Trà Hoa Nữ – Alexandre Dumas

Lần cập nhật gần nhất August 21st, 2020 – 11:54 am

Trà hoa nữ được Alexandre Dumas  viết năm ông 23 tuổi và được xuất bản lần đầu vào năm 1848, là cuốn tiểu thuyết bán tự truyện dựa trên mối tình ngắn ngủi của tác giả và nàng kỹ nữ Marie Duplessis. Lấy bối cảnh nước Pháp vào giữa thế kỷ 19, câu chuyện kể về sự thăng trầm cuộc đời của một người phụ nữ phóng túng, khi tìm được tình yêu đích thực thì đã quá muộn màng, lại phải chống chọi với bao định kiến xã hội, đẩy nàng tới bi kịch tột cùng.

Review Trà hoa nữ (4)

“Đối với những người phụ nữ không được giáo dục về đạo đức thì Chúa gần như luôn mở ra hai con đường dẫn họ tới với người: nỗi đau và tình yêu. Hai con đường này đầy chông gai; người phụ nữ nào dấn bước vào thì sẽ phải chảy máu chân, trầy da tay, nhưng cùng họ trút lại ở những bụi gai bên đường cái lốt hào nhoáng của tội lỗi và đến đích với tấm thân trần trụi không khiến họ phải đỏ mặt trước chúa.”

Câu chuyện về Tiểu thư Marguerite tội nghiệp – cô gái bao có lòng kiêu hãnh và tính độc lập, duyên dáng, dịu dàng và cởi mở cùng với chàng Armand Duval.

Marguerite Gautier – “người con gái đồng trinh đã bị một sự không đâu biến thành gái điếm và một cô gái điếm đã bị một sự không đâu làm nên cô gái đồng trinh đáng yêu nhất, trong trắng nhất”.

Marguerite xuất hiện lần đầu rực rỡ và lộng lẫy như mọi cô gái bao khác trong cái dáng vẻ kiêu kì nhất, đỏng đảnh nhất nhưng vẫn đặc biệt hơn là nhờ đóa hoa trà màu trắng luôn xuất hiện thường trực bên cạnh cô. Trái ngược với nhan sắc đầm thấm mà thu hút của mình, từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ lẫn điệu bộ của cô đều toát lên một sự bỡn cợt và giễu nhại với những người lạ lẫm xung quanh. Cô xinh đẹp, từng ánh nhìn đến nét cười đều vô cùng đáng yêu, đó cũng là điều khiến cô trở thành cô gái làng chơi nổi tiếng nhất xã hội thượng lưu ở Paris thế kỉ 19. Như những cô gái làng chơi khác, Marguerite xa hoa, thích những căn hộ được trang hoàng bắt mắt, thích những chiếc áo casomia, thích kim cương và những cổ xe có bầy ngựa tốt. Cô thích đến nhà hát, thích những túi kẹo nho, thích những buổi tụ tập và những bữa ăn khuya hoành tráng. Các khoản chi phí của Marguerite lên đến hàng trăm nghìn quan tiền hằng năm nhưng chẳng làm cản chân những tên đàn ông thích săn đón cô, họ sẵn sàng đáp ứng những sở thích xa hoa thất thường để chiều lòng cô.

Nhưng bệnh lao phổi lại từng bước tấn công cô, đe dọa và hăm he cướp đoạt nhan sắc, tuổi trẻ và cả sinh mệnh bé nhỏ của Marguerite. Chính bản thân Marguerite cũng biết: “Bởi vì em bị buộc phải sống một cuộc đời ngắn ngủi hơn những người khác, nên em tự hứa với mình em sẽ sống nhanh hơn”. Cũng vì không muốn lỡ mất thời gian quý giá của bản thân, Marguerite rất nhanh chóng bắt đầu cuộc tình với Armand Duval: chàng trai đã yêu cô từ cái nhìn đầu tiên trên đường, không vì vẩn đục trong danh tiếng của cô mà ruồng bỏ cô, là người ngày ngày đến hỏi tin của cô khi cô nằm liệt giường mà chẳng để lại họ tên.

Từ đó, cuộc đời của Marguerite dường như mở ra những trang mới – đó là thời gian bắt đầu với cuộc sống hạnh phúc túng thiếu bên người mình yêu ở vùng Bougival bên lề Paris náo nhiệt mà Marguerite ngờ rằng cả đời sẽ không đoạn tuyệt. Từ một cô gái được chu cấp tất mọi thứ từ đầu đến chân, cô phải cùng với Armand hy sinh vì cuộc sống yêu đương của hai người. Từ một “Trà Hoa Nữ” nổi tiếng khắp Paris, Marguerite bỏ hẳn thói chơi hoa đắt đỏ của mình thay bằng thú vui nhìn ngắm những đóa hoa cúc dại mang tên chính cô. Cô nàng từng được ví như một cái máy đào mỏ bằng sắt ấy khi đó phải cam chịu mọi thứ vất vả từ sự thiếu thốn vật chất và đau đầu cả vì những suy tính cho người mình yêu. Cô gái sẵn sàng xem những món trang sức được bản thân cất giữ cẩn thận như một thứ xoàng xĩnh, dễ dàng đem đi cầm cố, đổi chác và buôn bán. Cô gái khốn khổ đó cũng chẳng ngại khi dọn đến một căn hộ nhỏ hơn để không khiến tình yêu của mình phải chật vật và để không biến tình yêu đẹp đẽ nhất lòng cô dành cho Armand trở thành một cuộc giao dịch vụ lợi giữa khách hàng và gái bao. Sau hàng loạt những biến cố xảy ra, Marguerite rơi vào tình thế bị buộc phải rời xa Armand như một cách phóng thích cho tình yêu đời cô.

Cuộc tình chóng vánh của cả hai nhân vật chính được dàn trải và đan xen giữa nồng nhiệt và lạnh giá, đau đớn và ngọt ngào. Nỗi đau chỉ thật sự được đẩy lên đến cao trào bằng những lá thư tay được Marguerite vụng về gắng viết sau những lần bị trích máu đến kiệt quệ hay những cơn ho sù sụ khạc ra đầy máu. Bên cạnh đó là những ‘nỗi thống khổ sung sướng’ mà Armand đem lại cho Marguerite sau khi hai người đã chia xa. Cái dáng vẻ xanh xao, yếu ớt của Marguerite những ngày cuối đời dường như được tăng dần cùng với sự tàn nhẫn và tuyệt tình của Armand. Cái cách tác giả để cho Olympe dồn ép và lăng mạ Marguerite đã đẩy nỗi khổ của cô lên đỉnh điểm đến mức Marguerite trong đêm bạo bệnh vẫn tìm đến nhà Armand xin được tha thứ và ngay cả khi cả cơ thể cô tím tái hay dù cho tứ chi tê liệt, giọng nói thều thào đều không ngăn được tình cảm dành cho Armand ăn sâu vào huyết mạch như một thói quen của Marguerite.

Marguerite Gautier thật sự là một cô gái tốt bụng, bao dung, giàu yêu thương và tội nghiệp nhất mà tôi từng biết. Trà Hoa Nữ cũng là một trong những câu chuyện thê thảm và day dứt nhất mà tôi từng đọc. Bên cạnh tình yêu rung chuyển trời đất của Marguerite và Armand, cái mà người ta có thể thấm hơn bao giờ hết qua câu chuyện chính là sự tàn nhẫn trong xã hội thượng lưu ở Paris. Những cô gái làng chơi chỉ qua lại cùng người “bạn gái” của mình khi cô ấy có đủ tiền và quà cáp để cho người bạn đó “mượn” mà thôi. Và khi những cô gái làng chơi bị người đời khinh bỉ đó chết đi, đám tang của họ trở nên hiu quạnh đến cô quạnh. Những tình nhân của họ, những người từng săn đón họ ngày đêm và chẳng tiếc tiền cho những món trang sức giờ đây cũng chẳng có ai nhớ đến họ. Đến lúc họ chết đi, thậm chí là còn đang hấp hối thì người ta vẫn thản nhiên đến nhà họ gác cửa để bảo đảm số đồ đạc bị tịch biên không bị lấy đi. Như Marguerite đã nói “Armand thân yêu, em muốn để lại cho anh thứ gì đó nhắc mãi về em trong tâm trí anh, nhưng mọi thứ trong nhà em đều bị tịch biên và không còn chút gì thuộc về em nữa”. Tàn nhẫn biết bao, ngay trong chính căn nhà mình mà chẳng có một thứ gì thuộc về cô cả. Cho đến lúc thân xác tàn tạ đó đã xuống mồ rồi thì những người xung quanh, những người chẳng bao giờ đến thăm người thân được chôn cất xung quanh đó quá bốn lần một năm, vẫn không chấp nhận được sự hiện diện của cô, họ vẫn nhảy đổng lên đòi phải tách “hạng đàn bà” đó đến một khu riêng biệt. Trong xã hội năm đó, họ kì thị những cô gái như vậy, họ không cho con cái của mình kết hôn với các cô hoặc người thân liên quan đến các cô nữa.

Câu chuyện còn là sự khoan dung và đồng cảm của một số ít những người đối với sự hối cải của những cô gái phạm tội lỡ sa vào đầm lầy như Marguerite.

Alexandre Dumas không hổ danh là nhà văn đài tại về những vấn đề nóng trong xã hội đương thời. Dưới ngòi bút của ông, xã hội thượng lưu Paris thế kỉ 19 sống động hơn bao giờ hết. Không chỉ vậy mà còn là những thủ pháp miêu tả độc đáo qua việc khắc họa nét đẹp kiều diễm cũng những nét tính cách hồn nhiên, trẻ con của Marguerite, tạo ra một hình tượng nữ chính độc đáo hơn những nhân vật khác. Cùng với những nỗi đau như chết đi sống lại cùng tình yêu thiên trường địa cửu, câu chuyện tình yêu bất khả thông thường trở nên cô đọng và day dứt hơn cả là bởi những tình tiết được khéo léo sắp đặt chồng chéo lên nhau đẩy đến đỉnh cao mâu thuẫn làm nên cuộc chia lìa đẫm nước mắt và bi thương của Marguerite và Armand. Alexandre đã xuất sắc khơi dạy sự đồng cảm và niềm xót thương mãnh liệt của mọi độc giả dành cho Marguerite tội nghiệp, đáng yêu. Trà Hoa Nữ đã trở thành một kiệt tác văn học có lẽ là một điều hoàn toàn bình thường, bởi cốt truyện lôi cuốn và bi kịch đầy nhân văn như thế đã được xây dựng thật sự rất tuyệt vời.

– Nguyễn Đức Lam Thảo

Trà Hoa Nữ – Một chuyện tình đau thương giữa một chàng luật sư – con trai một gia đình danh giá và một nàng kỹ nữ yêu hoa trà. Một chuyện tình ngắn ngủi chỉ vài tháng nhưng ngọt ngào có, sung sướng có, đau khổ đến thắt tim có, hờn ghen có, hối tiếc có, trân trọng có… Một tình yêu bị gia đình ngăn cấm, xã hội xem thường nhưng bản chất của tình yêu là điều đẹp đẽ nhất trên thế gian.

Tình yêu dù ở bất cứ đâu vẫn luôn giữ được vẻ đẹp tinh khiết của nó. Trái tim nói những điều mà lý trí không thể nào hiểu được. Giữa những cạm bẫy, giả dối và tiền bạc thì tình yêu chân thành có thể được phân biệt nó một cách dễ dàng không nhỉ? Những kẻ mõi tiền thì không yêu thật sự còn những kẻ yêu thực sự thì sẽ không bao giờ mõi tiền, vì họ muốn cuộc tình thật thuần khiết, không chút vụ lợi.

Tình yêu là đề tài muôn thuở của các nhà thơ, nhà văn. Nó có vô vàn hình thức và diễn biến khác nhau. Tình yêu chính là nhịp thở của các tác phẩm văn học và cũng là nhịp thở của cuộc sống. Một người kĩ nữ với giấc mộng hoàn lương khi gặp được tình yêu đích thực của đời mình, một người cô có thể nói năng một cách tự do trước mặt người đó mà không sợ những dò xét, một người trân trọng cô, yêu thương và lo lắng cho cô bằng cả trái tim, khiến cô có thể từ bỏ tất cả cuộc sống sa hoa, thay đổi tất cả thói quen cũ để ở bên anh với mức thu nhập khiêm tốn.

Ta sẽ thấy được những biểu hiện hết sức đáng yêu của hai kẻ yêu nhau cuồng nhiệt. Những hờn ghen của những người đang yêu vẫn luôn thú vị dù họ ở địa vị nào đi nữa. Nỗi đau khổ trong thâm tâm được biến hoá thành những lời lẽ mỉa mai, cay cú nhưng vẫn hết sức lịch sự và có chừng mực, nhưng vẫn chẳng thể nào giấu nổi những yêu thương. Chỉ có tình yêu thật sự mới cho ta những cảm xúc thú vị đến thế. Tình yêu đau đấy nhưng có một sức hấp dẫn kì lạ. Chắc những người từng yêu đều hiểu những cảm giác đó!

Thế nhưng quá khứ đã ngăn bước họ đi, đẩy họ xa mãi mãi giấc mộng bình dị đó, bóp nghẹt trái tim họ đến nghẹt thở. Một người kĩ nữ có phong cách! Đối với tình yêu đích thực của họ, họ đã hi sinh hạnh phúc của mình vì người khác. Nếu có thể yêu thương nhau thì hãy yêu thương ngay bây giờ, từng chút một, bởi vì thời gian chẳng chờ đợi ai cả và chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao.

Cuối cùng, “Hãy khoan dung với tất cả những kẻ mà dục vọng trên cõi đời làm cho hư hỏng. Lòng khoan dung của chúng ta, nếu nó không đem lại điều tốt lành cho ai đó thì nó cũng không làm hại ai.”

– Hoa Tuyết

Tôi nhớ mình đã đọc Trà Hoa Nữ nhiều năm về trước, dù bản dịch cũ khá trúc trắc nhưng câu chuyện về cô gái làng chơi và tình yêu thực sự của cô ấy đã khiến tôi đau lòng rất nhiều. Lần này đọc lại những cảm xúc cũ lại ùa về. Thì ra qua bao nhiêu thời gian thì những nỗi đau vẫn vẹn nguyên như thế, không thể phai mờ…

Khi còn nhỏ tôi không thể hiểu hết tại sao một người con gái như Marguerite lại không thể có được hạnh phúc. Lớn lên rồi tôi mới thấu hiểu tình yêu của cô ấy bị chính định kiến của xã hội giết chết. Trong thời đại của chúng ta một tình yêu như thế cũng sẽ không tránh khỏi bị xét nét dè bỉu thì ngày ấy mối tình giữa một người đàn ông có ăn học đàng hoàng với một cô kỹ nữ sẽ còn bị áp đặt bao nhiêu định kiến chứ?

Phải, Marguerite là một kỹ nữ, một cô gái bao cao cấp như cách chúng ta gọi bây giờ hay như câu mà tác giả đã dùng để nói về cô – gái giang hồ. Cô sống bằng tiền của đàn ông, không chỉ một người. Cô có rất nhiều người hâm mộ, những quý ông sẵn sàng bỏ tiền ra để làm vừa lòng người đẹp nhưng sẽ không bao giờ cho cô ấy tình yêu bởi xã hội không chấp nhận điều đó.

Marguerite sống một cuộc sống xa hoa với những bộ váy áo đắt tiền và thời thượng, những cỗ xe ngựa mà đến cả các quý phu nhân cũng phải ghen tị. Rồi những món nữ trang, những đồ trang trí, những đôi giày, chiếc ô, tấm thảm… những thứ mà khi cô chết đi được mang ra đấu giá và tranh giành dù ngoài miệng dè bỉu bởi những kẻ vốn cho là cao quý hơn cô. Sống giữa nhung lụa nhưng trái tim cô gái trẻ lại chưa bao giờ nguôi mơ ước về một tình yêu đẹp như trong các quyển tiểu thuyết. Và rồi cô gặp Armand, một thanh niên trung lưu đàng hoàng. Trái tim cô gái cảm nhận được thứ tình cảm bao lâu nay cô luôn khao khát. Giá như câu chuyện chỉ có vậy thì mối tình này đã là chuyện cổ tích giữa đời thường, nhưng nếu chỉ có vậy sẽ khiến bao nhiêu cô gái trẻ khác, dù sinh ra trong gia đình danh giá hay những cô gái bị xã hội khinh thường mơ một giấc mộng không thể tỉnh.

Cái hay của Alexandre Dumas con là đã đánh thức tất cả chúng ta, những độc giả còn đang chìm đắm cùng niềm hạnh phúc của Marguerite dậy, nhẹ nhàng nhưng đau đớn. Giống như khi ta mơ một giấc mộng dài, dù vui sướng biết bao nhiêu nhưng không ai sống mãi trong mơ tưởng được, chúng ta rồi cũng phải tỉnh dậy, tỉnh để đối mặt với hiện thực tàn khốc luôn nhăm nhe gây đau khổ cho những ai đi trái quy luật xã hội nó đặt ra.

Cuối cùng cô gái làng chơi chấp nhận hy sinh hạnh phúc của mình để giữ lấy hạnh phúc cho gia đình người mình yêu. Dù cho anh ta không hiểu được tự cho rằng mình bị phản bội, mình đã tin lầm vào sự chân thành của một con điếm. Phải, Marguerite chỉ là một kỹ nữ nhưng những gì cô làm không chắc những người có ăn học hơn cô, có gia đình đàng hoàng và được xã hội trọng vọng hơn cô gấp nhiều lần có thể làm được. Dù cuộc sống đẩy cô xuống vực sâu nhưng trong tim cô dù thế nào vẫn còn có ánh sáng, thứ ánh sáng mà ngay cả chính người cô yêu cũng không thể làm nó lụi tàn.

Marguerite của tôi, người đã dạy cho tôi biết yêu là cho đi không cần hồi đáp đã sống và chết và cả yêu thương bằng tất cả trái tim mình như thế đó.

–  Hán Bích Hạnh

“Đối với những người phụ nữ không được giáo dục về đạo đức thì Chúa gần như luôn mở ra hai con đường dẫn họ tới với người: nỗi đau và tình yêu. Hai con đường này đầy chông gai; người phụ nữ nào dấn bước vào thì sẽ phải chảy máu chân, trầy da tay, nhưng cùng họ trút lại ở những bụi gai bên đường cái lốt hào nhoáng của tội lỗi và đến đích với tấm thân trần trụi không khiến họ phải đỏ mặt trước chúa.”

Câu chuyện về Tiểu thư Marguerite tội nghiệp – cô gái bao có lòng kiêu hãnh và tính độc lập, duyên dáng, dịu dàng và cởi mở cùng với chàng Armand Duval.

Marguerite Gautier – “người con gái đồng trinh đã bị một sự không đâu biến thành gái điếm và một cô gái điếm đã bị một sự không đâu làm nên cô gái đồng trinh đáng yêu nhất, trong trắng nhất”.

Marguerite xuất hiện lần đầu rực rỡ và lộng lẫy như mọi cô gái bao khác trong cái dáng vẻ kiêu kì nhất, đỏng đảnh nhất nhưng vẫn đặc biệt hơn là nhờ đóa hoa trà màu trắng luôn xuất hiện thường trực bên cạnh cô. Trái ngược với nhan sắc đầm thấm mà thu hút của mình, từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ lẫn điệu bộ của cô đều toát lên một sự bỡn cợt và giễu nhại với những người lạ lẫm xung quanh. Cô xinh đẹp, từng ánh nhìn đến nét cười đều vô cùng đáng yêu, đó cũng là điều khiến cô trở thành cô gái làng chơi nổi tiếng nhất xã hội thượng lưu ở Paris thế kỉ 19. Như những cô gái làng chơi khác, Marguerite xa hoa, thích những căn hộ được trang hoàng bắt mắt, thích những chiếc áo casomia, thích kim cương và những cổ xe có bầy ngựa tốt. Cô thích đến nhà hát, thích những túi kẹo nho, thích những buổi tụ tập và những bữa ăn khuya hoành tráng. Các khoản chi phí của Marguerite lên đến hàng trăm nghìn quan tiền hằng năm nhưng chẳng làm cản chân những tên đàn ông thích săn đón cô, họ sẵn sàng đáp ứng những sở thích xa hoa thất thường để chiều lòng cô.

Nhưng bệnh lao phổi lại từng bước tấn công cô, đe dọa và hăm he cướp đoạt nhan sắc, tuổi trẻ và cả sinh mệnh bé nhỏ của Marguerite. Chính bản thân Marguerite cũng biết: “Bởi vì em bị buộc phải sống một cuộc đời ngắn ngủi hơn những người khác, nên em tự hứa với mình em sẽ sống nhanh hơn”. Cũng vì không muốn lỡ mất thời gian quý giá của bản thân, Marguerite rất nhanh chóng bắt đầu cuộc tình với Armand Duval: chàng trai đã yêu cô từ cái nhìn đầu tiên trên đường, không vì vẩn đục trong danh tiếng của cô mà ruồng bỏ cô, là người ngày ngày đến hỏi tin của cô khi cô nằm liệt giường mà chẳng để lại họ tên.

Từ đó, cuộc đời của Marguerite dường như mở ra những trang mới – đó là thời gian bắt đầu với cuộc sống hạnh phúc túng thiếu bên người mình yêu ở vùng Bougival bên lề Paris náo nhiệt mà Marguerite ngờ rằng cả đời sẽ không đoạn tuyệt. Từ một cô gái được chu cấp tất mọi thứ từ đầu đến chân, cô phải cùng với Armand hy sinh vì cuộc sống yêu đương của hai người. Từ một “Trà Hoa Nữ” nổi tiếng khắp Paris, Marguerite bỏ hẳn thói chơi hoa đắt đỏ của mình thay bằng thú vui nhìn ngắm những đóa hoa cúc dại mang tên chính cô. Cô nàng từng được ví như một cái máy đào mỏ bằng sắt ấy khi đó phải cam chịu mọi thứ vất vả từ sự thiếu thốn vật chất và đau đầu cả vì những suy tính cho người mình yêu. Cô gái sẵn sàng xem những món trang sức được bản thân cất giữ cẩn thận như một thứ xoàng xĩnh, dễ dàng đem đi cầm cố, đổi chác và buôn bán. Cô gái khốn khổ đó cũng chẳng ngại khi dọn đến một căn hộ nhỏ hơn để không khiến tình yêu của mình phải chật vật và để không biến tình yêu đẹp đẽ nhất lòng cô dành cho Armand trở thành một cuộc giao dịch vụ lợi giữa khách hàng và gái bao. Sau hàng loạt những biến cố xảy ra, Marguerite rơi vào tình thế bị buộc phải rời xa Armand như một cách phóng thích cho tình yêu đời cô.

Cuộc tình chóng vánh của cả hai nhân vật chính được dàn trải và đan xen giữa nồng nhiệt và lạnh giá, đau đớn và ngọt ngào. Nỗi đau chỉ thật sự được đẩy lên đến cao trào bằng những lá thư tay được Marguerite vụng về gắng viết sau những lần bị trích máu đến kiệt quệ hay những cơn ho sù sụ khạc ra đầy máu. Bên cạnh đó là những ‘nỗi thống khổ sung sướng’ mà Armand đem lại cho Marguerite sau khi hai người đã chia xa. Cái dáng vẻ xanh xao, yếu ớt của Marguerite những ngày cuối đời dường như được tăng dần cùng với sự tàn nhẫn và tuyệt tình của Armand. Cái cách tác giả để cho Olympe dồn ép và lăng mạ Marguerite đã đẩy nỗi khổ của cô lên đỉnh điểm đến mức Marguerite trong đêm bạo bệnh vẫn tìm đến nhà Armand xin được tha thứ và ngay cả khi cả cơ thể cô tím tái hay dù cho tứ chi tê liệt, giọng nói thều thào đều không ngăn được tình cảm dành cho Armand ăn sâu vào huyết mạch như một thói quen của Marguerite.

Marguerite Gautier thật sự là một cô gái tốt bụng, bao dung, giàu yêu thương và tội nghiệp nhất mà tôi từng biết. Trà Hoa Nữ cũng là một trong những câu chuyện thê thảm và day dứt nhất mà tôi từng đọc. Bên cạnh tình yêu rung chuyển trời đất của Marguerite và Armand, cái mà người ta có thể thấm hơn bao giờ hết qua câu chuyện chính là sự tàn nhẫn trong xã hội thượng lưu ở Paris. Những cô gái làng chơi chỉ qua lại cùng người “bạn gái” của mình khi cô ấy có đủ tiền và quà cáp để cho người bạn đó “mượn” mà thôi. Và khi những cô gái làng chơi bị người đời khinh bỉ đó chết đi, đám tang của họ trở nên hiu quạnh đến cô quạnh. Những tình nhân của họ, những người từng săn đón họ ngày đêm và chẳng tiếc tiền cho những món trang sức giờ đây cũng chẳng có ai nhớ đến họ. Đến lúc họ chết đi, thậm chí là còn đang hấp hối thì người ta vẫn thản nhiên đến nhà họ gác cửa để bảo đảm số đồ đạc bị tịch biên không bị lấy đi. Như Marguerite đã nói “Armand thân yêu, em muốn để lại cho anh thứ gì đó nhắc mãi về em trong tâm trí anh, nhưng mọi thứ trong nhà em đều bị tịch biên và không còn chút gì thuộc về em nữa”. Tàn nhẫn biết bao, ngay trong chính căn nhà mình mà chẳng có một thứ gì thuộc về cô cả. Cho đến lúc thân xác tàn tạ đó đã xuống mồ rồi thì những người xung quanh, những người chẳng bao giờ đến thăm người thân được chôn cất xung quanh đó quá bốn lần một năm, vẫn không chấp nhận được sự hiện diện của cô, họ vẫn nhảy đổng lên đòi phải tách “hạng đàn bà” đó đến một khu riêng biệt. Trong xã hội năm đó, họ kì thị những cô gái như vậy, họ không cho con cái của mình kết hôn với các cô hoặc người thân liên quan đến các cô nữa.

Câu chuyện còn là sự khoan dung và đồng cảm của một số ít những người đối với sự hối cải của những cô gái phạm tội lỡ sa vào đầm lầy như Marguerite.

Alexandre Dumas không hổ danh là nhà văn đài tại về những vấn đề nóng trong xã hội đương thời. Dưới ngòi bút của ông, xã hội thượng lưu Paris thế kỉ 19 sống động hơn bao giờ hết. Không chỉ vậy mà còn là những thủ pháp miêu tả độc đáo qua việc khắc họa nét đẹp kiều diễm cũng những nét tính cách hồn nhiên, trẻ con của Marguerite, tạo ra một hình tượng nữ chính độc đáo hơn những nhân vật khác. Cùng với những nỗi đau như chết đi sống lại cùng tình yêu thiên trường địa cửu, câu chuyện tình yêu bất khả thông thường trở nên cô đọng và day dứt hơn cả là bởi những tình tiết được khéo léo sắp đặt chồng chéo lên nhau đẩy đến đỉnh cao mâu thuẫn làm nên cuộc chia lìa đẫm nước mắt và bi thương của Marguerite và Armand. Alexandre đã xuất sắc khơi dạy sự đồng cảm và niềm xót thương mãnh liệt của mọi độc giả dành cho Marguerite tội nghiệp, đáng yêu. Trà Hoa Nữ đã trở thành một kiệt tác văn học có lẽ là một điều hoàn toàn bình thường, bởi cốt truyện lôi cuốn và bi kịch đầy nhân văn như thế đã được xây dựng thật sự rất tuyệt vời.

– Nguyễn Đức Lam Thảo