Số Đỏ – Vũ Trọng Phụng

Khi đọc Số đỏ, ta hiểu được tình hình xã hội thời trước giải phóng với những thói ăn không ngồi trốc của tầng lớp giàu có, thấm thía được mặt trái mà Vũ Trọng Phụng muốn truyền tải. Thay vì trực tiếp nêu quan điểm của mình, ông đã mượn vai của thằng Xuân Tóc Đỏ. Một thằng ất ơ, không ra gì lại hay ra vẻ trưởng giả học làm sang, để lấy đó làm điểm tựa mà đào sâu vào cái chế độ phong kiến thối nát và cười mỉa vào nó.

Xuân Tóc Đỏ may mắn là thật. Nhưng sự may mắn của hắn không phải ngẫu nhiên mà nằm ở cái tài bắt trọn điểm yếu và sắp xếp chúng dựa vào ham muốn của bậc thượng lưu.

Review Số đỏ (2)

Số đỏ – tiếng cười cho những lố lăng

Văn học là nhân học. Những cái đẹp man mác của cảnh vật bồi cho ta tình yêu thiên nhiên. Những tình yêu thương thoát bay từ trang viết khiến ta trân quý hơn cuộc sống và con người quanh mình. Ngỡ tưởng chỉ có cái đẹp mới có khả năng bảo trì và lưu giữ tính người, nhưng thiên chức vị nhân sinh của văn học còn thể hiện sức mạnh nơi cái xấu, cái ác. Tôi đã thấy những tiếng nấc nghẹn ngào cho những kiếp đời nghiệt ngã, những tiếng kêu oán trách xã hội mục ruỗng thối nát đẩy con người đến lối tắc tị, và tôi cũng đã được dừng chân để nhìn thấy tiếng cười nhạo báng, giễu nhại về những điều lố bịch, những trò rởm đời ở nơi gọi là “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.

Được tinh kết qua lăng kính nhìn đời sắc sảo, trái tim đau đáu những mối day trở vì hiện thực quái gở, suy đồi, “Số đỏ” đẫm đậm cái tài hoa, cái tinh tế của Vũ Trọng Phụng – con người dù chỉ vỏn vẹn chín năm cầm bút nhưng trở thành một hiện tượng độc đáo của văn chương Việt Nam. Nó dẫn dắt con người ta đi sâu vào quá trình Âu hóa của những gia đình “văn minh”, “tân tiến”; những điều con người ta buộc phải chạy theo để không trở nên hủ lậu; những bộ đồ “hợp thời”; những quan điểm nghệ thuật khiến người ta nực cười vì sự “mới mẻ” của nó. Phản ánh hiện thực nghiệt ngã, trớ trêu bằng giọng văn trào phúng, cuốn sách không còn khắc họa cuộc sống đắng đau, nhọc khổ của người nông dân trong xã hội đương thời mà xé toạc chiếc mặt nạ đằng sau những điều tưởng văn minh mà thật vô văn hóa.

“Số đỏ” xoay quanh quá trình trở thành me xừ, người “văn minh” nhờ thủ đoạn xảo trá, lưu manh của Xuân tóc đỏ – thằng bé bồ côi, kiếm sống bằng đủ thứ nghề, “nhờ thời” mà “mở vận”. Giọng văn trào phúng riêng có của Vũ Trọng Phụng đã khiến tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở những tiếng cười nhạo báng dành cho nhân vật Xuân tóc đỏ “nhờ thời” để phất lên mà còn hắt lên vết nhơ trong nhân cách con người của xã hội – những con người luôn mang tư tưởng Âu hóa nhưng đều là những tư tưởng truy đồi, vô giáo dục, những ý kiến ngỡ tưởng đổi mới mà lại vô văn hóa, trái ngược hoàn toàn với đạo đức làm người. Cuốn tiểu thuyết đưa ta đến một cửa hiệu trang phục cho phụ nữ với ti tỉ những mẫu áo, mẫu đầm “tân thời” được gửi gắm tư tưởng của một nhà mỹ thuật muốn phô tỏ cái “thẩm mỹ về xác thịt” cho phụ nữ, săn sóc chu đáo đến hạnh phúc của phái đẹp nhưng cổ hủ với gia đình; bạn được dừng lại mà ngẫm nghĩ về cái thứ thuốc thánh chữa bệnh cho người chẳng mắc bệnh gì; và ta sẽ thật sự bất ngờ với sự tổ chức và định hoạch cho một đám tang đầy hoan hỉ. Giọng điệu mỉa mai, châm biếm cùng thủ pháp phóng đại để tạo chi tiết, nghệ thuật sử dung lối tương phản giữa cái thối nát vô luân với cái trào phúng xuyên suốt tác phẩm đã lột trần những “quái thai” thời đại, hiển hiện bức tranh hiện thực đầy nhấm nhem.
Tôi cứ nhớ mãi về chi tiết “Một nhà tri thức vội vàng sủa một tràng tiếng Tây vào mặt Xuân làm nó bĩu môi mà rằng: – Xin ngài nói tiếng ta cũng đủ!”. Sử dụng nghệ thuật nghịch đối: “nhà tri thức” – từ vốn dành cho những người có đủ sự thông tuệ, tầm hiểu biết sâu rộng, mang tính trân trọng lại được đặt cạnh bên “sủa” – hành động làm ra tiếng kêu của động vật, mang tính vật hóa, khinh miệt, Vũ Trọng Phụng như đập mạnh vào sự đối nghịch giữa hai trường từ va xiết loảng xoảng để phá tan đi vẻ bề ngoài bóng bẩy, đạo mạo của một hình tượng xã hội cao quý, lộ ra dung mạo thảm hại. Chỉ với một từ “sủa”, ông như xé toạc chiếc mặt nạ giả trang để vạch ra những trần truồng của xã hội, lộ tẩy những thói a dua dởm đời sống sít – đua theo ngôn ngữ nước ngoài mà khinh rẻ tiếng mẹ đẻ. Hay đó là sự họa hình nhân vật bà Phó Đoan “tiết hạnh khả phong” với hình ảnh “bà Phó Đoan dù Nhật, ví da và chó bước xuống”. Chi tiết với nghệ thuật sắp xếp ngang hàng của người cầm bút, đặt ngang hàng “bà Phó Đoan” – người đàn bà “sang chảnh”, “tân thời” với những vật dụng, động vật “dù Nhật, ví da và chó”. Lối viết của Vũ Trọng Phụng cũng như lối viết Phớt – ăng – lê của người Anh rất lạnh, rất tỉnh như không, câu văn cùng chi tiết nhẹ nhàng hóa lời giễu cợt cho những con người ảo tưởng cách tân nhưng lại trở thành trò hề trong thiên hạ, đặt ngang hàng với một loài động vật khác. Khi ấy, tác giả bỗng chốc làm mờ đi cái chữ “người ” của nhân vật, càng tô đậm thêm cho sự lố bịch của hình tượng và sự khinh miệt của người viết. Thế mới thấy, với lối viết phóng khoáng, cách dụng ngôn tung tẫy, trào phúng mà sắc lẹm, Vũ Trọng Phụng quả thực đã họa hình nên những thói rởm đời, những vết nhơ nhuốc của con người và xã hội lấp liếm sau cái tên gọi “cuộc cải cách xã hội” “tân tiến”, “văn minh”, để ta thấu tỏ bộ mặt thật xảo trá, để ta ngẫm suy và nhìn đời sắc sảo hơn, và nhờ vậy mà “Số đỏ” vẫn sống nơi “triệu trái tim trong triệu năm dài”.

“Số đỏ” đã từng hứng chịu những lời phê bình cay nghiệt, họ bảo tác phẩm đã gieo vào tâm tưởng người đọc những nhơ nhuốc của xã hội, người ta nhìn khối kỉ hà chật chội này một cách đen kịt, tăm tối. Nhưng với tôi, cuốn tiểu thuyết ấy đã cho tôi một cái nhìn xác thực về xã hội những năm 30, mở rộng nhãn quan nhìn đời, để tôi biết sau những ánh hào quang là biết bao lấp liếm, xảo trá. Bởi chỉ khi nhìn được cái trần trụi, đen đủi, con người ta mới biết “sống ra người”. Quả thực, văn chương “nói lời riêng mà thấu triệu tâm hồn”, triệu tâm hồn trong một thời đại và trong ngàn thời đại, và tôi tin, “Số đỏ” đã thực hiện được thiên chức đó.

– Bùi Thị Ngọc Hà

[Sự đời là thế, cái gì bàn càng lắm thì càng nát, càng rời xa chân lý]
———————
Vũ Trọng Phụng – một cái tên không quá xa lạ trong lịch sử văn học Việt Nam. Và với “Số đỏ”, Vũ Trọng Phụng trở thành đại diện xuất sắc bậc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán thời kì 1930 – 1040 ở Việt Nam. Số đỏ xuất hiện đột ngột giữa làng văn như một tiếng sét xé trời mà thanh âm của nó chắc chắn còn vang động mãi. Số đỏ gồm 20 chương vé nên bức tranh phán ánh và phê phán thực dâ nửa phong kiến.

Tác phẩm kể về cuộc đời của Xuân tóc đỏ, từ một tên ma cà bông, nhưng có ai ngờ khi khép lại trang sách cuối cùng, nó đã chóng vánh trở thành vĩ nhân cứu quốc đầy hào quang chói lọi. Xuân tóc đỏ là kết tinh mọi thói hư, tật xấu của xã hội “văn minh” thời đó.

Xuân với bộ tóc bị “ánh nắng mặt trời làm cho tóc nó đỏ như tóc Tây”. Y được người ta gọi là Xuân tóc đỏ, mà kể ra số y cũng đỏ thật. Đầu tiên y chỉ là một đứa trẻ mồ côi, mất dạy, hết trèo me, rồi quảng cáo thuốc lậu, rồi thì nhặt banh ở sân quần vợt. Sau khi xem trộm cô đầm thay đồ, y bị bắt giam, nhưng may mắn thay y lại lọt vào mắt xanh của con mẹ me tây Phó Đoan. Từ đó, y nhiều bước lên mây, y bắt đầu làm ở tiệm may Âu Hóa, nhờ vào cái tài ăn nói và sự lươn lẹo y bước vào guồng quay của xã hội thượng lưu đương thơi. Người ta gọi y là đốc tờ Xuân vì đã có công giết chết ông cụ già, tiếp sau đó người ta còn gán cho y những dah xưng thật là sướng tai, nào là nhà cải cách xã hội, nào là giáo sư quần vợt va cuối cùng là anh hung cứu quốc với tài năng hiếm có và đức hi sinh đáng tôn thờ. Có thể nói rằng “số đỏ” của Xuân không chỉ do hoàn toàn may mắn đưa lại, mà bắt nguồn từ những bản chất đểu cáng, hiếu danh, hiếu sắc.

Ngoài Xuân tóc đỏ ra, thì trong xã hội “trưởng giả học làm sang” còn có con mẹ Phó Đoan lẳng lơ, đỏng đảnh đối lập với cái bảng “Tiết hạnh khả phong”, là cụ cố Hồng với câu cửa miệng: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi, là ông Phán mọc sừng, dường như ông rất tự hào về cái sừng đó, là cửa hàng Âu Hóa của vợ chồng với những bộ đồ cách tân: Lời hứa, Chiếm lòng, ngây thơ, dậy thì kiên trinh, chinh phục,…, là cậu Phước – con giời con Phật, là cô Tuyết rất mong muốn được người đời gọi mình là đứa con gái hư hỏng, là ông Tuýt phờ nờ ( TYPN) nghĩa là tôi yêu phụ nữ. Tất cả đã góp phần xây dựng một xã hội lố lăng, bịp bơm với những tiêu cực, tệ nạn mà Vũ Trọng Phụng gọi đó là “chó đểu”.

“Các ông muốn viết tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết thực sự là ở đời”. Là một nhà văn châm biếm đả kích, nhà văn hiện thực đi đôi với phê phán. Những câu chuyện của ông vừa mang tiếng cười vừa sâu cay, chua chát. Dưới ngòi bút sắc xảo va tinh tế, với cách viết trào phúng va những chi tiết kịch tính, ông đã lột trần bộ bộ mặt những con người đi theo danh vọng xa hoa mà đánh mất chính bản thân. “Số đỏ” như chưởi thẳng vào cái xã hội thượng lưu lố lăng. Cái xã hội mà người ta sống với nhau bằng sự lươn lẹo, lưa lọc.

– Dung Vũ