Tiểu sử Steve Jobs

Tiểu sử Steve Jobs

Tiểu sử Steve Jobs

Tác giả : Walter Isaacson

Cuốn sách Steve Jobs (Steve Jobs – 2011) đã mở ra một cuộc đời đầy ắp những biến cố thăng trầm của Steve Jobs, một ông trùm kinh doanh sáng tạo và là nhà sáng lập ra hãng điện tử Apple. Cuốn sách cũng thuật lại hành trình Steve Jobs vươn tới đỉnh cao từ những năm tháng sử dụng chất thức thần LSD (một loại thuốc ảo giác mạnh), là tín đồ của các thuyết tâm linh cho đến khi trở thành biểu tượng giới công nghệ trên toàn thế giới.

Ai nên đọc cuốn sách này?

Những độc giả quan tâm đến cuộc sống sáng tạo đầy ắp những thử thách cam go của Steve Jobs

Những độc giả muốn học hỏi bí quyết giúp Apple đạt được những thành công vang dội như ngày nay

Những độc giả được truyền cảm hứng từ những người sáng tạo ra những cải tiến công nghệ vượt trội

Tác giả cuốn sách này là ai?

Walter Isaacson là nhà viết tiểu sử và nhà văn người Mỹ. Ông từng là Tổng biên tập của tạp chí TIME, CEO và Chủ tịch của kênh CNN. Isaacson còn là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất như Einstein – Cuộc Đời Và Vũ Trụ (Einstein: His Life and Universe), Benjamin Franklin: Một Cuộc Đời Mỹ (Benjamin Franklin: An American Life) và Chân Dung Những Người Con Nước Mỹ (American Sketches).

Thực hiện tóm tắt: Ứng dụng Sách Checkit 

0. Vì sao cuốn sách này dành cho bạn? Cuốn sách chia sẻ bí quyết giúp Apple trở thành biểu tượng công nghệ trên toàn thế giới.

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận vai trò của Steve Jobs trong việc tạo ra một thế giới hiện đại, thế giới của những “con mọt máy tính và di động” như hiện nay.

Là một người cầu toàn và chuyên tâm, Jobs đã sớm có tầm nhìn với mong muốn thay đổi cả thế giới thông qua công nghệ.

Cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu rằng chính tính cầu toàn và nghiêm túc khi làm việc đã giúp Steve Jobs gặt hái được rất nhiều thành công. Trong mối quan hệ với nhân viên và đối tác, ông được xem là người rất nghiêm khắc và hay nóng giận – mặc dù ông cho rằng ông sử dụng cách đó để giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn.

Cuốn sách sẽ phác hoạ bức tranh về cuộc sống đầy hấp dẫn của một trong những biểu tượng công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất trong thời đại của chúng ta. Đồng thời, cuốn sách cũng đưa đến câu chuyện thú vị về việc tại sao những chiêu trò tinh nghịch lại chính là cơ sở nền tảng cho mối quan hệ hợp tác tạo nên một trong những công ty công nghệ giá trị nhất thế giới ngày nay.

Trong cuốn sách, bạn sẽ khám phá:

  • tập thiền và sử dụng chất thức thần LSD đã giúp Jobs tạo ra các tiện ích công nghệ như ngày nay như thế nào;
  • lý do những nhân vật như Woody hay Buzz Lightyear không thể xuất hiện nếu không có Steve Jobs;
  • lý do Jobs tin rằng ông có thể chữa khỏi căn bệnh ung thư của mình chỉ bằng việc châm cứu và ăn trái cây.

1. Chính người cha đa tài và người bạn thân tinh nghịch đã bồi đắp tình yêu kỹ thuật và thiết kế cho Jobs

Steve Jobs sinh ngày 24/2/1955, cha mẹ ruột của ông là Abdulfattah Jandali và Joanne Schieble.

 

Tuy nhiên Jandali và Schieble đã không thể nuôi ông do gia đình mẹ ông theo đạo Thiên chúa và cương quyết phản đối bà kết hôn với một người đàn ông Hồi giáo. Cũng vì lẽ đó, họ buộc phải đem đứa con của mình đi làm con nuôi.

Cặp vợ chồng Paul và Clara Jobs sống tại Thung lũng Silicon đã quyết định nhận nuôi ông và đặt tên ông là Steve.

Paul Jobs là một kỹ sư cơ khí và sửa chữa ô tô, tại đây ông đã cho Steve những trải nghiệm đầu tiên về kỹ sư và thiết kế.

Từ khi Steve còn nhỏ, Paul đã cố gắng truyền tình yêu cơ khí của mình cho cậu con trai. Steve vẫn nhớ ông hoàn toàn bị ấn tượng bởi sự lành nghề và khéo léo của cha mình khi làm việc. Nếu họ cần một cái tủ, cha ông sẽ làm nó và khuyến khích ông tham gia cùng.

Ngôi nhà của gia đình Jobs được xây dựng bởi Eichler – một kiến trúc sư với tư tưởng thiết kế những ngôi nhà đơn giản, hiện đại phù hợp với “mọi người”. Với tư tưởng ấy, Eichler đã xây dựng nên ngôi nhà chi phí thấp với kiến trúc tường kính cao từ sàn đến trần nhà và hệ thống thông sàn. Chính điều này đã ảnh hưởng tới Steve và nuôi dưỡng trong ông niềm đam mê thiết kế những sản phẩm đơn giản mà trang nhã.

Sau đó, Steve Jobs đã gặp Steve Wozniak tại trường trung học và 2 người nhanh chóng kết bạn.

Wozniak – một cậu bé lớn hơn Jobs 5 tuổi rất say mê máy tính và cũng nhờ có người bạn của mình mà Steve Jobs đã học được rất nhiều thứ.

Jobs và Wozniak là những chàng trai trẻ điển hình và thích thú với những chiêu trò nghịch ngợm. Cả hai đều có niềm đam mê mãnh liệt với thế giới điện tử với mong muốn sáng tạo ra những thiết bị kỳ diệu.

Với niềm đam mê mãnh liệt, Jobs và Wozniak đã cho ra mắt sản phẩm đầu tiên năm 1971 mang tên Blue Box (tạm dịch Chiếc hộp xanh), thiết bị cho phép người dùng gọi điện đường dài miễn phí.

Để tạo ra phiên bản điện tử Blue Box, Wozniak nhận nhiệm vụ thiết kế còn Jobs đã biến các phát minh của Wozniak thành những sản phẩm kinh doanh thương mại. Giá gốc của sản phẩm là 40 đô la và được bán thành phẩm với giá 150 đô la.

Họ đã bán được gần 100 sản phẩm, điều này đã bồi đắp thêm sự tự tin cho hai chàng trai trẻ với khả năng thiết kế của Wozniak và tầm nhìn của Jobs. Chính phi vụ mạo hiểm Blue Box là cơ sở nền tảng cho Apple ngày nay.

2. Tâm linh, chất thức thần LSD và nghệ thuật đã khơi nguồn thẩm mỹ và khả năng tập trung cao độ của Jobs.

Vào cuối những năm 60, tính tò mò và ưa trải nghiệm trong giới trẻ cùng với văn hóa hippie phóng khoáng tự do bắt đầu hòa trộn với nhau.

 

Bên cạnh niềm đam mê với toán học, khoa học và điện tử, Jobs còn đắm mình vào lối sống phản văn hoá và bắt đầu sử dụng chất thức thần LSD.

Sau đó, Jobs nhận thấy khiếu thẩm mỹ và khả năng tập trung cao độ mà ông có được là từ trải nghiệm sử dụng thuốc thức thần và nhận thức về tâm linh.

Năm 1972, Jobs đăng ký vào trường Cao đẳng Reed, một trường tư thục tự do thuộc nhóm các trường khoa học nghệ thuật ở Oregon. Tại đây, ông đã quan tâm đặc biệt đến thiền và bắt đầu sử dụng thuốc thức thần LSD cùng với bạn bè.

Thiền và trải nghiệm sử dụng chất thức thần LSD đã giúp ông nhận thức được những điều quan trọng trong cuộc sống. LSD giúp ông thấy được những nhận thức mới lạ về mọi thứ, chính điều này đã giúp ông sáng tạo ra những thứ tuyệt vời và khiến mọi người nhớ mãi.

Jobs đã đến Ấn Độ và du ngoạn 7 tháng tại đây với mong muốn khám phá tâm linh phương Đông. Thiền Phật giáo đã trở thành một phần trong nét tính cách của ông, ảnh hưởng sâu sắc tới khiếu thẩm mỹ tinh tế và giúp ông nhận thức được sức mạnh và tầm quan trọng của trực giác.

LSD và tâm linh đã giúp ông nâng cao khả năng tập trung cao độ và và ông được biết đến với tài bóp méo sự thật: khả năng thuyết phục và tạo ảnh hưởng tới người khác, sẵn sàng bẻ cong mọi thứ theo ý muốn của mình.

Một yếu tố nữa giúp định hình khiếu thẩm mỹ tinh tế đơn giản của Jobs đó là niềm đam mê nghệ thuật. Chính vì thế mà trong suốt sự nghiệp của mình, ông luôn nhấn mạnh thiết kế của các sản phẩm Apple phải hướng tới sự đơn giản và tinh tế.

Ông đã nung nấu ý tưởng này trong suốt thời sinh viên. Mặc dù ông đã quyết định bỏ học nhưng ông vẫn được phép tham gia dự thính các lớp. Trong số các lớp học đó, phải kể đến lớp học thư pháp. Tại đây ông đã học được những kỹ năng mà sau này giúp ông áp dụng vào giao diện đồ hoạ thân thiện với người dùng của máy tính Mac Apple.

3. Sự tích quả táo cắn dở

Có một sự kết nối kỳ lạ giữa tâm linh, chất thức thần LSD và ngành công nghiệp máy tính. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1970, rất nhiều người đã nhận thấy những chiếc máy tính là biểu tượng phản ánh của từng cá nhân.

 

Mặc dù đang đắm chìm trong LSD và thiền, Jobs đã bắt đầu suy nghĩ về hoạt động kinh doanh. Cũng tại thời điểm đó, bạn của ông, Steve Wozniak cũng đã nảy ra những ý tưởng về máy tính cá nhân hiện đại.

Trong những ngày đầu của cuộc cách mạng công nghệ tại thung lũng Silicon, Steve Wozniak đã tham gia vào Câu lạc bộ máy tính Homebrew – nơi những “con mọt máy tính” gặp nhau và trao đổi ý tưởng. Đây còn là nơi phát triển triết lý rằng công nghệ và phản văn hoá là một sự giao thoa hoàn hảo.

Tại đây, Wozniak đã có ý tưởng của riêng mình. Khi đó, những chiếc máy tính cần một vài phần cứng để có thể hoạt động được, điều này khiến cho việc sử dụng gặp nhiều khó khăn. Wozniak đã tưởng tượng ra một thiết bị khép kín với bàn phím, màn hình và máy tính – “tất cả trong một”.

Ban đầu, Wozniak chỉ tính đến việc thiết kế ra những chiếc máy tính miễn phí theo đúng tinh thần của câu lạc bộ Homebrew. Tuy nhiên, Jobs khẳng định rằng họ nên kinh doanh dựa trên phát minh của Wozniak.

Vì vậy vào năm 1976, chỉ với số vốn khởi nghiệp là 1.300 đô la, Wozniak và Jobs đã quyết định thành lập hãng máy tính Apple.

Jobs đã đến thăm trang trại táo vào ngày họ phải lên ý tưởng cho tên của ông ty. Và cái tên “Apple” (quả táo) cứ vấn vương trong tâm trí ông mãi vì nó gợi lên sự đơn giản, vui vẻ và quen thuộc. Chính vì vậy, ông đã quyết định đặt tên cho công ty mình là “Apple”.

Wozniak và Jobs đã làm việc hết sức cật lực trong suốt 1 tháng để chế tạo ra 100 chiếc máy tính. Hơn một nửa số máy tính được bán cho các đại lý máy tính trong nước và số còn lại được bán cho bạn bè và các khách hàng khác.

Chỉ sau 30 ngày, chiếc máy tính đầu tiên của Apple mang tên Apple I đã tạo ra được lợi nhuận.

Jobs và Wozniak đã cùng nhau làm việc để tạo nên một đội vững mạnh – Wozniak là bậc thầy trong lĩnh vực kỹ thuật trong khi Jobs lại là một người có tầm nhìn, có tài dự đoán những chiếc máy tính cá nhân có thể thay đổi cả thế giới.

4. Jobs là người ham muốn quyền kiểm soát, nóng tính và cầu toàn

Những ai biết Steve Jobs đều có chung quan điểm ông là một người có tính khí thất thường và thậm chí có chút kỳ quặc. Nếu không đáp ứng được yêu cầu mà ông đặt ra, ông sẽ trở nên tức giận và có thể lăng mạ nhân viên.

Điều gì khiến cho Jobs ham muốn quyền kiểm soát và nóng tính như vậy?

Thực tế, ông là một người sùng bái chủ nghĩa hoàn hảo tuyệt đối. Ông luôn mong muốn bản thiết kế Apple II phải thật hoàn hảo, tích hợp đầy đủ các tính năng của một chiếc máy tính. Apple II đã được ra mắt vào năm 1977 với thành công vang dội, và để làm được điều đó, mọi người trong công ty đều phải vắt kiệt sức lực và tinh thần.

Jobs luôn cảm thấy nhân viên làm việc chưa đủ tốt, ông buông lời phàn nàn về các bản thiết kế và thậm chí còn chú ý đến những khuyết điểm nhỏ nhặt nhất.

Khi Apple trở thành một công ty, tính khí của ông còn khó chịu hơn nữa. Sau dần, Mike Scott đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Apple với nhiệm vụ chính là kiểm soát những cơn phẫn nộ của Jobs.

Scott là người duy nhất phải đối đầu với Jobs. Giữa hai người thường có nhiều bất đồng, Jobs đôi khi đã nổi giận đùng đùng và thậm chí còn khóc lóc vì đối với ông, việc mất đi quyền kiểm soát Apple là một việc khó mà chấp nhận được.

Jobs gần như phát điên khi Scott luôn đặt giới hạn cho chủ nghĩa hoàn hảo của ông. Tuy nhiên Scott không không bao giờ muốn đặt niềm đam mê hoàn hảo của Jobs lên trên chủ nghĩa thực dụng.

Thiết kế vỏ máy của Apple II là một trong nhiều ví dụ. Jobs không vừa ý với bất kỳ tông màu nào trong số 2.000 tông màu be, thậm chí ông đã khổ sở nhiều ngày đêm suy nghĩ nên làm thiết kế các góc máy như thế nào. Trong khi đó, Scott chỉ muốn nhận được quyết định cuối cùng, sau đó sản xuất và kinh doanh sản phẩm.

Tuy nhiên các xung đột cá nhân vẫn còn trong tầm kiểm soát vì công ty vẫn đang hoạt động tốt.

5. Máy tính Macintosh đã đưa Jobs trở thành biểu tượng công nghệ, nhưng chính tính cách của ông đã khiến ông bị sa thải

Apple II đã được bán ra thị trường với gần 6 triệu giao dịch. Hơn bất kỳ dòng máy nào khác, Apple II đã mở ra ngành công nghiệp máy tính cá nhân.

Tuy nhiên đối với Jobs, đây không hoàn toàn là một thành công vì Apple II là kiệt tác của Wozniak chứ không phải của riêng ông.

Jobs muốn tạo ra một cỗ máy mà theo như lời ông “sẽ tạo ra vết lõm trong vũ trụ”. Với hoài bão to lớn, ông đã bắt đầu làm việc trên máy Macintosh – chiếc máy này là tiếp nối thành công của Apple II trong ngành công nghiệp máy tính cá nhân và giúp ông trở thành một biểu tượng công nghệ.

Nhưng Macintosh không phải là phát minh của riêng Jobs mà thực tế ông đã đánh cắp dự án Macintosh từ cha đẻ của nó là Jef Raskin– một chuyên gia về giao diện người – máy tính. Jobs đã bòn rút ý tưởng và tạo ra một chiếc máy tính có bộ vi xử lý mạnh mẽ, tích hợp các giao diện tinh tế và được điều khiển bằng con chuột.

Máy tính Macintosh đã đem lại thành công tuyệt vời, một phần là nhờ chiến dịch quảng cáo rầm rộ, trong đó có một quảng cáo thương mại làm náo động dư luận – mà nay được biết đến là quảng cáo “1984” – do nhà làm phim Holywood Ridley Scott sản xuất. Gắn liền với đó, sự ra đời của Macintosh còn đem lại một loạt các hiệu ứng cộng đồng cho Jobs cũng như sản phẩm của ông.

Khôn ngoan hơn bao giờ hết, Jobs đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn cấp cao với nhiều tạp chí nổi tiếng bằng cách thao túng các nhà báo, khiến họ nghĩ rằng buổi phỏng vấn này là một buổi phỏng vấn “độc quyền”.

Và chiến lược này đã giúp Jobs trở nên giàu có và nổi tiếng. Rất nhiều người nổi tiếng biết đến ông, chẳng hạn, tại sinh nhật lần thứ 30, ca sỹ Ella Fitzgerald đã đến chung vui cùng ông và hát mừng.

Tuy nhiên, tính cách đặc biệt này của ông vừa giúp việc ra mắt Macintosh thành công nhưng cũng khiến ông bị sa thải.

Chủ nghĩa cầu toàn và hành vi áp bức nhân viên tại Apple vẫn liên tục tiếp diễn. Nếu có ai không quan tâm đến sự hoàn hảo của ông, ông sẽ thẳng thừng gọi họ là “đồ khốn”.

Tính cách kỳ quặc của Jobs đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong công ty. Và vào năm 1985, Ban giám đốc Apple đã ra quyết định sa thải ông.

6. Jobs gắn bó với NeXT và sau đó là Pixar – một công ty đi đầu về sản xuất phim hoạt hình

Bình tâm sau trải nghiệm cay đắng tại Apple, ông thừa nhận sự ra đi là cần thiết để ông có thời gian làm những thứ mình muốn và theo đuổi những mặt tốt và xấu của bản thân.

Jobs đã thành lập công ty NeXT với mục đích bán những chiếc máy tính cho trường học.

Dự án NeXT đã cho ông cơ hội thoả sức với niềm đam mê thiết kế. Ông đã trả 100.000 đô la để thuê người thiết kế logo và nhấn mạnh rằng các mặt của chiếc vỏ máy tính NeXT cần phải tạo thành khối vuông hoàn hảo.

Nhưng chính sự cầu toàn của ông khiến cho việc thiết kế và sản xuất gặp nhiều khó khăn. Các mặt có hình khối vuông của chiếc vỏ máy tính cần phải sản xuất riêng rẽ và chi phí cho các khuôn cần thiết cho vỏ máy lên đến 650.000 đô la.

Tính cầu toàn kiên quyết của Jobs đã rung lên hồi chuông báo tử cho NeXT. NeXT đã phải đối mặt với tình trạng tài chính khánh kiệt, ngày ra mắt bị đẩy lùi trong suốt vài năm và giá thành máy quá đắt. Với giá thành cao mà thư viện phần mềm nhỏ, NeXT đã hầu như không tạo được bước chuyển nào trong ngành công nghiệp máy tính.

Cùng thời gian đó, Jobs đã dùng tiền mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty Pixar. Trên cương vị là một người chủ tịch, Jobs luôn cho rằng công nghệ và nghệ thuật là một sự giao thoa hoàn hảo.

Vào năm 1988, Jobs đã ném gần 50 triệu đô vào Pixar, và cùng thời điểm đó ông cũng bị mất một số lượng tiền lớn tại NeXT.

Sau nhiều năm chật vật về tài chính, công ty đã cho ra đời bộ phim Tin Toy. Bộ phim giới thiệu về tầm nhìn độc nhất của Pixar về hoạt hình máy tính. Tin Toy đã chiến thắng Oscar năm 1988 với giải thưởng bộ phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất.

Do đó, Jobs nhận thấy rằng ông nên chuyển trọng tâm từ các sản phẩm phần cứng và phần mềm sang Pixar – một công ty chuyên sản xuất các bộ phim hoạt hình thú vị và có khả năng sinh lời.

Sau đó, Pixar đã hợp tác với Disney sản xuất bộ phim truyện đầu tiên mang tên Toy Story. Bộ phim được ra mắt vào năm 1996 và trở thành bộ phim có doanh thu hàng đầu trong năm.

Khi Pixar đi vào hoạt động công khai, 80% cổ phần của công ty do Jobs nắm giữ đã có giá trị gấp 20 lần so với vốn đầu tư ban đầu, tương đương với con số khổng lồ 1,2 tỷ đô.

7. Rời xa Apple, Jobs có thể hàn gắn lại với gia đình của mình

Trong suốt 12 năm rời xa Apple, ngoài việc học hỏi không ngừng ông còn gặt hái được nhiều điều trong cuộc sống đời tư.

 

Sau khi mẹ nuôi của ông qua đời năm 1986, ông đã cảm thấy tò mò về nguồn gốc của mình và quyết định đi tìm người mẹ ruột.

Cuối cùng, ông đã tìm thấy mẹ của mình, bà Joanne Schieble. Bà đã rất xúc động khi gặp lại con trai và xin lỗi vì đã để ông đi làm con nuôi.

Jobs cũng rất ngạc nhiên khi biết mình còn có một người em gái là Mona Simpson. Cả ông và em gái của mình đều say mê nghệ thuật, có ý chí mạnh mẽ và dần dần cả hai đã trở nên thân thiết hơn.

Simpson đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết mang tên A Regular Guy vào năm 1996. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết được xây dựng dựa trên tính cách của Jobs và nhiều đặc điểm không mấy tốt đẹp của ông. Nhưng vì không muốn giận người em gái nên ông không bao giờ đọc cuốn tiểu thuyết này.

Trong thời gian này Jobs đã quen Laurene Powell. Hai người đã kết hôn vào năm 1991 dưới sự chủ trì của một nhà sư Phật Thiền. Họ có ba người con là Reed, Erin và Eve.

Nhờ sự khích lệ của Powell, Jobs đã cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho Lisa Brennan, người con gái ruột của ông với mối tình đầu.

Jobs cố gắng để trở thành một người cha gần gũi hơn với Lisa và sau dần cô đã chuyển đến và sống chung với ông và Powell cho đến khi cô theo học trường Đại học Havard.

Lisa đã thừa hưởng tính khí nóng nảy của cha mình. Và cả hai đều không giỏi bắt chuyện cũng như sửa đổi tính cách, chính vì lẽ đó mà mặc dù cả hai ở gần nhau nhưng cũng không ai chịu mở lời nói chuyện.

Cách Jobs quan hệ với mọi người trong đời sống riêng tư cũng khá giống với tính cách của ông tại nơi làm việc. Cách giao tiếp của ông chỉ có hai thái cực: một là cực kỳ tâm huyết, hai là cực kỳ lạnh lùng.

8. Trở lại, vực dậy Apple và nắm trong tay chiếc ghế CEO

Nhiều năm sau khi sa thải Jobs, Apple bắt đầu tụt dốc.

 

Để ngăn chặn tình trạng này, Gil Amelio đã được bổ nhiệm chức CEO năm 1996. Để có thể đưa Apple quay về đúng hướng, Amelio nghĩ ông cần phải xây dựng một công ty với nhiều ý tưởng  mới mẻ hơn.

Vào năm 1997, Amelio đã mua phần mềm của NeXT và đưa Jobs quay trở lại Apple với tư cách l cố vấn.

Khi quay trở lại, Jobs đã nắm trong tay nhiều quyền kiểm soát. Ông đã âm thầm xây dựng quyền lực bằng việc sắp xếp những nhân viên mà ông yêu thích tại NeXT nắm giữ những chức vụ cao tại Apple.

Trong suốt thời gian này, Ban lãnh đạo Apple nhận ra Amelio không thể là vị cứu tinh của Apple, thay vào đó họ đã tin tưởng lựa chọn Jobs.

Ban lãnh đạo đã đề xuất cho Jobs nắm giữ vị trí CEO của Apple. Song, Job đã từ chối và bày tỏ mong muốn tiếp tục làm việc dưới vị trí cố vấn và sẽ giúp công ty tìm một CEO mới.

Jobs đã sử dụng vị thế của mình là một cố vấn để gia tăng ảnh hưởng của mình tại Apple. Ông thậm chí còn buộc Ban lãnh đạo từ chức – những người đã từng đề bạt ông lên làm CEO – vì Jobs cảm thấy những người này đang làm chậm tiến độ thay đổi công ty của ông.

Là một cố vấn, Jobs cũng thiết lập mối quan hệ với đối thủ Microsoft, xây dựng một phiên bản mới của bộ Microsoft Office cho máy tính Mac, kết thúc một thập kỷ tranh chấp pháp lý và giúp giá cổ phiếu của Apple tăng vọt.

Cuối cùng sau nhiều lần do dự, Jobs đã trở thành CEO và yêu cầu công ty tái tập trung tạo ra ít sản phẩm hơn nhưng chất lượng hơn.

Jobs đã chốt được các giao dịch cấp phép với một vài nhà sản xuất máy tính khác. Ông quyết định chỉ tập trung sản xuất các loại máy tính chính: máy tính để bàn và máy tính xách tay cho thị trường khách hàng chuyên nghiệp và người tiêu dùng thông thường.

Năm 1997, Apple thua lỗ 1,04 tỷ đô. Nhưng cho đến năm 1998, tròn 1 năm Jobs lên làm CEO, công ty đã đạt lợi nhuận khoảng 309 triệu đô. Như vậy, Jobs chính là người đã cứu rỗi công ty.

9. Thiết kế có tầm nhìn xa và ý tưởng táo bạo giúp iMac và cửa hiệu Apple đầu tiên thành công ngoạn mục

Jobs có khả năng phát hiện những thiên tài. Ông đã nhận ra tài năng của nhà thiết kế Jony Ive. Ông đã giúp Ive trở thành người quyền lực thứ hai trong công ty, chỉ sau ông. Cả hai đã thiết lập mối quan hệ biến họ trở thành bộ đôi thiết kế công nghiệp tuyệt vời nhất trong thời kỳ của mình.

iMac là sản phẩm đầu tiên do Jobs và Ive cùng thiết kế. Chiếc máy tính để bàn này có giá khoảng 1.200 đô và được thiết kế để bán đại trà.

Jobs và Ive đã gặp phải những thách thức liên quan đến hình dáng của chiếc iMac. Cuối cùng hai người đã chọn màu xanh mờ cho vỏ chiếc iMac. Từ cấu trúc cho đến hình dáng của chiếc máy tính đều phản ánh sự cầu toàn của hai người. Chính nhờ thiết kế này đã làm cho chiếc máy tính có diện mạo vui tươi hơn.

iMac đã được ra mắt vào tháng 5 năm 1998 và trở thành chiếc máy tính bán chạy nhất trong lịch sử Apple.

Tuy nhiên Jobs lo sợ các sản phẩm đặc trưng của Apple sẽ có thể bị hoà lẫn với các sản phẩm của các hãng công nghệ khác. Vì vậy ông đã xây dựng cửa hiệu Apple để giúp công ty kiểm soát toàn bộ quy trình bán lẻ.

Do Tập đoàn máy tính Gateway đã thất bại thảm hại sau khi mở các cửa hiệu bán lẻ nên Ban lãnh đạo của Apple đã không tán thành ý kiến của ông. Tuy nhiên, Jobs đã nhanh chóng thuyết phục được Ban lãnh đạo và họ đã nhất trí chạy thử 4 cửa hiệu Apple.

Jobs đã bắt đầu bằng việc xây dựng cửa hàng mẫu, trang trí nội thất và chăm chút từng chi tiết với tính thẩm mỹ cao. Trong suốt quá trình xây dựng, ông luôn hướng tới sự đơn giản tinh tế, từ khoảnh khoắc khách hàng bước vào cửa hàng cho đến khi họ ra về.

Vào tháng 5 năm 2001, cửa hàng đầu tiên đã được khai trương đánh dấu thành công to lớn của Apple. Bản thiết kế chi tiết của Jobs đã nâng hình ảnh thương hiệu và hoạt động bán lẻ của Apple lên một tầm cao mới.

Thực tế, cửa hàng tại Manhattan đã dần trở thành cửa hàng có doanh thu cao nhất trong số các cửa hàng tại New York như Saks Fifth Avenue và Bloomingdale.

10. Jobs đã tạo ra iPod, iPhone và iPad với mong muốn kiểm soát toàn bộ trải nghiệm kỹ thuật số

Tiếp nối thành công của iMac và cửa hiệu Apple, Jobs đã có một chiến lược mới với tầm nhìn là tạo ra một chiếc máy tính cá nhân là trung tâm của phong cách sống kỹ thuật số mới.

Ông gọi đó là chiến lược trung tâm kỹ thuật số.

Trong chiến lược này, máy tính cá nhân sẽ được xem như một trung tâm điều khiển các thiết bị khác nhau như máy chơi nhạc hay camera chụp ảnh quay phim.

Vì vậy Jobs đã quyết định máy nghe nhạc di động sẽ là sản phẩm tiếp theo của Apple.

Vào năm 2001, Apple ra mắt iPod, một thiết bị đi kèm bánh xe điều khiển cho phép người dùng nhấn vào các nút tương tác khi phát với màn hình nhỏ và công nghệ ổ cứng mới.

Giới phê bình đã tỏ ra hoài nghi với mức giá 399 đô cho một chiếc máy nghe nhạc, nhưng chính khách hàng là người chứng minh iPod đã đạt được rất nhiều thành công. Cho đến năm 2007, doanh thu bán iPod đã chiếm một nửa doanh thu của toàn công ty.

Thiết kế một chiếc điện thoại di động Apple chính là bước đi tiếp theo. Vì Jobs lo sợ các chiếc điện thoại di động có tích hợp máy nghe nhạc sẽ khiến cho những chiếc iPod của ông trở nên dư thừa.

Vào năm 2007, Apple đã cho ra mắt phiên bản đầu tiên của iPhone. Chiến iPhone được trang bị hai công nghệ chính: màn hình cảm ứng giúp chiếc máy điện thoại có thể xử lý nhiều thao tác cùng một lúc và màn hình cường lực chống vỡ, hay còn gọi là kính cường lực Gorilla Glass.

Một lần nữa, giới phê bình lại hoài nghi về chiến lược của Apple, rằng không ai sẵn sàng trả 500 đô cho một chiếc điện thoại – và một lần nữa Jobs lại chứng minh rằng họ đã sai. Vào cuối năm 2010, lợi nhuận thu được từ việc bán iPhone đã chiếm hơn 1 nửa tổng lợi nhuận thu được trên thị trường điện thoại di động toàn cầu.

Bước cuối cùng trong chiến lược của Jobs là cho ra mắt máy tính bảng iPad.

Apple đã chính thức cho ra mắt iPad vào tháng Giêng năm 2010. Tuy nhiên đã có nhiều thông tin bị rò rỉ trước khi mẫu iPad này được ra mắt.

Mặc dù vậy, việc ra mắt iPad vẫn đem lại nhiều thành công vang dội. Thực tế, Apple đã bán được hơn 1 triệu chiếc iPad chỉ trong tháng đầu tiên và 15 triệu chiếc trong chín tháng đầu.

Sự ra mắt của iPod, iPhone và iPad đã thể hiện rằng chiến lược trung tâm kỹ thuật số của Jobs giúp mang lại thành công trong việc chuyển hoá ngành công nghệ cho người tiêu dùng.

11. Hệ thống khép kín hoàn hảo của Jobs là chiếc gương phản chiếu cho đam mê kiểm soát của ông

Xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp, Jobs luôn duy trì một hệ thống khép kín và tích hợp chặt chẽ nhằm đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Thông qua ý tưởng này, Jobs muốn đảm trách toàn bộ các trải nghiệm của khách hàng thay vì để khách hàng tự sửa chữa hay sử dụng những thứ của người khác tạo ra.

Niềm đam mê kiểm soát này đã tạo ra một vài xung đột đặc biệt là với Microsoft và Google.

Bill Gates của Microsoft đã có cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với kinh doanh và công nghệ. Ông mong muốn cấp phép cho các nhà sản xuất bên thứ ba xây dựng hệ thống hoạt động và phầm mềm cho công ty ông. Thực tế, Gates đã viết phần mềm cho máy tính Macintosh.

Mối quan hệ kinh doanh thân thiện đã không còn nữa mà giờ đây hai thiên tài Jobs và Gates đã trở thành địch thủ.

Khi Gates sản xuất hệ điều hành Windows, Jobs đã buộc tội ông sao chép ý tưởng từ giao diện đồ hoạ Macintosh. Tuy nhiên, sự thật là cả hai hệ điều hành của hai công ty đều đã “bòn rút” ý tưởng từ công ty công nghệ Xerox.

Vào cuối sự nghiệp của mình, Jobs cũng lại một lần nữa đối đầu với Google. Trong bản thiết kế hệ điều hành Android, Jobs chỉ ra Google đã sao chép rất nhiều thứ từ tính năng chữ ký của iPhone.

Mặc dù cả Microsoft và Google đều tin rằng để có sự cạnh tranh công bằng, hai bên cần xác định công nghệ nào tốt hơn cả. Nhưng sau cùng, Jobs vẫn luôn khẳng định Google đã đánh cắp ý tưởng của Apple.

Nhưng mục tiêu của Jobs không chỉ dừng lại ở việc đánh bại các công ty đối thủ. Jobs còn luôn đấu tranh không ngừng để hướng đến sự hoàn hảo cho Apple, ông luôn yêu cầu nhân viên phải làm việc hết mình nếu không muốn bị sa thải. Đối với Jobs, Apple sẽ không có chỗ cho bất cứ ai làm việc kém hiệu quả.

Bất cứ khi nào ông thấy một nhân viên nào đó không phải “nhân viên hạng A” và không làm đủ 90 tiếng một tuần, ông thường không quan tâm lý do mà sẽ đuổi việc họ ngay lập tức.

Khi đối tác không thể cung cấp đủ chip máy tính đúng thời hạn cho công ty ông, Jobs đã xông thẳng vào một cuộc họp và bắt đầu la hét với những từ ngữ vô cùng thô tục, thậm chí ví họ là “thằng khốn nạn”. Hành động này chính là một trong những biểu hiện của tính cầu toàn và hay cáu gắt của ông.

12. Sai lầm khi điều trị ung thư và qua đời năm 2011

Lần đầu tiên ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư là khi ông đi kiểm tra đường tiết niệu định kỳ vào tháng 10 năm 2003.

 

Thật không may, cách ông chiến đấu với bệnh ung thư của mình cũng giống như cách ông khắc phục các vấn đề trong các bản thiết kế của ông: ông bỏ qua những phương pháp vốn có và chỉ sử dụng phương pháp của riêng mình để điều trị.

Ông đã từ chối phẫu thuật trong suốt 9 tháng và chỉ áp dụng biện pháp châm cứu và chế độ ăn chay. Nhưng khối u ung thư phát triển ngày càng to và cuối cùng ông vẫn phải trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ nó.

Nhưng ngay cả khi căn bệnh ung thư của ông bị tái phát vào năm 2008, ông vẫn kiên quyết áp dụng chế độ chỉ ăn một vài loại rau củ, quả nhất định. Chính điều đó đã khiến ông sút tới 40 pound.

Cuối cùng, mọi người cũng đã thuyết phục được ông để tiến hành cuộc phẫu thuật cấy ghép gan. Sau đó, sức khoẻ ông ngày càng yếu hơn và khó có thể hồi phục.

Jobs qua đời vào năm 2011. Ông để lại sau lưng một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới.

Những gì Jobs đã làm trong suốt cuộc đời ông là sáng tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Trước khi qua đời ông đã nói: “Tôi đã rất may mắn khi có một công việc tuyệt vời, một cuộc sống tuyệt vời. Tôi đã làm tất cả những gì mà tôi có thể”.

Tính cách của Jobs đã phản ánh đầy đủ trong các sản phẩm sáng tạo của ông, chẳng hạn các sản phẩm Apple là sản phẩm có hệ thống khép kín và tích hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm.

Mặc dù Microsoft đã áp dụng chiến lược mở và để hệ điều hành Windows được cấp phép cho các phần mềm, giúp Google dẫn đầu ngành công nghiệp cung cấp hệ điều hành trong nhiều năm, nhưng mô hình của Jobs đã chứng minh các sản phẩm của Apple có nhiều lợi thế dài hạn hơn vì nó đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Trước khi qua đời, Jobs đã được chứng kiến Apple vượt qua Microsoft và vinh danh trở thành công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới.

Tổng kết

Thông điệp chính của cuốn sách:

 

Steve Jobs lớn lên tại thung lũng Silicon với sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ, chất thức thần và những con mọt máy tính. Chính tình bạn tại thung lũng Silicon là cơ sở nền tảng cho sự ra đời của Apple và cho những thay đổi sâu sắc trong thế giới công nghệ. Trong suốt cuộc đời của Jobs, ông luôn cống hiến hết mình với công nghệ, sáng tạo ra những sản phẩm kỹ thuật số với thiết kế tinh tế và giao diện thân thiện với người dùng.

 

Gợi ý đọc thêm: Cửa Hàng Bách Hoá (The Everything Store) của tác giả Brad Stone.

Với khởi đầu khiêm tốn, chính nhà sáng lập Jeff Bezos đã giúp Amazon trở thành công ty trị giá hơn tỷ đô như hiện nay. Động lực của Jeff Bezos đã được thúc đẩy bởi tầm nhìn tạo ra một cửa hàng bách hoá – một cửa hàng mà giờ đây đã thực sự thành công. Cuốn sách này tập trung chủ yếu vào các nội dung về công ty và nhà sáng lập giúp bạn hiểu được bí quyết giúp Bezos biến giấc mơ thành hiện thực như ngày nay.

 

Du Học Đồng Thịnh

Đọc hàng trăm bản tóm tắt sách khác khi tải phiên bản iOS Sách Checkit