Thiền Trong Quản Trị Kinh Doanh – Marc Lesser

Thiền trong quản trị kinh doanh chia sẻ các công cụ, ý tưởng có thể giúp bạn can đảm, tự tin hơn trong nỗ lực nhìn nhận bản thân, công việc của mình và thế giới theo đúng bản chất của chúng. Tích hợp hành Thiền với thực tiễn kinh doanh không chỉ giúp chúng ta khám phá ra công việc và bản thân mình, mà còn giúp chúng ta vượt qua giới hạn, trải nghiệm cuộc đời theo cách trọn vẹn nhất có thể.

Review Thiền trong quản trị kinh doanh

Thiền trong quản trị kinh doanh của Marc Lesser mang đến một thông điệp mới mẻ và thiết thực: Thế giới công việc không phải chỉ xoay quanh vấn đề lợi nhuận, quảng cáo, tiền thưởng và hành vi tư lợi. Công việc chân chính là nghệ thuật sống – sống một cuộc đời tràn đầy sinh lực, viên mãn, giao hòa với các đồng nghiệp, môi trường xung quanh, những người thân yêu của chúng ta, và quan trọng nhất, với chính mình.

Marc Lesser là người sáng lập và CEO của ZBA Associates, một công ty tư vấn, huấn luyện và đào tạo về quản trị. Trong hơn 20 năm, ông đã kết hợp chánh niệm và các thực hành về kinh doanh, chiến lược và kĩ năng lãnh đạo để giúp các tập đoàn, tổ chức và cá nhân đạt được tác động và kết quả lớn hơn. Một ví dụ sống cho chúng ta biết rằng “tất cả chúng ta đều là thiền sinh, tất cả chúng ta đều là doanh nhân”.

Tất cả chúng ta đều phải đối diện với những khó khăn và áp lực – phụng dưỡng mẹ cha già yếu, giúp đỡ bạn bè trong cảnh nguy nan, hoặc chăm sóc con trẻ; thích ứng với những thay đổi đột ngột hoặc từ từ; đối mặt với nỗi đau và trắc trở của chính mình hoặc của những người mà ta yêu thương. Hành thiền và Thiền tập tương tự như việc tạo ra một cuộc khủng hoảng có kiểm soát – chúng ta không có nơi nào để đi và cũng không có gì để làm; chúng ta phụ thuộc vào thể xác và tâm hồn mình, hoàn toàn một mình và hoàn toàn kết nối. Hành thiền có thể giúp chúng ta bộc lộ bản thân, những nỗi đau và sự thống khổ, những cảm xúc trần trụi và sự bao la của cõi đời. Bằng cách ngồi yên, chỉ bằng cách hiện diện, chúng ta biết rằng bản thân hoàn toàn có thể chấp nhận bản thể không hoàn hảo của mình, con người thật của chúng ta. Quá trình này có thể được tinh lọc và chuyển hóa; tầm ảnh hưởng của nó có thể chạm đến mọi cung bậc cuộc sống của con người. Hành Thiền rốt cuộc là để tìm kiếm tự do thực sự và giúp đỡ chúng sinh.

Và tất cả chúng ta cũng đều là những doanh nhân. Không thể tránh được việc phải giải quyết các công chuyện liên quan tới tiền bạc, khi bủa vây quanh ta là những nhu cầu cơ bản về thức ăn, nơi ở và quần áo. Mọi ngành nghề, ngay cả khi không tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh doanh, cũng có liên quan tới thế giới kinh doanh. Các bác sĩ và nhà trị liệu gọi khách hàng của mình là bệnh nhân. Giáo viên và nhân viên xã hội bị ràng buộc bởi các cơ cấu quản lí và ngân sách. Các tổ chức phi lợi nhuận và tôn giáo cần thu hút nhân lực, trả lương và hoạt động trong khuôn khổ nguồn lực tài chính của họ.

Cuốn sách này cho chúng ta chỉ dẫn để biết cách tích hợp Thiền và thực tiễn kinh doanh nói riêng và công việc nói chung. Khi kết hợp với Thiền, chúng ta sẽ có cái nhìn mới hơn về công việc, bao gồm bản chất thật sự của công việc và điều chúng ta cần ngay lúc này. Không chỉ là những bài học về thu phục nhân tâm, xây dựng chiến lược, cuốn sách còn chỉ dẫn cách để cân bằng cuộc sống và công việc, hành Thiền để thư giãn tâm hồn. Có lẽ đây sẽ điều nhiều người cần, bởi thực trạng ngày nay nhiều người đang bị 2 chữ bận rộn xoay vòng, không thoát ra được mặc dù thực sự họ không bận như họ vẫn tưởng.

– Họ Đỗ

Trích dẫn Thiền trong quản trị kinh doanh

Sự rõ ràng của hoạt động. Khi làm việc trong căn bếp của Tassajara, điều tiếp theo cần thực hiện gần như luôn rất rõ ràng. Thực đơn hằng ngày cũng như thực đơn của ngày hôm sau được gắn trên một tấm bảng. Dưới mỗi món ăn là danh sách nguyên liệu và cách chế biến. Mọi người đều có thể xem kế hoạch tổng thể và chi tiết của kế hoạch. Người phụ bếp biết khi nào thì đầu bếp sẽ cần nguyên liệu nào. Đầu bếp thường sẽ vừa nấu bữa tiếp theo cũng như chuẩn bị trước vài bữa.

Tính tổ chức ở mức độ cao. Tất cả dao, thìa, đũa, nồi và chảo đều có một vị trí cụ thể trong bếp. Từng khu vực được thiết kế và dán nhãn gọn gàng. Chu trình thực hiện rất rõ ràng – khi đồ ăn thừa được cất đi, ngày tháng bao giờ cũng được ghi rõ. Giẻ rửa bát luôn được dựng thẳng để chúng có thể khô một cách tự nhiên. Dao luôn luôn sạch, khô và được cất đi sau khi sử dụng xong. Mặt bàn lúc nào cũng sạch, và sàn nhà luôn được quét sau mỗi bữa ăn.

Nhịp độ không thay đổi. Lưu lượng của mỗi ngày đều rất dễ dự đoán. Các bữa ăn luôn xuất hiện vào cùng một thời điểm. Các lịch trình không thay đổi khác bao gồm lên kế hoạch, chuẩn bị, dọn dẹp và thực hiện nghi thức. Luôn có một kết cấu và lịch trình rõ ràng mỗi ngày. Trong kết cấu này, mọi thứ đều có thể xảy ra – ai đó bị ốm, khoai tây bị cháy, dao cần phải mài. Lịch trình cho phép một mức độ thoải mái và sáng tạo lớn trong một khuôn khổ rõ ràng và có nguyên tắc.

Dòng chảy thông tin thẳng thắn. Bếp trưởng làm việc với đội ngũ lãnh đạo để lập ra một ngân sách và chịu trách nhiệm đặt hàng thực phẩm. Bếp trưởng cũng thường xuyên họp với đầu bếp, phụ bếp và nhóm chuẩn bị thực phẩm. Các đầu bếp phối hợp với bếp trưởng để lên kế hoạch cho thực đơn. Phụ bếp điều hành bếp mỗi ngày, thực hiện vai trò là cầu nối giữa mọi bộ phận trong bếp – điều phối nhiệm vụ và lưu lượng chính, cũng như dự đoán và giải quyết vấn đề.

Đánh giá công bằng mọi công việc. Người bếp trưởng mua rau. Người phụ bếp quyết định ai sẽ thái rau và giao việc cho người đó. Đầu bếp trong ngày quyết định xem rau sẽ được thái như thế nào và nhóm chuẩn bị sẽ thái rau. Đầu bếp chế biến rau thành các món ăn. Mỗi bước đều quan trọng như nhau.

Vai trò rõ ràng. Mọi vai trò đều được xác định trước, từ việc mua thực phẩm, chuẩn bị món, cân đối ngân sách, các nhiệm vụ hằng ngày, thái rau và chuẩn bị, dọn dẹp. Mỗi người đều biết vai trò của mình và vai trò của những người khác trong bếp.

Làm việc như thực hành tâm linh. Có một sự thông suốt rằng làm việc trong bếp là một cách để thực hành chánh niệm, nhận thức và cảm thông. Mọi người được phân cho những vai trò không hẳn nhờ các kĩ năng nấu nướng của họ, mà bởi mọi người xác định rằng bếp sẽ cung cấp một môi trường hiệu quả cho sự phát triển cá nhân và tâm linh của họ. Có hai điểm cốt yếu ở đây: 1) làm ra các món ăn lành mạnh, ngon miệng, được trình bày theo cách đơn giản và sáng tạo; 2) xây dựng tính cách cho mọi người làm việc trong bếp. Không có giao tiếp, không có những cuộc trò chuyện bên lề. Câu chuyện duy nhất là những câu chuyện có liên quan tới công việc đang làm.

Đào tạo chéo. Thường xuyên có những cơ hội để làm việc ở các vị trí khác. Đầu bếp thường xuyên nướng bánh, và thợ bánh thường xuyên nấu ăn. Vào ngày nghỉ của đầu bếp, những thành viên khác có thể thay thế họ.

Kì vọng rõ ràng. Mọi người đều có tầm nhìn rõ ràng về chất lượng được kì vọng của đồ ăn và của tay nghề thực hiện – ở mọi cấp độ, từ cách thức ăn được chế biến, cách dọn dẹp bàn bếp tới cách đồ ăn được phục vụ.

Những kết quả thông thường, có thể đo lường được. Có những phản hồi thường xuyên từ học viên và từ khách sau mỗi bữa ăn. Mọi người bày tỏ thứ họ thích và không thích về bữa ăn, về sự kết hợp của thực phẩm, về gia vị và cách trình bày. Đầu bếp thường ăn trong phòng ăn cùng với khách để trực tiếp trải nghiệm kết quả của công việc mình vừa thực hiện. Đầu bếp sau đó sẽ nói về điều có hiệu quả và không có hiệu quả, cũng như tích hợp thông tin này vào việc lập kế hoạch cho các bữa ăn trong tương lai.

Làm việc chung và làm việc độc lập. Mặc dù hầu hết mọi khía cạnh của công việc trong bếp đều được thực hiện, tất cả đều là một phần của nỗ lực nhóm. Mỗi người làm việc độc lập để thái rau. Sau đó một đầu bếp sẽ sử dụng những phần rau này để chế biến ra các món ăn.

Luân chuyển công việc thường xuyên. Không ai ở bất kì một vị trí nào hơn một hoặc hai năm. Nói chung, kể cả bếp trưởng cũng là vị trí một năm.

Co giãn để thành công. Các nhiệm vụ trong bếp không hoàn toàn dựa trên mức độ kĩ năng hay kinh nghiệm. Mặc dù kĩ năng và kinh nghiệm cũng được xem xét, nhân tố chính để xác định vai trò trong bếp dựa trên việc vai trò nào được coi là có thể giúp đỡ một người phát triển.

Nghi thức. Từ nghi thức có thể được định nghĩa là một hoạt động được thực hiện cho một mục đích cao hơn. Các công việc trong căn bếp của Tassajara được nhìn nhận là thiền trong trạng thái hoạt động. Mỗi sáng, nhóm làm bếp ngồi thiền với mọi người trong viện và rồi rời khỏi phòng thiền để bắt đầu làm việc trong bếp. Họ bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng, nhận thức được rằng mọi người khác vẫn đang thiền. Mỗi buổi sáng, vào lúc 6 giờ 30, phụ bếp sẽ rung một chiếc chuông nhỏ trong bếp. Mọi người ngừng tất cả các hoạt động mà họ đang thực hiện, tụ tập xung quanh một ban thờ được đặt trong bếp, ngay bên cạnh bàn sơ chế chính. Bếp trưởng thắp hương. Mọi người cúi lạy trước ban thờ, rồi cùng nhau tụng kinh. Mọi người cúi lạy lần nữa trước ban thờ, sau đó cúi chào nhau. Nhóm sau đó sẽ ngồi lại thành một vòng tròn nhỏ, và đó là thời điểm để thông báo hay chào đón người mới vào bếp và nếu ra kế hoạch cho cả ngày. Với nghi thức diễn ra ngay giữa môi trường trong bếp, tất cả mọi hoạt động đều mang lại cảm giác như những lễ nghi.