Lần cập nhật gần nhất March 22nd, 2021 – 09:40 am
Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra được viết vào năm 1975, theo dự kiến là một bản điều tra về việc nạo phá thai; nhưng sau bảy tháng làm việc, nữ nhà văn Ý đã mang bản thảo dưới dạng độc thoại của một người phụ nữ trong thời kỳ mang thai như một lựa chọn mang tính trách nhiệm với nhiều tranh đấu về nội tâm tới tổng biên tập của mình. Sự chân thành trong cuốn sách nhỏ này khiến người ta xáo động. Đó là tiếng kêu đầy kiêu hãnh của người phụ nữ muốn phá bỏ lề thói, một tiếng kêu man dại nhưng cũng đầy yêu thương của người phụ nữ trước ngưỡng cửa được làm mẹ.
Review Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra
Tôi vô tình chạm tay vào một cuốn sách. Sau đó nó liền trở thành định mệnh của cuộc đời tôi. Bất kể khi nào tôi nghĩ về những cuốn sách đã đi qua cuộc đời mình, nó lập tức xuất hiện, như cái cách mà người ta vẫn thường mơ về mối tình đầu, càng day dứt lại càng khó quên.
Cuốn sách này chưa từng nằm trong danh mục những cuốn sách bán chạy nhất hay được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển; nhưng những giá trị nhân văn mà nó mang lại đã thay đổi nhận thức của hàng triệu người trên thế giới về vấn đề nạo phá thai đồng thời cho họ thấy rằng tình yêu của mọi người mẹ trên trái đất này đều vĩ đại như nhau. Riêng đối với bản thân tôi, cuốn sách không phải chỉ đơn giản là tập hợp của những câu chữ mà nó là tập hợp của tất thảy những gì tinh tế nhất, đẹp đẽ nhất, sâu sắc nhất trong xúc cảm của một người phụ nữ mang thai. Điều này khiến tôi trân trọng người phụ nữ đã sinh ra mình hơn bao giờ hết và cũng nhận thức được tầm quan trọng của “quyền làm mẹ” mà chắc chắn tương lai tôi sẽ có.
Cuốn sách tới tay tôi vào ngày 30-4-2018, kèm theo lời đề tặng:
“Chúc em có một tuổi 18 thật trọn vẹn.
Chị gái – Lan”Hôm đó là sinh nhật tôi. Và món quà mà tôi nhận được là một cuốn sách có tên “Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra”. Cuốn sách nhỏ nhắn, thiết kế đơn giản nhưng bìa sách đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi. Nhan đề và hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria bế một đứa bé trên tay khiến tôi nghĩ ngay đến sợi dây liên kết linh thiêng trong tình mẫu mà chắc chắn sẽ được thể hiện trong tác phẩm.
Xuyên suốt tác phẩm là lời trò chuyện, thủ thỉ của một người mẹ nói với đứa con trong bụng. Đó là một người phụ nữ độc thân, dẫu vậy, cô vẫn quyết định sinh ra đứa con ấy mặc cho những định kiến của xã hội, bỏ qua lời khuyên của cha mẹ và lời cầu xin bỏ đứa con của người cha vô trách nhiệm chưa một ngày trở thành chồng cô. Cô kể cho bào thai nghe về chuyện mình đã được sinh ra như thế nào, cô nói về tình yêu, về niềm tin, về thù hận, về những điều giả dối đang diễn ra trong thế giới này. Một bào thai liệu có nên được nghe về những gì xấu xa nhất trước khi nó trào đời?
“Công việc của một bà mẹ không phù hợp với ta. Ta có những nghĩa vụ khác trong cuộc sống. Ta có một công việc mà ta yêu thích và ta muốn tiếp tục theo đuổi. Ta có một tương lai đang đợi và ta không có ý định từ bỏ nó. Những ai miễn trách cho một phụ nữ nghèo túng không muốn có thêm con, những ai miễn trách cho một cô gái bị cưỡng hiếp và không muốn có đứa con đó, nên miễn trách cho cả ta nữa… Việc gì phải đến sẽ đến. Nếu con có thể ra đời, con sẽ được sinh ra. Nếu con không thành công, con sẽ chết. Ta sẽ không giết con, con có hiểu không…”
Và rồi, dưới sự áp đặt của định kiến lề thói, dưới sự áp lực của công việc, cô đã quên mất đi việc phải nghỉ ngơi và chăm sóc cho bản thân, cũng chính là chăm sóc cho đứa con trong bụng mình. Cho đến một ngày, trái tim bé bỏng trong cái bào thai kia ngừng đập, mọi thứ chấm hết.
“Thời khắc của chúng ta đã tới, con à… thời khắc chia rẽ chúng ta… Mẹ không muốn… Mẹ không muốn họ dứt con ra như một cái răng sâu, ném con vào thùng rác cùng với bông gạc bẩn… Mẹ không muốn thế… Nhưng mẹ không có lựa chọn.”
Một đứa trẻ đã chết bởi vì nó không có tiếng nói, là bởi vì nó không được quyền lựa chọn giữa cuộc đời và hư không. Nhưng trong tác phẩm này, đứa trẻ đã lên tiếng phán xét và kết tội người mẹ. Dẫu rằng chỉ xuất hiện trong độc thoại nội tâm của người mẹ, do hoang tưởng mà ra nhưng đây lại là tiếng chuông cảnh tỉnh cho bất kì ai đã, đang và sẽ làm mẹ.
Việc tưởng tượng ra sự lên tiếng của một đứa trẻ vô tri đã thức tỉnh những người mẹ trước quyết định có nên giữ lại hay bỏ đi đứa con trong bụng mình.
“Mẹ! Để con nói, mẹ ơi. Đừng sợ, không cần phải sợ sự thật”.
“Cho dù mẹ còn sợ hãi và lưỡng lự, nhưng mẹ đã rất giỏi thuyết phục con rằng sinh ra là điều đẹp đẽ và thoát khỏi hư không là một niềm vui.”
“Nhưng rồi sự không chắc chắn và những nghi ngờ của mẹ tăng lên, và mẹ bắt đầu dao động giữa nịnh nọt và đe dọa, âu yếm và oán giận, dũng cảm và sợ hãi.”
“Nhưng con tha thứ cho mẹ mà. Mẹ đừng khóc. Đừng quay về hư không với con. Một lúc nào đó, con sẽ được sinh ra.”Thực sự từng câu từng chữ này đã khắc sâu vào tâm can tôi, khiến tôi không thể òa lên mà khóc. Những dòng nước mắt cứ lăn xuống theo bản năng, lồng ngực tôi đau nhói, cổ họng nghẹn ngào. . .
Kết thúc tác phẩm, Oriana Fallaci xây dựng một phiên tòa giả tưởng, một phiên tòa tinh thần theo đúng nghĩa. Ở đó có sự xuất hiện của tất cả những con người có mặt trong đời người phụ nữ ấy. Mỗi người có một lý lẽ riêng để từ đó có người trở thành luật sư biện hộ cho người phụ nữ tội nghiệp ấy, có kẻ lại trở thành công tố đẩy người phụ nữ trở thành kẻ tội đồ nghiệt ngã.
“Ông ta gọi ta là sát thủ. Thu người trong cái áo khoác trắng, ông ta không còn là một bác sĩ nữa, mà là một quan tòa, phán rằng ta đã không làm tròn những nghĩa vụ cơ bản nhất của một người mẹ, của một phụ nữ, của một công dân. Ông ta gào lên rằng việc trốn việc sẽ là một tội ác, ra khỏi giường đã là một hành vi nghiêm trọng, nhưng tiến hành một chuyến đi là giết người có dự mưu và luật pháp nên trừng phạt ta giống như trừng phạt bất cứ một kẻ sát nhân nào.”
“Đồng nghiệp thân mến của tôi, người phụ nữ này không muốn có cái chết của đứa trẻ : cô ấy khao khát cuộc sống của chính mình. Và không may là trong vài trường hợp, cuộc sống của ta là cái chết của kẻ, cuộc sống của kẻ khác là cái chết của ta. Chúng ta bắn vào những kẻ bắn chúng ta. Pháp luật gọi đó là phòng vệ chính đáng. Nếu người phụ nữ này mong muốn một cách vô thức cái chết của đứa trẻ, cô ấy làm thế để phòng vệ chính đáng. Vì thế, cô ấy không có tội.”
Tôi không biết rằng cuối cùng ai đúng ai sai, rốt cục người phụ nữ kia có tội hay không. Nhưng tôi thấy thương cho cô ấy, những giằng xé sau khi mất đi đứa con mãnh liệt đến nhường nào, đớn đau ra sao, chẳng ai ngoài cô ấy có thể cảm nhận được. Cuối cùng, cái giá người phụ nữ phải trả chính là cái chết, một cái chết đầy xót xa.
Có lẽ đọc đến đây bạn sẽ thắc mắc vì sao tôi chưa từng nhắc đến tác giả của cuốn sách. Thành thực, tôi không biết gì nhiều về tác giả trước khi tôi biết đến cuốn sách này của bà. Nhưng sự xuất chúng trong ngôn ngữ diễn đạt và khả năng làm lòng người xáo động đã khiến tôi tò mò về người phụ nữ này. Sau những nỗ lực tìm kiếm, tôi cũng có được một vài thông tin về bà. Sinh ngày 29 tháng Sáu năm 1929 tại Firenze, Oriana Fallaci là nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Italia. Bà đặc biệt nổi tiếng với vai trò nhà báo và được nhà viết tiểu sử Jill M.Duquaine tôn vinh là “nhà báo chính luận xuất sắc nhất thời đại.” Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra như một trang nhật ký được xé rời từ chính cuộc đời của tác giả Oriana Fallaci. Khi còn trẻ bà đã gặp và đem lòng yêu một phóng viên làm việc tại London và sau đó bị sảy thai. Quá đau khổ vì mất con, có lúc bà định tự tử. Nhưng rồi bà ngày càng trở nên mạnh mẽ và vĩ đại. Bà đã dành cả cuộc đời mình cùng với ngòn bút để lên tiếng và đấu tranh đòi quyền bình đẳng và hạnh phúc cho những người phụ nữ trên toàn thế giới.
Đọc văn của Oriana khiến người ta phải kinh ngạc, điên loạn và đau đớn. Cuốn sách dường như đã cho tôi trải nghiệm tất thảy những cung bậc cảm xúc tồn tại trên cõi đời: niềm vui, tình yêu thương, nỗi buồn, sự day dứt, cảm giác bồn chồn, lo lắng, nỗi tuyệt vọng, cơn thịnh nộ và cả niềm tin, sự hi vọng. Phải thừa nhận rằng dịch giả Lê Thúy Hiền đã vô cùng thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để thể hiện lại một tác phẩm nước ngoài tuyệt vời như thế. Trọn vẹn và ám ảnh có lẽ là hai từ duy nhất tôi nghĩ ra lúc này để nói về tác phẩm.
Nhà văn người Ý Oriana Fallaci cùng với cuốn sách “Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra” đã để lại trong tôi những dấu ấn sâu đậm, về thứ được gọi là sự sống, cái chết và tình mẫu tử linh thiêng. Đây là một cuốn sách đáng để đọc và trao tặng đi, để một lần nữa cho ta cơ hội được hiểu những người phụ nữ và có cái nhìn rộng lượng hơn đối với cuộc sống. Cho phép tôi được gửi một lời cảm ơn chân thành đến Oriana – một người phụ nữ tuyệt vời. Cũng cho tôi cảm ơn chị gái mình – người trao tặng cuốn sách tuyệt vời này vào tay tôi, để tôi một lần nữa được sinh ra, được trải nghiệm cuộc đời một cách rất khác. Tôi cũng hy vọng bạn đủ dũng cảm để cầm cuốn sách nhỏ này trên tay và trao cho nó cơ hội thay đổi cuộc đời bạn. Như cái cách mà nó đã thay đổi tôi.
– Jenny Nguyễn
Trích dẫn Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra
“Cuộc đời là một nỗ lực lớn, con ạ. Đó là cuộc chiến lặp lại hằng ngày, và những giây phút vui vẻ hạnh phúc là những khoảng lặng ngắn ngủi mà vì chúng, người ta phải trả mọi cái giá tàn khốc.”
“Chỉ có những người khóc nhiều mới có thể hiểu và thưởng thức cuộc sống với tất cả những vẻ đẹp của nó, và cất lên tiếng cười vui vẻ.
Khóc thì dễ, cười mới khó.”
“Trở thành mẹ không phải là một công việc. Thậm chí đó không phải là một nghĩa vụ. Đó là một quyền trong rất nhiều quyền.”
“Theo một thống kê gần đây, chúng ta đã có bốn tỷ người. Con sắp gia nhập đám này. Rồi con sẽ ngoảnh lại và ước ao về sự vùng vẫy đơn độc của mình trong bọc nước, con à!”
“Công việc của một bà mẹ không phù hợp với ta. Ta có những nghĩa vụ khác trong cuộc sống. Ta có một công việc mà ta yêu thích và ta muốn tiếp tục theo đuổi. Ta có một tương lai đang đợi và ta không có ý định từ bỏ nó”