“Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại” có cách phân tích và đánh giá rất thú vị, cung cấp lượng tri thức dồi dào. Đặc biệt là đã cho người đọc tiếp xúc sâu hơn về con người Thành Cát Tư Hãn thông quá Bí Sử Mông Cổ và những nghiên cứu sâu về người Mông Cổ thời điểm đó. Hơi tiếc là nhiều chỗ dùng từ hơi lủng củng và tên của các tướng của Thành Cát Tư Hãn không được dịch ra tiếng Hán cho quen thuộc. VD: Jelme = Giả Lặc Miệt, Boorchu = Bác Nhi Thuật, Jebe – Triết Biệt ….
Điều gì làm nên một đế chế du mục vĩ đại nhất mọi thời đại?
Điều gì đã khiến các nhà sử học phải trân trọng trao cho cái tên bề thế “Pax Mongolica” (Thái Bình Mông Cổ) mới đủ sức lột tả hết vẻ huy hoàng và sự ảnh hưởng của đế chế này trên lục địa trải dài từ Đông sang Tây?
Điều gì đã thu hút hàng trăm học giả quy tụ tại vùng thảo nguyên mênh mông ấy chỉ để tìm lại bóng dáng một Dải cờ thiêng vốn từng là “tín ngưỡng” của dân tộc này nhưng là nỗi kinh hoàng cho những dân tộc khác?
Có rất nhiều yếu tố để làm nên một đế chế Mông Cổ rực rỡ, nhưng nếu nói “cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng bắt đầu từ một bước nhỏ bé đầu tiên” (Lão Tử) thì hẳn bước chân đầu tiên ấy thuộc về cái tên Thành Cát Tư Hãn_Hãn của các Hãn.
“Vị vua cao quý này mang tên Thành Cát Tư Hãn,
Sinh thời ngài danh tiếng lẫy lừng
Tới mức không nơi đâu ở bất cứ vùng nào
Lại có vị chúa tể xuất chúng về mọi mặt như vậy.”
– GEOFFREY CHAUCER-
Có nhiều cách kiến giải về Thành Cát Tư Hãn: anh hùng có, đồ tể có, văn minh có, mọi rợ có, nhưng nếu nhìn dưới lăng kính của một nhà quân sự và chính trị với cơ đồ trong gần 50 năm (mình lấy mốc năm 1178_sự kiện Thành Cát Tư Hãn giành lại người vợ Miệt Nhi Khất) thì thực khó lòng phủ nhận hết công lao của ông. Lối khai thác của giáo sư Jack Weatherford cũng rất đặc biệt. Nói về các thành tựu và di sản của Thành Cát Tư Hãn thì trước Jack không hề thiếu các nghiên cứu công phu, song, cách tiếp cận nhân vật từ những sự kiện đời sống thường ngày để phát họa tổng thể chân dung nhân vật thì lại không mấy ai đào sâu. 6 năm là thời gian để Giáo sư Jack có thể lần về địa hạt của Mông Cổ kì bí và thai nghén thành công công trình “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại”. Cuốn sách dài hơn 400 trang nhưng không hề khó đọc bởi lối viết tự sự bao gồm một chuỗi các sự kiện lịch sử móc nối nhau, càng đọc mình càng bị cuốn vào nên chỉ đọc trong 3 lần, mỗi lần hơn 100 trang là đã xong rồi.
Theo cảm nhận của riêng mình thì trường hợp của Thành Cát Tư Hãn chính xác nhất với câu “thời thế tạo anh hùng” bởi dường như trở thành Hãn của một bộ lạc và dẫn dắt bộ lạc đó thành một đế chế không phải là mơ ước ban đầu của cậu bé Thiết Mộc Chân: “Theo Bí sử, Thiết Mộc Chân đúng ra chỉ có mong muốn đơn giản là làm người đứng đầu bộ tộc nhỏ bé này, song thế giới đầy rẫy chiến tranh và trả đũa giữa các bộ lạc xung quanh họ không cho phép một cuộc sống êm đềm như vậy”. Bản thân mình cảm thấy những gì Thành Cát Tư Hãn làm có xuất phát điểm từ tính phản kháng và lựa chọn sống còn chứ không phải do chủ tâm độc ác hay bản tính mọi rợ. Nhất là khi mà từ nhỏ cho đến lớn, cậu đã được nếm đủ mùi bị phân biệt đối xử, bị bắt làm nô lệ khi cha qua đời, bị bộ lạc bỏ rơi, bị cướp đi người vợ đầu tiên y hệt như cách mà mẹ ông bị cướp khỏi tay người chồng đầu tiên vậy.
Sau khi trở thành Khắc Hãn, Thành Cát Tư Hãn đã có những cải cách rất tiến bộ và theo mình là có tư duy vô cùng văn minh. Về quân sự, ông cho tổ chức quân đội theo từng toán 10 người (arbans), 100 người (jaggun), 1.000 người (mingans) và 10.000 (tumen). Nhờ vào nghệ thuật này mà quân đội Mông Cổ có thể đánh bại các đế quốc khác cho dù sự chênh lệch giữa số quân là rất lớn trong khi phần yếu thế hơn lại thuộc về Mông Cổ. Về tổ chức xã hội, có lẽ bởi chính bản thân ông từng nếm mùi bị cướp vợ nên đã sớm nhận thức được việc cướp bóc phụ nữ và của cải trên thảo nguyên là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mọi xung đột. Do đó, để bảo vệ nền hòa bình mong manh vừa có được, Thành Cát Tư Hãn ra lệnh bãi bỏ tục cướp vợ và nghiêm cấm tất cả các hành vi cướp bóc lẫn nhau để hạn chế tối đa những sự va chạm vốn là nguyên nhân nhạy cảm dẫn đến những cuộc đụng độ đến đổ máu của người dân thảo nguyên.
Mình không còn thấy bóng dáng của một tên đồ tể độc tài đâu nữa khi mà trước mọi cuộc chiến, Thành Cát Tư Hãn luôn tổ chức một buổi Hốt lý đài (tương tự như trưng cầu dân ý thời hiện đại) để lấy ý kiến số đông mà không phải tự ý cầm binh làm càn. Đặc biệt, lần bị chính bộ tộc mình bỏ rơi đã giáng một cú sét vào tâm lý và tư duy của Thiết Mộc Chân, để rồi khi trở thành Hãn, ông dùng người dựa trên lòng trung thành chứ không phải là huyết thống. Đây có thể nói là những dấu chỉ của một nền dân chủ sơ khai.
Cái tinh tế nhất của tác giả theo mình là đã khai thác hình tượng Thành Cát Tư Hãn dưới nhiều góc độ, trong nhiều sự việc rất đời thường để thấy ông không phải là thần thánh phương nào cả mà cũng chỉ là một con người có trái tim và cảm xúc mà thôi. Ở cương vị một người cha đối với việc truyền ngôi cho các con, Thành Cát Tư Hãn đã thể hiện mình cũng chỉ là một người cha như bao người cha khác, cũng đau lòng khi nhìn con cái mình mâu thuẫn và ân hận khi cả đời đã dồn quá nhiều tâm huyết vào việc mở rộng lãnh thổ mà không dành nhiều thời gian liên kết các thành viên trong gia đình. Khi Sát Hợp Đài_người con thứ_ có ý ám chỉ người con cả Truật Xích có dòng máu ngoại lai, vị Khắc Hãn đã thống nhất các bộ lạc Mông Cổ thay vì nổi ba cơn thịnh nộ bảy cơn cuồng phong đã “nhẹ nhàng cầu khẩn các con” hãy nhớ về nguồn gốc của mình và “nếu các con xúc phạm mẹ mình, người dùng cả trái tim để cho các con sự sống, nếu các con làm tình yêu của mẹ nguội lạnh, kể cả nếu sau đó các con nói lời xin lỗi, thì mọi sự đều đã rồi”. Đây gần như là một “bộ mặt khác” của Thành Cát Tư Hãn mà trước giờ mình không tìm thấy ở đâu khác.
Di sản mà vị Khắc Hãn này để lại cho thế giới tuy không được đánh giá như một nền văn minh nhưng theo mình là có sức chi phối vô cùng mạnh mẽ đến các đường biên giới hiện đại, đúng như tên gọi của sách. Bởi đến thế hệ con cháu của ông, đế chế Mông Cổ đã mở rộng ra theo nhiều hướng: Truật Xích_con cả_Kim Trướng Hãn Quốc (Đông Âu), Sát Hợp Đài_con thứ_Vương triều Mogul ở Ấn Độ (Trung Á), Húc Liệt Ngột_cháu nội_Y Nhi Hãn Quốc (Tây Nam Á), Hốt Tất Liệt_cháu nội_nhà Nguyên ở Trung Hoa. Chính bởi sự “lan truyền” mạnh mẽ này mà thế hệ ngày nay có quyền được “hoài nghi” về nguồn gốc của mình. Quả vậy, một nghiên cứu của đại học Leicester nước Anh cho thấy hơn 800 triệu người châu Á thời nay đều là hậu duệ của 11 cụ tổ, trong đó có Thành Cát Tư Hãn.
“Và trong những làn mây trên Thanh thiên Vĩnh Hằng của Mông Cổ, Dải cờ thiêng của Thành Cát Tư Hãn vẫn tung bay trong gió”. Mình tin rằng Thành Cát Tư Hãn dù đã rời xa trần thế từ hơn 9 thế kỉ trước song hơi thở và linh hồn ông vẫn còn đâu đó trong gió tuyết của cao nguyên, vẫn âm thầm quan sát người mẹ Mông Cổ của mình qua nhiều biến động và mãi là một niềm cảm hứng bất tận cho các thế hệ học giả và đọc giả sau này.
Từ xưa đến giờ tôi biết khá mơ hồ về Thành Cát Tư Hãn. Tôi chỉ biết ông là một hoàng đế người Mông Cổ, đã cùng với đạo quân thiện chiến của mình chinh phục từ châu Á qua châu Âu, ông gần như bách chiến bách thắng. Khi đọc “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại”, tôi khám phá ra nhiều điều.
Cuộc đời của ông là một bí ẩn khó có lời giải đáp, ngay đến chân dung của ông cũng không có bởi ông không cho phép ai vẽ chân dung mình. Những tài liệu của các sử gia sau này viết về ông có khá nhiều thành kiến. Họ thổi phồng sự độc ác, tàn bạo của ông và đội quân mà quên đi những điều ông làm được, những cải cách vượt thời đại của ông. Ông sinh năm 1162, mất năm 1228 – trải qua 65 năm cuộc đời với những cuộc chinh phục vĩ đại. Năm 1937 tu viện nơi hơn 1000 vị sư thờ phụng ông đã bị đập phá, giết chóc một cách có hệ thống. Một lần nữa Thành Cát Tư Hãn biến mất khỏi thế giới cùng dải cờ đen nơi lưu giữ linh hồn ông.
Tại sao từ một đứa trẻ có thân phận thấp kém, là nô lệ trong bộ tộc, không được hưởng một sự giáo dục tốt, Thành Cát Tư Hãn lại trở thành một hoàng đế vĩ đại của dân tộc Mông Cổ với những chiến thắng lẫy lừng, mở rộng vương quốc qua hầu hết châu Á, đến tận châu Âu ? Đó chỉ có thể là do khả năng thiên bẩm song hành cùng sự trui rèn sắt đá của số phận.
Tuổi trẻ của Thành Cát Tư Hãn có hai mối quan hệ thiết yếu. Hai người này theo những cách khác nhau đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông:
- Thứ nhất: Người anh – người bạn – kẻ thù Trát Mộc Hợp. Hai người họ đã cùng nhau chiến đấu, trở thành những vị Hãn trẻ tuổi, hùng mạnh. Song chính những sự áp đặt của Trát Mộc Hợp hay địa vị, quyền lực mới chưa xứng với tầm vóc của Thành Cát Tư Hãn nên hai người dần trở thành những kẻ thù không đội trời chung.
- Thứ hai là người yêu – người vợ Bột Nhi Thiếp, người đã cùng ông chia sẻ những năm tháng khó khăn nhất, đã chung thủy chờ đợi ông khi cuộc hôn nhân của hai người bị gián đoạn bởi cái chết của cha ông. Bà cũng là người nhiều lần đưa ra những đánh giá chính xác, giúp Thành Cát Tư Hãn nhận ra những mối nguy hiểm từ những người kề cận ông.
Thành Cát Tư Hãn là một bộ óc vĩ đại. Ở ông bao gồm cả một vị chỉ huy quân sự lỗi lạc và một nhà chính trị có nhiều cải cách lớn lao. Cùng với những chiến dịch quân sự thần tốc, bách chiến bách thắng thống nhất các bộ tộc của Mông Cổ, thu phục Tây Hạ, nhà Kim là chiến tích vĩ đại mở rộng biên giới tới Vạn lý trường thành, tới hồ Balkhash. Phạm vi hoạt động của ông trải dài từ biển Caspi ở phía tây và vịnh Ba Tư, biển Ả Rập ở phía nam, vươn qua châu Âu … Ông là người đã có công làm nên con đường tơ lụa – một con đường thương mại tự do và lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Ông còn có cải cách đột phá về chính trị, loại bỏ hệ thống coi trọng quyền lợi quý tộc, xây dựng nên một hệ thống mới dựa trên năng lực cá nhân và lòng trung thành; ông giảm thuế cho tất cả người dân, miễn thuế cho bác sĩ, thầy giáo, thầy tu và các cơ sở giáo dục… Ông công nhận tự do tôn giáo trong lãnh địa của mình, hợp pháp hóa mọi trẻ em, nghiêm cấm bắt cóc và nô lệ hóa. Thành Cát Tư Hãn còn là vị vua đầu tiên coi mọi người bình đẳng trước pháp luật, tức là vua chúa hay người chăn gia súc cũng như nhau …
Cho dù là một hoàng đế bị coi là tàn bạo trên con đường chinh phục, song Thành Cát Tư Hãn luôn có những quy tắc của mình và luôn coi trọng chúng. Những nơi quy hàng sẽ được hưởng sự khoan hồng và được ông coi như thần dân của mình. Còn nếu chống đối hoặc phản bội lại ông thì cái giá sẽ phải trả là rất đắt như lời nhắn của ông tới người dân thành Nishapur: “Các tướng lĩnh, người già và dân thường, các người hãy biết Chúa trời đã ban cho ta một đế quốc trên mặt đất từ đông sang tây, ai phục tùng sẽ được tha mạng, nhưng nếu chống đối lại , người sẽ bị giết chết cùng vợ, con và họ hàng thân thích”… Sự nghiêm khắc và công minh của Thành Cát Tư Hãn đã để lại một đế chế hùng mạnh lẫy lừng cho đến tận 150 năm sau…
Cuộc đời và sự nghiệp của Thành Cát Tư Hãn gói trọn với những cuộc chinh phục thần tốc, chiến thắng vang dội, những tướng lĩnh và mọi binh sĩ trung thành, được dân chúng kính trọng. Cuộc đời ấy sẽ được coi là hoàn hảo nếu như những đứa con của ông có được chí khí, tầm vóc như cha của chúng. Song một đời binh nghiệp xa nhà liên miên đã khiến Thành Cát Tư Hãn không được gần gũi các con, đến khi ông muốn dạy bảo, khuyên nhủ chúng thì cũng là lúc ông đã già và những đứa trẻ ấy không còn nghe theo những lời răn dạy nữa.
Đọc “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại” tôi rất khâm phục cái tâm của những nhà nghiên cứu lịch sử. Từ những trang viết của tài liệu sử cổ Bí sử người Mông Cổ và trong 5 năm, tác giả Jack Weatherford và các đồng sự đã đi dọc ngang không biết bao nhiêu lần trên đất nước này, vượt qua thảo nguyên rộng lớn, núi đồi, đồng cỏ, cùng sống và thử nghiệm, kiểm chứng với những người dân du mục để rồi viết nên một cuốn sách hay và sống động về cuộc đời của vị hoàng đế vĩ đại Thành Cát Tư Hãn. Văn chương của Jack Weatherford khi viết cuốn sách này khá dễ hiểu, mặc dù viết về một nhân vật sống cách đây hơn 800 năm và khá nhiều thuật ngữ quân sự, người dịch đã chuyển ngữ chắc tay và mượt, đọc rất thích.
Đã lâu tôi không được đọc một cuốn sách viết về nhân vật lịch sử gây nhiều hứng thú như “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại”, từ văn chương, dịch thuật cho đến biên tập, cuốn sách hầu như không có lỗi chính tả, các chú thích, chú giải cẩn thận, bìa cứng, chắc chắn. Cuốn sách đúng là chỉn chu và đẹp. Cảm ơn Omega đã xuất bản một cuốn sách hay và có giá trị về nội dung, đẹp về hình thức.