Tầm Nhìn Hạn Hẹp Bắt Chẹt Tư Duy – Tomohiro Toda

Lần cập nhật gần nhất January 9th, 2020 – 04:27 pm

Tuổi thơ mỗi người chúng ta đa phần đều lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích. Trưởng thành hơn một chút, chúng ta được dạy những bài học luân lý, lẽ sống hay đạo đức làm người qua các câu chuyện ngụ ngôn. Ẩn sâu trong lớp ngôn từ ngụ ngôn là biết bao trải nghiệm, lời răn dạy để con người ta biết yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng liệu những câu chuyện từ thời xa xưa ấy có còn đúng, phù hợp với thế giới hiện đại?

Tầm nhìn hạn hẹp bắt chẹt tư duy sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi ấy. Với lối tư duy phản biện của người Nhật, tác giả Tomohiro Toda đã chỉ ra mối liên hệ giữa cái cũ và cái mới, giữa cái trừu tượng của luân lý với cái cụ thể của đời thực. Bạn sẽ không còn cảm thấy khô khan vì những giáo điều trong sách giáo khoa, mà học hỏi được vô vàn điều thú vị để mở rộng tư duy, đánh thức tiềm năng của bản thân. Đừng chỉ nhìn một lần rồi thôi, đừng chỉ nghe một lần rồi bỏ đấy; nghe lại nhiều lần, nhìn theo nhiều hướng, phát hiện thêm những đáp án mới, để tầm nhìn đa chiều dẫn dắt bạn đến tương lai vô hạn khả năng.

Review (3)

Có lần đọc thấy một mẩu truyện về cách hai chú nhím giữ ấm cho nhau được chụp từ cuốn này nên Biển tò mò mua về đọc thử, ngoài ra cũng hy vọng cuốn sách này có thể góp phần cải thiện tư duy hạn hẹp và chậm chạp của Biển. Thế nhưng, so với cuốn “Nghệ thuật tư duy rành mạch” thì “Tầm nhìn hạn hẹp bắt chẹt tư duy” không hiệu quả bằng, thứ duy nhất khiến Biển thích là bìa sách, gợi cảm hứng vẽ một bức tranh.

Cuốn sách này gồm 77 câu chuyện ngắn trích từ nhiều nguồn như truyện cổ Nhật Bản & TQ; Cổ học tinh hoa; điển tích Phật giáo, Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo… và cải biên lại theo ý tác giả, chia thành những phần rõ rệt như “Suy nghĩ thấu đáo và quyết định sáng suốt”, “Tác phong làm việc và ý nghĩa công việc”, Dục vọng và cách tiết chế”, “Thách thức và sự bền bỉ”… Người đọc có thể xem mục lục để chọn bất kỳ phần nào muốn đọc chứ không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối. Cuối sách tác giả có nói rõ rằng “bản gốc câu chuyện có thể có những từ ngữ hay cách diễn đạt mang tính phân biệt đối xử nếu được đặt ở thời kỳ đương đại nhưng tôi xin được trích dẫn nguyên văn”. Biển không tán đồng cách làm này. Nếu đã viết sách cho người trẻ đọc, cung cấp một số kỹ năng mềm hoặc những tư tưởng cách tân thì nên đưa vào sách những điều hợp với thời cuộc. Có vài mẩu chuyện khiến Biển cảm thấy bất mãn. Biển hiểu là hầu hết truyện cổ Nhật Bản không quá chú trọng đến tính chất đạo đức mà chủ yếu khuyên con người nên giữ vững ý chí để tiến lên phía trước (có khi bất chấp thủ đoạn), nhưng cứ khư khư giữ lấy những tư tưởng cổ hủ mà không để ý gì đến sự linh hoạt, cố chấp không vận dụng những điều mới mẻ để cuộc sống dễ chịu hơn – Biển nghĩ đây là những điều lỗi thời không nên đưa vào sách cho độc giả thế kỷ 21.

Sách có vài đoạn hơi lê thê về chuyện xây dựng TP trên Mặt Trăng hoặc về điện nguyên tử, vượt ngoài tầm của Biển. (Chắc tầm nhìn của Biển hạn hẹp thật nên chưa dung chứa nổi những kiến thức vĩ mô đó). ____ Có lẽ tác giả chú trọng và muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống Nhật Bản, cho nên cuốn sách này có vẻ thích hợp với độc giả Nhật. Tuy nhiên, đối với một bộ phận giới trẻ Nhật nổi loạn, học cao hoặc ưa thích văn hóa phương Tây thì những điều được truyền đạt trong sách này cũng trở nên cứng nhắc, cũ kỹ và ít người có hứng thú làm theo. Lỡ mua thì đọc chơi cho biết, ít ra cũng gỡ gạc được cái bìa sách khá đẹp..

– Camellia Phoenix‎ (Sea, 9-1-2020)

“Khi đang tìm kiếm điều quan trọng với bản thân, bạn có thể tình cờ phát hiện một điều khác cũng rất giá trị, bạn cần tiếp nhận giá trị ấy bằng trí thông minh và tư duy sáng tạo rộng mở, đừng để vuột mất.”

[TẦM NHÌN HẠN HẸP BẮT CHẸT TƯ DUY ]

Mọi điều xảy ra dưới cuộc sống này đều ẩn chứa trong đó cả đắng cay lẫn ngọt bùi. Chính vì vậy, con người trên chuyến hành trình của mình luôn không ngừng tìm ra giá trị mới, đồng thời khám phá bản thân. Ai cũng muốn có thể nhanh chóng thấu hiểu nhân sinh, đạt được cảnh giới tầm nhìn và tư duy đi xa vạn dặm. Thế nhưng, chúng ta lại quên mất một điều, hệ quy chiếu của mỗi người mỗi khác, cho nên bài học về hạnh phúc cũng là không giống nhau.

Điều tạo nên sự khác biệt to lớn giữa người bình thường và người thành công là ở tư duy và cách nhìn nhận mọi thứ về cuộc sống xung quanh. Người thành công không cố gắng bắt chước bước đi của những bậc tiền bối, họ tạo ra con đường mới cho riêng mình. Tuy rằng, con đường ấy có thể gian nan vất vả trập trùng, nhưng miễn là bỏ ra đủ, họ sẽ nhận lại kết quả xứng đáng với công sức và kiên trì bấy lâu.

“Tầm nhìn hạn hẹp bắt chẹt tư duy” là cuốn sách cho thấy lối suy nghĩ đa chiều của tác giả Tomohiro Toda. Bằng cách thay đổi góc nhìn, ông đã chứng minh con đường dẫn tới thành công nối đến tất cả mọi cá nhân trong cuộc sống, chỉ cần họ tim ra đúng giá trị và mở rộng tầm nhìn để nắm bắt tốt thời cơ.

– ‎Quỳnh Nguyên

TẦM NHÌN HẠN HẸP BẮT CHẸT TƯ DUY – CHÌA KHÓA CỦA SỰ THÀNH CÔNG

Chắc hẳn mọi người ai cũng biết đến câu chuyện ngụ ngôn kinh điển “Thầy bói xem voi”, đúng không?

Hầu hết, chúng ta đều được dạy rằng: Khi kết luận một vấn đề cần nhìn tổng thể, tìm hiểu thấu đáo từ nhiều góc độ, nếu không sẽ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc và có những kết luận sai lầm. Câu chuyện còn phê phán những người hiểu biết nông cạn nhưng lại luôn tỏ ra thông thái.

Nhưng, liệu đã bao giờ bạn thử nghĩ, nếu thay đổi cách nhìn thì cả sáu ông thầy bói ấy đều đúng hay chưa? Miêu tả con voi không thống nhất do mỗi người sờ một bộ phận khác nhau, nhưng đối tượng vẫn chỉ là con voi. Nói cách khác, phương pháp biểu hiện khác nhau không đồng nghĩa có nhiều sự thật khác nhau. Theo đó, sáu thầy bói miêu tả con voi đều đúng – trong tầm nhìn của họ. Và câu chuyện sẽ mang một ý nghĩa khác: những người có quan điểm khác nhau nên tôn trọng lẫn nhau để cùng tồn tại.

“Tầm nhìn hạn hẹp bắt chẹt tư duy” là tập hợp những truyện ngụ ngôn tưởng như đã cũ nhưng lại được làm mới qua góc nhìn tư duy phản biện của tác giả người Nhật. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng vì những chiêm nghiệm, triết lí sâu sắc mà bấy lâu nay bạn chưa từng nhận ra.

Thế giới bao đời vẫn thế. Có những thứ nhìn như vậy, nhưng chưa chắc đã là vậy. Khác biệt chỉ do bạn cảm nhận nó bằng trái tim thế nào mà thôi. Và “Tầm nhìn hạn hẹp bắt chẹt tư duy” sẽ là cuốn sách hỗ trợ bạn trong chặng đường khám phá bản thân, nâng cao năng lực. Hãy để tầm nhìn đa chiều dẫn dắt bạn đến tương lai vô hạn khả năng.

– Vibooks

Trích dẫn

“Đừng chỉ nhìn một lần rồi thôi
Đừng chỉ nghe một lần rồi bỏ đấy,
Nghe lại nhiều lần, nhìn theo nhiều hướng,
Phát hiện thêm những đáp án mới
Để tầm nhìn đa chiều dẫn dắt bạn đến tương lai vô hạn khả năng.”

“Khi một sự việc hiện tượng xảy ra, chúng ta thường quen tư duy theo một hướng đã được định sẵn. Như này mới tốt, như vậy là không hay, như thế kia là không phải….
Thế nhưng, vạn vật đều đa chiều, cái chúng ta nghĩ rằng không tốt, thì ở mặt khác nó lại có những ưu điểm nổi bật, điều chúng ta nhất nhất cho là hoàn mỹ, lại có điểm u tối đến kiệt cùng.
Thế nên, bất kể sự vật, sự việc hay con người… việc chúng ta nhìn nhận một cách đa diện, nhiều là vô cùng cần thiết. Học cách “nghĩ khác đi” thay vì chỉ theo một lối mòn sẵn có, học cách tư duy phản biện thay vì đồng ý hoặc lặng im.
Thế giới bao đời vẫn vậy, có khác cũng chỉ do thế nhân ngắm nhìn nó với trái tim thế nào mà thôi.”

“Ngay từ đầu Trái đất vốn không phải của riêng con người, nên khi con người gây ra tổn thương cho Trái đất, họ cũng đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến những sinh vật khác. Từ thời cận đại đến nay, con người đã ngộ nhận mình là chủ nhân địa cầu, luôn mang thái độ kẻ cai trị đối xử với tự nhiên, xem những động thực vật trong tự nhiên như nguồn tài nguyên hữu dụng muốn sử dụng thế nào cũng được.

Không chỉ vậy, vì cho rằng cách mình đối xử với các loài động vật khác là đúng đắn cho nên con người còn mô tả một số động vật trong phim hay tiểu thuyết của mình như kẻ ác – nhân vật phản diện. Ngược lại, nếu các loài động vật khác có khả năng xây dựng được tôn giáo cho riêng mình, chắc chắn chúng sẽ khắc họa con người như những ác ma.”

“Những người có lập trường, quan điểm khác nhau nên tôn trọng lẫn nhau để cùng tồn tại.”

“Con người không phải thần tiên, nhiều khi chúng ta chỉ có thể nắm bắt được một phần của cái toàn thể và rơi vào trạng thái chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng, theo một nghĩa nào đó đây là một hành động bất khả kháng. Dù vậy, ta vẫn hãy cố gắng nắm bắt sự vật hiện tượng con người theo nhiều góc độ, điểm nhìn khác nhau, nghĩa là chúng ta cần có ý thức mở rộng tầm nhìn của chính mình.”

“Đối với một sự vật sự việc, nếu nhìn từ xa (từ địa vị của một người không liên quan) có thể sẽ thấy tuyệt vời nhưng nhìn gần (từ địa vị của một người thân cận có liên quan) không chừng lại thấy được những điều thô thiển. Ấn tượng đầu tiên chưa chắc đã đúng.”

“Nhận thức không phải là duy nhất, trái lại có bao nhiêu tư thế và thái độ quan sát sự vật, hiện tượng thì có bấy nhiêu nhận thức khác nhau.”

“Mỗi khi gặp một sự kiện hay tình huống nào đó, chúng ta thường đưa ra đánh giá nhanh “thế này thì tốt”, “thế kia thì dở”. Tuy nhiên nếu suy xét kỹ, ta sẽ thấy có rất nhiều việc không thể nhận định tốt hay xấu ngay được. Tại sao lại như vậy? Vì tốt hay xấu là do vị trí (lập trường) nhìn nhận vấn đề quyết định. Điều tốt đẹp đối với bạn có thể lại tồi tệ với người khác.”

“Bạn là kiểu người hữu dụng hay vô dụng? Không quan trọng. Hãy sống theo kiểu vô vi tự nhiên – cách sống tiêu dao tự tại, thuận theo trời đất, không gượng ép và cũng không phụ thuộc bất cứ thứ gì.”

“Con người thường dễ rơi vào ngộ nhận bản thân biết hết mọi điều trên thế giới. Nhưng thực tế, số lượng những điều ta chưa biết lại áp đảo những điều ta đã biết.”