Trầm lặng: Sức mạnh tiềm ẩn của người hướng nội – Susan Cain, Gregory Mone, Erica Moroz

Lần cập nhật gần nhất May 4th, 2020 – 10:25 am

“Sao mà trầm lặng quá vậy?”

Bạn bè, thầy cô, người quen, ngay cả những người tôi chỉ quen sơ đều hỏi tôi câu này. Hầu hết đều có ý tốt. Họ muốn biết tôi có ổn không, hay có lí do gì mà tôi lại lặng lẽ một mình. Một số người hỏi kiểu như ám chỉ rằng việc tôi không bày tỏ ý kiến gì trong suốt một khoảng thời gian là điều hơi kì lạ.

Không phải lúc nào tôi cũng có câu trả lời cho câu hỏi này. Đôi lúc tôi trầm lặng vì mải suy nghĩ hay quan sát. Đôi lúc tôi tập trung lắng nghe hơn là nói chuyện. Tuy nhiên, thường thì lí do tôi trầm lặng chỉ là vì con người của tôi nó như vậy. Trầm lặng, thế thôi.

Review (2)

TÔI LÀ NGƯỜI HƯỚNG NỘI!

Đã lâu lắm rồi không review sách, hôm nay mình mở màn lại với cuốn sách này, “Trầm Lặng” của Susan Cain. Cuốn sách này mình đọc được cách đây khoảng gần 2 tháng, nó đã khơi mở cho mình về thế giới của chúng ta ở một khía cạnh khác, thế giới tồn tại 2 thái cực tính cách: hướng nội và hướng ngoại. Mình xin kể câu chuyện của mình trước liên quan đến chủ đề của cuốn sách. Đại loại là nó như thế này.

Trong những cuộc giao lưu nhóm nhỏ, mọi người vẫn không thể quen nổi được với hình ảnh của mình, một người không mấy khi hé mồm ra một lời. Đã quen lắm với những câu “Sao ít nói vậy?”, “Ngại hả?”, “Hôm nay không vui hả, cảm thấy không thoải mái ah?”, “Ăn nữa đi, sao ăn ít thế?”, “Làm khách hả?”, vân vân và mây mây,…. Ôi trời, có khi là đã ăn hết nửa đĩa thịt gà mà không ai thấy, lúc mọi người mải nói chuyện thì tai mình vẫn nghe, tay thì vẫn gắp và mồm thì vẫn nhai. Đó chính là sự thật mà mọi người nên biết, không phải tự nhiên đĩa thịt gà nọ nó vơi như thế đâu. Thật sự, rất là bối rối khi phải tiết lộ sự thật :’)

Cũng có những lúc mình tự vấn lại bản thân xem tại sao mình lại như vậy, và …, không có lời giải thích nào thỏa đáng cả. Khoảng ba tháng trước, mình làm một công việc liên quan đến sale, và lại còn là trưởng nhóm sale. Vốn dĩ sale là một nghề mà mọi người thường cho là dành cho những người sôi nổi, hoạt bát, sông sáo và thích giao lưu. Đó, lại là không phải là những thế mạnh của mình, mình rất tệ trong những khoản này, mọi người ở cùng công ty cũng cho là vậy. Đỉnh điểm là lý do dẫn đến mình nghỉ việc tại công ty nọ, trong thời gian đấy mình đi tìm những cuốn sách để lý giải cho tính cách của mình, thường sẽ là như vậy để tìm hiểu một cái gì đó. Và, mình tìm thấy cuốn sách này.

Cuốn sách đã lý giải tính cách của mình như sau: hướng nội, vâng, bạn đích thị là một người hướng nội. Không phải tự dưng bạn thích đọc sách, thích nghiền ngẫm suy nghĩ cái gì đó rất lâu, không phải tự dưng bạn thích ở một mình, không phải tự dưng bạn thích lắng nghe người khác nói hơn là nói, và, không tự dưng mồi nhậu nó lại hết nhanh như thế khi xuất hiện những ông như bạn trong bàn nhậu. Đó, là bởi vì, tính cách của bạn là thế, đang nói đến khoản ít nói chứ không phải khoản ăn mà không uống :’)

Cuốn sách chỉ ra rằng, thực tế, rất nhiều người thành công nhờ tính cách hướng nội. Những người hướng nội bán hàng thành công nhờ thấu hiểu tâm lý khách hàng, họ thành công vì họ trân thành và biết lắng nghe, nếu họ nói họ làm công việc bán hàng vì họ muốn mang đến những lợi ích tốt đẹp nhất đến cho khách hàng thì đúng là như vậy. Còn có những nhà khoa học hướng nội nổi tiếng như Albert Einstein, Thomas Edison, … đều thành công nhờ tập trung cao độ khi ở một mình và say mê nghiên cứu khoa học. Vẫn có những người hướng nội giỏi trình diễn hay nói chuyện trước đám đông. Thậm chí, cuốn sách còn chỉ ra rằng, hầu hết những nhà lãnh đạo thành công đều có tính cách hướng nội, họ rất giỏi lắng nghe, thấu hiểu người khác và họ lãnh đạo mạnh mẽ vì điều đó. Trong số này có Bill Gate, bài diễn thuyết trên Ted Talk của Cain về chủ đề hướng nội là một trong những bài diễn thuyết được Bill Gate ưa thích nhất.

Quay trở lại với câu chuyện của mình ở công ty nọ. Sau khi mình nghỉ việc, mình phát hiện ra một chi tiết rất liên quan. Đó là, cậu nhân viên cuối cùng trong nhóm của mình lead đã cúi mặt khóc khi biết mình nghỉ việc. Không biết lý do đằng sau đó là gì, nhưng mình cũng cho rằng, có một phần nào đó mình đã tạo được sự ảnh hưởng lên cậu ấy trong thời gian 1 tháng mình làm việc cùng. Xâu chuỗi lại những thời gian trước đây khi mình nghỉ việc ở một công ty nào đó, cũng tạo được sự ảnh hưởng tương tự mang các mức độ khác nhau. Có nghĩa là, có thể mình đã không thành công trong việc tạo được những chỉ số KPI bùng nổ, nhưng lại tạo được sự ảnh hưởng nhất định đến những người xung quanh, và, điều này lại mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó là bản chất của việc lãnh đạo. Không có ý chứng minh điều gì ở đây cả, mà muốn nói rằng, sự thành công của những người hướng nội không hề thua kém những người có tính cách hướng ngoại, thậm chí có những phần còn nổi trội hơn nữa.

Kết lại, cuốn sách vẫn không quên nhắc nhở những người hướng nội rằng, không nên lấy tính cách ra để làm lý do cho sự trốn tránh trong giao tiếp, hay những mặt mà người hướng nội làm không giỏi, mà vẫn nên đôi khi như một sợi dây chun, căng giãn khả năng của mình ra tới một mức nào đó để thích nghi và sau đó lại trở về với vị trí vốn có của mình.

Đó là tất cả những gì mình lĩnh hội được từ cuốn sách này. Cuối cùng, rất cám ơn vì mọi người đã đọc. Nếu có gì đó cần bàn luận về chủ đề này và cuốn sách thì đừng ngại chia sẻ. Chúc mọi người buổi tối vui vẻ!

– Quang Định

Tôi hướng nội, còn bạn hướng…đi đâu?

Xin chào những người hướng nội đang loay hoay khổ sở, vật lộn trong cuộc sống, tôi đến để giúp bạn. Tên tôi là sức mạnh của người hướng nội.

Tôi là một cuốn sách khá dày khoảng tầm 400 trang, được cô Susan tạo ra để trở thành một người bạn tâm sự và giúp những người hướng nội, những người vốn đang phải đấu tranh với các hệ giá trị cá nhân của mình. Tôi biết bạn có những câu hỏi nhằm cố thấu hiểu nội tâm của chính mình giống kiểu rất nhiều độc giả trước đó rằng tôi là ai, tôi làm vậy có đúng không, tại sao thế giới này lại có vẻ bất công với người hướng nội đến thế, cái thế giới này như thể được tạo ra để cho người hướng ngoại chiếm hết thành công của tôi vậy?

Ồ, hãy yên tâm, tình hình có vẻ không bi quan như bạn tưởng tượng đâu. Nếu bạn đọc tôi, tôi sẽ cho bạn thấy rằng hướng nội là một lợi thế, chỉ là bạn chưa nhìn thấy những lợi ích của nó ở trong những hoàn cảnh cụ thể mà thôi. Nếu bạn đọc tôi, bạn sẽ thấy tôi phân tích rất rõ những diễn biến tâm lí và hành vi của những người hướng nội khi chúng ta hành xử trong gia đình, trong khi ở trong một đám đông cụ thể và trong khi làm việc ở công ty.

Tôi là một người thầy về tâm lí mà bất cứ người làm cha làm mẹ nào đang vật lộn trong việc thấu hiểu con cái, bất cứ một người đang làm công tác quản trị nào đang phàn nàn về nhân viên cấp dưới hay nói chung là những ai đang muốn đào sâu suy ngẫm về bản thân mình kể cả người hướng ngoại, thì tôi chắc chắn là một người tư vấn không tồi đâu.

Cuốn sách nói như vậy đấy, bây giờ đến lượt tôi, với tư cách là một người hướng nội, sẽ tâm sự cùng các bạn trong một buổi tối yên bình như thế này.

Trên tất cả, hướng nội hay hướng ngoại không quan trọng, quan trọng là bạn phải biết tự làm chủ để hướng mình đến đích.

Khi sinh ra mình đã là một đứa bé hướng nội đặc sệt. Không có nhu cầu cần giao tiếp nhiều, chỉ thích lắng nghe mọi thứ, quan sát mọi thứ và đọc sách, đặc biệt là sách về những điều thần bí và kênh Disco huyền thoại, à lỗi đánh máy, Discovery ấy. Những lời phàn nàn xung quanh như sao con nhút nhát thế, phải ra ngoài kia chơi đi, suốt ngày ở nhà không thấy chán hay sao đã trở thành…kinh điển :V Có lẽ những người hướng nội khác cũng vậy.

Khi còn bé, mình cũng đã từng nghĩ rằng hướng nội thật tệ, cả thế giới này cư xử như chẳng có ai hiểu mình vậy. Những cái mình thích thì bạn bè lại không có hứng thú. Những cái mình thấy bình thường thì gia đình lại thấy bất bình thường. Những cái gì mình thấy đúng, thì mọi người lại thấy sai sai.

Nhưng sự thật không phải như vậy, trời không tiệt đường sống của ai bao giờ đâu hỡi các bạn của tôi.

Trước hết, cái gì cũng có hai mặt. Cái bối cảnh xảy ra sự việc mới là điều đáng phải bàn ở đây. Cả người hướng ngoại và người hướng nội đều có những ưu điểm và nhược điểm rất trái ngược nhau. Vậy thì, ‘’ tôi sẽ khắc phục những nhược điểm của người hướng nội, thay vào đó là…ưu điểm của người hướng ngoại…có được hông?’’. Rất may cho bạn, bạn hoàn toàn có thể. Chính mình đã thử và thành công. Không có ai trên đời hướng nội hay hướng ngoại 100% nhưng sẽ có một nhân tố trội hơn. Và điều đáng mừng là cái dây trói tâm lí hướng nội hay hướng ngoại đó HOÀN TOÀN CÓ THỂ KÉO GIÃN ĐƯỢC nếu bạn chịu luyện tập. Rất may, cái dây trói ấy không phải dây thừng mà là…dây thun. Đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn có thể luyện tập để trở thành một người như một người hướng ngoại thật sự TRONG MỘT KHOẢNG THỜI GIAN NHẤT ĐỊNH khi bạn bản chất, là người hướng nội và ngược lại. Bạn không thể thay đổi bản chất của mình từ hướng nội sang hướng ngoại nhưng có thể học để DUNG HÒA VÀ LÀM CHỦ chính mình.

Trước kia khi mình làm bài test tâm lí , mình hướng nội tận 75%, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 60 – 65%. Đến nỗi trong một số trường hợp khi nói chuyện với bạn bè với những người không hiểu gì về tâm lí, họ còn tưởng tôi hướng ngoại…đôi lúc hơn cả họ – những người tự nhận mình nói nhiều và hướng ngoại. Mãi tới khi còn đi học cấp 3, tôi vẫn chỉ nói chuyện với vài người bạn nhất định và có những người học chung mấy năm nhưng…. chẳng bao giờ nói chuyện quá 5 phút…trong số tổng thời gian 3 năm cấp 3 ấy chứ đừng nói đến cái chuyện CHỦ ĐỘNG ĐẾN LÀM QUEN KHI LỚP CÓ BẠN MỚI. Nhưng mình đã cố gắng kiểm soát bản thân để hoàn toàn có thể giao tiếp hay cư xử như một người hướng ngoại khi cần. Và không quá lâu sau đó :3, mình đã là người đầu tiên đến bắt chuyện với hai người bạn mới đến trước cả những người hướng ngoại trong lớp, cũng thỉnh thoảng nói leo pha trò như một người hướng ngoại thực thụ chứ không IM LẶNG TUYÊT ĐỐI. Bây giờ mình có thể giao tiếp với bất cứ ai, từ những người chạy xe ôm, quét rác buổi đêm cho đến những vị giám đốc công ty. Thú thật khi làm việc ấy, mình hoàn toàn ý thức được rằng mình không có nhu cầu giao tiếp với họ, nhưng mình biết rằng mình phải làm việc ấy, vì việc ấy giúp mình tự tin hơn, học được nhiều điều từ người khác hơn. Dần dần, cái dây thun được nới lỏng một cách dễ dàng chứ không khó khăn như lần đầu làm chuyện ấy nữa, từng tí một, kiên trì, và bây giờ mình hoàn toàn có thể làm chủ cái dây thun ấy. Vậy tại sao mình phải làm vậy?

Lí do chi tiết ở đây thưa các bạn. Các bạn nhớ điều mình nói ở trên chứ: CÁI BỐI CẢNH. Đừng sợ nếu bạn là một người hướng nội. Thật sự các bạn không biết rằng đó là vũ khí đáng sợ như thế nào đâu.

Nếu coi hướng nội và hướng ngoại là 2 khẩu súng ( mấy nay ở nhà mình coi phim hành động nên liên tưởng đến súng :V)….thì hướng ngoại là một khẩu súng tiểu liên còn hướng nội là một khẩu súng ngắm hạng nặng.

Đặc điểm súng tiểu liên: phù hợp với bối cảnh có mục tiêu gần, dễ bắn trúng không cần căn ke cẩn thận do cứ xả một tràng kiểu gì chả trúng một vài viên.

Đặc điểm súng sniper hạng nặng: phù hợp với bối cảnh có mục tiêu xa, khó bắn trúng, cần căn ke cẩn thận do chỉ có thể bắn 1 viên/ lần.

Hãy học để có thể sử dụng thành thạo CẢ 2 KHẨU SÚNG, đừng bao giờ chỉ sử dụng một khẩu.

Để có thể có khả năng thấu hiểu người khác, bạn phải thấu hiểu chính mình trước tiên. Việc này là sở trường của người hướng nội. Nó đòi hỏi sự kiên trì mà người hướng ngoại KHÔNG MẶC ĐỊNH CÓ.

Để có thể gây dựng sự nghiệp bền vững, phải là người có tư duy rất sâu, tầm nhìn rộng, rất lỳ đòn, nhìn người chuẩn xác. Đây là sở trường của người hướng nội

Để có thể nhạy bén với thời cuộc, phải là người tận dụng hết sức mạnh của đôi mắt và đôi tai…chứ không phải cái miệng. Đây là sở trường của người hướng nội. Điều này còn đúng hơn nữa nếu bạn đang làm lãnh đạo.

Trong những công việc dài hạn mang lại phần thưởng to lớn, 80% công sức ban đầu, chỉ cho ra 20% thành quả. Người hướng nội có xác suất bỏ cuộc ít hơn người hướng ngoại. Người hướng ngoại thích những công việc ngắn hạn, phần thưởng cũng ngắn hạn. Họ thích những công việc nhìn thấy 80% thành quả khi chỉ cần dành ra 20% công sức.

Các bạn hướng nội rụt rè của tôi, chúng ta đang sở hữu một vũ khí tối thượng để đạt được những mục tiêu to lớn. Tuy nhiên cái vũ khí ấy rất nặng và khó sử dụng. Nếu không kiểm soát được nó, bạn sẽ bị nó đè chết vì…nặng. Nhưng một khi đã sử dụng được nó thì bạn có thể xiên chết bất kì mục tiêu to lớn nào. Còn những bạn sinh ra với một khẩu súng tiểu liên, nếu không chịu học kiểm soát khẩu súng ngắm hạng nặng thì có lẽ chỉ có thể bắn trúng những mục tiêu cự li gần, mà đôi khi còn xả nhầm đạn vào người vô tội rước họa vào thân khi cố tình… ngắm xa.

Thế giới này thật ra không phải chỉ ưu tiên mỗi người hướng ngoại.

– Phong Lưu Tình