Sơn Hải Kinh – Khuyết Danh

Lần cập nhật gần nhất October 2nd, 2020 – 02:05 pm

Cách nay khoảng 5000 năm, lịch sử nhân loại có một điểm đứt gãy, một thảm họa quy mô toàn cầu: Đại Hồng Thủy. Trận lụt khủng khiếp ấy cuốn phăng đi biết bao nhiều nền văn minh, làm tuyệt chủng cơ man các loài động thực vật. Nói theo ngôn ngữ thời đại internet bây giờ thì: Thế giới đã bị Reset thêm một lần.
Ba tác phẩm, bí ẩn, không rõ tác giả được lưu truyền phổ biến (tại Việt Nam) tới tận bây giờ, có khả năng còn được viết ra trước cả khi có Đại Hồng Thủy, vẫn được hậu nhân không ngừng tìm đọc, giải mã sau 5000 năm là: Kinh Thánh Do Thái (Hay Kinh Cựu Ước); Kinh Dịch; Sơn Hải Kinh. Những kỳ thư này đều chứa đựng sự minh triết thâm sâu khôn cùng khiến chúng ta, tuy sống trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển chóng mặt, vẫn không thể không trầm trồ trước trí tuệ cổ nhân.

Review (2)

“Dãy núi đầu tiên ở phía nam gọi là dãy Thước Sơn. Ngọn núi đầu tiên của dãy Thước Sơn là núi Chiêu Dao, nằm bên bờ Tây Hải, trên núi có nhiều cây quế, nhiều kim loại và ngọc. Ở đấy có một loại cỏ, hình dáng như rau hẹ nhưng nở hoa màu xanh, tên gọi là Chúc Dư, ăn vào sẽ không cảm thấy đói.” – Trích: đoạn văn mở đầu trong Nam Sơn Kinh

Có thể dễ dàng nhận ra về mặt nội dung, Sơn Hải Kinh là sách viết về núi sông, biển đảo, trong đó mô tả chi tiết vị trí địa lý, địa thế, dáng núi, hình sông, hải đảo, động thực vật, khoáng sản, dược liệu và điểm đặc sắc nhất (có thể gọi là điểm nhấn, vì nhiều độc giả khi đọc hết tác phẩm có thể quên thứ gì chứ chắc chắn không thể quên thứ này) dị thú.

(Từ “dị thú” tôi mượn cách gọi của họa sĩ Khưu Phúc Long trong tác phẩm Sơn hải nghịch chiến vì thấy nó mô tả rất chính xác)

Dị thú trong Sơn Hải Kinh đa dạng và sống động. Vì phải đến tận thế kỷ IV TCN, triết gia Aristoteles ở Hy Lạp mới chia nhóm, phân loại mọi thứ trên đời, nên Sơn Hải Kinh, vốn được viết từ tận Thiên niên kỷ III TCN, các dị thú chưa được phân nhóm là lẽ thường. Để bạn đọc tiện theo dõi tác phẩm, tôi mạo muội xin phép tác giả Sơn Hải Kinh phân chia các dị thú trong tác phẩm thành những nhóm sau.

  • Dị thú cấp 1: những dị thú được con người sử dụng làm dược liệu chữa bệnh, Bác Thi, Biệt Phục, Toàn Quy, Loại vv… Ví dụ, đoạn viết về một loài rùa chỉ rõ “Toàn Quy, tiếng kêu như bổ củi, mang theo bên người sẽ không bị bệnh điếc, còn có thể chữa vết chai ở bàn chân.”
  • Dị thú cấp 2: những dị thú nguy hiểm có thể ăn thịt con người, Cửu Vĩ Hồ, Cổ Điêu, La La, Chư Hoài vv… Ví dụ, đoạn viết về Cửu Vĩ Hồ chỉ rõ “hình dáng như cáo nhưng có chín cái đuôi, tiếng kêu như tiếng trẻ con khóc, có thể ăn thịt người, ai ăn được nó sẽ không bị trúng cổ độc.”
  • Dị thú cấp 3: những dị thú mỗi khi xuất hiện sẽ ảnh hưởng tới thiên tượng gây ra thiên tai, địch họa hoặc thái bình, an vui, Sơn Huy, Chu, Trường Hữu, Hoạt Hoài vv… Ví dụ, đoạn viết về một loài rồng chỉ rõ “có một loại rắn, tên gọi Phì Duy, có sáu chân bốn cánh, một khi xuất hiện thì thiên hạ có hạn to.”
  • Dị thú cấp thần: những dị thú được con người cúng bái, hiến tế, cầu đảo. Những dị thú này đều được gọi là thần kèm theo mô tả hình dạng. Ví dụ, đoạn viết vể núi Nam Ngu chỉ rõ “Thần núi vùng này đều có dạng mình rồng, mặt người.” Khi cúng tế thì “dùng một con chó trắng làm đồ tế, tế xong cầu đảo, gạo tế dùng gạo đồ.”

Trên đây là review sương sương về nội dung của Sơn Hải Kinh, phần tiếp theo mới là phần tôi muốn trình bày về chủ đề như tên đầu bài viết:
#Đọc_Sơn_Hải_Kinh_thế_nào?

I. NHÀ DU HÀNH VĨ ĐẠI THỜI THƯỢNG CỔ

Tác giả của Sơn Hải Kinh là ai vẫn đang là bí ẩn. Có người nói tác phẩm do Đại Vũ viết ra nhưng tôi chắc chắn đấy cũng chỉ là giả thuyết. Đọc Sơn Hải Kinh ta thấy sự thong dong, tỉ mỉ, một tâm thái tò mò, háo hức khi khám phá tự nhiên bao la. Thế giới trong Sơn Hải Kinh tươi đẹp, hùng vĩ, bí ẩn. Thế giới đó không thể là thế giới đang bị hủy diệt bởi Đại Hồng Thủy được. Khi Đại Hồng Thủy xảy ra, Đại Vũ đầu tắt mặt tối, chạy long sòng sọc đầu đông cuối tây, đi qua nhà còn không có thời gian vào thăm người thân, nên chắc chắn ông không thể “thong dong, tỉ mỉ, với một tâm thái tò mò” thăm thú từ non cao tới hải đảo được.

Đọc Sơn Hải Kinh bạn đọc tinh ý cũng dễ dàng phân biệt được đoạn nào là bản gốc, đoạn nào là hậu nhân thêm vào. Phần thêm vào của hậu nhân hầu hết liên quan đến thần thoại Trung Hoa thời kỳ Hoàng Đế. Chỉ xét phần nội dung của Sơn Hải Kinh bản gốc, hậu nhân cũng thấy quá sức phi thường.
Tôi tạm gọi tác giả bí ẩn của Sơn Hải Kinh là Nhà du hành. Truyền thuyết kể lại, tác phẩm ban đầu ngoài phần kinh còn có phần đồ kèm theo, Nhà du hành hẳn phải là một nghệ sĩ tài hoa xuất chúng.

Thế giới buổi bình minh, kỳ vĩ, hoang sơ, từng ngọn núi, con sông đều toát lên màu linh thiêng, bí hiểm, động thực vật chưa được con người biết đến nhiều vô kể (nhiều dị thú trong Sơn Hải Kinh vốn được gọi tên bằng chính tiếng kêu đặc trưng của chúng). Nguy hiểm muôn trùng đến từ chính địa hình, khí hậu, dã thú và sự phân tán của các bộ tộc thiểu số rải rác khắp nơi. Giữa bối cảnh đó, Nhà du hành với trái tim dũng cảm của một chiến binh, bộ óc của một nhà khoa học, đôi tay của một họa sĩ, đôi chân của một nhà thám hiểm, đôi mắt của một đứa trẻ, đã dấn thân vào đại tự nhiên, ghi chép, họa đồ, mô tả lại thế giới vĩ đại một cách tỷ mỉ.

Tôi đã đọc Sơn Hải Kinh như thế và dù đọc lại vẫn không ngừng kinh ngạc.

II. MỘT TÀI LIỆU TRA CỨU ĐA NGÀNH.

Trong Sơn Hải Kinh các loài động thực vật đều được ghi chép tỉ mỉ về phân bố, hình dáng, dược lực. Những ghi chép này thực sự là nguồn tư liệu quý giá.

Trong Sơn Hải Kinh các ngọn núi, con sông cũng được mô tả rõ ràng về vị trí tên gọi, hình dáng cùng các khoáng sản đặc trưng.

Trong Sơn Hải Kinh còn chỉ rõ các phong tục, nghi lễ thờ cúng thời cổ xưa.

Trong Sơn Hải Kinh còn kể lại những thần thoại tiêu biểu thời thượng cổ, Khoa Phụ, Hình Thiên, Chúc Dung vv…

Những tư liệu này giúp ta phần nào phác họa sơ lược được bức tranh tự nhiên, con người, phong tục thời cổ đại.

III. NHÀ DU HÀNH ĐÃ ĐI XA TỚI ĐÂU?

Đọc Sơn Hải Kinh kết hợp với các nguồn kiến thức đa chiều, bạn đọc sẽ thấy nhiều điểm hội tụ thú vị.

Trong Hải Ngoại Nam Kinh, Nhà du hành có viết về một tộc người kỳ lạ: “Nước Bất Tử Dân nằm về phía đông vùng Hải Ngoại, người ở đấy da đen, rất thọ, bất tử. Có thuyết cho rằng nước ấy nằm về phía đông nước Xuyên Hung.”

Trong tác phẩm Lịch Sử của sử gia Herodotus, trong quyển II – Euterpe, phần viết về Ai Cập cổ đại, tác giả cũng nhắc tới một dân tộc trường sinh, láng giềng của Ai Cập. Dân tộc đó rất giống những mô tả của Nhà du hành về nước Bất Tử Dân. Lẽ nào khi khám phá vùng Hải Ngoại, Nhà du hành đã đặt chân tới được tận châu Phi?

IV. ĐA THẾ GIỚI CHỒNG CHẬP

Có tiền bối tu Đạo kể với tôi rằng, khi xuất thần du hành vào thế giới khác, người đó đã gặp một số dị thú y chang được mô tả trong Sơn Hải Kinh.

Khoa học hiện đại với những thí nghiệm lượng tử phi thường cũng thừa nhận khả năng tồn tại các thế giới song song trong cùng một không gian.

Ta giả sử Nhà du hành là người có tâm linh phát triển mạnh mẽ và Nhà du hành có khả năng nhìn thấy những dòng năng lượng và những thực thể mà người thường không thấy được (thế giới tâm linh). Vậy thế giới trong Sơn Hải Kinh vốn không chỉ là một thế giới và là nhiều thế giới song song được Nhà du hành cùng ghi lại. Bằng chứng là nhiều dị thú được mô tả như bỗng dưng xuất hiện cùng các thiên tai, thái hòa trong khi trước đó không nhìn thấy chúng.

Giả thiết này đánh tan mọi chỉ trích rằng Sơn Hải Kinh thật hoang đường.

V. NGẮM ĐỒ HÌNH VÀ ĐỂ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG BAY XA.

Tôi và con trai đã tranh nhau cuốn Sơn Hải Kinh để giành quyền… xem trước, vì tuy không hứng thú với phần kinh nhưng cu cậu lại rất thích thú với phần đồ. Tôi nghĩ cũng do cu cậu khá mê Pokémon và Magic Card nên mê luôn những dị thú của Sơn Hải Kinh Đồ.
Tôi nghĩ chúng ta cũng nên vậy, gạt hết những suy nghĩ, tư tưởng phức tạp qua một bên, thả lỏng cơ thể, để cho đầu óc trống rỗng, thư thái ngắm nhìn những đồ hình vẽ bằng mực tàu, màu nước, đẹp tuyệt vời và vô cùng sáng tạo. Đơn giản vậy thôi cũng đủ biến một ngày đầu đông âm u bỗng nhiên đẹp lạ rồi.

– Đặng Xuân Lương

Tình cờ trong buổi sáng, khi đang tìm hiểu về nguồn gốc các linh vật trong văn hóa, tôi có đọc được một bài viết rất lý thú về sách “Sơn Hải Kinh”. Bài tuy hơi dài nhưng thực không biết nên bớt đoạn nào vì vậy tôi đăng cả ở đây để anh chị em tham khảo.

Điều kì diệu từ sách cổ: Trái đất là bản sao hoàn hảo của cơ thể người
Hiện nay khi các nhà khoa học giám định lại một số chương của “Sơn Hải Kinh”, họ đã bất ngờ khi phát hiện ra những điểm trùng hợp đáng ngạc nhiên của cuốn sách này.

“Sơn Hải Kinh” là tập sách địa lý lâu đời nhất của Trung Quốc, nó cũng là một tập sách cổ thời Tiền Tần, kể về nhiều câu chuyện, truyền thuyết thần thoại, bao gồm 5 quyển “Sơn Kinh” và 13 quyển “Hải Kinh”.

Mặc dù “Sơn Hải Kinh” chỉ có vỏn vẹn hơn 31.000 chữ, nhưng nội dung của nó liên quan đến rất nhiều mặt kiến thức, như địa lý thiên văn, thần thoại tôn giáo, nhân khẩu dân tộc, tài nguyên khoáng sản và động thực vật… Đây là tư liệu quý báu về nghiên cứu lịch sử cổ đại, được xem là tinh hoa trong kho tàng sách cổ Trung Quốc.

Tựa sách “Sơn Hải Kinh” lần đầu tiên được tìm thấy trong “Sử Ký”, nhưng Tư Mã Thiên lại cảm thán nói: “Liên quan đến các vật lạ như ‘Vũ Bổn Ký’, ‘Sơn Hải Kinh’, tôi không dám nói bất cứ điều gì”. Cho đến đời Hán Thành Đế Lưu Hướng, cha con Lưu Hâm được lệnh phải đối chiếu và chỉnh lý các kinh thi sách vở thơ từ ca phú, thì “Sơn Hải Kinh” mới được đối chiếu chỉnh lý và công khai ra đại chúng.

Nhưng vì nội dung của nó quá kỳ lạ quái dị, hơn nữa người ta cũng phát hiện rằng kiến thức địa lý được mô tả trong cuốn sách hoàn toàn không phù hợp với thực tế, do vậy mà sách này bị xem là hoang đường, thậm chí bị loại ra khỏi hàng ngũ sách khoa học.

Tuy nhiên, trong “Sơn Hải Kinh” thực sự lại có nhiều sự trùng hợp đáng ngạc nhiên, thể hiện được tính khoa học và tính xác thực của nó.
Gần đây, khi các nhà khoa học Mỹ giám định lại một số chương của “Sơn Hải Kinh”, họ đã bất ngờ khi phát hiện ra những điểm trùng hợp đáng ngạc nhiên của cuốn sách này.

Trong “Đông Sơn Kinh” có 4 quyển mô tả địa thế núi đồi ở khu vực ngoài Biển Đông, các nhà khoa học đã nghiên cứu chi tiết các mô tả này, và phát hiện ra rằng điều này phù hợp với địa hình bờ Thái Bình Dương bên ngoài Biển Đông Trung Quốc – cùng địa hình vùng Trung Tây Bắc Mỹ.

“Đông Sơn Kinh” không chỉ mô tả địa hình địa mạo ở khu vực đó, mà mỗi quyển của tập sách này còn mô tả phong cảnh từng địa phương, mô tả những viên đá đen, khối vàng ở Nevada Hoa Kỳ, hải cẩu ở vịnh San Francisco, những con chồn Mỹ biết giả chết… một cách sinh động và chính xác.

Chương 14 của “Đại hoang Đông Kinh” có miêu tả “Đằng sau ánh sáng”, “Dòng chảy vào vực thẳm”, “Mỗi ngày như vậy”… Bất kể người nào đã từng du lịch ngắm mặt trời mọc ở Colorado, Grand Canyon tại khu vực Bắc Mỹ, đều có thể thấy rõ đoạn nội dung miêu tả này trong “Sơn Hải Kinh” chính là đang đề cập đến nơi đó.

Ngoài ra, còn có rất nhiều bức tranh mô tả địa hình lưu vực phía Đông của Bắc Mỹ, như Great Lakes và thung lũng sông Mississippi. Bên cạnh đó, trong kinh thứ chín và thứ mười của “Sơn Hải Kinh” còn miêu tả rất nhiều nơi khác ở châu Mỹ.

“Sơn Kinh” trong “Sơn Hải Kinh” bao gồm năm phần: “Nam Sơn Kinh, Tây Sơn Kinh, Bắc Sơn Kinh, Đông Sơn Kinh, Trung Sơn Kinh”. “Vũ viết: Những ngọn núi nổi tiếng trên thế giới, có tất cả 5.370 ngọn núi, trải dài 64.516 dặm, gồm cả phần đất ở được, gọi là Ngũ Tàng”. Người xưa gọi nó là “Ngũ Tàng Sơn Kinh”.

Về vấn đề này, người ta thường nói rằng “Tàng” trong “Ngũ Tàng” mang ý nghĩa “bảo tàng” (kho báu), nhưng một số người lại nghĩ rằng đó là “tạng” trong “Lục phủ ngũ tạng”. Văn tự Trung Quốc thời xưa có một cách “chơi chữ”, nên chữ “Tạng” và “Tàng” này là dùng theo lối đồng âm khác nghĩa.
Lục phủ ngũ tạng là tên gọi chung của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể con người theo y học Trung Quốc, đó là tim, gan, lá lách, phổi, thận được gọi là ngũ tạng; còn ruột non, túi mật, dạ dày, ruột già, bàng quang, tam tiêu (thượng tiêu là miệng trên của bao tử, trung tiêu là khoảng giữa bao tử, hạ tiêu là miệng trên của bàng quang), gọi là lục phủ.

Nếu chúng ta so sánh kỹ lớp vỏ trái đất với sơ đồ các cơ quan trong cơ thể người, thì không khó để nhìn thấy rằng: châu Nam Cực và bộ não con người không chỉ có hình dạng tương tự, mà còn có cấu trúc tương tự: phía Tây Nam của châu Nam Cực là đại não, phía Đông Nam là tiểu não, còn bán đảo bờ Đông của nó hướng về phía Nam châu Mỹ là thân não.

Sau đây là ngũ tạng: Australia là trái tim, châu Phi và châu Nam Mỹ là phổi, lục địa Á – Âu là gan, tiểu lục địa Nam Á là túi mật dưới gan, dãy núi Ural là dây chằng phân chia lá gan trái phải để cố định gan, còn lục địa Bắc Mỹ là lá lách, Greenland là thận.

Ngoại trừ hướng của lục địa Á – Âu ngược lại với hướng của lá gan, thì vị trí của tất cả các lục địa khác đều ứng với ngũ tạng trong cơ thể con người. Chẳng lẽ thói quen xem bản đồ của người xưa là một dạng ám thị gợi ý, hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

– Nguồn: Epoch Times (Đặng Xuân Lương dịch)