Tôi Từng Nghĩ Mọi Thứ Sẽ Ổn Khi Trở Thành Người Lớn – Kim Haenam

Lần cập nhật gần nhất December 15th, 2020 – 09:48 am

Với 21 chương, được sắp xếp cực kì logic và gọn gàng theo từng hội chứng tâm lý như: Trầm cảm, Nhân cách trầm uất, Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, Rối loạn lo âu, Trầm cảm sau thành công, Rối loạn hoảng sợ, Chứng thích cường điệu, Rối loạn bất an, Các hình mẫu cha mẹ độc hại, Bệnh tức giận, Người không thể khóc…. Bạn nào đã từng mắc một trong các hội chứng trên, chắc chắn sẽ cảm thấy đồng cảm khi đọc cuốn sách này.

Review Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn (2)

Còn nhớ cuốn truyện nhiều chữ đầu tiên tôi đọc, là cuốn “Không Gia Đình” của Hector Malot. Tôi được thưởng học sinh giỏi cuối năm lớp 4. Bìa sách màu xanh, chữ xoắn xoắn, có hình gì đó ở chính giữa mà tôi không nhớ rõ. Nhưng nội dung của nó thì tôi nhớ. Thường thì tôi sẽ phải kể tóm tắt lại nội dung truyện và các thứ khác, rất nhiều thứ theo khuôn mẫu của một bài văn viết về một tác phẩm. Nhưng tôi sẽ không làm thế. Tôi không định viết theo cách đó, chỉ viết theo dòng suy nghĩ của tôi. Và tôi cũng không định viết về “Không Gia Đình”.

Chỉ là mở bài thôi.

Có lẽ là một chút lạc đề.

Hector Malot là đầu tiên. Và “Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn- Kim Haenam & Park Jongseok là bây giờ.

Tôi là người chọn sách theo bìa. Tôi nhìn bìa, nhìn giá, tôi đọc mấy đoạn trích đằng sau quyển sách, đọc những lời khen ngợi. Đó là quy trình. Nhiều người cười và bảo, sao mà nông cạn, đây là kiểu chọn sách ngớ ngẩn nhất mà tôi thấy, mua sách về để ngắm à… Tôi biết thế, nhưng không sao sửa được. Tôi vẫn thích bìa nhất. Cuốn sách này là một điều tuyệt diệu. Theo cảm nhận của bản thân tôi thì đây là một cuốn sách thực sự rất hay, nó phù hợp với người đọc mọi thế hệ.

Lúc thơ bé chắc hẳn ai trong chúng ta chẳng ước ao được mau lớn lên để trở thành người lớn. Làm người lớn thật thích, thật tự do và thỏa mái nhưng càng lớn chúng ta lại sợ “phải” trưởng thành. Cuộc sống của một người trưởng trành – “người lớn” thực sự không dễ dàng chút nào. Cuộc sống hiện đại khiến giới trẻ phải chịu sức ép rất lớn từ cuộc sống hàng ngày khiến bản thân ngày càng khép kín, mệt mỏi và bế tắc. Cuốn sách mang đến những triệu chứng và các căn bệnh mà người trưởng thành nào cũng từng trải qua. Cuốn sách đan xen lẫn nhau những cung bậc cảm xúc vui – buồn lẫn lộn tạo cho người đọc có cảm giác có lúc sẽ phải nhận thức và suy nghĩ về cuộc sống của chính bản thân mình. Ngày nay, áp lực là thứ mặc nhiên chúng ta phải chung sống, càng lớn chúng ta sẽ càng bị áp lực đè nặng trên vai. Môi trường sống hiện đại khiến giới trẻ phải chịu những áp lực và dồn ép khắc nghiệt từ cuộc sống khiến họ không tìm được ý nghĩa cuộc đời dễ rơi vào những căn bệnh tâm lý. Thực tế cho thấy, nỗi ám ảnh tâm lý không của riêng ai, tất cả các căn bệnh đều xuất phát từ các vấn đề tâm lý nhưng ít người nhận thức đúng về nó. Tự nhận thức đúng các căn bệnh là cách để bảo vệ chính bản thân mình. Thay vì quá ám ảnh với những thất bại, mệt mỏi và cảm xúc tiêu cực, hãy cho bản thân một cơ hội để rút ra bài học từ sai lầm. Hãy yêu thương và trân trọng chính bản thân mình đừng để bản thân chết chìm trong những cảm xúc tiêu cực không đáng có vì như vậy chúng ta chỉ làm bản thân đau khổ và mệt mỏi hơn mà thôi.

Dù bạn là ai, ở đâu, thành công hay chưa thành công thì điểm chung vẫn giống nhau là chúng ta luôn có những câu chuyện bị đè nén, chất chứa trong lòng bấy lâu nay chưa được chia sẻ, nếu được chia sẻ lẫn nhau, yêu thương và quan tâm đến nhau sẽ mang đến một thế giới tươi đẹp. Chúng ta tồn tại trên đời này đều có lý do, không ai cô độc, hãy yêu thương chính bản thân mình và những người xung quanh để cuộc sống thêm tốt đẹp, tràn đầy màu sắc.

– ‎Trươngg Thyy Yếnn‎

VÀI DÒNG REVIEW VỀ TÔI TỪNG NGHĨ MỌI THỨ SẼ ỔN KHI TRỞ THÀNH NGƯỜI LỚN

1. Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn là 1 tác phẩm còn hay hơn 1 tác phẩm văn học nữa… Kể về những trường hợp đặc biệt (bị trầm cảm, hưng cảm, sang chấn tâm lý, tinh thần…), 1 căn bệnh có thể coi là phổ biến ở thế kỷ 21 ngày nay… Khi con người mãi chỉ lo so sánh, tranh đấu mà quên mất mục đích sống trên đời này. Số người tự tử hay có ý muốn tự tử được xem là nhiều ở trên những nước phát triển và đang phát triển. Qua cuốn sách này, tác giả muốn nhắn gửi đến người đọc là hãy quan tâm và thương bản thân mình hơn, đừng quá quan trọng chuyện người khác nghĩ gì về mình hay phải làm vừa lòng người khác, quan trọng hơn cả là bạn cần có 1 đức tin nơi bạn, để có thể chữa lành vết thương tâm lý trong lòng bạn…

2. Sách là tập hợp những căn bệnh về tâm lý. Tác giả lý giải tâm trạng của người bệnh khi mắc các vấn đề về tâm lý đó, đưa ra hướng giải quyết, cuối chương có thêm phần rút gọn về triệu chứng của những người bệnh.

3. Lúc nhỏ mình luôn ước ao trở thành người lớn. Khi lớn lên rồi lại mơ về một chiếc vé quay về tuổi thơ. Quyển sách này dành cho những người lớn cô đơn. Mình cảm thấy như được đồng cảm, tâm sự, sẻ chia và cứu rỗi khi đọc quyển sách này

4. Cuốn sách viết về những chứng bệnh tâm lí, giúp người đọc có thể hiểu biết thêm về các chứng bệnh, từ đó có cái nhìn thông cảm hơn đối với những người mắc bệnh.

5. Một cuốn sách có nội dung rất hay. Một vấn đề không bao giờ cũ, đặc biệt là trong thế giới bận rộn hiện tại. Hãy tìm đọc để luôn giữ suy nghĩ tích cực, giảm stress và cân bằng tinh thần.

– Phan Minh Hằng

Trích dẫn Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn

“Những đứa trẻ không được chăm sóc tử tế và chịu đựng cú sốc lớn thường tự đối xử tàn nhẫn với bản thân mình, có thể phá hủy bất kì điều gì, vì bị coi như đứa con xấu xa cướp mất niềm hạnh phúc của bố mẹ. Đứa trẻ nghĩ mình là loài kí sinh trùng gặm nhấm hết cuộc đời và niềm hạnh phúc của cha mẹ, coi sự tồn tại của mình là gánh nặng. Nỗi giận dữ bên trong đứa trẻ kích thích cảm giác tội lỗi, khiến chúng càng cho rằng mình xấu xa, đáng khinh. Để được yêu thương, để được giải thoát khỏi những tội lỗi mình đã gây ra, chúng tự nguyện từ bỏ mọi niềm vui trong cuộc đời, và tự ôm vào mình những việc khó khăn nặng nhọc nhất.”

“Để có thể đối diện một cách chân thành nhất với bản thân mình, ta phải nhận ra một điều rằng sự quan tâm của người khác không thể nâng cao lòng tự tôn của mình lên được.

Những lời bình luận, những lượt thích, số lượng bạn bè trên mạng xã hội chỉ mang lại cho ta lợi ích vô cùng giới hạn.

Nếu lượng follower lên đến 100 ngàn người thì mạng xã hội có thể giúp ta thu lợi về mặt kinh tế bằng cách đăng các bài quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Nhưng những trường hợp đó thực tế chỉ chiếm không đến 2%.

Đối với những người thông thường, dù có đạt được đến 100 lượt thích đi chăng nữa thì nó cũng chỉ mang lại niềm vui ngắn ngủi rằng ‘À, hóa ra mọi người thích bức ảnh của mình đến thế!’. Nếu lượt thích tăng lên đến 200 thì niềm vui sẽ kéo dài hơn thêm một chút nữa.

Nhưng điều đó không những không thể thay đổi cuộc sống của chúng ta, mà ngoài những lời khen ngợi còn có thể có thêm những lời bình luận ác ý nữa.”

“MẤT NGƯỜI THÂN – TẠI SAO LẠI DẪN ĐẾN TRẦM CẢM CHỨ KHÔNG CHỈ LÀ SỰ BUỒN BÃ

Nỗi đớn đau khổ sở tưởng như chết đi được khi mất người thân phần lớn sẽ tự động nguôi ngoai theo thời gian. Tuy nhiên đôi khi đối với một số người, nỗi đau đớn ấy càng ngày càng sâu sắc hơn, khiến họ chìm sâu vào trầm uất. Và với họ, thay vì cảm thấy buồn đau, họ lại rơi vào trầm cảm. Đây là một cái bẫy nguy hiểm. Do ta chưa có nhiều kiến thức về bệnh, nên rất có thể, người thân và chính bản thân mình khi rơi vào trầm cảm mà ta thường nhầm lẫn đó chỉ là nỗi đau đớn đơn thuần.

Thứ nhất, đau thương là trạng thái khi ta mất đi một đối tượng rõ ràng nào đó, và không có thêm một sự mất mát nào đến từ vô thức. Nhưng chứng trầm cảm khiến ta cho rằng bản thân vừa mất đi điều gì đó hoàn hảo, lý tưởng. Điều đó được hình thành chính từ bản thân sự mất mát và trống rỗng trong tâm hồn. Tức là, vấn đề của phản ứng đau thương là mất đi một đối tượng nào đó, còn tâm điểm của chứng trầm cảm là đánh mất đi cả bản ngã của mình.

Thứ hai là đánh mất đi lòng tự tôn. Giảm sút lòng tự tôn, đánh mất bản ngã, mặc cảm thấp kém quá mức, tự trách móc bản thân, v.v. những triệu chứng lạ lùng này là hành động cố tình bôi xóa bản thân mình của người mắc chứng trầm cảm. Không thể nguôi ngoai đi nỗi đau mất người thân yêu một cách lành mạnh, nên rốt cục họ chọn cách dằn vặt, gặm nhấm chính bản thân mình.

Thứ ba là sự mâu thuẫn trong cảm xúc giữa yêu và ghét. Mất đi người thân yêu rồi, sự mâu thuẫn trong cảm xúc – lúc ghét lúc yêu – đã từng tồn tại trong mối quan hệ yêu thương ấy sẽ khiến cho cơn trầm uất của bệnh nhân trầm cảm càng trở nên nặng nề. Họ liên tục ruồng bỏ bản thân mình, cho rằng mình đang trả thù đối tượng đã rời bỏ mình. Nhưng thực chất họ đang dùng bệnh tật để hành hạ chính đối tượng đã trở thành một phần cơ thể mình.”