Lần cập nhật gần nhất August 6th, 2020 – 03:00 pm
Tình và rác là câu chuyện về nhân vật “tôi” ấy, cái tôi của sự chiêm nghiệm và suy tư về cuộc sống, về văn chương, về sáng tác của Kafka và sứ mệnh của nó trước cuộc đời. Với lối kể chuyện đan xen nhiều tình tiết. Nhiều nhân vật trong những địa điểm và thời gian hoàn toàn khác nhau, Tình và rác đã cuốn hút người độc khắp nơi trên thế giới không phải bởi những gì ly kỳ, bí ẩn hay mạo hiểm giữa sự sống với cái chết mà bởi mạch suy tưởng lẫn lộn giữa thực và hư, giữa những gì đang xảy ra với những gì đã xảy ra, giữa những con người có thực này với những con người đó như ở hoàn cảnh không có thực khác. Thiên tiểu thuyết này thực sự mang dấu ấn đạm nét của nhà văn Jvan Klima, một văn phong “rất Kafka”.
Review Tình và rác (2)
“Chắc chắn cái gọi là sống ấy không chỉ có có nghĩa là làm tình thôi đâu. Không phải sao? Em chỉ thường nghĩ với anh, sống chỉ có nghĩa như thế thôi. Vậy thì cái gì, theo quan điểm của anh, có ý nghĩa cơ chứ? Ăn và ngủ? Lao đầu vào những công việc quan trọng nào đấy, hay một mảng nghệ thuật vĩ đại nào khác? Điều anh muốn nói là, con người ta không thể tự cho phép mình hưởng thụ ái tình bằng bất cứ giá nào. Giống như trả giá bằng sinh mạng của người khác.”
Đọc “Tình và rác”, tôi bị cuốn theo những dòng suy tư của nhân vật chính từ hiện tại quay ngược về quá khứ, thậm chí là cả những đoạn đối thoại đầy chất chiêm nghiệm về tình yêu và cuộc sống. Cảm giác câu chuyện giống như một dòng hồi tưởng và cũng sự kết nối giữa hiện thực và sự mơ màng của chính nhân vật. Tôi luôn đặt ra một sự nghi vấn về tính thực hư trong những chi tiết đan xen ấy. Và giá trị hiện thực của tác phẩm cũng là một sự phơi bày đầy ẩn ý. Ham mê về những hy vọng ngang trái hiện diện trong đời sống tình cảm, nó có phải là một hiện trạng đáng sợ hay không nhỉ? Tôi không rõ vì có lẽ bản thân chưa từng yêu, chưa từng rơi vào những cảm xúc như thế như cặp đôi trong “Tình và rác”. Thực lòng là không thích lắm sự trần trụi trong tính cách của cô nghệ sĩ Daria dẫu biết những lời nói của cô không hẳn là không có lý. Nhưng trong những cảm giác u uất của nhân vật thì có cảm giác như mọi mối tình đều mất đi chất lãng mạn, mất đi ý nghĩa thực sự của nó. Và có lẽ cũng chính vì tiền đề này mà sự thê lương cứ lẩn quẩn qua từng trang, cảm giác bối cảnh cứ u tối dần dần. Tôi hiểu ý của tác giả là tạo ra một mối tình ngang trái nhưng tại sao chất thơ, chất trữ tình trong vô vàn những cảm xúc của cặp đôi chính lại cứ như một góc phố chết đã bị bỏ quên không ai thèm ngó tới – một dạng cũ kĩ hư hỏng chứ không hẳn là chỗ lưu giữ những giá trị tinh thần tốt đẹp.
Có lẽ văn phong của tác giả là thế, nó cứ lẩn thẩn, mơ màng và mang chút đậm đặc của những buồn bã, u sầu hoặc có thể đây là phong cách chung của văn học Séc. Tôi đoán vậy vì bản thân chưa đọc quá nhiều các tác phẩm văn chương của nước này. Và cũng có thể là bối cảnh thời đó là thế, vốn dĩ không thể có màu sắc vui tươi, tích cực được khi mà chiến tranh, đói nghèo và cả những thối nát của xã hội đương thời. Tác giả Ivan Klíma giống như là đang cố tình đem chất hiện thực ấy vào “Tình và rác” nhưng lại với cách thức vô tình, hờ hững, không thậm xưng nhưng lại hiệu quả bất ngờ vì độc giả có thể cảm được cái quá khứ đen tối, cái tuyệt vọng của nền chính trị và cả cuộc sống hàng ngày.
Tác phẩm có đem hình tượng Kafka giống như một điểm tựa tinh thần về văn chương cho nhân vật chính nhưng tôi không quá ấn tượng với chi tiết này. Vì có lẽ cảm giác như yếu tố này hơi thừa và không bổ trợ mấy cho chủ đề xuyên suốt của câu chuyện. Với thông điệp về việc tôn trong những tác phẩm kỳ ảo vì chúng có tính hiện thực cao, vai trò của hình tượng Kafka không thực sự đem đến sự hữu dụng như ý đồ của tác giả. Bỏ qua vấn đề này thì truyện hoàn toàn thuyết phục được tôi, nhất là ở khía cạnh đa dạng hóa các nhân vật, các mốc thời gian, các địa điểm trong câu chuyện. Tư tưởng của nhân vật chính trong việc chọn công việc quét rác mà bỏ qua một chức danh dạy học ở Mỹ khiến tôi suy ngẫm nhiều. Đúng là sự trải nghiệm cuộc sống có nhiều cách khác nhau và phải chăng đây là cách dị hợm nhưng lại có thể chiêm nghiệm cuộc đời sâu sắc nhất hay không?! Nếu chỉ mãi nhìn hiện thực này dưới góc độ của một vị giáo sư hay ở bất kỳ một vị trí cao nào trong xã hội, chúng ta sẽ không thể nhận ra được những nghèo khó, cực khổ và tệ nạn trong cuộc sống. Rác cũng chính là biểu trưng của những điều tệ hại trong cuộc đời, là những bi kịch, biến cố và thậm chí là cả cái chết mà chỉ có người quét rác là thấu hiểu nhất. Và đây cũng chính là nền tảng cho chữ “tình” trong văn chương, trong hiện thực khốc liệt ấy dù cho đó là đời sống tinh thần hay vật chất thì căn nguyên của nó cũng chỉ có một mà thôi.
– Trần Nguyễn Phước Thông
LẤP ĐẦY KHOẢNG TRỐNG BÊN TRONG
Gấp lại trang cuối của tiểu thuyết “Tình và rác”, trong đầu tôi ngổn ngang, đầy ặp những hình ảnh, những đoạn đối thoại. Nhất thời tôi vô cùng bối rối. Ngồi bần thần cả giờ đồng hồ, tự mình sắp xếp lại toàn bộ nội dung câu chuyện, tôi bỗng vỡ òa trong một cảm xúc rất khó tả, giống như Archimedes đã không thể kìn lòng khi reo vang “Eureka” trong tình trạng hoàn toàn khỏa thân. Tôi tìm ra quy luật của cái mê hồn trận mà Ivan Klíma đã cài đặt trong tác phẩm.
Giống như Franz Kafka, José Saramago, James Joyce, Thomas Bernhard vv… Ivan Klíma ý thức rất rõ ràng trong cách thức thể hiện các sáng tác của mình, không chỉ về nội dung mà còn về cả hình thức trình bày tác phẩm. Trong “Tình và rác” không hề có sự phân định rạch ròi giữa các đoạn chuyển cảnh, không phân định giữa những dòng đối thoại và những dòng mô tả trần thuật, đại từ “cô ấy” được dùng để gọi cả vợ và cô nàng nghệ sĩ điêu khắc (tình nhân của nhân vật chính) vv… có thể khiến bạn đọc gặp bối rối khi đọc tác phẩm. Tuy nhiên việc trình bày tác phẩm theo hình thức đặc biệt như vậy đã khiến phần nội dung tác phẩm ấn tượng lên nhiều lần.
Nhân vật chính của tác phẩm vốn là một giảng viên đại học, một nhà văn tuổi ngoại tứ tuần bỗng nhiên từ bỏ công việc giảng dạy đầy hứa hẹn ở Mỹ, “đất nước của sự tự do và giàu có” để quay về quê hương mình, Séc, “đất nước chẳng hề có tự do” để làm một công nhân quét rác tầm thường. Câu chuyện về nhà văn quét rác đặc biệt này được Ivan Klíma kể với 5 mạch truyện song song gần như độc lập nhưng lại không hề tách bạch không hề tuyến tính và bị xoắn quện, dính mắc vào nhau:Mạch truyện thứ nhất: Nhà văn quét rác và các đồng nghiệp đặc biệt của ông, những công nhân vệ sinh ngày ngày làm công việc vệ sinh thành phố. Bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra rác trong tác phẩm không chỉ là rác theo nghĩa đen mà chúng là ẩn dụ cho sự tàn rữa của đời sống, của nền văn minh, chả thế mà khi làm việc các công nhân vệ sinh đã lặp lại rất nhiều lần “Apocalypse” và “Armageddon”.
“Khi bước qua lớp tuyết đen sì tôi tự bảo với mình rằng ngay cả khi người đàn ông ấy có bị điên thì anh ta cũng chẳng thể nào điên hơn tất cả loài người còn lại, trong cái ham muốn tột cùng để đạt tới sự thoải mái, ta đang rải lên cả thế giới này một lớp sương đen với niềm tin rằng đó là con đường đi thẳng tới vườn địa đàng.”
Mạch truyện thứ hai: Nhà văn quét rác và vợ mình, Lída, một bác sĩ tâm lý, người nhìn xuyên thấu nội tâm của con người.
“Lída thân yêu của tôi đã nhầm lẫn khi nghĩ là người quét rác nhất định phải cảm thấy bị ruồng bỏ hay bị bẽ mặt bởi cái nghề không mấy được trọng vọng này. Thế nhưng, ngược lại hoàn toàn, nếu như họ có quan tâm đến những thứ đó thì họ cũng vẫn tự coi mình là những gì tinh túy, đậm đà của trái đất này, giống như những thiên thần tới hàn gắn những vết thương của một thế giới đang bị chìm vào nỗi nguy hiểm ngột ngạt.”
Mạch truyện thứ ba: Nhà văn quét rác và những suy tư về Franz Kafka, “người tẩy não nhân loại” và các tác phẩm của Kafka, có thể nói đây là một món quà đặc biệt cho những người hâm mộ thiên tài văn chương yểu mệnh này: Hóa Thân; Vụ Án; Lâu Đài vv… các tác phẩm đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam đều sẽ được đưa ra mổ xẻ.
“Chúng ta đã bị tống khứ ra khỏi vườn địa đàng, nhưng vườn địa đàng không hề bị phá hủy, Kafka đã viết thế. Và ông còn chỉ thêm rằng: Trong chừng mực nào đó, việc bị trục xuất ra khỏi vườn địa đàng là một điều may mắn, bởi vì nếu chúng ta không bị tống cổ ra khỏi đấy thì chính vườn địa đàng sẽ tự hủy diệt nó.”
Mạch truyện thứ tư: Nhà văn quét rác và tình nhân của mình, một nghệ sĩ điêu khắc, người muốn thổi hồn vào những tác phẩm nghệ thuật được hình thành từ những khối vật chất vô tri, người tin vào sự tồn tại của linh hồn và khả năng hàn gắn, cứu rỗi một linh hồn, người có khoảng không trống rỗng bên trong cơ thể và luôn khao khát được lấp đầy.
“Thế nhưng làm sao con người có thể đoạt được hạnh phúc với một tâm hồn tội lỗi? Anh ta sẽ chỉ còn một cách là giết chết tâm hồn trong con người mình, và gia nhập vào đám đông những kẻ đang đi lang thang khắp địa cầu mà tìm kiếm bất kể thứ gì có thể lấp đầy khoảng trống đang mở toang hoác trong lòng sau khi tâm hồn của họ đã bị chết.”
Mạch truyện thứ năm: Nhà văn quét rác và cha mình, người tuy không quan tâm đến ông nhiều khi ông còn nhỏ nhưng in dấu trong tâm hồn ông với những kỷ niệm vui vẻ, thơ ngây.
5 mạch truyện được song song kể, giao cắt liên tục vào nhau bởi vốn dĩ chẳng cái nào có thể tồn tại độc lập mà không bị ảnh hưởng bởi cái khác và tới cái khác. Sự phức tạp trong câu chuyện cũng như chính sự dằn vặt, hoang mang, hoài nghi của nhà văn quét rác trong hành trình “lấp đầy khoảng trống đang mở toang hoác trong lòng.”
“Sự thù hận được đánh giá một cách sai lầm là thứ đối địch với tình yêu, trong khi đó trên thực tế nó tồn tại song hành cùng với tình yêu và đối nghịch với cả hai thứ tình cảm này chính là sự cô đơn.”
“Tình và rác” chẳng hề dễ đọc, cấu trúc đặc biệt của tác phẩm khiến bạn đọc luôn luôn phải tập trung cao độ và giữ đầu óc tỉnh táo để không bị lạc vào mê hồn trận. Khó, thách thức nhưng cũng vô cùng kích thích, bởi, để trải nghiệm cảm giác được vỡ òa trong cảm xúc, giống như Archimedes đã không thể kìn lòng khi reo vang “Eureka” trong tình trạng hoàn toàn khỏa thân, làm gì có tác phẩm dễ đọc nào làm được. Còn khi bạn là một độc giả mến mộ Franz Kafka, chắc chắn bạn không thể bỏ qua tác phẩm này.
– Đặng Xuân Lương
Trích dẫn Tình và rác
“Rác rưởi luôn là thứ bất diệt, nó lan tràn khắp mọi nơi, trong bầu khí quyển, tan vào trong nước, bị thối rữa, bị phân hủy, bị biến thành khí gas. thành khói, thành bồ hóng khi đó nó sẽ đi khắp nơi và từ từ nhấn chìm chính thế giới này.”
“Sự thù hận được đánh giá một cách sai lầm là thứ đối địch với tình yêu, trong khi đó trên thực tế nó tồn tại song hành cùng với tình yêu và đối nghịch với cả hai thứ tình cảm này chính là sự cô đơn.”
“Thế nhưng làm sao con người có thể đoạt được hạnh phúc với một tâm hồn tội lỗi? Anh ta sẽ chỉ còn một cách là giết chết tâm hồn trong con người mình, và gia nhập vào đám đông những kẻ đang đi lang thang khắp địa cầu mà tìm kiếm bất kể thứ gì có thể lấp đầy khoảng trống đang mở toang hoác trong lòng sau khi tâm hồn của họ đã bị chết.”
“Khi bước qua lớp tuyết đen sì tôi tự bảo với mình rằng ngay cả khi người đàn ông ấy có bị điên thì anh ta cũng chẳng thể nào điên hơn tất cả loài người còn lại, trong cái ham muốn tột cùng để đạt tới sự thoải mái, ta đang rải lên cả thế giới này một lớp sương đen với niềm tin rằng đó là con đường đi thẳng tới vườn địa đàng.”
“Lída thân yêu của tôi đã nhầm lẫn khi nghĩ là người quét rác nhất định phải cảm thấy bị ruồng bỏ hay bị bẽ mặt bởi cái nghề không mấy được trọng vọng này. Thế nhưng, ngược lại hoàn toàn, nếu như họ có quan tâm đến những thứ đó thì họ cũng vẫn tự coi mình là những gì tinh túy, đậm đà của trái đất này, giống như những thiên thần tới hàn gắn những vết thương của một thế giới đang bị chìm vào nỗi nguy hiểm ngột ngạt.”