Tội Ác Và Trừng Phạt – Fyodor Dostoevsky

“Tội Ác Và Trừng Phạt” kể về quá trình đấu tranh nội tâm của nhân vật chính sau khi vô ý giết người do hoàn cảnh đưa đẩy. Anh vốn không hề có chủ đích làm vậy nhưng hoàn cảnh nghèo khổ cộng với tư tưởng ”Nếu người không chết thì ta chết” nên đã vô tình gây ra cái chết của 2 người đàn bà. Sau đó là những tháng ngày anh phải đối mặt với toàn án lương tâm cũng như ánh nhìn của toàn xã hội, liệu giữa “sống thanh thản trong tù tội và sống cắn rứt thì anh sẽ chọn cái gì?”

Review Tội ác và trừng phạt

Xonia – mọi người đều có hy vọng mang tên ngày mai

“Tội ác và trừng phạt” là tiểu thuyết lừng danh của Dostoevsky. Độ lôi cuốn, ly kỳ, hồi hộp đến đứng tim, cân não đến ngạt thở của tiểu thuyết thì miễn bàn. Hơn một trăm năm mươi năm nay người ta vẫn không ngừng nói về nó. Sức hấp dẫn khó cưỡng của “Tội ác và trừng phạt” đến từ những tình huống truyện logic và các nhân vật có chiều sâu khiến độc giả không thể nào quên (thậm chí cả đến ông gác cổng vô danh).

Raxcolnicov nhân vật trung tâm của “Tội ác và trừng phạt” là một chàng trai thông minh, hào hiệp, giàu lòng trắc ẩn. Chàng có tố chất để trở thành một triết gia vĩ đại vì từ khi còn đi học chàng đã có những tư tưởng táo bạo và đột phá. Gia đình Raxcolnicov còn mẹ và em gái, Bà Pulkheria và cô Dunia đều là những người mộ đạo và giàu đức tin khác hẳn Raxcolnicov. Raxcolnicov chỉ tin vào tư duy lý trí (ta hay gọi là tư duy duy vật biện chứng). Raxcolnicov có thể dùng tư duy của mình để đánh giá, phân tích, cắt nghĩa, chứng minh, lý giải, dự đoán mọi động cơ, hành động, cảm xúc, lựa chọn của mọi người xung quanh. Ấy vậy mà tư duy lý trí của chàng lại bất lực khi cố gắng cắt nghĩa động cơ, hành động và con người của Xonia.

Xonia là ai?

Xonia là nhân vật tôi yêu mến và cảm phục nhất trong thiên tiểu thuyết đồ sộ này của Dostoevsky.
Xonia là con gái của Marmeladov, một công chức quèn, bạc nhược và nghiện rượu nặng. Khi cha em đi bước nữa với một quả phụ – bà Caterina Ivanovna (đầy kiêu hãnh vì gốc gác quý tộc xa xưa của mình), Xonia bỗng dưng thành chị cả của 3 đứa em nhỏ (con riêng của mẹ kế). Gia cảnh nghèo túng, Xonia không được học hành, Marmeladov chỉ dạy được cho em một chút về địa lý và lịch sử (bởi vốn kiến thức của ông cũng chẳng nhiều nhặn gì cho cam). Gia cảnh của cái gia đình 6 người nheo nhóc ấy khó khăn cứ trồng chất khó khăn. Rồi Marmeladov thất nghiệp, Caterina cũng không nhận được việc may vá nữa, cả gia đình không có gì ăn trong 3 ngày liền và đang đứng trước nguy cơ chết đói. Người lớn thì xỉ vả trì triết nhau, lũ trẻ thì kêu khóc, bà chủ nhà thì léo nhéo đòi tiền nhà và còn dọa tống cổ nhà họ ra đường. Trong cái hoàn cảnh tăm tối đến cùng cực đó Marmeladov đã kể lại: “Quãng sáu giờ, tôi thấy Xonia dậy, quàng khăn, khoác áo ngoài ra đi, và độ chín giờ thì trở về. Con tôi vào nhà, đi thẳng đến trước mặt Caterina Ivanovna và lẳng lặng đặt ba mươi rúp trên bàn trước mặt nàng. Nó không hé miệng nói lấy nửa lời, không nhìn ai cả, nó chỉ cầm cái khăn trùm lớn màu lục… trùm lên đầu che kín cả mặt rồi nằm vật ra giường, quay mặt vài tường, đôi vai bé nhỏ và toàn thân run lên từng đợt… Còn tôi, tôi vẫn nằm đó, say khướt. Rồi tôi thấy, anh bạn trẻ ơi, tôi thấy Caterina Ivanovna, cũng không nói nửa lời, đến cạnh giường Xonia quỳ bên chân con tôi suốt cả buổi tối, chốc chốc lại hôn chân nó, không chịu đứng dậy, rồi con tôi và vợ tôi ngủ với nhau, ôm nhau ngủ… cả hai… đúng thế… còn tôi, tôi vẫn nằm đó… say bí tỉ.”

Buổi tối hôm đó trong gia đình của Marmeladov, không ai nói với ai một lời nhưng tất cả mọi người đều biết điều gì đã xảy ra. Ba mươi rúp Xonia mang về là sự sống của cả 6 người, trong cơn bĩ cực đó còn là ánh sáng hy vọng, hy vọng được đánh đổi bằng thứ quý giá nhất của một cô bé 18 tuổi trong sáng, nhân hậu. Caterina tuy ngày thường vô cùng cay nghiệt nhưng lúc này bà cũng phải quỳ xuống bên cô gái nhỏ. Cô rõ ràng chẳng có máu mủ ruột già gì với 4 mẹ con bà, vậy cô vì điều gì mà chấp nhận hy sinh lớn lao đến vậy? Bà chẳng muốn suy nghĩ gì nhiều, bà chỉ biết con gái riêng của chồng bà sau đêm nay, bà sẽ yêu cô hơn cả con ruột, cô là ân nhân, là thiên thần trong mắt bà.

Bà Caterina không suy nghĩ nhưng chàng triết gia trẻ tuổi, duy lý và cực kỳ thông minh của chúng ta lại luôn thích suy nghĩ. Khi gặp Xonia, Raxcolnicov tự tin cắt nghĩa các hành động của nàng. Việc Xonia trở thành gái bán hoa là đúng hay sai? Sự hy sinh của nàng mang ý nghĩa gì? (Ôi những con người phát cuồng với duy lý, lẽ nào mọi hành động trên đời đều phải gán cho nó một ý nghĩa mới được hay sao?) Theo Raxcolnicov sự hy sinh của Xonia là phi nghĩa và Xonia cũng đang phải đấu tranh với bản ngã của mình từng phút từng giây giống như chàng (kể từ phút giây chàng giết người). Sự phi nghĩa trong hy sinh của Xonia nằm ở chỗ số tiền ít ỏi em mang về cứu sống được cho gia đình hôm nay nhưng còn ngày mai, ngày kia và các ngày tiếp theo, tiếp theo nữa thì sao? Marmeladov đã chết vì tai nạn. Caterina thì ho lao nặng cũng chẳng sống được lâu. Ba đứa nhỏ sẽ sớm thành trẻ mồ côi. Polenca (đứa con gái nhỏ của Caterina) rồi cũng theo bước Xonia để đi vào con đường ấy. Tất cả rồi sẽ chết vậy sự hy sinh của Xonia mang ý nghĩa gì? Bằng tư duy lý trí Raxcolnicov cũng chỉ ra Xonia chẳng có lựa chọn nào khác ngoài 2 con đường. Thứ nhất Xonia vẫn tiếp tục bán thân, ngày ngày tiếp xúc với trụy lạc và sớm dần em sẽ quen với cuộc sống trụy lạc, chấp nhận nó, trở thành nó, chai sạn và không còn đau khổ nữa. Thứ hai Xonia sẽ tự sát để chấm dứt đau khổ bởi tâm hồn em quá trong sáng, sự dày vò về thể xác và tâm hồn hàng ngày sẽ quật ngã em, khiến em không thể chịu đựng được, đấu tranh trong tâm hồn em sẽ khiến em phát điên và kiệt quệ, tìm đến cái chết sẽ giải thoát tất cả.

Xonia ít học, em không tìm được lý lẽ để phản biện lại Raxcolnicov, tuy nhiên lựa chọn của em lại là lựa chọn thứ 3: Dũng cảm, kiên cường tiếp tục sống. Tương lai còn dài lắm, mọi thứ vẫn đang là ẩn số phía trước. Khi bán mình để cứu gia đình em không nghĩ quá nhiều rằng hy sinh của mình là phi nghĩa hay có ý nghĩa. Em chỉ biết rằng hôm nay cha em vẫn sống, mẹ kế của em vẫn sống, 3 đứa em nhỏ của em vẫn sống, tất cả mọi người đều có hi vọng mang tên ngày mai. Niềm tin yếu ớt nhưng bền bỉ của Xonia có được bởi em có đức tin (thứ mà những tín đồ của chủ nghĩa duy lý như Raxcolnicov không tài nào lý giải được). Nhờ đức tin mà Xonia luôn hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Kiên trì sống, đấu tranh cho tương lai đó.

Đức tin yếu ớt của Xonia cuối cùng đã đánh gục được tư duy lý trí của Raxcolnicov khi khiến chàng phải ra đầu thú, đối diện và thừa nhận tội lỗi của mình để tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn.

Lặng lẽ đi theo Raxcolnicov tới Siberi nơi chàng bị lưu đày, ở nơi băng giá này đức tin của Xonia tiếp tục cảm hóa được các tù nhân. Lặng lẽ giúp đỡ các tù nhân vô điều kiện, Xonia khiến họ tin vào sự tử tế vẫn luôn hiện diện trên đời. Tử tế không phải là bản tính, tử tế là sự lựa chọn. Sống trong môi trường ô nhục, trụy lạc, Xonia vẫn không đánh mất mình, bằng đức tin yếu ớt nhưng bền bỉ em đã lựa chọn sự tử tế. Sự tử tế như một đốm lửa, nó sưởi ấm được mọi người xung quanh để rồi mỗi người được sưởi ấm kia lại thành một đốn lửa sưởi ấm cho những người khác xung quanh họ.

Kết thúc của “Tội ác và trừng phạt” là ánh sáng. Ánh sáng của nắng xuân trên mảnh đất băng giá Siberi. Ánh sáng của đốm lửa của sự tử tế do Raxcolnicov tự thắp lên khi anh đặt tay mình lên cuốn Phúc Âm của Xonia. Người ta nói “Tội ác và trừng phạt” u ám, tăm tối, nhưng với tôi màu đen ấy chỉ làm nền cho ánh sáng ấm áp càng đẹp đẽ hơn. Ánh sáng mà Xonia luôn mang theo, bảo vệ và lan tỏa đến mọi người xung quanh (và cả các độc giả yêu quý).

Mọi người đều có hy vọng mang tên ngày mai.

– Đặng Xuân Lương