Chúng ta dường như luôn quẩn quanh đi tìm một mục đích sống, một ý nghĩa cuộc đời, mà không nhận ra đằng sau ấy là một nỗi sợ. Sợ thua kém người khác, sợ nghèo đói, sợ cô đơn, sợ cơ cực. Quá nhiều nỗi sợ đến nỗi chúng ta không dám nhìn thẳng vào bản thân mình, để rồi sợ thất vọng về bản thân.
Review Soi mình trong thế giới muôn hình
EMBRACE YOURSELF – HÃY ÔM ẤP BẢN THÂN, ÔM ẤP CẢ NHỮNG XÚC CẢM TIÊU CỰC.
Bạn không thể nhét tất cả rác xuống xuống gầm giường rồi coi như nhà mình sạch sẽ được. Cũng như vậy, bạn không thể kìm nén, giấu giếm cảm xúc tiêu cực rồi cho rằng “tôi ổn”.
Khi có cảm xúc gì đó, hãy cứ gọi tên nó, cho phép nó xảy ra. Bạn có quyền mà. Có quyền giận, buồn, ghen tỵ, thất vọng… Nhưng hãy đảm bảo là bạn chỉ có một mình. Sau khi tập sống thật với cảm xúc của mình, bạn sẽ không còn sợ hãi, trốn tránh nữa. Khi trải rộng mình ra trên dải màu cảm xúc, bạn mới có thể mạnh mẽ và trọn vẹn. Khi thôi ép mình vui vẻ tươi sáng thánh thiện, bạn sẽ càng yêu mình yêu đời hơn.
Cảm xúc khó chịu có giá trị của nó: giận dữ chứng tỏ bạn quan tâm, có ý thức phản kháng; buồn bã chứng tỏ bạn biết rung cảm; còn thấy bi thương là bạn còn tha thiết với đời.
Khi bạn có thể thừa nhận cảm xúc, cũng có nghĩa là bạn tôn trọng bản thân ở bất cứ trạng thái nào. Thà ngồi một mình suy ngẫm về nỗi buồn mà trở nên thấu hiểu chín chắn, còn hơn tìm đến tiếng cười rỗng tuếch của mấy trò hài nhạt nhẽo.
Con người nên có khả năng sống trọn dải màu cảm xúc, chứ không chỉ sống vui vẻ sung sướng không mà thôi. Tiếp nhận nỗi buồn, sự giận dữ, tổn thương, cũng là lối vào của tình yêu, hạnh phúc và hy vọng.
– Lưu Hạnh Ngân
Trích dẫn Soi mình trong thế giới muôn hình
“Một mình không đáng sợ như bạn nghĩ. Một mình chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa hai mùa yêu thương. Đó là cơ hội tốt để bạn dành thời gian chăm sóc bản thân, phát triển trí tuệ. Để khi hạnh phúc đến, bạn đã sẵn sàng để nói “Xin chào!”
“Tại đây và bây giờ mới là khoảnh khắc duy nhất bạn có thể thay đổi. Tương lai tốt đẹp được xây dựng từ những “viên gạch” bây giờ vững chắc. Dù bạn đang làm gì, ở đâu, hãy dừng lại một chút để ý thức được là mình đang sống, đang hít thở, đang có thật nhiều cơ hội để sống dủ đầy và trọn vẹn.”
“Chúng ta hoàn toàn có khả năng mang lại hạnh phúc cho mình một cách bền vững mà không cần phụ thuộc vào người khác. Nhưng khi bạn đã hoàn thành việc yêu bản thân và tin vào chính mình thì sau đó là gì? Sau đó, ta cần học cách yêu thương người khác.
Trải nghiệm yêu đương mang lại cho bạn nhiều bài học mà tự bản thân bạn không thể tạo ra được. Vì vậy, tình yêu luôn xứng đáng được lựa chọn hết lần này đến lần khác.”
“Giác ngộ hay tỉnh thức không phải là học thêm một khóa học, đọc thêm một cuốn sách, có thêm một người thầy, tập thêm một kỹ thuật… mà là gỡ bỏ mọi dính mắc với bên ngoài. Món ăn ngon hay không ngon, bạn cũng thưởng thức. Người ta có tử tế với bạn hay không, bạn vẫn tử tế và yêu thương bản thân.
Mà “bản thân” ở đây là gì vậy? Phần lớn mọi người đang chạy theo lối sống tích cực và yêu bản thân, nhưng họ chưa đủ lắng lại để nhận diện “tôi” là ai. Khi không rõ về “tôi”, sao ta có thể yêu? Hành trình đi vào bản thể bên trong trùng trùng điệp điệp. Có những lúc bạn ngỡ mình tỉnh rồi, nhưng thực ra chỉ là thức mà thôi. Có những lúc bạn nghĩ mình đã ra khỏi ma trận, nhưng thực chất chỉ là tham gia vào một trò chơi mới tinh vi và (nghe có vẻ) hấp dẫn hơn mà thôi.”
“Câu chuyện của mình không phải là câu chuyện của một người quá khổ mà thoát khổ hay của một người phi thường nhận ra chân lý lớn lao, cũng chẳng phải là chuyện cổ tích với cái kết viên mãn. Cuộc đời mình cũng bình thường như cách mọi người vẫn định nghĩa về bình thường. Mình cũng giống nhiều bạn trẻ khác, làm một công việc bình thường, có những mối quan hệ không có gì quá gay cấn. Chỉ là mình nhạy cảm với cái khổ, một hạt đậu phiền não nằm dưới nhiều lớp đệm dày cũng khiến mình thao thức. Vì vậy, mình thật tâm đi tìm bình yên, tìm câu trả lời cho câu hỏi làm sao để duy trì trạng thái phúc lạc vĩnh cửu.”