Sự Trỗi Dậy Của Một Cường Quốc: Cái Nhìn Từ Bên Trong – Arthur R. Kroeber

“SỰ TRỖI DẬY CỦA MỘT CƯỜNG QUỐC: Cái nhìn từ bên trong” thảo luận về con đường kinh tế của Trung Quốc từ khi bắt đầu cải cách mở cửa năm 1978 đến 2015. Giai đoạn 1978 – 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình hằng năm của nền kinh tế thế giới 2,9%. Kỳ tích này giúp Trung Quốc đưa 670 triệu người ra khỏi cảnh nghèo đói. Nhưng Trung Quốc là nước phát triển dựa trên “núi nợ”. 280% GDP hoặc hơn 35.000 tỷ USD nợ là cái giá phải trả của việc chạy theo tăng trưởng dựa vào đầu tư. Mỗi năm hệ thống ngân hàng Trung Quốc phải trả lãi 1.200 tỷ USD – tương đương với GDP của Indonesia, hoặc Nga. Ô nhiễm môi trường và chênh lệch giàu nghèo cũng là những cái giá khác mà giới lãnh đạo mới muốn tìm cách khắc phục.

Review Sự trỗi dậy của một cường quốc (2)

Tựa gốc: China’s Economy: What Everyone Needs to Know

Trong hơn ba thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy phi thường về kinh tế, chính trị cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với trật tự thế giới (“The Dragon’s Rise” – Oxford University Press), vốn từ lâu đã được thiết lập xoay quanh vị thế của Hoa Kỳ. Việc ở cạnh một người hàng xóm luôn sôi động trên chính trường và kinh tế thế giới như vậy, Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam có nhiều hơn những điều cần phải tham khảo từ câu chuyện thành công lớn của Trung Quốc khi Trung Quốc đã buộc nền dân chủ tự do phải thừa nhận hệ giá trị của mình, rằng một nền hành chính tập quyền chuyên chính vẫn có thể sở hữu nền kinh tế tăng trưởng, năng động mà không nhất thiết phải đạt được thông qua nền bầu cử dân chủ và chủ nghĩa độc tôn thị trường tự do, vốn được các nước phương Tây ưa chuộng và truyền bá trên thế giới.

Nhưng, đó là Sự trỗi dậy của Trung Quốc, và Trung Quốc không phải là Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả cũng là một học giả được đào tạo, lớn lên từ môi trường của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nên cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề sẽ có nhiều quan điểm không phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Những câu chuyện mà tác giả đã nỗ lực kể cho chúng ta trong quyển sách này sẽ phần nào lý giải được cái cách mà nền kinh tế Trung Quốc đạt được vị trí như hiện nay, nó có thể hướng tới đâu trong tương lai và sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra những thách thức gì cho phần còn lại của thế giới.

Quyển sách là kết quả của hơn mười năm ở Bắc Kinh đắm mình trong nền kinh tế và xã hội Trung Quốc của chính tác giả – Arthur R. Kroeber – vốn là một nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, cũng như một vài chức danh tại các tạp chí kinh tế, ủy ban nghiên cứu quốc gia Hoa Kỳ – Trung Quốc. Với luận điểm “cái nhìn từ bên trong”, sự lớn mạnh về kinh tế Trung Quốc được tác giả mô tả, nhìn nhận dưới nhiều lĩnh vực như công/nông nghiệp, đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, dân số, chính trị, tham nhũng, bối cảnh thế giới…

Các thỏa thuận chính trị – kinh tế được đưa ra giữa những nhóm người quan trọng bậc nhất trong xã hội, quyết định sự thịnh suy của Trung Quốc. Rằng những quyền lực và lợi ích sẽ buộc phải gắn kết với việc xúc tiến thương mại bền vững, và chính phủ sẽ không chỉ như một vùng hào quang, mà đó là một cơ sở thiết lập các quy tắc nhằm phục vụ xã hội. Chủ tịch Tập Cận Bình từ khi nắm vị trí lãnh đạo của Trung Quốc đã ra sức quyết liệt trong việc có rất ít sự khoan dung cho các hành vi tham nhũng trong chính trường Trung Quốc. Điều này có thể tốt hơn cho sự phát triển mang tính bền vững của Trung Quốc, nhưng cũng rất có thể làm lan tỏa bầu không khí căng thẳng, ngại thử nghiệm các chính sách mạo hiểm, vốn là một phần then chốt tạo nên thành công của Trung Quốc./.

“Khi anh nhân một vấn đề với dân số Trung Quốc, nó sẽ là một vấn đề rất lớn. Nhưng khi anh chia nó cho dân số Trung Quốc thì nó lại trở nên rất nhỏ bé”.

Với một quốc gia có kích thước như một châu lục với rất nhiều nước khác nhau, Trung Quốc có một quá trình thử nghiệm xa xỉ mà các quốc gia nhỏ hơn không thể có được. Điều này làm cho phong cách thử sai (trial-and-error) trở nên khả thi hơn.

– Nguyen H. Khang

Cuốn sách này là một nỗ lực nhằm giải thích bằng cách nào nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được vị trí như hiện nay, nó có thể hướng tới đâu những năm sắp tới, và sự trỗi dậy của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới. Quyển sách này hữu ích cho những độc giả phổ thông có sự quan tâm sang suốt về Trung Quốc và tác động toàn cầu của nó nhưng không nhất thiết có một nền tảng chuyên sâu về Trung Quốc lẫn kinh tế học.

Quyển sách được Kroeber hệ thống để độc giả tiếp cận tất cả các chủ đề lơn mà cần thiết, để có thể hiểu biết toàn diện về cách nền kinh tế Trung Quốc vận hành và tại sao nó được kiến tạo theo cách đó. Đồng thời tác giả cũng phác hoạ những chiều hướng chính yếu trong sự tiến triển của nó từ năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình mở đầu giai đoạn mà ông gọi là “cải cách và mở cửa”, và những gì tác giả và hầu hết các nhà phân tích khác gọi một cách không chặt chẽ là “thời kỳ cải cách”. (Xem mục lục sách)

Để khớp tất cả các tài liệu này vào giới hạn của một cuốn sách ngắn gọn nhằm khơi mở cho người đọc mà không bị chôn vùi họ dưới cơn mưa đá của các dữ liệu và nhận định, tác giả đã phải đơn giản hoá rất nhiều, mặc dù vậy tác giả hi vọng không theo cách khiến các chuyên gia sững sở ở từng trang.

Một hiểm nguy cụ thể của loại công việc này là nó có thể để lại ấn tượng rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là sự phát triển của một kế hoạch tổng thể được định sẵn và được giám sát mọi vấn đề bới các quan chức khôn ngoan với tri thức chính xác về hậu quả của tất cả hành động của mình. Chắc chắn rằng điều này là vô lý: Câu chuyện của Trung Quốc được tạo bởi những cuộc chiến khốc liệt giữa các nhóm đối thủ, các quyết định được đưa ra trong điều kiện cấp bách với thông tin khiếm khuyết, những sửa chữa muộn màng và cục bộ đối với các lỗi lầm trong quá khứ, và sự thay đổi liên tục của một tỷ người tìm kiếm lợi thế cá nhân. Độc giả khát khao tìm hiểu chi tiết này nên tham khảo những gợi ý ở phần cuối cuốn sách. Một cách công khai, các quan chức Trung Quốc muốn mô tả quá trình cải cách kinh tế là “dò đá qua song”. Ẩn dụ thì chính xác nhưng quá đơn giản. Một quan chức đã từng thổ lộ riêng tư rằng cải cách kinh tế giống như “đi bộ trên dây qua một cái hố không đáy – và sợi dây thừng phía sau bạn đang cháy”. Hình ảnh đó là điều đáng giữ trong đầu khi bạn đọc tiếp.

– Trích Lời giới thiệu của TS. Phạm Sỹ Thành