vợt và làm việc trong phòng mổ. Vài năm trước, cô thấy khi dùng dao lam tự cắt mình có thể giúp mình bớt tê liệt, nhưng dần dần cô sợ làm như vậy khi nhìn những vết cắt ngày một sâu trên cơ thể. Cô cũng đã cố gắng uống rượu nhưng điều đó chỉ khiến cô nhớ đến người cha nghiện rượu của mình, rồi từ đó cô lại thấy ghê tởm bản thân. Vì vậy, cô chọn cách chơi quần vợt điên cuồng, chơi bất cứ khi nào có thể để cảm thấy mình đang sống.

Khi tôi hỏi về quá khứ của cô, Marilyn nói cô đoán mình “hẳn đã có một tuổi thơ hạnh phúc”, nhưng chẳng nhớ được bao nhiêu về ký ức trước năm 12 tuổi. Cô nói từ bé cô vốn nhút nhát, nhưng đến năm 16 tuổi, cô đã xô xát với với người cha nghiện rượu, và sau đó cô bỏ nhà đi. Cô vừa làm vừa học và trở thành y tá mà không cần bố mẹ giúp đỡ. Cô cảm thấy xấu hổ vì hiện tại đang có quan hệ trai gái với rất nhiều người, việc mà cô mô tả là “tìm kiếm tình yêu ở những nơi sai trái”.

Như tôi thường làm với bệnh nhân mới, tôi đã yêu cầu Marilyn vẽ một bức tranh mô tả gia đình của cô. Khi nhìn thấy bản vẽ của Marilyn, tôi quyết định mình sẽ đi chậm lại khi nghiên cứu trường hợp của cô. Rõ ràng Marilyn đã có một số ký ức khủng khiếp, nhưng cô không cho phép mình nhận ra những gì mà bức vẽ của cô bộc lộ. Cô đã vẽ một đứa trẻ hoang dã và sợ hãi, bị mắc kẹt trong một cái lồng nào đó, bị đe dọa bởi một cái dương vật khổng lồ và ba con người đáng sợ, trong đó một người không có mắt. Vậy mà cô ấy đã nói mình “hẳn đã có một tuổi thơ hạnh phúc”.

Tôi không thúc giục Marilyn kể về những gì cô còn nhớ. Trên thực tế, tôi hiểu rằng việc tôi biết rõ từng chi tiết về sang chấn của bệnh nhân thực sự chẳng quan trọng, mà điều quan trọng chính là bản thân người bệnh phải học được cách chịu đựng những cảm xúc mà họ có và biết được những gì họ biết. Việc này phải mất nhiều tuần thậm chí nhiều năm. Tôi quyết định bắt đầu quá trình chữa trị cho Marilyn bằng cách mời cô tham gia nhóm trị liệu, nơi cô có thể nhận được sự hỗ trợ và đón nhận từ người khác trước khi phải đối mặt với những điều đã khiến cô trở nên nghi ngờ, xấu hổ và giận dữ.

Đúng như tôi dự đoán, Marilyn trông có vẻ rất khiếp đảm khi lần đầu đến buổi gặp mặt trị liệu nhóm, vẻ khiếp đảm của cô y hệt cô bé trong bức tranh gia đình do cô vẽ. Cô khép mình, chẳng bắt chuyện với ai cả. Tôi đã chọn nhóm này cho cô tham gia vì các thành viên của nhóm thường cởi mở đón nhận những thành viên mới. Họ biết từ kinh nghiệm của chính mình rằng việc mở khóa bí mật cần có quá trình từ từ.

Khoảng một năm sau khi Marilyn tham gia vào nhóm, một thành viên khác, Mary, đã xin phép được nói về những gì đã xảy đến với cô năm 13 tuổi. Mary muốn nhóm điều trị biết về lai lịch của mình với hy vọng họ sẽ trở nên khoan dung hơn với những phản ứng cực đoan của mình, chẳng hạn như khép mình hoặc dễ dàng nổi điên khi bị khiêu khích đôi chút.

Mary kể năm 13 tuổi cô đã bị anh trai và mấy người bạn của anh hãm hiếp, kết quả là cô có thai. Mẹ cô đã giúp cô phá thai ở nhà, ngay trên bàn bếp. Cả nhóm đều đồng cảm khi nghe câu chuyện và cố gắng an ủi Mary theo cách mà họ mong muốn ai đó an ủi họ khi lần đầu tiên đối mặt với những sang chấn của mình. Hành động này làm tôi cảm động sâu sắc.

Khi thời gian hết, Marilyn hỏi liệu cô có thể xin thêm vài phút để nói về những gì cô cảm nhận trong suốt buổi họp không, cả nhóm đồng ý. Marilyn nói: “Sau khi nghe Mary kể chuyện bị hãm hiếp, tôi đã tự hỏi không biết liệu mình có từng bị lạm dụng tình dục như vậy hay không”. Tôi há hốc miệng sững sờ. Dựa vào bức tranh vẽ gia đình của cô, tôi đã luôn nghĩ rằng cô ấy đã biết, ít nhất ở mức độ nào đó, rằng cô đúng là đã bị lạm dụng tình dục. Cách Marilyn phản ứng với Michael rất giống cách phản ứng của một nạn nhân của nạn loạn luân. Cô cũng có cách cư xử như thể thế giới này là nơi rất đáng sợ.

Ấy vậy mà, dù đã vẽ bức tranh một cô bé đang bị lạm dụng tình dục nhưng Marilyn, hay ít nhất là nhận thức của cô, lời nói của cô, đã không biết được điều gì đã xảy ra với mình. Hệ thống miễn dịch của cô, cơ bắp và hệ thống sợ hãi của cô đều lưu giữ lại thông tin, nhưng phần tâm trí tỉnh táo của cô còn thiếu một câu chuyện để có thể truyền đạt được trải nghiệm kinh hoàng kia.

Nếu mọi người bị thu hút vào câu chuyện của Marilyn, và muốn biết rõ hơn tác động của nạn lạm dụng tình dục trẻ em thì đây là cuốn sách bạn không thể nào bỏ qua được.

– Kiều Lam