Lần cập nhật gần nhất November 30th, 2020 – 02:08 pm
Mỗi người đều có những câu chuyện riêng để có thể trưởng thành. Nhưng đâu đó vẫn có những điều được mất. Hãy sống và quan tâm hơn đến những người bên cạnh. Để khi trải qua thì không cảm thấy hụt hẫng, hối hận. Nhân sinh như gió thổi, không ai có thể sống với nhau mãi mãi. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, chúng ta ai cũng sẽ trưởng thành và biết nhìn nhận những điều đúng sai. Miền tuổi thơ đều tồn tại trong trí nhớ của mỗi chúng ta. Hãy để những muồn phiện theo cơn gió và hãy đắm chìm vào những ngày xưa cái thuở không lo, không nghĩ, hồn nhiên vô tư. Và hãy luôn là chính mình vì cuộc sống không dài như ta tưởng. Hãy sống hết mình vì thời gian không đứng lại bao giờ.
Review Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2)
VỊ NGỌT…
Có lẽ các bạn đã không còn xa lạ gì với cái tên Nguyễn Nhật Ánh. Ông là tác giả của những thiên truyện viết về làng quê cũng như những tình cảm hồn nhiên trong sáng của lứa tuổi mới lớn. Đó là thứ tình cảm trong trẻo và thuần khiết trọn vẹn của một thế giới tuổi thơ đầy kỉ niệm. Những cuốn sách nhỏ nhắn vẫn hồn hậu, dí dỏm, ngọt ngào nhưng cũng phảng phất nỗi buồn đã để lại trong lòng độc giả những bài học luân lý về tình người – trở đi trở lại trong day dứt và tiếc nuối.
Những cuốn sách đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng chính tuyệt phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Câu chuyện như là trang nhật ký viết về tuổi thơ nghèo khó của anh em Thiều và Tường ở một vùng quê nghèo Việt Nam – nơi đã chứng kiến những rung động đầu đời của cả hai, tình cảm gia đình nồng ấm, tình anh em yêu thương chân thành, cũng như những đố kỵ, ghen tuông và những nỗi đau trong quá trình trưởng thành. Truyện mang đậm nét bút mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần độc đáo của Nguyễn Nhật Ánh.
Sách gồm có 81 chương, ở mỗi chương đều nói lên một ý nghĩ sâu sắc của nó, có khi lại tạo cho ta một cảm giác vui tươi và hồn nhiên. Trong suốt câu chuyện, tác giả đã đưa chính bản thân mình vào nhân vật phản diện để đặt vấn đề về đạo đức như sự vô tâm và cái ác. Tất cả đã được thể hiện một cách rõ nét và chân thực nhất.
“Tôi thấy hoa vàng trên có xanh” có rất nhiều câu thoại rất cảm động đã lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu độc giả. Nhưng có lẽ chi tiết đã để lại nhiều ấn tượng nhất là chi tiết khi Mận và Tường đang chơi bán đồ hàng, đúng chất của trẻ con, hai đứa đã nói chuyện ăn vụng thịt gà và ăn cho nhanh kẻo Thiều phát hiện. Kỳ thực không có miếng thịt gà nào ở đó nhưng khi Thiều về nhà và nghe được những câu đó, Thiều đã vứt hai củ khoai mà phải đánh nhau với thằng Sơn mới bảo vệ được xuống đất và cầm một thanh củi đánh vào lưng Tường. Tường bị đánh đột ngột, ngã lăn ra đất và không ngừng kêu đau. Thiều sợ quá, toan đi gọi ba má thì Tường dặn anh trai rằng “Anh đừng bảo anh đánh em, hãy bảo là em leo cây bị té”. Chi tiết là một sự hiểu lầm, là biểu hiện của sự tức tối, ghen tuông, đố kỵ của một đứa trẻ nhạy cảm đang trong độ tuổi mới lớn. Nó giúp ta cảm nhận nỗi buồn được bộc lộ xen kẽ với sự ngây thơ của trẻ con. Nó thể hiện vẻ đẹp mong manh trong sáng của những tâm hồn thuần khiết, trong trẻo với những kí ức tuổi thơ tuyệt đẹp. Đồng thời, chi tiết ấy đã để lại trong mỗi chúng ta những khoảng lặng sâu lắng. Nó là biểu hiện cho một tình anh em cao đẹp, nó vượt lên trên cả nỗi đau thể xác, Tường sẵn sàng quên đi vết thương của bản thân để bảo vệ cho anh. Đây như một lời gợi nhắc cho tất cả chúng ta nghĩ về gia đình, về tình anh em và về cách ứng xử đối với những lỗi lầm của người thân. Một chi tiết tuy nhỏ nhưng là điểm nhấn cho toàn bộ chương truyện, đây là chi tiết mang tính nhân văn sâu sắc và thấm đẫm giá trị nhân đạo.
Thiên truyện là sự kết hợp giữa nhiều tình huống ly kỳ, hấp dẫn, sinh động và chân thật đã đưa người đọc đi từ thang bậc cảm xúc này đến thang bậc cảm xúc khác. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một trong những câu chuyện đặc sắc nhất của Nguyễn Nhật Ánh mà tôi từng đọc. Nó để lại trong tôi rất nhiều những cảm xúc, những suy nghĩ, trở trăn về cuộc đời, về con người. Nó mang đến cho tôi cái nhìn nhân văn, nhân bản về cuộc sống, nó giúp tôi sống lại những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp, đầy kỉ niệm. Đặc biệt, truyện đã mang đến cho tôi những trải nghiệm mới mẻ, sâu sắc, giàu tính nhân văn về thế giới của tình yêu thương và nó đã giúp tôi hiểu được thấu đáo về sức mạnh của tình yêu thương. Đó là tình yêu thương có thể hướng thiện con người, giúp con người ta nhận ra được các giá trị đích thực của cuộc sống và sống có ý nghĩa hơn đối với chính mình cũng như đối với xã hội.
– Vũ My Đoàn
Tuổi thơ là một phần ký ức không thể phai mờ, chúng ta lớn dần theo năm tháng nhưng tuổi thơ của chúng ta vẫn còn thấy đâu đó trong ký ức.
Tuổi thơ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh không giống như bây giờ, khi người ta có nhiều thứ để chơi và nhiều nơi để lựa chọn . Tuổi thơ trong chuyện Nguyễn Nhật Ánh là khi bạn còn hòa mình với thiên nhiên, khi bạn thấy góc vườn nhà mình sao rộng đến lạ. Cái thú vui của những đứa trẻ nghèo vùng quê và tuổi thơ ấy được phát họa trong tác phẩm Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh.
Tác phẩm như một tập nhật ký xoay quanh cuộc sống của những đứa trẻ ở vùng quê. Nổi bật nên là thông điệp về tình anh em, tình làng nghĩa xóm và những tâm tư của tuổi mới lớn. 81 chương ngắn là 81 câu cuyện nhỏ của những đứa trẻ xảy ra ở một ngôi làng. Chuyện cóc tía, chuyện ma, chuyện công cháu và hoàng tử…
Ta bắt gặp trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh một thế giới đầy bất ngờ và thi vị. Với những suy ngẫm giản dị, nhưng gần gũi đến lạ để ai soi vào cũng thấy mình trong đó. Kiểu như lá thư tình đầu tiên của cu Thiều ngây ngô và khờ khạo.
Cuốn sách nhỏ cũng phảng phất nỗi buồn, như mối tình bị cấm giữa chị Vinh và chú Đàn, tình cảnh nghèo của cô bé Mận ba bị bệnh, mẹ mở một tiệm tạp hóa sống qua ngày nhưng rồi một hôm cháy tàn rụi ….
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Xanh lắng đọng, nhẹ nhàng trong tâm tưởng để rồi ai lỡ đọc rồi mà muốn quên đi thì thật khó.
– Trần Khánh Ly