Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải – Cao Minh

Lần cập nhật gần nhất May 4th, 2020 – 09:19 am

“Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải là cuốn sách dành cho những người điên rồ, những kẻ gây rối, những người chống đối, những mảnh ghép hình tròn trong những ô vuông không vừa vặn… những người nhìn mọi thứ khác biệt, không quan tâm đến quy tắc. Bạn có thể đồng ý, có thể phản đối, có thể vinh danh hay lăng mạ họ, nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là phủ nhận sự tồn tại của họ. Đó là những người luôn tạo ra sự thay đổi trong khi hầu hết con người chỉ sống rập khuôn như một cái máy. Đa số đều nghĩ họ thật điên rồ nhưng nếu nhìn ở góc khác, ta lại thấy họ thiên tài. Bởi chỉ những người đủ điên nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới mới là những người làm được điều đó.”

Review (6)

KHI SỰ BẤT THƯỜNG LÀ BIỂU HIỆN CỦA MỘT THIÊN TÀI.

“Trí thông minh đối với tôi là một sự phiền toái, bởi thông minh hay không không phải điều quan trọng nhất, quan trọng nhất là bản thân có thể gánh vác được trí thông minh và tài hoa của mình hay không! Nếu không thể gánh vác được, tất cả chỉ là nói suông, cũng chính vì vậy, giờ tôi mới ở trong bệnh viện tâm thần.”

Cuốn này mỗi câu chuyện ngắn của một bệnh nhân tâm thần lại mang đến những nội dung thú vị khác nhau. Cách nhìn nhận kì lạ về thế giới và giải thích cũng không kém phần logic của những con người được xem là không bình thường khiến mình đôi lúc cũng không lý giải được việc mình cảm thấy họ đúng có phải là mình cũng không bình thường giống họ rồi không. Kiến thức mang lại trong quyển này cũng đồ sộ không tưởng, từ sinh học, lịch sử, văn hóa, vật lý, các thuyết giải thích sự ra đời của vũ trụ khiến mình phải tròn mắt ngạc nhiên. Giống với tên sách, thiên tài bên phải kẻ điên bên trái, bạn sẽ không biết được mình đang đối diện với một kẻ điên suy nghĩ lệch lạc, hay một thiên tài đã nghĩ trước cả nhân loại.

Đọc cuốn sách với một tâm thế mở, hạn chế đặt thế giới quan điểm và kinh nghiệm cá nhân, bạn đọc có cảm giác “lũ chúng ta ngủ trên giường chật hẹp, giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Có khi chính ta mới thực sự là những kẻ điên ngày đêm quay cuồng trong mớ chủ nghĩa kinh nghiệm cũ kỹ.

– Trần Hùng Kiên

THIÊN TÀI BÊN TRÁI, KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI, VẬY Ở GIỮA LÀ GÌ?

Có thể bạn đã biết, thiên tài và bệnh nhân tâm thần chỉ cách nhau bởi một lằn ranh mỏng manh. Họ đều là những kẻ mang trong mình góc nhìn quái dị, ý tưởng lạ lùng, tư duy khác biệt và những hành động bị xem là “chả ra làm sao, chả hợp thời”. Sự khác nhau giữa thiên tài và người bệnh tâm thần ở chỗ, một bên chứng minh được thế giới quan của họ, bên còn lại thì chưa.
Dù vậy, ta không thể phủ nhận thế giới trong mắt của bệnh nhân tâm thần có nhiều điểm thú vị. Thế giới rất rộng lớn và ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu mà cho đến giờ, con người vẫn chưa thể lý giải hết. Thế giới cũng đầy những quy tắc và hệ thống một cách nghiêm ngặt. Con người chúng ta, đa số chỉ có thể cảm nhận được một phần nhỏ trong đó. Hiểu biết của chúng ta về thế giới vô cùng hạn hẹp và phiến diện. Vậy nếu ta hiếu kỳ về thế giới này và muốn biết thêm nhiều góc nhìn mới lạ về nó thì sao?

Tác giả Cao Minh đã lựa chọn phương pháp tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần để khám phá những góc nhìn mới lạ ấy. Đó là lý do mà cuốn “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” ra đời. Cuốn sách là tập hợp các bài phỏng vấn giữa tác giả và những bệnh nhân tâm thần. Bằng cách đặt những câu hỏi hết sức khéo léo và thông minh, tác giả cố gắng thâm nhập vào thế giới của những bệnh nhân tâm thần, qua đó thể nghiệm thế giới quan của họ. Trong quá trình tiếp xúc, tác giả đã nhận ra một điều thú vị rằng “rất nhiều bệnh nhân tâm thần có đủ khả năng nhanh chóng tìm ra một cách giải thích. Không cần biết là quỷ, hồ, tiên, quái hay vật lý, sinh học, họ đều rất kiên định xác nhận.”

Chẳng hạn như lần tác giả phỏng vấn một bệnh nhân tâm thần là thiếu niên 17 tuổi. Cậu am hiểu vật lý lượng tử theo một cách kỳ dị đến mức, để giao lưu được với cậu, tác giả phải nhồi nhét các kiến thức về vật lý, sinh học; dẫn theo một người trợ giúp là giáo sư vật lý lượng tử trẻ để giải thích những lời cậu nói theo ngôn ngữ chuyên ngành thông thường. Vấn đề là những điều cậu biết, theo như lời cậu nói, là do một sinh vật bốn chiều bảo với cậu, có cả đọc trong sách. Sinh vật bốn chiều ấy, “một phần kết cấu của nó mang tính phi vật chất, chỉ có thể cảm nhận được”. Cậu không thể lý giải được cảm giác nó mang đến cho cậu. Đến đây thì tác giả bắt đầu chất vấn:
“Tôi (tác giả): Nhưng sao cậu chứng thực được cảm giác của cậu là chính xác, đúng hơn là làm sao cậu chứng minh được có ai đó mang đến cho cậu cảm giác đó?

Cậu lạnh lùng nhìn tôi: Lùi lại hơn một trăm năm trước, nếu anh nói với một học giả vật lý hàng đầu thời đó rằng, anh chỉ cần cầm một vật không to bằng tay, không dày bằng cuốn sách là có thể nói chuyện với một người ở nơi xa, nhờ vệ tinh bay quanh địa cầu và một cái thẻ bé bằng móng tay nằm trong vật đó; anh có thể ngồi trước một màn hình nhỏ bé nói chuyện với người lạ cách xa hàng ngàn dặm mà không cần dùng bất cứ sợi dây liên kết nào; anh xem một trận bóng đá ở bên kia địa cầu chỉ nhờ ấn điều khiển tivi; người đó sẽ nghĩ thế nào? Ông ta sẽ nghĩ anh bị điên! Bởi chúng vượt quá phạm trù của bất cứ ngành khoa học nào thời đó, được liệt vào dạng những điều bất hợp lý, đúng không?
[…]

Không lâu sau, cậu thiếu niên đồng ý làm một bài kiểm tra vật lý lượng tử được chuẩn bị riêng cho cậu ấy nhưng kết quả rất tệ. Không biết vì sao, sau khi nghe kết quả đó tôi có chút thất vọng. Nếu cậu ấy thật sự là một thiên tài, cậu ấy cũng chỉ có thể là thiên tài ở tương lai trăm năm sau, thậm chí xa hơn nữa, chứ không thuộc về thời đại của chúng ta. […] Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một câu Goethe từng nói: ‘Chân lý thuộc về con người, sai lầm thuộc về thời đại.’”

Ngoài ra còn rất nhiều cuộc phỏng vấn với đủ kiểu bệnh nhân tâm thần mang trong mình các vấn đề khác nhau. Có cái hài hước thú vị, có cái làm tác giả và người đọc phải sững sờ đến đáng sợ. Nhiều bệnh nhân có hệ thống logic hoàn thiện đến mức tác giả phải tự hỏi mình, liệu người không đúng có phải là chính tác giả – những người được xem là “bình thường”? Liệu họ có đúng là bệnh nhân tâm thần không? Ở vài cuộc phỏng vấn, tác giả đặt câu hỏi để dẫn dắt câu chuyện nhưng cuối cùng, hóa ra người bị là dẫn dắt là tác giả. Kẻ đi săn bỗng chốc thành con mồi. :))

Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải, vậy ở giữa là gì?

Ở giữa phải chăng là những con người bình thường, sống cuộc đời rập khuôn như một cái máy? Khi thấy những kẻ mang ý tưởng quái lạ, nếu nhìn bên phải, họ bị tâm thần. Nhưng nếu thay đổi góc nhìn, hướng mặt sang bên trái thì họ là thiên tài. Dù là tâm thần hay thiên tài thì ta không thể phủ nhận rằng, họ là những gã đầy bản lĩnh khi dám đập tan gông xiềng của quy tắc, đạp đổ mọi rào cản với mơ ước thay đổi thế giới.

Cuốn sách phù hợp với những bạn thích chiêm nghiệm về thế giới, mang tư duy mở, không ngại đón nhận những góc nhìn khác lạ.

– Kim Ngân

Đọc “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là một trải nghiệm khá mới, vì trước giờ mình chỉ đọc tiểu thuyết lãng mạn, như Nguyễn Nhật Ánh hay Ichikawa Takuji ấy, đọc cuốn Thiên tài là vì dạo đây khá nhiều người giới thiệu nên cũng tò mò tìm đọc.

Cuốn “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải”, nếu không kiên nhẫn sẽ không đọc được, vì muốn đọc, bạn sẽ phải từ bỏ lối suy nghĩ bình thường, những thường thức đã trở thành chân lý trong bạn. Mà từ bỏ rồi, đọc được rồi có hiểu hay không là do bạn. (Nhưng cuốn này hay thật, hấp dẫn thật đó.)

Nói cuốn sách này là truyện cũng không đúng lắm, nói nó là một tập hồi ký của những người tác giả đã tiếp xúc sẽ hợp hơn, vì toàn bộ cuốn sách là những cuộc đối thoại của tác giả và những bệnh nhân tâm thần tác giả có cơ hội tiếp xúc, tác giả là người dẫn dắt cho bệnh nhân trao đổi, chia sẻ về cách nghĩ, tư duy của họ.

Người khác nói, nghe người bệnh nói làm gì, họ không phải bị điên sao, bị điên mới vào viện tâm thần. Nhưng đọc cuốn sách này, mình lại thấy, họ không điên. Cách nghĩ của họ chỉ là khác với tư duy của đại chúng mà thôi. Vì họ là thiểu số, khác với đa số, nên họ là “người điên”.

Và họ rất cô độc.

“Tôi bây giờ không có bạn bè, bố mẹ đều qua đời rồi, không người nhà, không kết hôn, không con cái, bởi tôi đã không còn để tâm đến những điều đó. Tôi chỉ hy vọng có người đồng hành, thấu hiểu sự cô độc này, cho dù đó là ai. Có thể các anh sẽ nghĩ tôi mắc bệnh tâm thần, cứ cho là vậy đi, tôi cũng không quan tâm, chỉ hy vọng tìm được người có những trải nghiệm giống mình, hiểu được cảm giác của mình thôi.
[…]
Có thể… có thể tôi bị mắc bệnh tâm thần, chỉ là tôi có tiền, không ai cảm thấy tôi điên, những người không có tiền mới thành kẻ điên… Có thể tìm thấy một người giống mình thì tốt, dù chỉ là một người.”

Họ cô độc vì không ai hiểu họ, họ cô độc vì trong thế giới của họ chỉ có một người. Có lẽ trong số họ có những người thực sự có tài năng thiên bẩm, nhưng vì khác với số đông, họ trở thành “kẻ điên”, “người tâm thần”. Và họ có lẽ luôn mong mỏi một người có thể hiểu được họ, để thế giới của họ không còn chỉ có mỗi họ.

“Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là một cuốn sách đầy sự hack não, xoắn tư duy, vặn logic, nhưng cũng đầy sự cô đơn, dù không phải mỗi người trong mỗi câu truyện đều nói ra lời. Nếu có hứng thú với những điều kỳ lạ, khác với lẽ thường, đừng bỏ qua cuốn sách này, vì họ sẽ đưa bạn đến những thế giới quan vô cùng độc đáo, vô cùng thú vị. Nếu không, cũng đừng vội quay lưng, hãy cho cuốn sách này một cơ hội, cho bản thân một cơ hội, để thấy rằng họ cũng như bao người thôi, cũng có cảm xúc, cũng có hỉ nộ ai lạc. Vì dù là thiên tài hay kẻ điên, họ cũng đều là người.

– Nguyễn Hà Chi

“Probatio Diabolica” (Devil’s Proof)

“Chứng minh cái gì đó không tồn tại là loại chứng minh bất khả, được gọi là ‘probatio diabolica’ (devil’s proof), hay ‘chứng minh sự tồn tại của ma quỷ’.”

Ví dụ đơn giản, bạn không thể chứng minh sự tồn tại của ma quỷ bằng chứng cứ xác thực, nhưng cũng không thể phủ nhận tuyệt đối sự tồn tại của ma quỷ, cũng bởi thiếu chứng cứ. Đó là một vấn đề tiến thoái lưỡng nan mà đến giờ câu trả lời vẫn bị bỏ ngỏ.

“Chứng minh ma quỷ”, cũng chính là quan điểm của những người trong cuốn “Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải” vậy. Nếu bạn muốn tìm một cuốn sách khoa học với chứng cớ xác thực, luận điểm rõ ràng, phân tích kĩ càng chặt chẽ, thì có lẽ cuốn sách này không phải ứng cử viên phù hợp cho bạn lắm. Nhưng nếu bạn muốn tìm kiếm sự mới lạ trong những nan đề không lời giải, trong những pha xoắn não vì những lời của những người mà xã hội gọi là kẻ điên, thì sao không dành chút thời gian tìm hiểu cuốn sách này nhỉ? Chỉ cần đọc qua một vài trang, bạn sẽ bị cuốn vào những quan điểm “tưởng vô lý mà lại hợp lý”, dù có phản đối, bạn cũng khó mà tìm được lý lẽ để hoàn toàn phủ nhận quan điểm của họ.

Thiên tài và kẻ điên, ngăn cách với phần đông xã hội bằng một ranh giới mang tên “bình thường”. Nhưng cái gọi là “bình thường” cũng có khi là một “chứng minh ma quỷ” đấy.

“NẾU MỘT NGÀY ANH THẤY TÔI ĐIÊN, THẬT RA CHÍNH LÀ ANH ĐIÊN.”

– Phương Nhuế Hân

Thế giới mới về tâm lý học và những câu chuyện đa sắc về những-người-đặc-biệt.

Ji Hae Soo trong bộ phim “It ok that’s love” từng nói: “Ai trong chúng ta cũng đều mắc bệnh tâm lý, điều kỳ diệu là chúng ta có thể vượt qua chúng bằng tình yêu thương của mọi người xung quanh!”.

Chọn cuốn sách này mặc dù đây là thể loại khá lạ trong số các thể loại sách hay truyện về tâm lý học mình từng đọc. Những mẩu chuyện, hay nói đúng hơn là những đoạn hội thoại giữa một bác sĩ tâm lý và những “ca bệnh” đặc biệt của anh. Nếu nghe đến đây mọi người có thể cho rằng, thế thì cuốn sách này tẻ nhạt và không hấp dẫn vì không có tình tiết và diễn biến kịch tính như các tác phẩm tâm lý tội phạm điều tra phá án. Nếu thế thì không cần đọc tiếp review và cũng bỏ qua luôn tác phẩm này đi. Vì giá trị của cuốn sách này nó không nằm ở việc câu kéo sự tò mò bằng những tình tiết tượng tượng, hoặc sao chép từ đâu đó, học hỏi từ đâu đó. Cuốn sách là một kho những kiến thức sâu rộng và cực kỳ cuốn hút về tâm lý học và những ai muốn hiểu rõ về phạm trù khó nhằn này.

Sẵn sàng chấp nhận dành tận 3 tháng chỉ để đọc đi đọc lại các mẩu chuyện nhỏ, “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là cuốn sách mình đọc lâu xong nhất, có thể coi là kỷ lục lâu, nhưng lâu một cách xứng đáng. Một cuốn sách có giá trị thực tiễn sẽ tốn của người đọc nhiều thời gian hơn.

Thông qua những câu chuyện trong đó, muốn hiểu, phải đọc đi đọc lại nhiều lần, và phải rất tập trung, vì tác giả kết hợp rất hay ngôn ngữ kể chuyện lồng ghép với kiến thức uyên thâm về tâm lý học. Nhất là những thứ ở đây, những tình huống và những bệnh nhân mà tác giả gặp, bạn sẽ không thể gặp ở bất cứ đâu.

Mỗi một bệnh nhân tâm lý đều có một thế giới duy ngã của riêng mình, đó là một thế giới quan được nhìn dưới lăng kính cảm nhận của người đó.

Có thể với những người-bình-thường khác thì họ là những kẻ lập dị, tư tưởng hoang đường và quan niệm khác về cuộc sống. Nhưng sự thật có phải như vậy không? Chỉ khi chúng ta thật sự bước vào thế giới của ai đó, chúng ta mới hiểu vì sao họ có lối sống như vậy, và chỉ khi chúng ta hiểu được cách tiếp nhận khác, chúng ta sẽ nhìn thấy một thế giới khác.

“Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” không phải là cuốn sách giải trí, đọc cho vui, càng không phải là cuốn sách màu mè tô vẽ để câu kéo sự chú ý của người đọc. Nó là cuốn sách giống cánh cửa đi vào một thế giới khác, với những góc nhìn khác về tâm lý học, và thực sự đã thuyết phục một người thích tìm hiểu về tâm lý học như mình.

Đáng đọc, cũng đáng để đọc kỹ.

– Trần Hồng Hạnh

CẢM NHẬN CUỐN SÁCH THIÊN TÀI BÊN TRÁI KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI – CAO MINH

“Ai cũng là thiên tài. Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó thì nó sẽ sống suốt đời với suy nghĩ mình thật đần độn.” – Albert Einstein.

Thuyết đa thông minh của giáo sư Howard Gardner là những gì bay nhảy trong đầu tôi khi nhìn thấy bìa cuốn sách này. Không giống như quan niệm bình thường về trí tuệ, học thuyết này chỉ ra việc mỗi con người được cấu thành từ nhiều biểu hình trí thông minh khác. Vì thế, mỗi người cần có phương pháp học tập và tự nhận thức riêng để phát huy toàn bộ khả năng của chính mình.

Ngoài lề nốt một chút, nếu ai đọc cuốn sách “Cơ cấu trí khôn” thì chúng ta sẽ biết đến một thuật ngữ khá thú vị – idiot savant hay nhà thông thái ngốc nghếch. Đó là trường hợp những người bị khiếm khuyết tâm thần nặng nề như tự kỉ, chậm phát triển trí tuệ nhưng lại sở hữu những khả năng vô cùng phi thường liên quan đến trí nhớ, tính toán, hội hoạ, âm nhạc hay kể cả là giác quan thứ sáu. Nói không ngoa thì học thuyết này quả thực như những phát đại bác mạnh mẽ, bắn phá tới thành trì định kiến về trí thông minh bình thường của loài người.

Trở lại với nội dung chính ngày hôm này, cuốn sách “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” kể về hành trình tiếp xúc với những “bệnh nhân tâm thần đặc biệt” của tác giả Cao Minh. Ban đầu, tôi cứ nghĩ học thuyết đa thông minh sẽ là lề lối cho quyển sách này triển khai. Đương nhiên một cuốn sách có chút liên quan tới tâm lý học thì chẳng thể vượt ra khỏi tinh thần của công trình đồ sộ kia nhưng có lẽ nó không hoàn toàn như vậy.

Những “bệnh nhân tâm thần” trong câu chuyện thường có đặc điểm chung là họ có kiến thức khá chắc chắn về một lĩnh vực nào đó như vật lí, sinh học, triết học, thiên văn học,… Lập luận của họ logic đến mức tác giả phải dành nhiều thì giờ để nghiên cứu chỉ để có chút khả năng nghe hiểu từ kiến thức của người đối diện. Không chỉ có những câu chuyện, thứ tôi cảm nhận sâu sắc nhất chính là niềm tin của họ. Dù có là ma quỷ, thánh thần, người ngoài hành tinh, sinh vật quái gở, họ đều có cái tin rất mãnh liệt rằng mình đúng, dù cho chúng đi ngược lại hoàn toàn với suy nghĩ của đám đông.

Nói đến đây, tự nhiên tôi nhớ đến một điều:

“Ranh giới giữa kẻ điên và thiên tài chỉ như sợi chỉ mỏng”.

Thiên tài là người đã chứng minh được những điều mình nói và khiến thế giới tin vào nó. Còn những kẻ điên thì gần như vô vọng với những suy nghĩ có phần chẳng hợp thời của mình. Liệu rằng những quy luật chúng ta đang tin tưởng có hoàn toàn đúng không? Hay chúng sẽ sớm bị thay thế vào một tương lai không xa.

Nhưng thiên tài và kẻ điên suy cho cùng cũng là những kẻ cô độc, hoặc chí ít cũng từng là những kẻ cô độc. Bắt nguồn từ tư duy lạ lùng, họ vô cùng vất vả để tìm kiếm cho mình một người đồng hành. Điều này có lẽ là điều tôi cảm thông nhất. Bởi bản thân tôi từng có quãng thời gian chăm sóc một người bạn tại khoa tâm thần của bệnh viện Bạch Mai. Không khí về đêm ở đây quả thực lạnh lẽo và u ám đến vô cùng. Mặc cho tâm tư của người bệnh hồn nhiên vô tư ra sao thì đối với người nhà, họ vẫn là gánh nặng không hơn không kém. Để được người khác tin tưởng, họ đã phải giấu đi tâm sự thực, và phải chăng cũng là cách để họ an toàn. Bởi suy cho cùng những người kia hoàn toàn không đủ khả năng dung nạp lối suy nghĩ được cho là quái gở như vậy.

Sự cảm thông của tôi thực ra cũng đến từ sự đồng điệu bên trong, bởi tôi cũng từng là “kẻ điên” trong thế giới của nhiều người. Tuổi thơ khiếm khuyết kèm những ngày dài bị hành hạ bên cơn đau đầu không rõ nguyên do, những đêm mất ngủ, hoảng sợ vì tiếng xì xào vô hình bên cạnh tai. Khoảng thời gian đó khiến tôi như một kẻ loạn trí, cục cằn. Đa phần sự xuất hiện của người nhà trong tầm mắt đều khiến tôi khó chịu. Và triệu chứng này đã diễn ra trong nhiều năm trời, một cách cô độc.

Nhờ một niềm tin vô thức, tôi may mắn vượt ra khỏi. Đến giờ tôi vẫn nghĩ mình là một người đa nhân cách. Chẳng hạn như thói quen nói chuyện một mình. Khi cần cân nhắc một vấn đề nào đó, tôi có xu hướng ngồi lại một chỗ và tự trao đổi. May mà hai ông nhà tôi có tính chất khá tương đồng và có chung hệ tư tưởng nên tôi chưa bao giờ thấy các ông ấy cãi nhau cả. Một người trẻ tuổi, nóng nảy hơn nhưng cũng nhiệt huyết hơn đối diện với một người thì điềm tĩnh và chín chắn. Cơ mà thực sự là hàng ngày tôi chẳng biết ông nào làm chủ đâu vì cơ bản hai ông cứ “same same” nhau ấy haha.

Nhưng cũng vì cái chất “điên” có sẵn trong mình mà tôi đã sợ chết khiếp khi đọc được 1/3 cuốn sách này. Thú thực rằng, đây là lần đầu tiên xuất hiện một thứ gì đó khiến tôi không dám ngồi đọc một mình như vậy. Bởi xen kẽ giữa những câu chuyện đầy thú vị về kiến thức, cuốn sách kèm theo đó cả những thói quen quái gở và cả những triết lý cuồng si. Tôi sợ rằng nếu không kiềm chế được thì tôi sẽ bắt chước theo mất.

Chẳng hạn như đứng trước gương liên tục trong hai giờ đồng hồ, hoặc tự ngắt kết nối với thế giới xung quanh như chưa từng tồn tại. Rùng rợn nhất có lẽ là câu chuyện về người đàn ông mê muội với thuyết đục sọ người. Anh ta tin rằng nếu như có thể khoan một lỗ nhỏ ở trên hộp sọ để giảm áp lực lên não bộ thì hoàn toàn có thể khai mở được khả năng đặc biệt của con người. Cuối cùng, để thoả sự khát khao của anh ta, bác sĩ phẫu thuật đành giả vờ như khoan thật và khâu lại bằng chỉ.

Kết cục là cái niềm tin mãnh liệt của anh ta đã trở thành con dao hai lưỡi. Sau ca phẫu thuật, dù ở bất kì đâu thì anh ta cũng luôn nhìn thấy một con quái vật đang tự mổ bụng, lôi hết nội tạng ra trước mặt mình. Và ảo giác tinh thần đó còn được biết đến với cái tên “Tự kỉ ám thị”. Nói đến đây thì hẳn sẽ có nhiều người giật mình, bởi phương pháp này là một phương pháp khá nổi tiếng mà nhiều người thành công trong cuộc sống sử dụng. Quả thực khi sức mạnh tiềm thức được khai phá, nó sẽ giúp chúng ta bay cao trên đôi cánh của mình nhưng khi chệch đường thì cũng là lúc chúng hành hạ ta mãi mãi.

Kết thúc cuốn sách “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải”, tôi chỉ có một suy nghĩ đơn giản rằng. Ừ thì làm kẻ điên hay kẻ thường cũng được, quan trọng là có hướng đi đúng đắn và không làm ảnh hưởng tới mọi người thì chẳng sao. Thiếu gì những thứ chẳng thể giải thích được thành lời mà chỉ có thể đến từ sự trải nghiệm. Vẫn là không nên áp hệ quy chiếu của mình một cách “bạo lực” lên người khác.

Hãy cứ điên trong thế giới của người khác và tự hào trong thế giới của mình là được.

– Ngoc Anh Hoang

Trích dẫn

Tôi: “Chúng ta là nô lệ của gì?”
Anh: “Vi khuẩn.”
Tôi: “Anh có thể nói rõ hơn không? Tôi chưa hiểu. Con người tại sao lại là nô lệ của vi khuẩn được?”
Anh ta nhìn xung quanh bốn phía (tôi cần nói rõ, phòng
chúng tôi không còn ai khác, cửa đóng), nén thấp giọng: “Tôi sẽ nói cho anh biết sự thật. Anh nghe xong thế nào cũng cảm thấy kinh động, nhưng anh không cách nào thoát được đâu, giống tôi vậy. Tuy trong phim đều vui vẻ hạnh phúc, nhưng hiện thực rất tàn khốc. Vận mệnh con người chính là như vậy.”
Tôi: “Bi ai vậy sao?”
Anh: “Anh có biết trái đất đã tồn tại bao nhiêu năm rồi không?”
Tôi: “Anh muốn nói là hình thành? Ừm… Hình như là 46
tỷ năm.”
Anh: “Ừ, vậy anh biết trái đất có sinh vật đa bào bao nhiêu
năm rồi không?”
Tôi cố gắng tìm kiếm trong não bộ những danh từ cổ đại tội nghiệp: “Ừm… Tôi nhớ niên đại đó, là kỷ Cambri đúng không? Nhưng bao nhiêu năm trước thì quên rồi…”
Anh: “5 tỷ năm trước, nhiều nhất không đến 10 tỷ năm.
Thời đó mọi thứ đều trống trơn, không ai biết thời đó xảy ra chuyện gì.”
Tôi: “Ồ… thật đáng tiếc…”
Anh: “Anh biết con người xuất hiện bao nhiêu năm rồi không?”
Tôi: “Cái này tôi biết, thời đại loài người chính là thời kỳ người cổ, mười mấy vạn năm về trước.”
Anh ta hơi nghiêng nghiêng người về phía tôi: “Hiểu rồi chứ?”
Tôi: “… Chưa hiểu.”
Anh: “Con người tiến hóa mới có từng đó thời gian, kỷ Cambri cách thời điểm trái đất hình thành hơn 30 tỷ năm, chẳng lẽ giai đoạn đó không có cái gì? Trống trơn?”
Tôi: “Anh muốn nói là…”
Anh: “Không phải tôi nói, mà là thực tế! Cứ cho mấy tỷ năm đầu khi trái đất hình thành đều là môi trường thể khí và chưa ổn định, chúng ta cứ tính nhiều một chút, 10 tỷ năm, được rồi chứ? Như vậy còn lại hơn 20 tỷ năm, chẳng lẽ không có cái gì hết? Chắc chắn là có, đó chính là vi khuẩn.”
Tôi: “Anh nói vi khuẩn… tiến hóa thành người… người vi khuẩn?”
Anh: “Anh nghĩ hẹp quá, người chỉ là một từ, một ký hiệu đánh dấu. Anh thử nghĩ xem, vì sao vi khuẩn không thể tiến hóa? Phải đa bào mới được coi là tiến hóa sao? Năng lực sinh tồn của vi khuẩn mạnh hơn con người nhiều đúng chứ? Phương thức sinh sản của vi khuẩn là tự phân chia, đơn giản hơn con người nhiều đúng không? Tiến hóa, tiến hóa, sinh vật đa bào thực chất là đang thoái hóa! Trở nên yếu đuối, phức tạp, kén chọn hoàn cảnh môi trường, đây cũng coi là tiến hóa sao?”