Có một kiểu người luôn mang trong mình nỗi sợ là đang “làm phiền” người khác. Họ cho rằng việc gì bản thân có thể tự làm, thì chắc chắn sẽ không nhờ cậy đến ai. Muốn ăn gì sẽ tự mua, không biết làm thì sẽ tự học hỏi, nếu sai thì sửa. Nếu như không có việc gì quá quan trọng thì chắc hẳn sẽ chả muốn giao lưu và kết bạn với ai. Họ luôn giữ cho mình tư tưởng “Không muốn làm phiền hay nợ ân tình một ai cả”
Review Sống tự lập chứ đừng cô lập (2)
Có một câu nói mà mình rất thích trong bức thư của Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh đó là “Cuộc đời buồn bã như thế này, sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn?”
À thì chúng ta sinh ra đâu phải để cô lập. Con người được đặt trong mối tương quan sâu rộng giữa người với người, trong gắn bó không thể tách rời giữa bản thể và vũ trụ. Vẫn biết, vũ trụ thì vô hạn, lòng người lại nông sâu, nhưng lại không thể từ bỏ bất kì điều gì.
Là như vậy! Là con người thật ra luôn cần những sự gắn kết!
“Sống tự lập chứ đừng cô lập” của Cách Tử San không phải là một cuốn sách khai thác đề tài mới. Nó cùng rất nhiều cuốn sách được gọi là dòng sách self helf vẫn luôn ngày ngày được xuất bản trên thị trường với mục đích cung cấp kỹ năng, kinh nghiệm và hơn cả là sự thầm cổ vũ tinh thần, thúc đẩy những nguồn năng lượng tích cực cho người đọc, là những người gần như rệu rã giữa cuộc sống bon chen mỏi mệt.
Đối với mình, hai khái niệm “tự lập” và “cô lập” ở rất xa nhau về nghĩa. Khi chúng ta đến một độ tuổi nhất định, tự lập là một lối sống tốt, cho chúng ta sự chủ động, bản lĩnh để tồn tại. Việc tự bản thân đáp ứng được nhu cầu của chính mình là thứ luôn cần thiết. Nhưng rõ ràng chúng ta không hoàn hảo để làm được mọi thứ trên đời. Có sở trường thì cũng có sở đoản, đó là khi chúng ta cần đến sự giúp sức của ai đó quanh mình. Cần hiểu rằng người tự lập không nhát thiết là người cô đơn, nhưng người cô lập thì nhất định là người đơn độc.
Mình thích cuốn sách bởi luôn tìm thấy hình ảnh những câu chuyện mang đậm tính mật thiết. Thời đại 4.0 hướng con người vào một guồng quay kinh khủng, một vòng xoáy rất dễ đánh mất nhau. Cuốn sách này thì luôn không ngừng nhắc nhở rằng hãy làm phiền, hãy tương tác, hãy luôn luôn sống có kết dính với đồng loại.
Trạng thái tốt nhất của cuộc đời là duy trì nhân cách độc lập của bản thân, đồng thời có cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt. Nhân cách độc lập cho bạn một cái tôi mạnh mẽ và bộ khung ổn định, sự mềm dẻo linh hoạt có thể giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bên ngoài, làm cho bạn mặc dù vẫn độc lập với đời nhưng lại chưa đến mức cô độc tới độ mọi người khó có thể lại gần. Có thể cân bằng được hai yếu tố này mới là mục đích chúng ta cần hướng đến. Hãy độc lập chứ đừng tự cô lập chính mình.
– Linh Linh
- Bạn có thể mua giúp mình một cái bánh được chứ?
- Bạn mở giúp mình cái cửa nha?
- Dạo này mình đang hơi kẹt, bạn cho mình vay ít tiền nhé?
Những câu nói chuyện trên các bạn thấy quen thuộc chứ, nghe tưởng chừng như nó chỉ là một lời nhờ cậy đơn giản, có người thấy nó bình thường nhưng cũng có người coi đó là một việc khá là phiền phức và không thích như vậy. Đấy không phải lỗi của ai cả, người không đồng ý cũng không hẳn do họ keo kiệt, xấu tính, người đồng ý cũng chưa chắc đã là một người tốt 100% nhưng có một điều chắc chắn rằng những câu nói trên sẽ giúp chúng ta mở đầu, hoặc ít nhất duy trì một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Đấy là những gì mình đã rút ra được từ cuốn sách “Sống tự lập chứ đừng cô lập”.
Cuốn sách này mình mới được một người bạn tặng cách đây ít hôm, ấn tượng đầu tiên của mình là một cuốn sách bìa màu trắng mịn khá xinh, có hình hòn đảo và dòng chữ tiêu đề sách màu vàng khá bắt mắt. Bookmark của cuốn sách cũng là hình hòn đảo luôn trông vừa lạ mà cũng xinh xinh nhỏ nhắn nữa. Câu quote trong bookmark là “Không có ai là một hòn đảo hoang chẳng ai có thể sống một mình”. Thực sự là mình hiếm khi thấy cuốn sách nào mà có quote hay các trích dẫn hay ho từ bookmark cho đến bìa chính bìa phụ. Thiết kế cuốn sách cũng khá đơn giản, mỗi tội bìa trắng thì khá dễ bẩn nên hôm nào mình sẽ chia sẻ với mọi người cách mình bảo quản các cuốn sách đặc biệt có màu trắng tinh như này nhé. Hoặc bạn nào có cách nào hay ho bảo quản sách thì cùng chia sẻ với mình nữa nha.
Về mặt nội dung, cuốn sách được chia thành 5 chương chính với các câu chuyện trải dài mỗi chương đi qua các vấn đề, từ cá nhân cho đến các quan hệ rộng rãi hơn, tình bạn, tình yêu hoặc gia đình.
Tạo dựng mối quan hệ bằng cách làm phiền nghe thì có vẻ khá kì cục nhưng sau khi đọc xong cuốn sách này mình mới ngộ ra nhiều điều. Bản chất của việc làm phiền người khác, nhờ cậy người khác để lấy cái điểm mạnh của người khác làm cái lợi cho bản thân mình và những lần như vậy sẽ góp phần nào đó giúp cải thiện hơn mối quan hệ hiện tại mà bạn đang hướng tới. Cuộc sống là những lần Cho đi và nhận lại, có thể chưa chắc cho đã được nhận, nhưng chắc rằng nếu không cho thì sao có thể mong chờ được nhận lại cơ chứ.
Có một phân đoạn mà mình khá ưng ý và cũng suy nghĩ khá nhiều:
“Hễ là người sợ làm phiền người khác, ‘Vòng bạn bè’ sẽ càng ngày càng nhỏ.
Đúng vậy, nếu bạn không muốn làm phiền người khác, mối quan hệ giữa bạn và người đó cũng không thể thành lập, đây chắc hẳn không phải dự tính ban đầu của bạn, bởi vì sống trên thế giới này chẳng có người nào mà không cần đến các mối quan hệ, cũng chẳng có người nào mà không khao khát tình cảm cả.
Mối quan hệ được xây dựng trong quá trình làm phiền lẫn nhau, tình cảm cũng từ từ được vun đắp trong quá trình đó.
Bạn thân mến, hãy bước ra khỏi thế giới của bạn, cho người khác một cơ hội để hiểu bạn! Sự tốt đẹp của bạn đáng được tất cả mọi người nhìn thấy, bạn xứng đáng có một thế giới rộng lớn hơn, có nhiều bạn thân, bạn tốt hơn.”Bằng giọng văn gần gũi và thân thiện, các câu chuyện mà tác giả mang lại như một đòn đánh vào tâm lý cực mạnh, một lời trò chuyện tâm tình chứ không phải như lời kêu gọi ép buộc hùng hồn. Tác giả chia sẻ như là trải nghiệm của bản thân của một con người từng trải.
Cuốn sách “Sống tự lập chứ đừng cô lập” là một cuốn sách mình cho rằng phù hợp với các bạn vẫn đang còn mông lung trong các mối quan hệ không biết đấy là bạn là bè, các bạn vẫn đang gặp khó khăn trong việc hòa đồng và mở rộng các mối quan hệ cá nhân. Một cuốn sách nhẹ nhàng và dễ khiến bạn cuốn hút ngay từ đầu với những câu chuyện chẳng của riêng ai. Cuốn sách này đã khiến mình nhận ra khá nhiều điều về bản thân hiện tại. Làm thế nào để có thể học cách nói “Không” với người đối diện. Cân bằng và tiết chế lại cảm xúc với người khác.
Một cuốn sách hay khuyên mọi người nên đọc thử!
– Thùy Linh
Trích dẫn Sống tự lập chứ đừng cô lập
“Khi bạn không muốn nhờ vả người khác vì cho rằng làm phiền người khác sẽ khiến họ mất thời gian và công sức, xin đừng quên bất cứ chuyện gì cũng đều có tính hai mặt, người khác giúp bạn cũng sẽ đạt được niềm vui và sự thoả mãn ngang bằng.
Cuộc đời rất công bằng, có cho sẽ có nhận, cho đi cũng là một loại sở hữu, làm phiền người khác ở mức độ phù hợp, không tuỳ ý cướp đoạt niềm vui được giúp đỡ và chia sẻ của người khác có lẽ mới là cách đối nhân xử thế lợi người lợi mình nhất.”
“Trên thế giới này mỗi người đều truy tìm giá trị riêng của bản thân, hy vọng mình là một người có giá trị đối với người khác, hy vọng năng lực của mình dược người khác thừa nhận.
Cuộc đời chính là một quá trình không ngừng cố gắng nâng cao năng lực của bản thân, làm cho chính mình trở nên đáng giá hơn, có giá trị lợi dụng hơn. Phải biết những người thành công đều đã từng đi trên con đường này.
Cho nên đối với rất nhiều mà nói, bị người khác lợi dụng không hề đáng sợ, đáng sợ là bản thân không có giá trị lợi dụng.”
“Giữ thành kiến với việc ‘làm phiền’, cho rằng lên tiếng xin giúp đỡ chính là hạ thấp bản thân, vì thế rất nhiều người lần lữa không muốn lên tiếng xin giúp đỡ. Còn có một số người sợ bị từ chối, không dám thử một lần, kết cục là vấn đề không hề được giải quyết, khó khăn vẫn còn đó, bạn lại thu mình chặt hơn.”
“Chúng ta đều hy vọng có thể chạm đến một mặt chân thực và mềm mại trong nội tâm của người khác, khi người khác chủ động phơi bày mặt này với chúng ta, chúng ta sẽ có cảm giác được coi trọng, được quý trọng.
Có qua có lại, tình cảm sẽ ngày càng đậm sâu”
“Các mối quan hệ đều có tính hai chiều, nếu như bạn làm phiền người khác, vậy ở chiều ngược lại, bạn cũng phải cho phép người khác làm phiền bạn, những mối quan hệ “chỉ nhận không cho” thì không thể kéo dài, chẳng có người nào lại thích một người chỉ suy nghĩ đến lợi ích và cảm nhận của bản thân mình”