Chúng ta đang sống trong thời đại mà người người đều là nhà sáng tạo. Vậy thì làm thế nào để mỗi cá nhân đều trở thành nhà sáng tạo thực thụ? Làm thế nào để quản lí sáng tạo một cách hiệu quả?. “Sáng tạo – Phương thức làm việc và sinh tồn trong tương lai” không những giúp bạn trả lời những câu hỏi trên mà còn đưa ra nhiều cách lí giải độc đáo về yếu tố quản lí sáng tạo, phương pháp luận, hệ thống và thiết kế sản phẩm, từ đó giúp chúng ta tìm hiểu về thời đại mới và cách thức để đạt được giá trị bền vững của con người.
Review Sáng tạo
Với mình, “Sáng tạo – Phương thức làm việc và sinh tồn trong tương lai” là một cuốn sách có nhiều điều để học.
Đầu tiên, mình học được rằng trong tương lai, trí tuệ nhân tạo và người máy là tiêu chuẩn, các thuật toán và robot sẽ thay thế hầu hết các công việc mang tính lặp lại và chỉ chừa lại vai trò sáng tạo cho con người. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải biết cách khai phá tiềm năng sáng tạo của bản thân.
Thứ hai, trước khi đọc cuốn sách này, mình từng lầm tưởng rằng sáng tạo là trách nhiệm của những người có trí óc sáng tạo như nhà khoa học hay nghệ sĩ; là thành quả phi thường được tạo ra thông qua quá trình suy nghĩ độc lập và kĩ lưỡng của một cá nhân nào đó; là hào quang chói lọi của anh tài xuất chúng. Tuy nhiên, tác giả Phương Quân đã chỉ ra đó đều là những nhận thức không còn phù hợp với thực tế sáng tạo hiện nay.
Theo tác giả, sáng tạo là đối mặt với những điều mình chưa biết, giải quyết những vấn đề chưa có lời giải, cũng có nghĩa là phá vỡ giới hạn. Thách thức trong sáng tạo chính là làm thế nào định nghĩa được một vấn đề, sau đó tìm cách giải quyết vấn đề ấy. Đó là bởi vì bất luận là sáng tạo của cá nhân hay sáng tạo của tập thể đều không nhằm phô trương sự sáng tạo của mình, mà là để giải quyết những vấn đề phức tạp (kết quả sáng tạo).
Thứ ba, mình học được rằng ai cũng là người làm việc sáng tạo, không hề có sự phân biệt. Nghệ sĩ là người sáng tạo; nhà thiết kế là người sáng tạo; nhà văn, tiểu thuyết gia cũng là người sáng tạo. Nhà quảng cáo, người làm truyền thông, đạo diễn, giáo viên, lãnh đạo doanh nghiệp, kiến trúc sư, nhân viên vận hành,… cũng đều là những người sáng tạo. Tiêu chuẩn để phân chia người làm việc sáng tạo không phải là nghề nghiệp, chuyên môn, hình thức công việc, mà là họ có đang vận dụng tiềm năng sáng tạo của mình hay không.
Thứ tư, nhờ có cuốn sách “Sáng tạo – Phương thức làm việc và sinh tồn trong tương lai” mà mình lấy lại niềm tin vào khả năng sáng tạo của bản thân. Mình hiểu rằng, sáng tạo là bản năng của chúng ta và mỗi cá nhân đều có tư duy sáng tạo. Chỉ là dần dần, chúng ta sẽ đè nén những ý tưởng của bản thân, không dám nói ra, lại càng không thực hiện chúng. Trên thực tế, chúng ta cần thay đổi tư duy và nghiêm túc học hỏi những kiến thức mới bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Do đó, mỗi người hãy tự nhận thức được tiềm năng sáng tạo của mình. Khi đối diện với một vấn đề nào đó, chúng ta nên tin bản thân có thể giải quyết nó một cách sáng tạo, khéo léo, hiệu quả và hệ thống. Có niềm tin thì mới có thể sáng tạo.
Thứ năm, mình học được cách trình bày suy nghĩ, quan điểm một cách logic khi xem xét kết cấu của cuốn sách. Trước khi vào nội dung chính, tác giả cho người đọc thời gian “làm quen” với thuật ngữ “sáng tạo” qua lời nói đầu và trình bày sơ lược về ý chính “Sáng tạo: Công việc tương lai và phương thức sinh tồn” tại phần lời dẫn. Sau đó, để thu hút người đọc, tác giả chia cuốn sách làm 3 phần: phần đầu xoay quanh bốn yếu tố trong quản lý sáng tạo; phần hai tập trung vào phương pháp luận quản lý sáng tạo và phần kết đưa ra các phương thức tư duy sáng tạo. Trong từng phần lại bao gồm các chương nhỏ đóng vai trò bổ trợ và cung cấp thêm thông tin. Thật sự mình rất khâm phục tác giả vì xây dựng cho cuốn sách một kết cấu chặt chẽ và khoa học đến thế!
Nhìn chung, đây là một cuốn sách kĩ năng đa dạng kiến thức và dồi dào thông tin. Bạn nào yêu thích những sách có chiều sâu về mặt nội dung thì chắc chắn không nên bỏ qua “Sáng tạo – Phương thức làm việc và sinh tồn trong tương lai”, bởi lẽ cách tác giả đặt vấn đề, trình bày các ý và đưa ra ví dụ đều cực kì tỉ mỉ, chứng tỏ tác giả Phương Quân đã bỏ thời gian, công sức để đi tìm hiểu rất sâu về chủ đề sáng tạo mới có thể viết ra những trang sách giàu có về mặt kiến thức đến thế.
Được biết, bắt đầu từ năm 2010, ông đã mở ra một chuyên mục thảo luận về quản lý sáng tạo trên Cbnweek.com và thu hút được đông đảo sự chú ý của mọi người. Chính việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sáng tạo trong nhiều năm đã giúp Phương Quân sáng tác ra một cuốn sách tuyệt vời.
Dưới đây là một vài trích đoạn yêu thích của mình từ cuốn sách “Sáng tạo – Phương thức làm việc và sinh tồn trong tương lai”:
“Chúng ta đều là người làm việc sáng tạo. Trong tương lai, sáng tạo chính là lí do sinh tồn của chúng ta”.
“Là người làm việc sáng tạo, chúng ta luôn phải trả lời được câu hỏi: Tác phẩm của bạn là gì?”.
“Những người sáng tạo thường chủ động khám phá những thứ có thể sáng tạo xung quanh mình, khi nhìn thấy bất kì sự vật, hiện tượng nào thì trong đầu họ sẽ luôn nghĩ làm thế nào để cải tiến và làm lại nó bằng một phương pháp mới”.
“Sự khác biệt lớn nhất giữa nghệ sĩ với người bình thường chính là sau khi trưởng thành, họ vẫn giữ được những cảm nhận tinh tế với thế giới xung quanh”.
“Đôi khi, sáng tạo chính là ‘kể’ ra một câu chuyện, nhưng những người làm việc sáng tạo thường không kể chuyện bằng miệng, mà bằng hành động của mình”.
– Bình An (Minh Long Book)