Higashino Keigo sử dụng hình ảnh cây thánh giá rỗng, tượng trưng cho một thứ luật pháp nửa vời, không mang tính răn đe, cũng không mang tính thanh lọc. Liệu tử hình có phải là mức án cao nhất, đó là trừng phạt cái ác hay là điểm bắt đầu hành trình vượt qua của người nhà người bị hại.
Review Thánh giá rỗng (2)
Phải nói là rất là lâu rồi mình không viết Review sách dù năm 2017 là một năm mình đã đọc được rất nhiều cuốn sách hay. Năm nay tự nhủ, sẽ cố gắng đọc nhiều hơn và viết review chăm chỉ hơn.
Truyện trinh thám là một trong những hạng mục yêu thích của mình nên là cứ 1 thời gian là phải kiếm một tác phẩm để đọc. Lần này là một tác phẩm của Higashino Keigo.
Thú thực là mình không thích văn học Nhật lắm do văn phong trầm mặc và buồn buồn, chầm chậm. Nhưng mình chọn Thánh giá rỗng vì cuốn này có chút liên quan đến vụ án bé Nhật Linh vừa qua, đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh hành động của mẹ bé khi vận động chữ kĩ của mọi người để hung thủ của thể bị tử hình. Trong một cmt nào đó mình đã đọc, có một bạn đã recommend cuốn này nên mình đã đọc nó.
Cuốn sách không dày, so với một cuốn trinh thám thì sách có phần mỏng hơn mình nghĩ.
Sau khi đọc xong cuốn sách, thì mình nghĩ những “thánh sống” luôn ca bài ca chúng ta phải tha thứ cho kẻ giết người trong vụ án bé Nhật Linh nên tìm đọc cuốn này một lần.
Nội dung sách kể về câu chuyện xoay quanh hai vụ án mạng tàn khốc trong cùng một gia đình. Ngày 21 tháng 9 của mười một năm về trước, cô bé Manami ngây thơ, vô tội đã bị sát hại tại nhà riêng. Đúng mười một năm sau, mẹ cô bé – Sayoko, cũng bị giết hại dã man trên con đường thuộc quận Koto. Nakahara – một người chồng, một người cha bất hạnh đã hai lần phải cảm nhận nỗi đau mất người thân. Cái chết đầy uẩn khúc của Sayoko đã khiến anh tạm gác lại niềm riêng để bước vào cuộc hành trình tìm kiếm sự thật.
Cuốn sách chia thành 2 phần.
Phần đầu là khi bé Manami bị sát hại tại nhà riêng. Kẻ giết bé bị bắt không lâu sau đó, nhưng trước tòa hắn tỏ vẻ ăn năn hối lỗi một cách đầy giả tạo. Luật sự biện hộ của hắn tìm mọi cách để đưa mức án của hắn thành không thời hạn, tức là thời gian ngồi tù của hắn sẽ phụ thuộc vào tình trạng cải tạo của hắn trong tù. Và chỉ cần hắn tỏ ra hối lỗi, hay có quá trình cải tạo tốt, có thể rồi thời gian ngồi tù của hắn chỉ là 30 năm, 20 năm thậm chí là 10 năm.
Ba mẹ cô bé chắc chắn không bao giờ chấp nhận bản án đó, cả 2 người đều quyết tâm rằng nếu hắn không bị phán quyết tử hình thì 2 người sẽ là người giết hắn giữa phiên tòa.
Nhưng các phiên sơ thẩm cứ diễn ra lần lượt và không khí phiên tòa dường như có một sự thay đổi kì lạ. Tính chất dã man của hành vi phạm tội dần được giảm nhẹ hơn theo những lý lẽ dẫn dắt mà bên luật sư đưa ra.
Rồi cuối cùng tên sát nhân được xử phạt hình phạt tù vô thời hạn. Những lí do được đưa ra như hành vi phạm tội không có kế hoạch, bị cáo tỏ ra ăn năn.. Ba mẹ bé chỉ muốn hét lên, rút cuộc pháp luật này đứng về phía ai?
Bằng mọi sự nỗ lực, ba mẹ bé cùng luật sư đã kiếm tìm thêm bằng chứng, cuối cùng tên tội phạm cũng chịu mức án cao nhất “Tử hình”
Nhưng sau đó, ba mẹ bé đều không thể vượt qua được nỗi mất mát đó, nỗi đau thấm dấn và âm ỉ đến mức chỉ cần nhìn thấy đối phương là người còn lại cảm thấy khốn khổ vì nhớ lại vụ án đó. Rồi họ li dị để cho nhau những lối thoát riêng.
Họ đã hi vọng sau khi án tử hình được thi hành, vụ án kết thúc, cảm xúc trong họ sẽ chuyển biến gì đó. Nhưng thực tế là chẳng có gì thay đổi, thậm chí cảm giác mất mát ngày một lớn dần. Họ đã sống với mục đích khiến hung thủ phải chịu án tử rồi khi đạt được mục đích đó họ không biết giờ đây mình nên sống vì cái gì?
Đọc đến đây, hẳn là một vị thánh sống với lòng vị tha đầy tính lý thuyết sẽ nói rằng, chỉ có tha thứ mới làm ta yên lòng?
Sau khi li dị, mẹ của bé – Sayoko đã kiếm tìm câu trả lời đó. Rút cuộc có nên hủy bỏ án tử hình hay không?
Mẹ của bé đi tìm câu trả lời với địa vị một nhà báo chứ không phải thân nhân của người bị hại để có được cái nhìn khách quan nhất.
Mình rất ấn tượng với đoạn lập luận của mẹ bé trong bàn thảo chưa kịp được xuất bản:
“Những người ủng hộ luận điểm xóa bỏ án tử hình, họ không hề biết đến nạn nhân của tội ác.
Thân nhân người bị hại mong muốn án tử hình không chỉ đơn thuần là vì lý do trả thù. Hãy thử tưởng tượng những người có người thân yêu bị giết hại, họ đã phải trải qua những nỗi đau đớn nhường nào. Hung thủ chết đi không có nghĩa là nạn nhân sẽ sống lại. Nhưng vậy họ mong muốn cái gì? Thân nhân của người bị hại phải làm gì để được cứu rỗi khỏi nỗi đau?
Họ mong muốn có án tử bởi họ không biết bấu víu vào một cái gì khác. Nếu các vị cho rằng cần phải xóa bỏ án tử hình, vậy hãy cho họ – thân nhân người bị hại một cái gì khác thay thế.
Cho dù án tử hình được tuyên bố đi chăng nữa, chuyện đó với thân nhân người bị hại không phải là sự chiến thắng hay gì khác. Sự thật người thân yêu của họ đã mất đi không bao giờ thay đổi, trái tim bị tổn thương cũng không thể lành lại.
Vậy cũng có người sẽ nói, có hay không án tử thì cũng chẳng khác gì nhau. Lời nói đó hoàn toàn sai lầm, nếu như kẻ ác vẫn sống thì nỗi day dứt “Tại sao kẻ đó được sống” sẽ mãi ấm ức trong lòng thân nhân người bị hại.
Có người nói nên xóa án tử hình thay vào đó là tù chung thân. Người đó hoàn toàn không hiểu tâm trạng của thân nhân người bị hại, án chung thân hung thủ vẫn được sống đâu đó trên thế gian này, vẫn ngày ngày ăn cơm, nói chuyện với ai đó, có khi còn tìm được một thú vui gì đó.
Những ý nghĩ này hành hạ tâm lý đau đớn của thân nhân người bị hại.
Một lần nữa tội muốn nhấn mạnh rằng, án tử hình không hề cứu rỗi được gì đối với gia đình nạn nhân.
Án tử hình là đương nhân đối với họ.
Với họ, cái chết của hung thử là điểm mốc trong hành trình vượt qua nỗi đau. Thậm chí, qua được điểm mốc đó, họ cũng không nhìn thấy con đường phía trước… Vậy nếu ngay điểm mốc ít ỏi đấy cũng mất đi thì thân nhân người bị hại sẽ còn lại được gì đây?
Giết người sẽ bị tử hình – Cái lợi lớn nhất của nguyên tắc này chính là kẻ giết người sẽ không thể giết thêm ai được nữa”
Phần thứ 2 là ẩn khúc sau cái chết của mẹ bé.
Đằng sau mỗi tội ác là một câu chuyện, vậy thì phải chăng mỗi tội ác phải có những hình phạt khác nhau để phù hợp với câu chuyện đó. Đó là lí lẽ của luật sự biên hộ cho hung thủ.
Thế nhưng khép lại cuốn sách là kết luận, chẳng thể nào có được một phiên tòa hoản hảo cho nhân loại. Tại sao lại như vậy, bạn hãy thử đọc vụ án thứ 2 đằng sau cái chết của mẹ bé. Vì bài review này rất dài rồi nên mình sẽ dừng lại ở đây thôi
– Lê Thị Thủy
Keigo được mệnh danh là bậc thầy trinh thám của Nhật nhưng một số tác phẩm của ông lại được đánh giá là tiểu thuyết tâm lí, chỉ mang hơi hướng trinh thám… và Thánh giá rỗng là một trong số đó.
Mở đầu cuốn sách là một câu chữ in mờ nhạt nhưng càng về sau lại càng khắc sâu vào tâm trí người đọc: “Tử hình là hình phạt vô nghĩa”. Tác giả đã nêu lên quan điểm chính của cả truyện chỉ qua một câu đơn giản… Vậy, tại sao Tử hình lại vô nghĩa?! Một kẻ giết người bị bắt, nhận án tử hình rồi chết một cách nhanh chóng, nó có quá đơn giản cho hắn? Với những kẻ trọng tội thì tử hình như là một cách giải thoát nhẹ nhàng, không phải chịu khổ đau hay chỉ trích như khi sống, không cần phải bồi thường và cũng chả cần xin lỗi gia đình nạn nhân, cái chết là cánh cửa giải thoát quá tuyệt vời. Trong Thánh Giá Rỗng, 3 vụ án tưởng chừng như không liên quan đến nhau lại gắn bằng sự ác độc của con người. Cái chết đầu tiên là do mồi lửa của cái chết lúc trước, và cái chết thứ 3 của quá khứ lại là “con dao” của cái chết đầu tiên…
Mạch truyện xoay quanh nhân vật chính là Nakahara, một người làm dịch vụ mai táng thú cưng bình thường, con bị giết hại rồi vợ chồng ly hôn, và bây giờ anh lại là chồng cũ của nạn nhân vụ án. Chưa một trang chữ nào mà ta không thấy sự hiện diện của bóng tối và u uất, từng câu chữ, từng trang một. Vừa đọc ta lại vừa cảm nhận như cái gì đó đang sờ vào trong gáy mình, qua từng chuyển biến tâm lý của Nakahara, từng gợi ý mà anh ta nảy ra trong đầu, rồi đến lúc nào đó ta lại phải rùng mình vì sự ghê sợ và ghê tớm vì cái bí mật mà anh ta phát hiện ra. Từng chút, từng chút,… ta kiên nhẫn chờ đợi một dấu hiệu của “ánh sáng” cho câu chuyện, nhưng không, Nakahara lại đưa ta vào sâu trong bóng tối của những kẻ tội lỗi, những góc khuất đáng sợ mà khi đọc xong chỉ cần nhớ lại cũng rùng mình. Một cách viết văn khá hút hồn, ta không thể rời bỏ quyển sách xuống, một khi đã đọc thì không thể dừng lại được,… vì tác giả đã hút hồn ta vào quyển sách, làm người đọc phải sợ. Sợ bỏ qua một tình tiết nhỏ nhất nhưng lại là chìa khóa của cánh cửa bí mật, sợ rằng khi ta bỏ quyển sách xuống nhưng vẫn không thể dứt ra khỏi cái bóng tối của nó đang đè nặng vào tim.
Xen kẽ các chương về Nakahara thì lại có các chương về những người còn lại,lúc đầu có vẻ không ăn khớp với mạch truyện nhưng đến lúc vạch trần thì lại làm ta ta ngớ người ra và đọc lại. Nó như là những mảnh ghép nhỏ nhưng không thể thiếu của bức tranh lớn… bức tranh nhốm màu của máu và bóng tối.
Thật sự bạn phải kiên nhẫn và đọc kĩ Thánh Giá Rỗng. Vì dòng chảy của nó rất chậm, từng chút một nhưng lại nhiều hàm ý của tác giả. Để rồi đến cuối cùng, có lẽ theo mình nó không là kết thúc của câu chuyện, mà là một “chìa khóa”, chiếc “chìa khóa” mở ra tâm trí của người đọc. Một Open Ending và chiếc “chìa khóa” sẽ giúp người đọc tự viết ra chương kết thúc của rieng mình! Là đúng hay là sai? Là trắng hay là đen? Tất cả đều không thể kết luận.
Mình xin kết lại bài bằng một câu ở trang thứ 2 của sách, rất rõ ràng: “Không thể nào có được một phiên tòa hoàn hảo dành cho nhân loại”
– Bảo Phúc