Thú Tội – Kanae Minato

Bầu không khí bao trùm “Thú tội” khá nặng nề và u ám, nhưng lại không phải do yếu tố trinh thám hay kinh dị, nên bạn nào fan trinh thám, kinh dị có thể bỏ qua để tránh thất vọng. Tuy nhiên, đây lại là cuốn sách mà mọi người lớn, đặc biệt những bậc cha mẹ đã có con nên đọc, đọc để hiểu thêm về tâm lý của trẻ con tuổi vị thành niên, để tìm cách giáo dục và cư xử với con cái!

Review Thú tội (2)

“Ai đã bảo vệ cho những con quỷ đội lốt đứa trẻ? Gia đình? Người thân? Trường học? Không, chính là luật vị thành niên.” _ Trích: “ Thú Tội”- Minato Kanae.

Là tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng bậc nhất, nằm trong top 10 cuốn sách bán chạy nhất năm 2009, “Thú Tội” còn vang dội hơn khi được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, nắm trọn nhiều giải thưởng đáng giá. Tiểu thuyết gồm nhiều hồi, từng hồi là những lời tự sự của từng nhân vật khác nhau, càng đọc bạn sẽ càng cảm thấy bất ngờ và choáng ngợp trước dòng suy ngẫm trong tâm lý tuổi trẻ bồng bột của những đứa trẻ tuổi vị thành niên.

Hồi thứ nhất, xoay quanh lời tự sự của cô giáo chủ nhiệm Moriguchi, lời tự sự xoay quanh việc đứa con gái 4 tuổi của cô đã chết sau vụ chết đuối phía sau trường học. Nhưng bằng cách nào đó, cô đã tìm ra chứng cứ chứng minh rằng, con gái cô bị sát hại. Trớ trêu thay, hai tên sát nhân ấy lại ngang nhiên ngồi trong lớp học này, đối mặt với cô từng ngày. Học sinh “A”, học sinh “B”, một kẻ sợ hãi đến mức run lên cầm cập, một kẻ bình thản ngồi nghe hết câu chuyện, như thể đó không phải việc mình gây ra. Cô sẽ trả thù cho con gái mình, cô muốn chúng hối hận, muốn chúng phải ám ảnh cái chết của con gái cô. Dùng máu của người nhiễm HIV pha vào hộp sữa của hai học sinh đó. HIV ủ bệnh 5-10 năm, quãng thời gian đủ dài để suy ngẫm và hối cải. Trò đùa? Đe doạ? Chẳng có gì đáng đe dọa ở đây cả, cô sẽ không đùa với những con quỷ cướp đi sinh mạng của con gái cô. Phải chăng kế hoạch ấy đã thành công? Đỉnh điểm của sự trả thù này liệu đã kết thúc?

Sang hồi thứ hai, với những gì cô Moriguchi thuật lại, tội ác sáng tỏ, “A” là mục tiêu của trò chơi bắt nạt trong lớp. Tới đây, là lời tự sự của lớp trưởng, một người gương mẫu đúng mực, không chịu sự bất bình. Khi thấy “A” bị đánh đập, bạo lực học đường, cô bé ấy đã đứng ra giúp đỡ. Tình bạn giữa cô bé và “A” lại dần lấn sang tình yêu. Cái thứ tình cảm trong sáng nảy nở trong tâm hồn hai đứa trẻ. Cứ ngỡ rằng chờ đợi họ là một kết thúc viên mãn. Nhưng đêm ấy, hai nhát búa của “A” đã cướp đi tất thảy, cướp đi cả cuộc đời chỉ mới ở vạch xuất phát của cô bé, đặt dấu chấm hết cho tình cảm của hai người. “A” điên cuồng, bấn loạn, với cậu, không có thứ gì quan trọng, kể cả người cậu yêu, hai nhát búa là đủ chấm dứt rồi. Câu hỏi đặt ra : lý do giết người của “A” là gì?

Giết người không ghê tay như vậy, rốt cuộc A là một người như thế nào? Một kẻ thiếu niên thông minh và vô cảm, tàn nhẫn và liều lĩnh. Cậu ta không đơn giản như những người khác. Đánh nhau, hút thuốc, xem phim đen… cậu ta gọi bọn họ là những kẻ ngu ngốc.

Nói về A, cậu ta dùng động vật để làm thí nghiệm. Cậu ta trở nên nổi tiếng với phát minh của mình, là học sinh giỏi đạt giải nhất kì thi Khoa Học của thành phố. Nhưng ham muốn của cậu ta là khiến tất cả mọi người đều biết đến mình. Danh tiếng quan trọng thế nào? Là khi giết người và thiết lập bom toàn trường để lôi kéo báo chí, cũng không ghê tay. Trí thông minh của cậu ta đã đi ngược lại với bản tính.

Vậy còn học sinh B? Từ một cậu bé ngoan ngoãn, muốn chứng tỏ bản thân, chỉ vì một câu “Ngu ngốc !” của “A” mà hủy hoại cả cuộc đời. Tiếp tay cho âm mưu giết người để chứng minh bản thân không vô dụng. Rồi âm thanh tâm trí đã thôi thúc cậu, khiến cậu phát điên, điên cuồn dùng dao đâm chết mẹ mình.

Nhưng, dù là “A” hay “B” cũng đều có một quá khứ. Tuổi thơ của “A” chính là một quãng đường dài của nỗi cô đơn và nhớ mẹ, cậu ta làm tất cả cũng chỉ vì người mẹ vô tâm của mình. Còn B, một cậu bé ngoan ngoãn luôn được mẹ yêu thương che chở, sống một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Điều gì khiến B phải điên cuồng đến mức giết mẹ chứ?

Đó mới là cái hay trong chính tác phẩm của Minato, qua từng câu từng chữ khiến người đọc như đang đặt mình vào hoàn cảnh của từng nhân vật. Nên dù có đáng trách và tội lỗi đến đâu, cũng có một đường lùi để chúng ta thấu hiểu họ.

Vậy bản ngã nào cho những đứa trẻ ấy? Tương lai của chúng rồi sẽ ra sao khi quá khứ có một vết nhơ không thể gột rửa.

Tiểu thuyết đã đánh bật tâm lý của người đọc qua từng trang truyện, phản ánh hiện thực đời sống và tâm lý tuổi trẻ bồng bột muốn trải nghiệm những cám dỗ và vui thú…. Tất cả, đều gộp lại trong cuốn tiểu thuyết “Thú Tội”, bạn hãy đoán xem, cái kết cho những kẻ sát nhân trẻ tuổi là hình phạt ra sao?

“Đùa thôi mà.”

“Tôi mong rằng cái kết cho em sẽ khiến em cảm thấy tội lỗi và nhớ đến nó suốt cả cuộc đời.” 

Có chắc chỉ là nhiễm HIV như lời Moriguchi đã nói?

Hãy cùng đón đọc và tận hưởng thông điệp cuộc sống từ tiểu thuyết “Thú Tội.”

– Phuong Nhung

“Đúng là cô quyết định nghỉ việc vì cái chết của Manami. Tuy nhiên, nếu cái chết của Manami là tai nạn thì cô sẽ vẫn tiếp tục làm giáo viên, vừa để nguôi đi nỗi buồn, vừa để chuộc lại lỗi lầm của mình. Vậy vì sao cô lại thôi việc?
Vì Manami không chết do tai nạn mà bị học sinh lớp này giết chết.”
***
Khi kẻ Thú Tội cũng là người Phán Xử – “Thú tội” là một cuốn sách tâm lí đầy ám ảnh về đạo đức, pháp luật và hệ thống giáo dục của nước Nhật. Kết cấu truyện rất lạ – hơn 200 trang sách đều là lời thú tội của những người khác nhau: Kẻ Giảng Đạo, Kẻ Tuẫn Đạo, Kẻ Nhân Từ, Kẻ Cầu Đạo, Kẻ Sùng Đạo và Kẻ Truyền Giáo. Vai trò của pháp luật trong cuốn sách này rất mờ nhạt, Minato dựng lên một mô hình mà người kết tội cũng là người bị hại; không thông qua pháp luật hay thẩm phán, vì chính bản thân người kết tội đã là người phán xử.

Tuy trong “Thú tội” luật pháp vẫn xuất hiện, song dường như chúng không còn nắm vai trò quyết định trong việc xác định tội danh và bản án của kẻ phạm tội nữa, mà tất cả phụ thuộc vào người bị hại. Manami, con gái của cô giáo Moriguchi bị thành viên trong chính lớp cô giết (tạm gọi là A và B); phát hiện điều đó nhưng Moriguchi quyết định sẽ không báo cảnh sát, bởi lẽ những đứa trẻ ấy vẫn chưa đủ tuổi thành niên, hơn nữa mức án mà chúng phải chịu, có lẽ theo cô Moriguchi, quá nhẹ so với tội lỗi của chúng.
Vì thế cô Moriguchi đã hỏi: “Các em nghĩ sao về giới hạn độ tuổi?”

Mình cảm thấy cô Moriguchi không đặt quá nhiều niềm tin vào pháp luật, mà cô tin vào mình hơn, vì thế cô đã tự cho mình quyền phán xử kẻ sát nhân. Cái mà cô Moriguchi muốn những kẻ kia phải nếm trải không phải trải cải tạo hay gì đó tương tự, mà là một việc gì đó khiến chúng phải ân hận, dằn vặt và đau đớn suốt đời. Vì thế Moriguchi đã tiêm máu có nhiễm HIV vào sữa của kẻ sát nhân và thú nhận việc ấy trước cả lớp.

Vậy kết quả, hai kẻ kia có bị nhiễm HIV không?

Phần này mình sẽ không tiết lộ, cũng như không tiết lộ cô Moriguchi có – thật – sự đã tiêm máu HIV vào sữa của hai đứa trẻ ấy không. Thế nhưng sau khi cô Moriguchi rời khỏi ngôi trường ấy, tất nhiên mọi việc vẫn chưa kết thúc. Hai kẻ sát nhân – một kẻ bị bạo lực học đường, còn một kẻ trốn ở trong nhà không dám đi học, cuối cùng gây ra một bi kịch gia đình. Trước khi đi, cô Moriguchi đã hỏi cả lớp: “Nếu A lại giết người nữa thì sao?” (A là bí danh cô Moriguchi gọi khi kể chuyện với cả lớp) và quả thực, A đã không dừng lại. Sau khi chủ ý giết con gái cô Moriguchi, A lại tiếp tục bóp cổ bạn cùng lớp và chế tạo một quả bom với mục đích nổ tung toàn trường.

Đọc những lời thú tội của A, B và những người liên quan; có thể thấy được sự dồn ép tâm lí ở trẻ nhỏ dễ dẫn đến việc tâm lí chúng trở nên vặn vẹo và phạm tội. Có rất nhiều lí do, muốn chứng tỏ bản thân, không muốn bị cô lập (như trường hợp bạo lực học đường), hoặc là không coi trọng sinh mạng. Nhưng trong “thú tội”, nguồn cơn lớn nhất dẫn đến những lí do ấy là gia đình và hệ thống xã hội, sự kì vọng thái quá của phụ huynh, mâu thuẫn thân nhân,… Những đứa trẻ phạm tội ấy, có xứng đáng được tha thứ? Có chắc chắn rằng sau này chúng sẽ không phạm tội nữa hay không? Lỗ hổng luật pháp liệu có cần được che lại bằng cách gạt bỏ giới hạn độ tuổi của người phạm tội?

Tuy cô Moriguchi là người bị hại và tâm trạng của cô hoàn toàn có thể được cảm thông, song mình nghĩ rằng Minato không vẽ nên một mô hình xã hội kiểu, người bị hại trả thù kẻ phạm tội bất chấp các khung kỷ luật là lí tưởng (dù mình cũng nghĩ rằng một số trường hợp, giới hạn độ tuổi không phù hợp); chính vì thế cuốn sách này mới có tên là “Thú tội”. Tất cả đều là người có tội và họ thay nhau xét xử người khác, thậm chí chính bản thân mình. Cuốn sách cũng là một lời cảnh tỉnh với các vị phụ huynh và hệ thống giáo dục, nếu như không giáo dục đúng mực và đúng cách, thì A và B sẽ không phải là hai học sinh duy nhất phạm tội.

Nhân vật mình thích nhất trong “Thú tội” là ông bố của bé Manami, một người nghị lực phi thường, kẻ truyền đạo chân chính. Dẫu rằng lí tưởng của anh trong nhiều trường hợp, có thể sẽ không phù hợp với dòng đời hiểm ác; nhưng mình vẫn mến mộ và kính trọng tình yêu mà anh cố gắng truyền tải tới thế giới này rất nhiều.

Tóm lại, “Thú tội” rất rất hay. Mình ít khi đọc văn học Nhật Bản vì không hợp, nhưng với cuốn này mình đã đọc liên tục trong hai buổi, đọc xong còn thấy tiếc vì trước cứ lần lữ mãi không đọc. Nói chung là highly recommend á.

– Nguyen Viet Ha