Seol, Con Có Hạnh Phúc Không – Sim Yun Kyung

Seol, Con Có Hạnh Phúc Không là câu chuyện của 1 đứa bé bị bỏ rơi ở cô nhi viện và hành trình được nhận nuôi của đứa bé ấy để thông qua đó lên án những kỳ vọng mà người lớn đặt ra áp đặt cho con nhỏ, những kỳ vọng đó thực chất chỉ để thỏa mãn họ chứ không phải là điều đứa trẻ thực muốn.

Review (2)

Mở đầu cho list đọc sách của năm mới, tôi đã bắt gặp một cuốn sách rất hay mà mình đặc biệt tâm đắc, đó là “Seol, con có hạnh phúc không?”. Cuốn sách này khiến tôi nghĩ ngay tới bộ phim Sky Castle – một bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc năm vừa qua, bởi cuốn sách có chung chủ đề đáng quan tâm với bộ phim này: Chủ đề về giáo dục trẻ em.

Câu chuyện được kể lại từ chính góc nhìn của nhân vật chính – cô bé Seol. Không giống với những đứa trẻ bình thường khác, ngay từ lúc lọt lòng, Seol đã bị cha mẹ vứt bỏ và được tìm thấy trong thùng rác thực phẩm trước cô nhi viện vào ngày đầu tiên của năm tuyết rơi. Cho đến năm 12 tuổi, cuộc sống của Seol luôn hỗn loạn và bị xô đẩy khắp nơi: Cô bé được nhận nuôi rồi bị trả lại những ba lần, phải chuyển đến trường tiểu học tư thục dành cho con nhà giàu và bị bắt nạt bởi xuất thân của mình, và sau một sự cố, cuối cùng cô bé lại được nhận nuôi bởi chính gia đình của đứa trẻ đã bắt nạt mình. Qua những sóng gió trong cuộc đời của cô bé, tác giả đã khéo léo lồng vào câu chuyện những thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình và giáo dục trẻ em.

Đọc cuốn sách này, tôi không khỏi cảm thấy tức giận và buồn bã bởi hình ảnh hoàn hảo mà các bậc cha mẹ cố gắng xây dựng cho gia đình mình và áp đặt con cái trong khuôn khổ ấy. Con người không bao giờ hoàn hảo, nhưng không hiểu sao họ luôn giả vờ như vậy và cố gắng đánh bóng những thứ bề ngoài mà không hề để tâm tới nội tâm của những đứa trẻ, không hề lắng nghe xem chúng thực sự mong muốn điều gì.

Seol và Shi Hyun, hai đứa trẻ trong cuốn sách này tuy có xuất thân khác nhau, nhưng đều bị mắc kẹt giữa tham vọng của những người lớn, mà để phản kháng, chúng chỉ có một cách duy nhất: Trở thành “đứa trẻ hư” trong mắt người lớn. Điều ấy làm tôi bàng hoàng nhận ra, không có đứa trẻ nào là xấu xa cả, ngược lại những hành động của chúng chính là tín hiệu kêu cứu mà người lớn cần phải nhận ra để xem xét lại chính mình, bởi từng việc làm của họ đều có tác động không nhỏ tới con cái của mình.

Dõi theo câu chuyện, tôi cũng giống như cô bé Seol, không ít lần tự hỏi: Tình yêu thương của cha mẹ rốt cuộc là gì? Liệu nó có phải là cung cấp cho con những điều tốt nhất, hay là nghiêm khắc uốn nắn con theo ý mình không? Có lẽ đó là cách mà các bậc phụ huynh cho là tốt thể hiện tình yêu với con cái mình, song thực ra, đó lại không phải điều những đứa trẻ thực sự cần. Sau khi trải nghiệm cuộc sống với gia đình bác sĩ Kwak Eun Tae – người Seol luôn ngưỡng mộ, cuối cùng cô bé đã chọn trở về sống cùng người dì ngốc nghếch và nghèo khó của mình, bởi ở người dì ấy có một điều mà gia đình giàu sang của bác sĩ Kwak Eun Tae không có được: thứ tình yêu trước sau như một, trao đi mà không đòi hỏi bất cứ điều gì và chấp nhận Seol như những gì cô bé vốn là. Quả thực, đây là điều mà rất nhiều người lớn đã quên mất: Chúng ta đều muốn được yêu thương vì chính bản thân mình, và những đứa trẻ cũng vậy. Trao cho con cái tình yêu bao dung, vô điều kiện mới chính là điều tốt nhất mà cha mẹ nên làm cho những đứa con của mình.

Gấp lại cuốn sách, tôi nhớ mãi lời nhắn nhủ của tác giả ở những trang cuối cùng: “Giá như ngày càng có nhiều người lớn thật sự chấp nhận một cách nghiêm túc với tấm lòng rộng mở khi bọn trẻ nói ra chính kiến của mình thì tốt biết mấy. Bởi vì mọi đứa trẻ trên đời đều rất quan trọng, và vì tất cả chúng ta cũng đã từng một thời là trẻ con.” Đúng vậy, bởi chúng ta đều đã từng là trẻ con, nên hãy tôn trọng những suy nghĩ và mong muốn của những đứa trẻ, cũng như những người xung quanh chúng ta. Mong rằng sẽ có nhiều người hơn nhận ra điều ấy sau khi đọc cuốn sách này.

– Huyền Bùi

Seol – một đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng ở thùng rác ngay trước cổng một cô nhi viên. Trải qua 3 lần nhận nuôi rồi bị trả về cô nhi viện, cuộc sống của Seol bị chao đảo và buộc cô bé phải kiên cường và gai góc hơn bao giờ hết để có thể thích nghi với mọi môi trường sống….tất cả những điều đó khiến Seol luôn có những hoài nghi sâu sắc về tình yêu thương.

“Bản thân tôi thậm chí còn chẳng hình dung được tình cảm bình thường giữa những thành viên trong gia đình là như thế nào. Bây giờ bọn họ đang yêu thương nhau tha thiết ư? Thứ gọi là tình mẫu tử liệu có đang cuộn trào trong lồng ngực của người phụ nữ trẻ lơ đãng nhìn vào tivi với gương mặt kiệt sức kia không?”

“Tôi không được lựa chọn mà phải sống không có cha mẹ, đó là thứ cảm giác giống như màn sương mù đen kịt có thể nuốt chửng tôi trong nháy mắt bất cứ lúc nào. Tôi không biết nên xông vào trong đó và loay hoay tìm lại những thứ mình đã mất hay lấy hết sức chạy theo hướng ngược lại. Người ta nói rằng những con chim có một chiếc la bàn vô hình trong đầu để phán đoán phương hướng từ khi sinh ra, nhưng cái la bàn đó của tôi có lẽ đã hỏng ngay từ đầu rồi.”

Dõi theo Seol trong từng trang sách, mình cảm thấy cô bé ấy thực sự đã chịu nhiều thiệt thòi khi mà ngay bản thân em không được lựa chọn cuộc sống cho riêng mình. Cái gọi sự tốt đẹp mà người lớn muốn mang đến cho em thực chất lại là những sự kì vọng, áp đặt của bậc phụ huynh đối với con cái của họ…Dẫu vậy, Seol vẫn luôn kiên cường, đối đầu và luôn tìm cách thoát ra khỏi những khuôn mẫu mà người làm cha mẹ đặt ra để rồi cố bé nhận ra một điều. Tình yêu thương chính là sự lắng nghe, thấu hiểu cho đi mà không cần nhận lại giống như là một điều hiển nhiên…đó mới chính là thứ tình cảm mà Seol luôn tìm kiếm bấy lâu nay….

Cuốn sách này khiến mình nhận ra một điều người lớn nên học cách lắng nghe những ý kiến của những đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ đều có những cá tính riêng, chúng ta không nên áp đặt chúng theo một khuôn mẫu mà chúng ta cho rằng là tốt đẹp và phù hợp với chúng….Một cuốn sách ấm áp vào những ngày gần Tết, hoặc các bạn có thể đọc vào những ngày Tết cho đong đầy tình thương nha…

– Thúy Hạnh

Trích dẫn

“Bản thân tôi thậm chí còn chẳng hình dung được tình cảm bình thường giữa những thành viên trong gia đình là như thế nào. Thứ cảm xúc mà tôi bị tước đoạt từ khi sinh ra ấy lúc nào cũng làm tôi vô cùng bất an và lạ lẫm.”

“Dì yêu đứa bé bị bỏ rơi vào buổi sáng sớm đầu năm. Đứa bé ấy chính là tôi. Cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một việc giống như phép màu. Việc dì yêu thương tôi quá đương nhiên nên tôi cảm thấy rất bình thường chứ đừng nói là biết ơn dì, còn trề môi vì ghen tị với bố mẹ “thật” trẻ trung và xinh đẹp mà những đứa trẻ khác đều có. Tôi luôn viết thư cho viện trưởng để cảm ơn vào Ngày của Cha Mẹ. Dù tôi không viết một lá thư nào cho dì nhưng dì chẳng hề bất mãn. Tôi đã được yêu thương như thế mà không cần câu điều kiện phức tạp nào cả. Bây giờ tôi mới biết tình yêu ấm áp và giản dị mà mình nhận được một cách đương nhiên ấy là một phép màu.”

“Trẻ con thì phải cười thật nhiều, chạy nhảy thật nhiều, nói chuyện thật nhiều với bạn bè. Như thế mới lớn lên được.”

“Seol, con có hạnh phúc không, bản thân con có thật sự hạnh phúc không? Mọi điều con đang cố gắng có phải là điều mà con muốn, cảm xúc con đang thể hiện, có phải là những điều mà con đang có? Chứng câm của con, có phải là bệnh lý, hay chỉ là việc duy nhất mà con có thể làm theo ý của mình? Con cố gắng mạnh mẽ, cố gắng tỏ ra mình ổn, nhưng trong lòng con có bao nhiêu sự yếu đuối, bao nhiêu tâm sự con không biết chia sẻ cùng ai? Con không thể làm theo ý mình, và cũng không hề tốt trong mắt mọi người. Con không dám tựa vào ai để kể, để khóc, để nhõng nhẽo, để được yêu chiều…”

“Giá như ngày càng có nhiều người lớn thật sự chấp nhận một cách nghiêm túc với tấm lòng rộng mở khi bọn trẻ nói ra chính kiến của mình thì tốt biết mấy. Bởi vì mọi đứa trẻ trên đời đều rất quan trọng, và vì tất cả chúng ta cũng đã từng một thời là trẻ con.”