Thép Đã Tôi Thế Đấy – Nikolai A. Ostrovsky

“Thép đã tôi thế đấy” từng một thời là cuốn truyện gối đầu giường không chi của Thanh niên xô viết mà còn của tuổi trẻ nước ta. Nội dung tác phẩm phản ánh chân thực quá trình hình thành thế hệ thanh niên Xô Viết đầu tiên nhận lấy sứ mệnh lịch sử chiến đấu bảo vệ chính quyền Xô Viết và xây dựng xã hội mới sau cách mạng, cuộc nội chiến ở Ukraina và toàn liên bang.

Review Thép đã tôi thế đấy

Từ ngày cấp 1, tôi đã biết đến một vài đoạn trích của “Thép đã tôi thế đấy” qua lời kể của bà ngoại. Ngày đấy mỗi cuốn tiểu thuyết bà đều kể cho tôi nghe vài đoạn, mãi sau này lớn lên mới gắng tìm đọc cho hết. Thú thực về cách mạng nước ngoài tôi vẫn cảm thấy “Thép đã tôi thế đấy” cuốn nhất.

Khác với những cuốn tiểu thuyết đầy bi lụy và đau thương, bóc mẽ trần trụi mặt xấu của xã hội thì ở đây Ostrovsky đã chọn cho mình một lối đi riêng mà theo Thép Mới nhận xét: “Thép đã tôi thế đấy không phải là một tác phẩm văn học chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống nó rồi mới viết nó”. Với niềm tin “sẽ chiến thắng” ông đã dành hết tâm huyết, bút lực của mình viết nên một cuốn thiên truyện để đời trên giường bệnh khi bị mất khả năng đi lại rồi bị mù ở tuổi 24.

Tác phẩm xoay quanh sự trưởng thành của Pavel như quá trình tôi luyện một thanh thép thực sự. Pavel từ con nhà “mụ nấu bếp”, nghịch ngợm, đầy tính tự phát, đã trở thành một chiến sĩ Bô-Se-Vich, anh hùng trong nội chiến, đầy bản lĩnh sống, là chân dung một con người của cách mạng.
Pa-Ven là người trần mắt thịt, Pavel có quyền được yêu như bao nhiêu người khác .Đó là tình yêu nồng cháy với cô nàng Tonya, hay anh được Rita quý mến, được cô y tá chăm sóc và động viên trong những ngày phải nhập viện. Anh lại chẳng hề chọn hưởng hạnh phúc cho riêng mình, Pavel tự nguyện: “Anh trước hết là người của Đảng – sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng…”. Đọc đoạn này tôi lại nhớ đến vài dòng thơ Tố Hữu từng viết:
“Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu…”

“Cái quý nhất của con người là đời sống. Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời”.

Ðó là đoạn văn lột tả tâm trạng của Pavel trên nghĩa địa quê hương, nơi những bạn bè bị treo cổ, khi anh vừa thoát khỏi cái chết do bệnh thương hàn ở công trường Bayarka.

Thật vậy, chừng nào con người còn những khát vọng cao cả, chừng đó, “Thép đã tôi thế đấy” vẫn còn là cuốn sách hấp dẫn!

– Diễm Quỳnh

Trích dẫn Thép đã tôi thế đấy

“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”