Sống Sót Nơi Văn Phòng – Hạo Thái

Lần cập nhật gần nhất December 16th, 2019 – 01:45 pm

“Tuổi trẻ của tôi ở đâu nhỉ. Vì nó đã từng tồn tại, tôi tin nó vẫn tồn tại. Tôi vẫn có thể đi vào gặp nó, dạo chơi trong nó. Có một điều gì ấm ức và bất tử trong trái tim mỗi người. Khi viết đến những dòng này, tôi có thể nhỏ một giọt nước mắt cho nó, và bay lên trời cao, thoát khỏi những cơn gió thanh sạch ngây dại. Trên bầu trời của mình, tôi tìm thấy chính mình, không phải vì mình đã trưởng thành hay còn trẻ dại, mà chỉ đơn giản là được sống với tất cả những gì mình tin tưởng bằng lý trí và lòng nhiệt thành”. (Trích dẫn “Sống sót nơi văn phòng”)

Review (2)

Hôm ấy cùng nhìn qua ô cửa sổ văn phòng chúng ta đã mỉm cười
Tôi đọc cuốn sách này vào khoảng thời gian mới đi làm văn phòng được hai năm. Ấy là vào mùa hè hay mùa xuân cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ là khi nhận được cuốn sách này từ tay người bạn thân, tôi đã đọc nó rất say sưa

“Thi thoảng giữa lúc nói cười với người ngoài, có khi đang cao hứng vì sắp cứu được nhân loại, tôi thoáng thấy mình đang bưng mặt khóc, trong một căn phòng chỉ có một cửa ra vào, cửa sổ đóng kín và hình như có nắng chiếu,” tác giả viết thế từ những dòng đầu tiên

Chẳng hiểu sao đọc những lời đó tôi đã thấy mình như gặp được một tâm hồn đồng điệu. Dù tác giả xưng tôi, nhưng hình như đang nói hộ tiếng lòng tôi ấy. Thế là đọc tiếp cho đến hết lời nói đầu, lòng đã xôn xao xôn xao còn trái tim thì thổn thức rồi, nghe buồn cười thật, nhưng đúng là tôi đã cảm thấy thế đấy. Vì tác giả như đang ngồi trước mặt tôi đây và nói những lời đó, và lâu lắm rồi chẳng ai nói với tôi những lời như thế cả, rằng tôi đang khóc khi vẫn đang nói cười. Chỉ có tâm hồn đồng điệu mới có thể nghe thấy tiếng khóc của mình, ngay cả khi mình đang cười chứ, phải không?

Thế nhưng cuốn sách không chỉ là một lời tự sự như tôi nghĩ sau khi đọc xong lời nói đầu. Cuốn sách là một loạt những chia sẻ, vừa là tự sự, vừa cho người ta biết những “kỹ năng” để trở thành một nhân viên biết-sống trong văn phòng. Thế nào là “biết sống” nhỉ, tôi tự rút ra cho mình một định nghĩa về khái niệm ấy khi đọc xong cuốn sách thế này: đấy là vừa có thể cống hiến cho công việc, vừa yên thân làm được việc (riêng) của mình. Một cuộc đời tuyệt vời đấy chứ? Ít nhất là với tôi

Những “kỹ năng” mà tác giả chỉ rất đơn giản, tôi làm theo từng bước một và thấy có gì đó thay đổi ở trong suy nghĩ, tâm cảm và cả cách hành động của mình. Dần dần, tôi đã biết cách làm sao để trước mặt người khác tôi trở nên vô hình hay nổi bật khi muốn (chỉ cần thay đổi màu sắc bộ trang phục bạn đang mặc thôi, cứ đọc bạn sẽ biết). Hay khi tôi muốn cho sếp và đồng nghiệp đều thấy rằng tôi rất bận rộn, bởi vì nhiều khi văn phòng là chốn vô tâm, mình có bận rộn đến đâu người khác cũng chưa chắc đã biết được, và một lúc không dưng có thể phải gánh thêm những hiểu lầm và soi xét nào đấy nếu như chẳng tỏ ra cho họ biết – tôi đã áp dụng một cách của tác giả, chỉ bằng một cái “phất tay” (nói cho oai thôi, thực ra là: cử động tay trái thường xuyên). Thế là, chẳng cần phải hé môi than van lời nào về đống công việc hay phải kêu lên là mình mệt mỏi lắm, họ cũng thật sự nghĩ thế mỗi lần nhìn tôi

Đến mức sếp của tôi từng bảo về những nhân viên bộ phận khác với tôi là “Các bạn ấy làm sao bận và áp lực bằng em được?” khi tôi lên tiếng nói đỡ cho họ lúc sếp than phiền về cách làm việc của những người ấy (cũng là vì tác giả đã khuyên, nên tôi mới biết đường mà nói đỡ cho người khác đấy)

Vậy là tôi có thể thoát khỏi áp lực từ sự quản sát của sếp ở một mức nào đấy, cũng vừa trở thành một đồng nghiệp dễ mến vô hại trong mắt những đồng nghiệp khác, và yên tâm sống trong thế giới riêng của mình, cặm cụi hoàn thành việc được giao và có thời gian làm những việc mình thích

Nếu bạn cũng giống như tôi, một nhân viên văn phòng có tâm cảm sướt mướt và luôn mong muốn làm chủ thế giới của mình, từ những điều nhỏ nhặt nhất, thì hãy đọc cuốn sách này, nó sẽ cho bạn nhiều điều hơn những gì bạn từng nghĩ biết

Cảm ơn tác giả Hạo Thái đã viết ra cuốn sách này
Cảm ơn bạn vì đã lắng nghe!

– Thanh Bình

CÓ CÁCH NÀO ĐỂ DẸP THÓI LÃNG ĐÃNG VÀ TƯ DUY LẺ TẺ VẶT VÃNH?

Bạn có đang:

1. Không còn đọc nổi sách có tư duy sâu và triển khai theo một hệ thống dài. Càng ngày càng quen đọc chỗ mình thích, đọc quá một trang hai trang không ưa là bỏ

2. Có những đoạn văn đọc lúc thích lúc chán, lúc dễ hiểu lúc thấy phức tạp. Đây là triệu chứng ban đầu cho thấy khả năng ghi nhớ và thấu hiểu bị xáo trộn. Nó khiến tình cảm của nhân viên văn phòng khá phức tạp và hay thay đổi, vì suy nghĩ và cảm xúc gắn chặt với nhau

3. Mất dần khả năng phân biệt đâu là vấn đề nghiêm trọng, đâu là vấn đề đơn giản. […] chúng ta cứ dần dần mang một cảm giác mập mờ rằng mọi việc đều cần chú ý và giải quyết, thực tế là khiến mọi chuyện bị xáo trộn trật tự ưu tiên trong ta

4. Nếu có đủ 3 triệu chứng trên, ta sẽ mắc nốt triệu chứng cuối: mất nốt khả năng định hướng xa dài, và rơi vào một trạng thái vô cảm thờ ơ mặc định, trong đó sự bùng nổ cảm xúc mang tính xúc động hời hợt hoặc nổi giận vô cớ

[…] Bản thân công việc có trật tự của nó, ít nhất là trật tự thời gian. Mỗi trong 4 triệu chứng văn phòng mà tôi nêu ra đều có mầm mống mất trật tự. Nắm được mấu chốt đó tôi đã làm một việc nhỏ, đạt được thành công lớn, tôi chắc là sẽ còn lớn nữa trong tương lai. Xin chia sẻ với bạn ngay đây:

a. Tôi lập một file word, làm một checklist công việc hằng ngày. Trong một ngày phải làm những gì tôi liệt kê ra, bôi vàng. Việc nào không xong thì copy rồi dán sang cột ngày hôm sau. Việc nào nghiêm trọng bôi chữ đỏ. Sếp giao thêm gì, tôi đều mở file lên, ghi vào, đánh dấu, bôi vàng, bôi đỏ. Cực kì hiệu quả. Việc này giúp tôi sắp xếp ý nghĩa tốt hơn tôi tưởng

b. Tự làm một bảng dự kiến thời gian hoàn thành các công việc. Tôi đảm bảo với bạn rằng file công việc của tôi tuyệt đối ưu việt và giúp bạn kiểm soát công việc cũng như hình thành tính kỷ luật trong công việc tốt hơn (hơn là theo dõi qua lịch Google). Cố lên, khi việc này thành một kỷ luật thật sự của bạn, bạn sẽ thấy tư duy của bạn phục hồi rất nhiều.

c. Nhớ đánh dấu một số công việc quan trọng. Có 2 loại công việc quan trọng: một là loại làm/hợp tác với đối tác ngoài công ty, hai là những việc cần hoàn thành để chuyển giao cho bộ phận khác trong công ty. Khi bạn nỗ lực hoàn thành những việc như vậy, bạn sẽ hiểu.

d. Nên có một việc gì đó không nằm trong lịch mà ngày nào bạn cũng làm. Có thể là đọc sách. Có thể là tập thể dục. Có thể là viết. Gì cũng được, nhưng nên có một việc như vậy. Đó là cách để tâm trí thăng bằng giữa thói quen cá nhân và kỷ luật công sở.

Nếu thói lãng đãng và tư duy lẻ tẻ vặt vãnh đang thống trị bạn, thì đến lúc đặt lịch làm việc và sống có kỷ luật rồi đó,

—-

Bí kíp từ cuốn sách HÔM ẤY CÙNG NHÌN QUA Ô CỬA SỔ VĂN PHÒNG CHÚNG TA ĐÃ MỈM CƯỜI – tác giả Hạo Thái. Thích hợp cho những bạn đang loay hoay chỗ làm lí tưởng, chưa có kĩ năng đi làm và những nhân viên công sở muốn hiểu thấu tâm lí chốn văn phòng

– Le Ha