Đến với “Tọa Độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jorai”, bạn sẽ được chia sẻ về các truyền thuyết của người Gia Rai để kiến giải những dấu hiệu, chỉ dấu mang tính văn hóa dân tộc vẫn đang hiện hữu trong đời sống thực tế của người dân bản địa. Từ đó đưa ra kết luận về cấu trúc gia đình và xã hội Gia Rai, xác định căn tính của họ trong một tập họp xã hội, Jacques Dournes tập trung phân tích trên ba “tọa độ” là: Hệ thống những quan hệ thân tộc, hệ thống liên minh qua hôn nhân và những quan hệ liên minh khác.
Review Tọa độ
Sau khi đọc Chúng tôi ăn rừng đá thần của Georges Condominas, thì những cuốn sách về Tây Nguyên của tác giả Jacques Dournes là không thể bỏ qua được mọi người ạ!
Jacques Dournes (1922-1993), bút danh là Dam Bo, là nhà truyền giáo, nhà nghiên cứu về nhân chủng học và ngôn ngữ học người Pháp. Ông nổi tiếng với những nghiên cứu về lịch sử, xã hội, phong tục của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Ông sống ở Tây Nguyên gần ba mươi năm, nói thành thạo các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và viết hàng chục các công trình được coi là cơ bản nhất về Tây Nguyên cho đến ngày nay.
Năm 1946, ông đến Sài Gòn với vai trò truyền giáo trong Hội Thừa sai truyền giáo Paris. Đến năm 1955, ông được cử đến vùng của người Gia Rai và dành hết thời gian vào công việc nghiên cứu tập tục, văn hóa và văn học truyền miệng Gia Rai.
Năm 1969, ông bị rút về Paris. Tại đây ông cho ra đời hơn 250 nghiên cứu về phong tục, lịch sử, thần học, thực vật học và văn học Gia Rai. Ông mất năm 1993 tại Pháp. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông đã được dịch bởi nhà văn Nguyên Ngọc và xuất bản tại Việt Nam.
Các tác phẩm:
Pơtao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jarai Đông Dương
Tọa Độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jorai
Rừng, đàn bà, điên loạn. Đi qua miền mơ tường Gia RaiTọa Độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jorai là một trong những tác phẩm quan trọng về con người và vùng đất Tây Nguyên. Dournes đã nghiên cứu những chi tiết đi từ các truyền thuyết của người Jorai (Gia Rai), nêu ra những tình tiết chủ đạo trong các câu chuyện, rồi so sánh chúng với những gì đang diễn ra trong đời sống thực tế của người dân bản địa, tìm những mối liên kết giữa truyền thuyết và cuộc sống… Từ đó ông có thể đưa ra những kết luận về cấu trúc gia đình và xã hội Jorai.
Cũng giống như Georges Condominas từng nói “Tôi nằm mơ bằng tiếng Mnông Gar”, quan điểm đặc biệt của Jacques Dournes là trong quá trình nghiên cứu ông tuyệt đối không dùng phiên dịch. Ông cho rằng sử dụng phiên dịch là điều tối kỵ với nhà dân tộc học, bởi vì khi đọc và tìm hiểu văn hóa của một dân tộc qua 1 người thứ ba, thì cho dù người đó có thực sự giỏi, thực sự có tâm huyết đến đâu, họ cũng sẽ vô tình áp quan điểm hoặc cách hiểu của họ khi diễn giải và làm biến dạng ý nghĩa lời nói của người bản địa mà họ dịch cho ta.
“Jacques Dournes thông thạo tiếng Gia Rai có thể còn hơn cả người Gia Rai chính cống bởi ông phải tìm hiểu đến đáy từng từ ngữ Gia Rai, những biến dạng nhỏ nhất cùng vị trí của nó trong hệ thống cấu trúc Gia Rai” (Nguyên Ngọc)
Phần phụ lục cuối sách cho ta thấy nỗi lo âu của tác giả về việc duy trì bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Gia Rai trước sự di dân ồ ạt của người Kinh lên vùng đất Tây Nguyên khiến cho những tộc người Tây Nguyên đã trở thành thiểu số tuyệt đối ở ngay tại mảnh đất là quê hương ngàn đời của họ.
Theo truyền thuyết của người Gia Rai, thì thuở ban đầu người Kinh và người Gia Rai là 2 anh em ruột thịt, sau đó vì người em phạm lỗi với người anh nên đã bị bố mẹ đày lên núi cao sinh sống, sau này trở thành tộc người Gia Rai, còn người anh phát triển thành tộc người Kinh… Giờ đây “người anh” đã lên chiếm lấy đất đai của “người em” bị đày từ ngàn xưa, sự áp đảo của người Kinh đã đẩy họ đẩy vào núi sâu, làm cho họ bị mất đất canh tác truyền thống.
“Những tộc người không hề du canh du cư như ta đã từng hiểu lầm nay họ đã chính thức phải du canh du cư do không còn đủ đất để trồng trọt theo lối luân khoảnh và họ phải phá rừng để tìm cái sống qua ngày, một hành vi trái nghịch với bản chất sinh tồn lâu đời của họ… Trách nhiệm của người Kinh vốn đến sau trên đất đai quê hương truyền thống của các tộc người bản địa là phải nghĩ và hiểu những vấn đề của người bản địa để cố gắng tìm ra con đường phát triển cùng nhau. Cuốn sách này vì vậy cũng là viết cho chính người Kinh” (Nguyên Ngọc)Cùng với “Pơtao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jarai Đông Dương” và “Rừng, đàn bà, điên loạn – Đi qua miền mơ tường Gia Rai”, cuốn sách: ”Tọa độ: cấu trúc gia đình và xã hội của người Gia Rai” là tác phẩm đặc biệt quan trọng của ngành nhân học hàng đầu về con người và vùng đất Tây Nguyên.
– Mai Nguyen