Tôi Mình Trong Lửa Đỏ, Sắt Đá Cũng Hóa Vàng – Hugh Black

Mỗi chúng ta sinh ra đã là một phép màu của tạo hóa, đều sẽ có tài năng thuộc về riêng mình, có sức mạnh nội tại, những khiếm khuyết và cả những điều không hoàn hảo. Cuộc sống sẽ cho bạn cơ hội để khám phá bản thân, sẽ có thắng lợi và cả thất bại, nhưng đừng vội đau khổ hay hân hoan, đừng tự vùi lấp bản thân hay tự đề cao mình, nhất định bạn phải bước đi trên hành trình tự trui rèn này, không bỏ bước, không ngộ nhận. Chắc chắn bạn sẽ vượt qua những thử thách của cuộc đời, và hơn hết thảy là trở thành một bản thể thống nhất, vẹn toàn, với một thân thể khỏe mạnh, một cái đầu tỉnh táo và một trái tim tử tế.

Review Tôi mình trong lửa đỏ, sắt đá cũng hóa vàng

CÀNG HIỂU MÌNH BAO NHIÊU, CÀNG KHÔNG LIÊU XIÊU TRƯỚC MẤY LỜI NGANG TRÁI

Ngay cả khi ta vốn vụng dại, không ngại tôi rèn ắt sẽ thành công

Trong cuộc sống có vẻ như nhiều vội vã và đoan chắc này, ai cũng có thể vì một thất bại, sai lầm mà dằn vặt; vì vài ba lời trái tai mà đau khổ; vì sự yếu đuối, tự ti mà vùi lấp chính mình trong những đêm đen đăng đẵng. Tôi nghĩ bạn cũng hiểu:

  • Mỗi chúng ta sinh ra đều là một phép màu của tạo hóa
  • Mỗi chúng ta đều có những tài năng thiên phú, những sức mạnh ẩn sâu
  • Mỗi chúng ta đều có những khiếm khuyết, tính xấu, những điều không hoàn hảo

Thế nhưng, ĐIỂM YẾU của mình ở đâu? ĐIỂM MẠNH của mình ở chỗ nào? Rất ít người đủ hiểu biết bản thân để nhận ra điều đó. Họ che giấu điểm yếu của mình, không bao giờ xem xét một cách THẲNG THẮN và CÔNG BÌNH về những gì họ đạt được

Trong cuộc sống, muốn kiểm tra xem bản thân mình có gì, đôi khi cần rất nhiều sự khôn khéo. Một người rơi vào khủng hoảng, bởi anh ta sợ phải PHÁT GIÁC và ĐỐI DIỆN với những khiếm khuyết, những sai lầm của mình. Anh ta muốn làm ngơ trước thực trạng của vấn đề

Nỗi sợ nửa mê nửa tỉnh như thế, đôi khi khiến người ta không thể TỰ VẤN bản thân, không thấy sự CẰN CỖI đang giết chết chính mình mỗi ngày

Để xem liệu mình có đang phát huy tối đa khả năng của bản thân hay không, bạn cần một tấm bản đồ chi tiết về bản chất con người, bản chất của mình

Hôm rồi đọc cuốn sách “Tôi mình trong lửa đỏ, sắt đá cũng hóa vàng” của tiến sĩ thần học Hugh Black, bìa rực rỡ, nội dung cởi mở. Trong đó có nói rằng: “Nếu bạn chưa biết mình có tài năng gì và cần phát triển năng lực nào, đơn giản nhất và tốt nhất là xem xét các mục tiêu thực tế.”

Bạn muốn trở thành một phi công, bạn cần một thân thể KHỎE MẠNH để chịu đựng được những sức nặng của bầu trời, một lí trí TỈNH TÁO trước nắng gió, bão bùng

Bạn muốn trở thành nhà giáo, bạn cần một trái tim BAO DUNG và TỪ ÁI, một tấm lòng NHIỆT HUYẾT truyền tải tri thức của cuộc đời cho bao thế hệ

Hay đơn giản bạn muốn trở thành một nhân viên xuất sắc thì cũng cần đến rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp: chăm chỉ, cần mẫn, kỉ luật, sáng tạo, vị tha, thiện lành,…

Xét cho cùng, dù bạn muốn làm gì, mục tiêu của bạn cao vời đến đâu, sau rốt, bạn cũng phát triển bản thân một cách toàn diện, cả ba phần Thân – Tâm – Trí

Một mục tiêu phát triển tất cả năng khiếu của bản thân, tìm kiếm một con người TOÀN THIỆN trong một bản thể thống nhất, quả thực là một LÍ TƯỞNG hơn là một thực tại

Mặc dù vậy, đó là điều đáng để bạn NỖ LỰC. TỰ TRUI RÈN giúp bạn biết-mình sâu sắc hơn, và làm cho sự biết-mình này phát huy sức mạnh. Bạn sẽ thấy đâu là điểm yếu cần được củng cố và đâu là điểm mạnh cần được phát huy.

Đúng thế, ai cũng có cho mình một MỤC TIÊU, KIÊN NHẪN từng ngày thì ĐIỀU HAY sẽ tới.

Mong bạn càng TÔI MÌNH càng CỨNG MẠNH, càng RÈN MÌNH càng SÁNG RỠ!

– Linh Lam

Trích dẫn Tôi mình trong lửa đỏ, sắt đá cũng hóa vàng

ĐỪNG BAO GIỜ KHINH MIỆT THÂN THỂ, BẠN NÊN ĐỐI XỬ KHÔN NGOAN VÀ LÀNH MẠNH VỚI NÓ

Sự phân li nơi con người vốn bắt đầu từ thân thể. Có điều bạn phải biết: Thân thể là cơ sở của sự sống. Bạn phải sẵn lòng vui vẻ rèn luyện thân thể đầy đủ, hiểu rõ vai trò to lớn của thân trong mọi vấn đề. Bỏ bê rèn luyện thân thể, các phần khác sẽ không còn ổn nữa. Bất cứ sự sai lệch, biến dạng nào của thân đều gây tổn thương và làm ảnh hưởng đến các chức năng khác. Như khi bạn bị cảm lạnh hay đau nhức, cảm xúc của bạn cũng dễ thất thường, đầu óc chẳng thể suy nghĩ thông suốt, đúng chứ.

Một thân thể khỏe mạnh và một tâm trí minh mẫn không thể nào là chuyện ngày một ngày hai mà có được. Bạn chẳng thể gấp gáp nếu muốn phát triển cân bằng và hài hòa cả Thân – Tâm – Trí. Ít nhất, bạn phải biết rõ vai trò và sức mạnh của thân thể, trước khi có thể tìm cho nó những bài tập luyện thích hợp. Đồng thời, có những sự thật và hiểu lầm bạn cần biết để quá trình rèn luyện thân thể của bạn không hoài công tốn sức

Sức khỏe thân thể: năng lượng cho sự sống

Người Hi Lạp từ xưa đã hiểu rõ vai trò của thân và biến việc rèn luyện thể chất thành một môn khoa học, một phần thiết yếu trong chương trình giáo dục của họ. Phòng tập thể dục là trung tâm của đời sống đô thị, nơi những chàng trai trẻ tìm đến. Các nhà triết học và giáo viên cũng thường lui tới đó, vì họ rất tự nhiên và dễ dàng tìm thấy những thính giả ở đấy

Ở thời của tôi, có ba phòng thể dục lớn nổi tiếng ở Athens, vì Plato và Aristotle từng dạy học ở đó. Thông qua sự phát triển, rèn luyện thân thể kĩ lưỡng, lí tưởng về vẻ đẹp, phẩm giá và sự cân đối hình thể vẫn là một trong những niềm tự hào to lớn của người Hi Lạp

Đôi khi, bạn có thể nghĩ rằng mình sùng bái thể thao thái quá rồi chăng, nhưng nó không là gì so với việc luyện tập của người Hi Lạp. Đối với họ, rèn luyện thân thể chiếm gần một nửa thời lượng hoạt động giáo dục. Mỗi thị trấn đều có phòng tập thể dục, phòng tắm, đường đua, với quy mô khó có thể tưởng tượng được

Rèn luyện thân thể được thiết lập dựa trên các NGUYÊN TẮC KHOA HỌC, nó không phải là một môn thể thao tiêu khiển cho trẻ em hay biểu diễn để mua vui cho khán giả. Các nhà triết học đã tìm ra tỉ lệ hợp lí cho việc rèn luyện thân thể trong nền giáo dục lí tưởng. Ngay cả trong chương trình giáo dục của Plato, ông cũng khuyên nên dành những năm từ 17 đến 20 tuổi cho việc tập thể dục. Đó là giai đoạn quan trọng nhất để phát triển nhân cách, đạo đức – phẩm hạnh và trí tuệ của một con người. Plato có cái nhìn xa dài, ông sẵn sàng hi sinh những tháng ngày quý giá nhất này cho việc rèn luyện thân thể. Ông tin rằng kết quả sẽ đến sau đấy, cả trên phương diện đạo đức – phẩm hạnh và trí tuệ. Trong sách Tân ước, cũng có rất nhiều thông tin rải rác chỉ dẫn về việc tổ chức các hoạt động rèn luyện thân thể trong đời sống của người Hi Lạp

Hãy nhớ:
Đừng bao giờ khinh miệt thân thể. Bạn nên đối xử khôn ngoan và lành mạnh với nó
Thậm chí với việc rèn luyện thân thể, bạn cần thiết lập một mức độ KỈ LUẬT cao hơn

Luyện thân có thể tác động đến toàn bộ con người, từ trí tuệ, cảm xúc cho đến tinh thần. Cho đến giờ, tất cả những ai đã nhìn thấy thành quả của việc rèn luyện từ xa xưa, không thể ngừng ngưỡng mộ sự hoàn hảo của sức khỏe, sức mạnh và vẻ đẹp, cả thể chất lẫn tâm hồn. “Người nỗ lực làm chủ chính mình đều ôn hòa trong mọi việc.”

Epictetus – triết gia Hi Lạp xưa từng đưa ra các quy tắc cho việc huấn luyện vận động viên tham gia thi đấu như sau:
“Bạn phải ngăn nắp trật tự, sống bằng thức ăn thanh đạm, kiêng bánh kẹo, quyết tâm tập luyện bất kể thời tiết nóng hay lạnh, không uống nước lạnh, cũng không uống rượu. Nói một cách dễ hiểu, hãy gửi gắm chính mình cho huấn luyện viên của bạn như thể đó là một bác sĩ và rồi tham gia cuộc thi.”

Một vận động viên nghiêm túc không thể bỏ bê thân thể mình. Thế nên, huấn luyện thân thể đồng nghĩa với một ám thị về việc tự làm chủ bản thân, thuần hóa con quỷ bên trong và tận dụng sức mạnh sự sống cho những điều tốt lành. Bạn có thể tìm thấy những minh chứng cho niềm đam mê rèn luyện thân thể của người Hi Lạp từ thực tế cuộc sống, như bức tượng cổ người ném đĩa Discobolus hay câu chuyện về bộ môn Marathon. Đấy là một cuộc đua chạy bộ đường trường bắt đầu từ một chiến binh Hi Lạp Pheidippides – một người đưa thư đã chạy bộ từ nơi diễn ra trận chiến Marathon tới thành Athena để hoàn thành nhiệm vụ báo tin.

Để thấy, mối liên hệ giữa thân thể và một đời sống cao quý hơn là điều không thể phủ nhận.

Bạn phải dần học cách tin rằng:
MỘT NHÂN CÁCH TỐT phụ thuộc vào một THÂN THỂ KHỎE MẠNH
Một thân thể khỏe mạnh là biểu hiện của một TÂM HỒN LÀNH MẠNH

Đừng cố chối bỏ mối liên hệ chặt chẽ giữa thân thể với đời sống cao quý của trí tuệ, đạo đức và tinh thần
Hãy gạt bỏ lối mòn trong suy nghĩ của bạn rằng: Đời sống nhục thể rất tầm thường. Có thể những ý tưởng trong những dòng thơ tuyệt đẹp của Spencer là quá huyền ảo với bạn, nhưng đấy là sự thật.

Nếu bạn hỏi rằng, vậy tâm hồn có trước hay thân thể có trước, thì cũng giống như câu hỏi hóc búa cổ xưa mà Plutarch đặt ra: Con gà có trước hay quả trứng có trước. Thực ra, tất cả những gì bạn cần lưu tâm là có một MỐI LIÊN HỆ MẬT THIẾT và quan trọng sống còn giữa tâm hồn và thể xác, giữa con gà và quả trứng.

*Montaigne – triết gia nổi tiếng thời Phục hưng Pháp nói rằng: “Một tâm hồn nuôi dưỡng sự bình thản phải ở trong một thân thể đầy sức mạnh với lối hành xử lành mạnh. Sự an yên và hài lòng theo đó lan tỏa mà không cần thể hiện. Sự mãn nguyện bên trong khiến cho hành vi bên ngoài thật tự nhiên và hành động cứ thế xuôi theo một sự tự tin chân thật. Đấy chắc chắn là một sinh mệnh tích cực, một tâm hồn thanh thản, một gương mặt hài lòng và rạng rỡ. Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự thông thái, đấy là luôn luôn vui vẻ.”

Bạn có thể hoài nghi điều này. Nhưng thực tế cho thấy, lòng can đảm, hi vọng và niềm tin là nhân tố đem lại kết quả tốt trong việc trị liệu các bệnh lí thân thể và tinh thần, còn nghi ngờ và sợ hãi làm suy giảm sức sống của người ta. Rõ ràng, thân thể không lành mạnh gây hại đến các hoạt động của đời sống tinh thần, và ngược lại
Sự điều hòa của thân thể giúp con người tạo dựng một triết lí sống tuyệt vời. Sự thấu biết về thân mang đến sự lạc quan, còn trạng thái không thấu hiểu chỉ khiến con người ta rơi vào bi quan mà thôi

Trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật, sức mạnh của thân thể có ảnh hưởng theo những cách rất tinh tế, hầu như thật khó lòng nhận ra. Từ kinh nghiệm của mình, một vị bác sĩ tinh ý đã nói ra sự thật rằng, những tiểu thuyết gia thô tục và tàn bạo đều có sức khỏe không tốt. Điều ông ấy nói không phải không có lí. Những thói quen xấu của thân thể chắc chắn dẫn đến sự không lành mạnh của tâm trí. Ngược lại, một tâm trí tiêu cực chỉ khiến cho thân thể ngày càng kiệt quệ

**Các nhà văn vĩ đại nhất thường có sức sống mạnh mẽ và tâm trí tỉnh táo. Với họ, bạn đang ở trong một thế giới rộng lớn, dưới bầu trời bao la và giữa cuộc sống lành mạnh. Bạn không thấy sự yếu nhược của họ, không bị chìm lấp trong những chán nản của họ. Dẫu bệnh tật và mặt trái của thế giới có sự bao biện riêng của chúng, nhưng trong sự cân bằng của tự nhiên, rõ ràng khỏe mạnh và lành mạnh mới là trạng thái bình thường

Cái nhìn thấu tỏ, sự hiểu biết sâu sắc, cảm giác chân thực và năng lượng dồi dào trong tất cả các hình thức nghệ thuật phụ thuộc vào tình trạng lành mạnh của thân thể, tâm trí và tâm hồn của một con người. Bệnh tật chỉ làm suy yếu những năng lượng cần thiết cho sự sống, làm biến dạng quan điểm và mất đi khả năng làm việc của bạn. Khi sự yếu đuối bệnh tật xâm chiếm thánh đường của linh hồn, nó phá hỏng những phẩm chất giúp bạn sáng tạo nên một nền nghệ thuật vĩ đại

*** Bằng thực tế, Emerson đã thấy rằng, đúng là nhiều người có lá phổi yếu ớt và vóc người nhỏ bé đã nổi danh trong lĩnh vực hùng biện diễn thuyết do bên trong họ có ngọn lửa nhiệt huyết lớn lao hơn cả điểm yếu về thể chất. Nhưng họ phải trả một cái giá rất lớn và chịu đựng quá nhiều tổn thương để có được điều đấy

Về cơ bản, ông tin rằng, phẩm chất đầu tiên của khả năng hùng biện phải là một thân thể cường tráng, tràn trề và tạo ra sức ảnh hưởng nhờ lan tỏa sức mạnh ấy

ĐẶT NIỀM TIN VÀO NHỮNG GIÁ TRỊ, THẤY HI VỌNG NGAY TRONG CHÍNH MÌNH

Trong quá trình tự trui rèn, để đi đến sự nhất thống Thân – Tâm – Trí, bạn luôn cần đến cái LÍ TRÍ phán định để BẢO VỆ và làm đức tin của mình luôn VỮNG MẠNH. Giống như sự hiểu biết có thể ổn định và điều hướng nhiệt huyết của bạn.

Đừng lãng phí khả năng trí tuệ cũng như cảm xúc của mình. Khi bạn khai phá và sử dụng sức mạnh trí tuệ để phụng sự những điều cao cả nhất, đức tin của bạn sẽ trở nên vững mạnh hơn bao giờ hết.

Nếu không có LÍ TRÍ, niềm tin tôn giáo sẽ trở thành mù quáng và có thể gây ra một mối bất hòa không gì cứu vãn nổi. Giống như con mắt nói với bàn tay, “Ta không cần ngươi,” nếu bạn không thấu hiểu dựa trên lí trí của mình, thì chẳng khác nào bạn đặt đức tin trên một bờ vực chênh vênh và hiểm nguy.

Đặt niềm tin vào những giá trị tốt đẹp, dựa vào một LÍ TRÍ SẮC BÉN và tỉnh táo, bạn sẽ thấy hi vọng ngay bên trong mình.

Trong một cuộc tranh luận hăng hái, người viết “Thư truyền giáo” cho người Do Thái dừng lại để nói về sự chậm chạp và mù mờ của người đọc, khiến cho họ không thể tiệm cận những đạo lí cao hơn. Ông nói rằng con người sẽ không thể bước đến những cảnh giới sâu sắc của chân lí nếu người ấy không nỗ lực làm mình trở nên xứng đáng với những giá trị thiêng liêng mà họ hướng tới

Đừng là những đứa trẻ hài lòng với những thứ bề mặt hời hợt mà bỏ qua những sự thật ngầm ẩn.

Đừng hài lòng sống bằng sữa lỏng, đừng chối bỏ thức ăn rắn cứng.

Ông khẳng định rằng, con người phải lớn lên và tiếp tục phát triển, và thực sự nên trở thành những bậc thầy
Nếu bạn không muốn bị bón cho ăn như những đứa trẻ, bạn muốn sống như một người trưởng thành có thể chủ động lựa chọn những món ăn mình thích, bạn phải rèn giũa và học cách sử dụng những năng lực của mình.

Nếu việc mở rộng tri thức và phát triển trí tuệ là cần thiết để thấu hiểu chân lí ở các tầng mức khác nhau, thì một điều không kém phần quan trọng, đấy là RÈN LUYỆN TRỰC GIÁC VÀ TRÍ THÔNG MINH CẢM XÚC, ngay cả trong phạm vi suy nghĩ thông thường.

Ở phần mở đầu cho cuốn Autobiography (Tự truyện), Herbert Spencer cho rằng, trong gốc rễ hình thành hệ thống tư tưởng, cảm xúc là một yếu tố cũng quan trọng như trí tuệ. Spencer cho thấy điều này theo cách hơi tiêu cực, vì cuộc đời ông dường như không ngừng kìm nén cảm xúc của mình. Ông thường bị cuốn theo những thứ trừu tượng, như có dòng máu nóng chảy trong huyết quản.

Nhưng không thể phủ nhận, cảm xúc bao trùm toàn bộ cuộc sống thường hằng của con người. Cảm xúc đặc biệt gần với niềm tin và bạn không thể bỏ qua nó. “Tâm” là những gì tạo nên cá tính của bạn nhiều hơn cả những năng lực trí tuệ của bạn. Ngay giữa những xúc cảm và sự cảm thông, đức tin cho thấy sức mạnh vượt trội của nó. Ở nơi mà cảm xúc bùng cháy, đức tin liền điều hướng và định hình cuộc sống.

Đức tin đòi hỏi sự trau dồi TRÍ TUỆ, LƯƠNG TÂM, Ý CHÍ, mọi sức mạnh và khả năng của con người. Ngược trở lại, niềm tin chân thật nhất sẽ cho bạn năng lượng và cảm hứng để trau dồi trí tuệ và trực giác, bằng cách không ngừng rèn luyện bản thân.

Nếu bạn bỏ qua bất cứ yếu tố nào (trí tuệ, cảm xúc, trực giác hay lương tâm), thì nhân cách của chính bạn sẽ tổn thương lâu dài. Do đó, tự rèn luyện chính mình đem đến sự phát triển cân xứng, hài hòa cho bạn.

Đừng chỉ xem điều này như một lí tưởng tốt đẹp cao vời. Hãy thấu rõ mối liên kết ngầm ẩn giữa ĐỨC TIN, TÂM HỒN và nhu cầu TU DƯỠNG TINH THẦN của mình. Đừng để những thứ tầm thường tước đi của bạn cơ hội trở nên phi thường và có một cuộc sống giá trị hơn, ý nghĩa hơn. Chỉ khi bạn tìm thấy những giá trị thiêng liêng trong sinh mệnh của mình, bạn mới thực sự sống

Nếu không có ĐỨC TIN, HI VỌNG và những GIÁ TRỊ cao cả, bạn sẽ chỉ còn lại những dục vọng, tham cầu, được thỏa mãn để rồi lại thất vọng, được đáp ứng rồi vẫn thấy thiếu thốn, luôn chạy theo sự được mất đến hụt hơi và ngày càng mệt mỏi, kiệt quệ.

Cuộc sống ấy hẳn rất tù túng, chật hẹp với những cơn dằn vặt ngày ngày gặm nhấm tâm hồn bạn. Con người phân li, thì những năng lực tốt nhất cũng thành vô dụng. Đời sống đấy sẽ chỉ còn là một đường viền lởm chởm, sắc cạnh luôn trực chờ cứa vào tâm can bạn.

Điều bạn cần làm là không ngừng tiến lên, đi vào đời sống của giá trị và đức tin. Bạn sẽ thấy được chiều sâu và sự phong phú trong tâm hồn của một bản thể thống nhất.

Hơn thế nữa, hãy phát triển cân xứng thực sự, đạt đến sự cân bằng sức mạnh thực sự, có sự hài hòa tài năng thực sự, bằng cách giữ sự khiêm tốn, lòng biết ơn và ý chí đẩy lùi bóng tối trong mình.

Hãy nhất tâm hướng tới dung hòa tất cả năng lực và sức mạnh khác nhau trong một bản thể vẹn toàn, nhất quán.