Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai – Colleen Mccullough

Lần cập nhật gần nhất July 24th, 2020 – 05:03 pm

Tác phẩm kể về câu chuyện tình yêu giữa Meggie Cleary và Ralp de Bricassart, một cô bé và vị cha xứ cách nhau 19 tuổi. Một mối tình nghịch thiên, ngay từ bắt đầu đã không thể có kết thúc trọn vẹn, để từ đó mở ra liên tiếp những bi thương kéo dài suốt cả ba thế hệ.

Người ta vẫn thường nói như thế này, ở những xã hội được cho là tân tiến nhất, hạnh phúc nhất thì đồng tiền vẫn luôn có khả năng sai khiến lương tâm và đặt nền tảng cho sự phân biệt giai cấp. Tình yêu hay hạnh phúc của cả một đời người, niềm tin hay hi vọng, khát vọng cá nhân hay vòng tay che chở của gia đình; tất cả những giá trị được coi là trân quý nhất, thiêng liêng nhất đều phải dừng lại ở lằn ranh của sự phân biệt giai cấp và sự sai khiến của đồng tiền. Tiếng chim hót trong bụi mận gai đã khắc họa rất thành công những định kiến xã hội đó, giày vò suốt ba thế hệ.

Review Tiếng chim hót trong bụi mận gai (3)

Nếu anh là cha Ralph
Em sẽ là Meggie bé bỏng
Bằng con tim với niềm ước vọng
Giành lại anh từ tay đức chúa trời
Có một loài chim như thế anh ơi!
Không chịu sống một cuộc đời tẻ nhạt
Mà phải sống với niềm khao khát
Dù phải lao mình vào bụi mận gai…

Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và Chúa trên cao cũng phải mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại…

Tuy không biết và cũng chưa từng nhìn thấy cây mận gai bao giờ nên lúc đọc tên tiểu thuyết thấy rất khó hiểu. Nhưng sau khi đọc truyện hai lần và hai lần xem phim (lần đầu xem Engsub và mới đây đã xem trọn bộ bằng Vietsub) đã hiểu được phần nào cái hồn của truyện. Tuy không theo đạo Thiên Chúa nhưng sau khi xem phim, một bộ phim có thể nói tình yêu dành cho Chúa được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết thì cái nhìn về đạo giáo này bỗng khác hẳn. Nhưng vẫn không hiểu được Chúa vĩ đại đến mức nào mà người ta (cha Ralph và Dane) có thể từ bỏ tình yêu để đến với Người…

Đọc truyện rồi xem phim đều ấn tượng với cha Ralph hơn. Có lẽ là cảm tình giới chăng? Cha trong truyện được miêu tả là một người hoàn hảo, hoàn hảo bởi cả ngoại hình và tâm hồn, mang trong mình một tình yêu bất tử đối với Chúa nhưng sau lần đầu tiên gặp Meggie, một cô bé 10 tuổi với mái tóc vàng óng một màu tóc ít cô gái nào có được, Cha đã phát hiện được thứ tình cảm đặc biệt mà Chúa chưa từng mang lại cho mình. Meggie có thể lấp đầy khoảng trống tận sâu thẳm trái tim Cha. Có lẽ kể từ giây phút đó cuộc đời Cha đã định sẽ gắn liền thật chặt chẽ với cô bé này. Khoảng cách tuổi tác khác biệt 18 tuổi không là gì đối với tình yêu đích thực. Hai con người một già một trẻ, hai số phận một vị linh mục và một cô bé hồn nhiên vô tư đến mức ngây thơ không biết gì chỉ biết có Cha. Bản thân tôi thích tình yêu đó, rất nhiều. Cha Ralph là hiện thân của Chúa cứu vớt cuộc đời Meggie khi mà cô bé không nhận được tình yêu đáng có từ người mẹ Fiona. Ngay cả kỳ kinh nguyệt đầu tiên cũng khiến Meggie bàng hoàng lo sợ nghĩ rằng mình sắp chết, giống như Hal đứa em trai vừa mới qua đời. Cũng là Ralph, Cha đã thay mẹ Fiona giải thích hiện tượng sinh lý này cho em hiểu, rằng mình đang trưởng thành. Ôi, có mấy ai được như Cha! Cá nhân mình thích giai đoạn Meggie từ 15 tuổi trở về trước hơn. Cũng giống như Ralph, Meggie luôn là cô gái bé nhỏ thân yêu mà Cha luôn bên cạnh chở che. Sau khi Meggie trưởng thành, từ một thiếu nữ rồi đến một người phụ nữ đầy đặn rồi làm mẹ dường như có cái gì đó khiến tôi không thích tính cách của nàng lắm.

Đối với phim, một lần nữa nhân vật Ralph De Bricassart lại chiếm được tình cảm của tôi hơn. Đó là bởi ánh mắt của ông, ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn đến nỗi người khác nhìn vào đó như đắm chìm với nỗi buồn này. Xuyên suốt chiều dài bộ phim ông chỉ mặc có vài bộ đồ: đồ đen khi còn là một vị linh mục, áo sơ mi trắng cùng đôi ủng cưỡi ngựa, và bộ áo dòng màu đỏ sau khi được phong Hồng Y. Tất cả những tâm tư tình cảm của ông đều thể hiện qua ánh mắt. Ông không đẹp đến hoàn hảo như trong truyện miêu tả, có lẽ tại tôi không mấy thích vẻ đẹp người phương Tây, nhưng càng nhìn càng thấy ông mang một nét đẹp mà chỉ Ralph mới có. Trong phim, tôi ấn tượng với cô bé đóng Meggie lúc nhỏ nhất. Và cũng thích cách Ralph chăm sóc quan tâm Meggie lúc nhỏ nhất. Mỗi khi nhìn Meggie bé bỏng ánh mắt ông chứa chan tình cảm nồng nàn mà không thể thấy được khi ông nhìn người khác. Ánh mắt ông luôn dõi theo Meggie. Dường như có thể thấy mỗi lần nhắc đến Meggie là cả con người Ralph như đắm chìm cả vào những gì thuộc về Meggie, từ cái tên cho đến cuộc đời nàng. Một thứ tình cảm vượt trên cả tình yêu, rất mãnh liệt, rất mạnh mẽ khiến người ta cảm thấy trên đời này không có bất cứ tình cảm nào có thể vượt qua được. Rất rất thích thứ tình cảm như vậy!

Cha Ralph, hiện thân của đức Chúa trời luôn che chở bao bọc cho những con chiên của mình, nhưng lại đối xử đặc biệt với Meggie, một cô con gái của một gia đình bình thường đông con trai. Số phận của những người phụ nữ trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này đều có gì đó rất giống nhau. Đó là số phận của ba người phụ nữ đại diện cho ba thế hệ trong gia đình Cleary: bà Fiona, Meggie và Justine. Cả ba đều sống trong thời mà người phụ nữ không hề được coi trọng, đặc biệt là những người phụ nữ sống trong gia đình thuộc tầng lớp thấp nhất. Và chính bản thân họ cũng không hề coi trọng con gái mình. Bà Fiona không quan tâm Meggie như sự quan tâm của bà đối với những cậu con trai, Meggie lại không quan tâm lo lắng cho Justine bằng Dane. Mặc dù trong thâm tâm họ rất thương yêu mỗi đứa con của mình nhưng vì thời đại vì hoàn cảnh không cho phép họ thể hiện tình yêu đó một cách công bằng.

Mỗi một nhân vật đều có tính cách riêng của mình. Đầu tiên là Paddy. Ông là một người đàn ông hết mực thương vợ yêu con. Duy chỉ có Frank là ông không thể đối xử công bằng bởi vì ông nghĩ Frank là người đã chiếm hết tất cả tình yêu của vợ mình Fiona. Còn lại, những gì ta thấy được qua cách đối xử với những đứa con ruột của ông đó là một người cha vô cùng tốt. Ngược lại với vợ mình, ông thương Meggie nhất. Meggie, đứa con gái duy nhất mà ông luôn che chở, bảo bọc, cưng chiều. Fiona, một người phụ nữ với tính cách mạnh mẽ đến mức dường như khi nhìn vào bà ta có cảm giác ác cảm. Bởi bà không bao giờ thể hiện tình cảm thật ra bên ngoài. Không cười, không khóc, không vui hay buồn, mặt lúc nào cũng một biểu cảm. Dường như chỉ một lần bà khóc đó là lúc Paddy và Stuart mất, khi bà nhận ra thì ra bà luôn rất yêu chồng mình nhưng đã quá muộn. Cuộc đời bà trải qua rất nhiều mất mát, đau đớn tưởng chừng như có thể chết đi nhưng cuối cùng không có bất cứ điều gì khiến cho người phụ nữ đanh thép này gục ngã.

Frank, chàng trai có số phận nghiệt ngã nhất khi mà lẽ ra không nên xuất hiện trên cõi đời này. Anh là kết tinh của Fiona và người bố không hề xuất hiện trong cuộc đời anh cũng như trong truyện, để rồi phải gánh chịu số phận bị Paddy hắt hủi phải nhẫn nhục chịu đựng làm những việc mình không hề thích. Nếu không có mẹ và Meggie có lẽ Frank đã bỏ nhà đi sớm hơn cái tuổi chưa đầy 30.

Cùng số phận với Frank, Dane con trai của Ralph và Meggie sau này cũng phải bỏ mạng vì hành vi bị cho là đắc tội với Chúa. Cả hai đều ra đời với suy nghĩ ích kỷ của hai bà mẹ, và đều phải chịu số phận giống nhau.

Stuart luôn trầm mặc, dường như anh chỉ sống trong thế giới của chính mình, nghĩ về những điều mà người khác không ai có thể hiểu để rồi cũng ra đi, về với thế giới của riêng anh.

Trong số những phụ nữ trong truyện có lẽ Justine là cô gái có cá tính nhất. Rất mạnh mẽ, kiên quyết, thậm chí là bất cần nhưng ẩn sâu là một trái tim yêu thương lớn lao, đặc biệt đối với Dane, cậu em trai khác bố nhỏ hơn một tuổi.

Quay trở lại với hai nhân vật chính làm nên câu chuyện tình yêu xuyên suốt truyện và cũng là xuyên suốt cuộc đời họ, Ralph và Meggie. Như ngay từ đầu tôi đã nói rằng thích Cha Ralph nhất cả trong truyện cũng như phim. Tình cảm mà Ralph dành cho Meggie là một thứ tình cảm thiêng liêng nhưng khác với tình yêu ông dành cho Chúa. Ralph yêu Meggie từ khi nàng mới chỉ là một cô bé 10 tuổi. Ralph yêu Meggie ngay từ lần đầu tiên gặp nàng. Ngay cả chính ông cũng không thể lý giải được thứ tình cảm kỳ lạ đó. Nhưng chính tham vọng và thiên hướng đối với Chúa đã khiến ông không thể cho đi cũng như đón nhận tình cảm đó. Ông luôn nói rằng ông yêu Chúa hơn Meggie nhưng với tôi, đó chỉ là lời biện minh cho cái hoài bão tham vọng điên cuồng kia của ông mà thôi. Vì thực ra, ông yêu Meggie hơn tất cả. Cái danh Hồng Y mà cuối cùng ông có được chính là vật cản trở tình yêu của hai người. Meggie bé bỏng, Meggie ngây thơ, Meggie hồn nhiên luôn cho rằng với tình yêu của mình Ralph sẽ từ bỏ Chúa và ở bên nàng với tư cách một người chồng và người cha của những đứa con trong tương lai của họ. Meggie tin tưởng tuyệt đối vào tình cảm của Ralph. Tuổi thơ Meggie nếu không có Ralph có lẽ cô sẽ không thể vượt qua hoàn cảnh để trở thành một Meggie trưởng thành yêu kiều, xinh đẹp, lộng lẫy. Meggie đơn thuần dù là lúc bé hay khi đã trở thành thiếu nữ đều một lòng hướng tình cảm của mình về phía Ralph. Nàng yêu Ralph, một tình yêu hồn nhiên nhưng rất mãnh liệt, một tình yêu dường như chỉ có ngày càng lớn lên chứ không hề suy giảm, kể cả khi Ralph vì tham vọng mà rời xa cô, Meggie cũng không hề để ý đến. Với nàng, đối với Ralph chỉ có tình yêu và chỉ tình yêu mà thôi. Ralph rời xa nàng, không những nàng không quên đi Ralph mà ngược lại tình yêu trong nàng vẫn luôn hừng hực cháy. Vì nàng tin rằng Ralph sẽ quay về và cưới nàng, bởi nàng yêu Ralph nhiều đến thế cơ mà! Xuyên suốt câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của hai nhân vật, số lần họ gặp nhau từ sau khi Meggie 17 tuổi là rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng chính vì thế mà mỗi lần gặp lại của họ đều khiến ta cảm nhận thật sâu sắc tình yêu hai người dành cho nhau. Dường như sau mỗi lần gặp tình yêu dành cho đối phương lại nhiều thêm một bậc, nhiều đến mức không gì có thể đo đếm được dù đó là Chúa trời đi chăng nữa. Có lẽ vì vậy mà Chúa ghen ghét nên càng giày vò họ hơn tại thời điểm hai người phải chia tay nhau.

Thời gian trong truyện trải dài, rất dài, khoảng thời gian gần 50 năm để chứng kiến những đổi thay những thăng trầm của gia đình Cleary cùng vị linh mục Ralph De Bricassart. Về không gian thì chủ yếu là nơi quê hương gia đình Cleary – Drogheda và cảnh trong Giáo hội. Hai không gian tương phản đại diện cho hai mặt cuộc sống: nhà thờ trang hoàng lộng lẫy, nguy nga tráng lệ của Ralph và Drogheda bao la rộng lớn, bát ngát hoang dã của Meggie. Tuy không gian khác xa nhau nhưng hai người lại cùng chung tâm trạng. Dù là ở rất cách xa nhau nhưng trái tim ánh mắt họ đều hướng về nhau. Thương Meggie mỗi lần tựa cửa trông ngóng bóng hình Cha Ralph, thương ánh mắt Ralph đượm buồn luôn hướng về quê hương người yêu dấu. Hỡi Chúa, người là gì mà lại chia cắt hai thân xác không thể đến với nhau, người có quyền năng gì mà lại không cho hai con người nếu người còn lại không còn thì họ không thể sống nổi được ở bên nhau? Ắt hẳn những ai theo đạo Thiên Chúa sẽ cảm nhận được sức mạnh vĩ đại đó của Chúa, sức mạnh mà không gì Chúa không thể làm được. Nhưng với tôi, một đứa không theo bất cứ đạo giáo nào thì không hiểu được. Giống như Meggie, tuy cha nàng theo đạo Chúa nhưng nàng không hề bị trói buộc bởi những ý nghĩ Chúa vạn năng, Chúa vĩ đại của những con chiên ngoan đạo, ngược lại nàng sẵn sàng chống lại Chúa, quyết giành lấy đứa con của Chúa, quyết giành lấy thứ mà Chúa không thể có được từ De Bricassart bởi vì Người luôn cấm cản chuyện này. Riêng về điểm này, tôi thấy Meggie thật mạnh mẽ, rất quyết liệt, điều nên có trong tình yêu. Yêu cuồng nhiệt nhưng không ủy mị mà quyết giành lấy tình yêu cho bằng được dù người ngăn cản có là đức Chúa trời. Và, có lẽ cuối cùng nàng đã thành công. Đó là đã có được Ralph, tuy không phải với tư cách là bà De Bricassart. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó thôi đã khiến nàng cảm thấy đủ, đủ để lấp đầy khoảng trống nàng luôn dành ra để chờ đón Ralph – đó là Dane, giọt máu kết tinh của tình yêu giữa hai người. Nhưng đáng buồn thay, Ralph không hề biết Dane là con trai ông tuy ông đối với cậu còn hơn là một người cha. Theo tôi, sự ra đi của Dane là kết cục cho sự tham vọng muốn kết hôn với Chúa của Ralph chứ không phải vì Meggie đã chống lại Chúa đoạt lấy phần đàn ông của Ralph. Meggie không có tội khi tạo ra Dane, nếu có thì đó chắc chắn là do Ralph, do ông đã không sống thật với tình cảm của chính mình. Đó là sự trừng phạt dành cho Ralph!

Mặc dù không hiểu biết về đạo Thiên Chúa nhưng chi tiết linh mục mà lại có con có lẽ đã gây xôn xao cho những con chiên ngoan đạo lúc bấy giờ. Không một người theo đạo nào lại có thể chấp nhận chuyện này. Trong khi xuyên suốt cốt truyện đều ca ngợi Chúa, tin tưởng tuyệt đối vào Chúa quyền năng nhưng một đấng Hồng Y lại có quan hệ xác thịt với phụ nữ rồi sau đó vẫn quay lại làm công việc ban phát phước lành cho những con chiên. Thật khó có thể chấp nhận được điều này! Tất nhiên, vì là tiểu thuyết nên chuyện gì cũng có thể xảy ra! Nhưng hơn hết đó là truyện đã rất thành công khi gột tả được tình yêu mãnh liệt, day dứt, giằng xé giữa Ralp và Meggie. Một thứ tình yêu không gì có thể sánh bằng. Thứ tình yêu có thể ám ảnh độc giả cũng như những khán giả xem phim. Và tôi cũng không ngoại lệ. Một kiểu ám ảnh rất lớn, khó có thể phai mờ được. Ám ảnh bởi bông hồng tro với sức sống dẻo dai, ám ảnh bởi đôi mắt kiên định của Meggie, ám ảnh bởi thần sắc bức người của Cha Ralph, ám ảnh bởi cuộc đời đầy thăng trầm sóng gió của gia đình nhà Cleary,… Để rồi phải thốt lên một câu “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”

– Nguyễn Thị Thư

Cuốn tiểu thuyết được viết về lịch sử nửa thế kỷ của ba thế hệ một gia đình lao động – gia đình Cleary.

Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật Fiona, Meggie Jaxtina và cha đạo Ralph. Meggie chính là nhân vật trung tâm của mọi vấn đề, đó là mối tình lớn lao trong sáng với cha đạo Ralph.

Nếu Fiona gan góc chịu đựng mọi tai họa nhưng cam chịu số phận thì con gái bà là Meggie đã tìm cách cướp lấy hạnh phúc của mình từ tay Chúa trời. Và Jaxtina, con gái của Meggie là một cô gái hiện đại, có những chuẩn mực đạo đức hoàn toàn khác.

Có thể thấy Fiona, Meggie, Jaxtina là các cấp bậc cho một sự vươn lên một sự đấu tranh mãnh liệt trước số phận không quy hàng nó. Ba nhân vật này phần nào còn đại diện cho số phận phụ nữ thời đó, nổi bật nhất là Fiona.

Nhiều mệnh đề được đặt ra như tình yêu như thế nào là tốt, quan hệ trước hôn nhân, chồng mới của Mecggi chỉ biết làm mà không quan tâm vợ mình, Jaxtina không muốn lấy chồng…

Lòng tham và khát vọng của con người được phơi bày qua nhân vật Ralph, dù là linh mục hay đấng hồng y thì vẫn là con người, họ cũng khao khát quyền lực, được người đời tôn sùng, vẫn mang trong mình cảm xúc và tình yêu.

Tình yêu trong cuốn tiểu thuyết này là ngọt ngào và cay đắng. Mình cứ luôn trong chờ rằng có một tia hy vọng hay niềm hạnh phúc trọn vẹn nào đó đến với các nhân vật, nhưng điều đó chẳng dễ dàng cũng như ngoài đời thực vậy. Cuối truyện mở ra một tia sáng tuy rằng nhỏ nhoi nhưng đầy hy vọng.

Trích dẫn hay:

“Niềm tin không dựa trên bằng chứng hoặc sự tồn tại…nó dựa vào đức tin…không có đức tin sẽ chẳng có gì cả.”

“Tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”

Ps: Nếu đọc best seller thì đây mới là cuốn đáng đọc.

– Đồng Vũ

“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” là quyển tiểu thuyết nổi tiếng nhất của McCulough, được xuất bản năm 1977. Truyện xoay quanh mối tình giữa Meggie Cleary và vị cha xứ Ralph de Bricassart vừa hạnh phúc đến đỉnh điểm vừa đau đớn đến tột cùng. Khi gia đình Meggie chuyển từ New Zealand sang Australia để thừa hưởng trang trại của Mary Carson, năm đó Meggie 9 tuổi và cha Ralph 28 tuổi, họ đã gặp nhau như một định mệnh. Tình yêu của họ là đích thực, nhưng trước khi bắt đầu, mỗi người đều biết là không thể.

Ngay từ những trang đầu tiên, tôi đã ấn tượng với lời đề từ: “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra là truyền thuyết nói như vậy.”

Số phận của con chim đó cũng như Meggie – nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết. Cả cuộc đời là một bài hát, hát trong đau đớn và đó cũng là bài hát duy nhất trong đời. Con chim đi tìm bụi mận gai cũng như Meggie đi tìm tình yêu đích thực cho cuộc đời mình. Meggie chỉ yêu một lần duy nhất trong đời và đó là tình yêu mãnh liệt nhất. Dẫu biết rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách, cạm bẫy hay bức tường thành kiên cố mang tên Chúa trời đi chăng nữa thì nàng vẫn bất chấp để lao vào tình yêu. Nàng quyết giành lại được người nàng không được phép yêu từ tay Chúa, đó là cha xứ Ralph de Bricassart. Nàng khao khát được tận hưởng những giây hạnh phúc dù rất đỗi mong manh. Đó là một tình yêu tuyệt đẹp trong cuộc đời này. Nhưng nàng cũng phải trả giá bằng những trái đắng trong cuộc đời “bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”. Song nàng không bao giờ hối hận vì điều đó “chính ta đã xếp đặt số phận của ta như thế, ta không đổ lỗi cho ai và ta cũng không hề tiếc nuối về một phút giây nào trong quá khứ…”. Nàng đã sống hết mình, cháy hết mình cho ngọn lửa tình yêu đó.

“Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo qui luật bất di bất dịch của thiên nhiên; bản thân nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế!”. Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng tình yêu không hoàn toàn là một màu hồng ngọt ngào, nó có cả màu xám của sự chia ly, mất mát hay những dư vị của đắng cay và nước mắt. Nhưng tất cả mọi người đều muốn lao vào đó để biết được trái ngọt tình yêu – một món quà vĩ đại mà Thượng đế đã ban tặng cho chúng ta. Vì thế nên Meggie đã yêu Ralph bằng một tình yêu trong sáng của một cô gái cho đến niềm khao khát muốn chiếm giữ của một người đàn bà. Đã có lúc nàng đi tìm cho mình một tình yêu mới, đó chính là Luke O’’ Neil – một người có hình dáng giống Ralph. Tuy nhiên Luke không yêu nàng và nàng cũng nhận ra quyết định lấy Luke chỉ là cách trả thù Ralph. Nàng trốn chạy, vùng vẫy, đấu tranh và giằng xé nhưng nàng vẫn không thể thoát khỏi tình yêu với Ralph và cuối cùng đã dẫn tình yêu đó đi đến bi kịch. Cô hận Ralph và hận Chúa: “Không, Chúa chẳng lành hiền chút nào …Chúa đã lấy mất Ralph của ta, có thế thôi … Tôi tuyệt nhiên không nên căm thù Ralph mà căn thù ngài mới phải.” Ở đây nhà văn đã dám đề cập đến vấn đề quan điểm đối với tôn giáo. Cách sống không mộ đạo của Meggie đối với Chúa trời là một phản ứng tự nhiên của một người phụ nữ khi bị người khác cướp mất người nàng yêu.

Riêng với tôi, tôi vừa thích Meggie vừa không thích Meggie. Tôi thích vì nàng đã dám sống hết mình để đi tìm tình yêu đích thực trong cuộc đời “tôi sinh ra cho anh ấy và chỉ anh ấy mà thôi”. Nàng đã bảo vệ tình yêu chân chính của mình, đó là điều rất đáng trân trọng. Hơn hết, tôi cảm thấy rất thương nàng vì ngay từ khi còn nhỏ đã không được sự quan tâm và chú ý của mọi người. Meggie xuất hiện như một con chim lạc đàn trong một gia đình không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn nghèo nàn về tình cảm. Một gia đình với những người con trai và một bà mẹ gần như vô tâm vô cảm. Nàng như bị lãng quên trong chính gia đình ấy “phụ nữ không nhớ đến con gái. Con gái là cái gì kia chứ?…tôi cố quên đi rằng tôi có con gái”. Thế nhưng, tôi không thích việc Meggie theo đuổi tình yêu một cách khá cố chấp. Nàng vượt qua mọi rào cản, hy sinh tất cả để được sống trong tình yêu, để được đổi lấy giọt máu của Ralph nhưng cuối cùng nàng đã mất tất cả. Nàng không tận hưởng được tình yêu mà còn mất đi đứa con đã nối gót Ralph quay về bên Chúa và hy sinh cho Chúa.

Ralph là một vị linh mục, ông đem lòng yêu Meggie nhưng vì thân phận, địa vị, ông đã không dám đối mặt với tình yêu đó. Ông không chọn Meggie làm mục đích mà đã lựa chọn một vị trí tối cao trong nhà thờ và tình yêu của ông một lòng hướng về Chúa trời “ta yêu con, Meggie ạ, ta sẽ mãi mãi yêu con. Nhưng ta là linh mục, ta không thể…thực quả là ta không thể thế được”, “vì thế ta đã xéo bẹp con dưới gót giầy của lòng háo danh của ta; đối với ta giá trị của con không hơn bông hồng nhàu nát bị vứt xuống cỏ.”. Phải chăng Ralph cũng như con chim trong truyền thuyết kia ? Để giữ vững được tình yêu với Chúa, để có được danh vọng, ông đã phải trả giá bằng những “nỗi đau khổ vĩ đại” là đối mặt với nỗi cô đơn, không đủ can đảm để thoát ra “cái lồng” do chính mình tạo nên.

Một trong những hình ảnh khiến tôi không thể nào quên được trong tiểu thuyết đó chính là “tro của hoa hồng” . Đám bụi tro đó không chỉ có màu sắc ảm đạm buồn thương mà ở đó còn thấp thoáng những sắc hồng kiêu sa. Với trí tưởng tượng tài tình, tác giả đã sáng tạo ra “tro của hoa hồng” , đó là màu trên chiếc váy Meggie mặc trong buổi tiệc sinh nhật lần thứ mười bảy “bộ áo không bóng, màu xám nhạt có ánh hồng dịu dàng – trong những năm ấy, màu đó được gọi là “tro của hoa hồng” .” “Hoa hồng” và “tro của hoa hồng” đã chứng giám cho tình yêu giữa Meggie và Ralph “Hoa hồng. Tro của hoa hồng. Hoa hồng, hoa hồng khắp mọi nơi. Cánh hoa rải rác trên cỏ. Hoa hồng mùa hè: hồng trắng, hồng đỏ thắm, hồng vàng. Hương thơm ngọt ngào nồng đượm trong đêm. Những bông hoa hồng dịu, bợt màu dưới ánh trăng, nom gần như màu tro. Tro của hoa hồng, tro của hoa hồng”. Hình ảnh ấy đã khắc sâu trong tâm trí Ralph sau này khi mỗi lần nhớ đến Meggie “một bông hồng phơn phớt màu tro nhợt nhạt…để cha giữ làm kỉ niệm về con”. “Tro của hoa hồng” phải chăng là sắc màu tình yêu của hai người? Một tình yêu đẹp như hoa hồng nhưng cũng buồn thương như màu của tro?

“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” là bản nhạc buồn thương, là viên ngọc quý trong kho tàng văn học thế giới. Sau khi khép trang sách lại, tôi đã nhận ra được nhiều cái đẹp, đặc biệt là nét đẹp tình yêu như Gacxia Marquez đã nói: “Từ khi mới nhen nhóm sự sống trên trái đất, phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở, chỉ để làm đẹp mà thôi. Cũng đã phải trải qua 4 kỷ địa chất, con người mới hát hay hơn chim và mới chết vì yêu.”

– Tuyết Phạm

Trích dẫn Tiếng chim hót trong bụi mận gai

“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra là truyền thuyết nói như vậy”.

“Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo qui luật bất di bất dịch của thiên nhiên; bản thân nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế!”.

“… Trong mỗi chúng ta đều có một cái gì mà dù có gào khóc thế nào đi nữa ta cũng không vượt qua được nó. Chúng ta là như thế và không làm thế nào được. Như con chim nọ trong một truyền thuyết cổ của dân tộc Celtic: lao ngực vào chiếc gai của bụi mận, và khi trái tim bị xuyên thủng thì cất tiếng hót và chết dần. Nó không thể làm khác đi được, số phận nó là như thế. Cho dù chính ta biết rằng ta sảy chân, thậm chí biết trước khi ta đi bước đầu tiên thì điều đó cũng không ngăn giữ được gì, không thể thay đổi được gì, phải không nào?

Mỗi người hát bài ca của mình và tin chắc rằng chưa bao giờ thế gian nghe thấy bài nào hay hơn. Chẳng lẽ anh không hiểu sao? Chính chúng ta tự tạo ra cho mình những chiếc gai nhọn và thậm chí không nghĩ đến việc ta phải trả một giá như thế nào. Rồi sau đó chỉ còn việc chịu đựng và tự nhủ rằng ta đau khổ không phải là vô ích…”

“Chẳng bao giờ có ai trải qua được nỗi đau của người khác, số phận dành cho mỗi người nỗi đau riêng.”