Trao Em Mặt Trời – Jandy Nelson

Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 – 06:47 pm

“Trao em mặt trời là một giấc mơ ban ngày. Nó dường như đến từ một thế giới khác và có sức mê hoặc kỳ lạ. Giọng văn đầy liên tưởng của Nelson sẽ bao bọc lấy trí tưởng tượng của ta, tinh tế khiến ta đầu hàng trước sự kỳ diệu và khả năng của nó…”

Review Trao em mặt trời (2)

Nhân tháng tự hào LGBT+, nhân ngày gia đình, xin được gửi đến các bạn review một cuốn sách mình vô cùng tâm đắc về tình cảm gia đình, tình yêu đồng giới mà ẻm bị flop quá.

Giữa những người thân trong gia đình sẽ có lúc có những mâu thuẫn, hiểu lầm. Đôi khi chúng ta ghét bỏ nhau, thậm chí là không muốn cả nhìn mặt nhau. Nhưng sau tất cả, chúng ta vẫn là một gia đình, mà đã là gia đình thì chẳng bao giờ bỏ rơi nhau cả. Gia đình của Noah và Jude cũng vậy. Noah và Jude là cặp song sinh gắn bó với nhau từ những tế bào đầu tiên trong bụng mẹ. Nhưng lại chẳng ai nghĩ vậy cả! Noah là một cậu bé rụt rè, kì quặc với mái tóc đen giống mẹ, lúc nào cũng vẽ vời mọi thứ trong đầu. Còn Jude thì xinh đẹp, nổi bật, được nhiều người theo đuổi với mái tóc vàng tỏa sáng như một nữ thần Mặt Trời giống bố. Họ giống như hai phiên bản đối hoàn toàn đối lập của một con người hơn là một cặp song sinh. Nhưng chỉ có hai chị em mới biết họ giống nhau đến dường nào: chỉ có thể chơi piano với bốn bàn tay trên những phím đàn; không thể chơi oản tù tì vì lúc nào cũng ra giống hệt nhau. Họ chia sẻ với nhau từng nhịp thở, từng cung bậc cảm xúc và hơn cả, là niềm say mê bất tận dành cho nghệ thuật. Noah có năng khiếu thiên bẩm về hội họa. Trong cậu luôn trực chờ bùng nổ những dải màu sắc độc nhất vô nhị. Jude thì lại sở hữu những bức phù điêu cát lộng lẫy, “đẹp đến rợn người”, được vẽ lên cát chỉ để bị sóng cuốn đi.

Tài năng là vậy, gắn bó là vậy, nhưng cũng giống như những gia đình, những cặp anh chị em khác, tuổi trưởng thành với biết bao biến cố, đổ vỡ cứ từng chút từng chút một đẩy hai người họ ra xa nhau. Hai đứa trẻ từng chia sẻ với nhau cả thế giới, vậy mà giờ đây lại phải tự mình chống chọi với hành trình đi tìm bản ngã mà ai cũng phải trải qua. Với Noah, đó là nỗi hoang mang, hoảng sợ trước những rung động đầu đời lạ lẫm, là cuộc chiến không hồi kết giữa “chọn con tim hay là nghe lí trí”… Với Jude, đó là hành trình tìm lại linh hồn đã mất của đứa em trai, là sự đấu tranh trong việc chối bỏ đam mê, quyền được hạnh phúc vì mặc cảm tội lỗi… Và trong suốt những năm tháng bồng bột ấy, dù vô tình hay cố ý, hai chị em cứ liên tục làm tổn thương nhau hết lần này đến lần khác. Bằng lời nói, bằng hành động hay chỉ đơn giản là bằng việc không-làm-gì-cả…

Xuyên suốt gần 500 trang sách là hành trình trưởng thành tàn khốc mà cũng ngập tràn yêu thương của Noah và Jude. Ở đó có những xúc cảm mà hẳn chàng trai cô gái nào cũng từng ít nhất một lần trải qua. Cảm giác ngại ngùng, xao xuyến khi được ở bên cạnh “mối tình đầu”. Dư vị ngọt ngào, nồng nàn đến run rẩy của nụ hôn đầu tiên. Nỗi bất lực đến tuyệt vọng khi chứng kiến người mình yêu thương cứ dần dần rời xa mà không sao níu kéo được. Sự sợ hãi trước miệng lưỡi người đời mà không dám sống thật với chính mình. Rồi cả sự ích kỷ, nhỏ nhen, ghen tị với tài năng của người khác… Những xúc cảm ấy, qua ngòi bút của tác giả hiện lên sinh động, cuồn cuộn như muốn nhấn chìm người đọc vào dòng lũ cảm xúc vậy.

Khép cuốn sách lại, kết thúc câu chuyện của hai chị em cũng là khi mình thấm thía, rằng: “Trên đời này quan trọng nhất là gia đình, những cái khác có hay không không quan trọng”. Noah và Jude có thể ích kỉ, nhỏ nhen, thích chiếm hữu, hay chơi xấu nhau, nhưng sau cùng vẫn không thể sống thiếu nhau dù chỉ một giây một khắc. Từ Noah và Jude, họ lại trở về là Jude và Noah, là một, là duy nhất! Phải trải qua bao vấp ngã, tan vỡ, tổn thương họ mới hiểu được sợi dây gắn kết máu thịt từ thuở còn trong bụng mẹ ấy nó thiêng liêng kì diệu đến dường nào. Suy cho cùng thì cũng chỉ có gia đình mới yêu thương, bảo vệ nhau vô điều kiện mà thôi! Giống như cái cách Jude coi việc bảo vệ, chăm sóc cho em trai là bản năng. Hay Noah thì coi việc một mình chịu đựng nỗi dày vò để chị và bố được hạnh phúc là một lẽ đương nhiên vậy. Cũng nhờ cuốn sách này mà tự nhiên mình hiểu thấu ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc, dù đôi khi hạnh phúc của người này lại khởi nguồn cho nỗi bất hạnh của người khác. Nghe thì có vẻ ích kỉ nhưng kì thực, sống thật với trái tim chẳng nhẽ lại là sai trái hay sao? “Trao em mặt trời” thực sự là một bức tranh đẹp rực rỡ, ngập tràn ánh sáng và màu sắc của tình yêu, tuổi trẻ. Trong bức tranh ấy là sự tương phản giữa hai gam màu nóng và lạnh, tượng trưng cho hai con người mà nếu thiếu mất một thì bức tranh chẳng thể trọn vẹn được. Hành trình tìm lại kết nối yêu thương giữa Noah và Jude là hành trình của tan vỡ, đau thương, hàn gắn…Nhưng chẳng hề gì bởi đó chính là TUỔI TRẺ, mà tuổi trẻ thì đâu thể êm ái, sóng yên biển lặng! Và hành trình tuổi trẻ ấy lại càng cuốn hút hơn khi được đặt trong một không gian nghệ thuật đầy ắp những cảm xúc, sáng tạo. Đây là một cuốn sách liên quan mật thiết đến hội họa nên tác giả áp dụng triệt để cách nói hình tượng, nhân hóa ẩn dụ… Chỉ riêng việc “đu” theo cách miêu tả những suy nghĩ, hình ảnh siêu thực trong đầu Noah và Jude, ngụp lặn trong đống từ ngữ phong phú của tác giả là đã đủ khiến mình choáng ngợp rồi.

Đặc biệt phải cảm ơn dịch giả vì cuốn sách được dịch rất mượt, không hề gượng ép, ngôn từ trau chuốt, rất có sức biểu cảm. Nhờ vậy mà người đọc có thể thẩm thấu được gần như trọn vẹn tinh thần nghệ thuật của tác phẩm.

Với mình, “Trao em mặt trời ” là một cuốn sách tuyệt vời viết về người trẻ, viết cho người trẻ. Nó vừa rực rỡ, vừa u ám; vừa rộn ràng, vừa trầm lắng; vừa tuyệt vọng mà cũng lấp lánh hi vọng… Nó đem đến cho người đọc cái nhìn đa chiều hơn về lứa tuổi thanh thiếu niên – những người đang loay hoay giữa đúng và sai, tốt và xấu, những người đang mò mẫm tìm kiếm chính mình giữa vô vàn cám dỗ, cạm bẫy. Nếu bạn thuộc lứa tuổi Young Adult, nếu bạn yêu thích những câu chuyện về tình cảm học trò, tình yêu gia đình; và nếu bạn là một tín đồ của hội họa, điêu khắc thì chắc chắn không thể bỏ qua cuốn sách này đâu nhé! Cực kì ấn tượng luôn ấy…

– Bánh Bơ Bồng Bềnh

Trao em Mặt Trời – bi thương rực rỡ của thời niên thiếu
____________
Tôi gặp cặp sinh đôi Noah và Jude năm tôi 18 tuổi, với vẻ ngoài rực rỡ và sống động như một bức họa Phục Hưng. Nhưng ở tuổi trưởng thành và vẫn còn là thiếu niên, tôi cất câu chuyện của họ vào một góc. Mấy năm trôi qua, tôi bỏ lại thời niên thiếu và bước vào đoạn đường trưởng thành, tôi mới lần giở cuốn sách sặc sỡ nay đã bám bụi. Và rồi, câu chuyện của họ, câu chuyện về tuổi thiếu niên non dại mở ra, làm tôi choáng ngợp và xúc động.

Người đầu tiên tôi gặp là Noah, năm cậu 13 tuổi.

Noah kín kẽ, rụt rè, khép mình lại với thế giới bên ngoài. Người ta chỉ thấy một đứa trẻ dị biệt, quái đản mà không biết thế giới bên trong cậu sống động, rực rỡ và diệu kỳ thế nào. Cậu tiêu hóa cái thế giới trông có vẻ ảm đạm bên ngoài thông qua đôi mắt nghệ thuật, và rồi sử dụng nó làm tư liệu cho những bức tranh huyền diệu và sống động cậu vẽ bằng tâm trí mình. Những bức tranh siêu thực, lấp lánh ánh sáng, rực rỡ sắc màu, chẳng thể nào hiểu nổi của một tâm hồn nghệ sĩ đơn độc, ẩn dật. Khi Noah cho tôi xem những bức tranh đó, tôi chỉ biết sững sờ trước trí tưởng tượng đã vẽ nên một tâm hồn diệu vợi như thế. Tôi hỏi cậu, Jude và cậu là song sinh thật sao? Noah chỉ lặng lẽ nhìn Jude, nhìn tấm gương khác giới của mình – chỉ về ngoại hình thôi. Phải, vì cô bé 13 tuổi ấy tỏa sáng giữa bạn bè đồng trang lứa, thu hút mọi ánh nhìn, và quá “bình thường’’ so với Noah. Rồi cậu xòe cho tôi coi những mặt trời, mặt trăng, những vì sao và hoa cỏ… Cậu cho tôi xem những bức phù điêu cát, cho tôi xem bức phác một chàng trai lạ. Im lặng, tôi nhận ra rằng, họ còn một thế giới khác mà không ai có thể thấy được, ngoài trừ họ thấy chính nhau. Và Noah tiếp tục vẽ bức tranh của mình.

Tôi gặp Jude, năm cô 16 tuổi.

Cô làm tôi ngạc nhiên quá đỗi, khi tôi không thể nhận ra cô bé rực sáng 3 năm trước. Có cái gì đó đã thay đổi, khiến một Jude từng hòa đồng và năng nổ với thế giới nay trở nên khác thường. Jude nay đã trở thành một Jude “lập dị” trong mắt kẻ khác, nhưng tôi biết đó mới là cách cô tỏa sáng thực sự. Đôi mắt cô gái 16 tuổi chứa đầy bão tố và rưng rưng một nỗi đau xa xôi. Tôi nhìn thấy cô bé năm 13 tuổi cố gắng sống sót với tuổi dậy thì, cố gắng biến mình thành đứa “con gái ấy” rốt cuộc lại trở thành một hình mẫu trái ngược lại. Khi tôi thắc mắc, Jude chỉ cho tôi xem cậu em trai của cô. Noah khiến tôi ngỡ ngàng với tuổi 16. Không phải vì vẻ đẹp đang thời nở rộ, mà là cậu không còn tỏa ra thứ ánh sáng đặc biệt nữa – cậu “bình thường”. Tới đây thì Jude bật khóc, bỏ tôi lại với những rối bời mà chạy đến nắm lấy tay em trai mình. Giây phút họ chạm vào nhau, thế giới bỗng ngưng đọng, và bùng nổ.

Nó mở ra ba năm biến động. Tôi thấy giây phút Noah gặp Brian, bài hát “Bloom” của Troye Sivan vang lên đoạn điệp khúc. Tôi thấy mẹ của cặp song sinh, trong ánh mắt thiết tha và thống khổ, đi tìm câu trả lời cho bản thân khi bế tắc với những đứa con của mình. Tôi thấy bố của cặp song sinh, trầm ngâm lướt qua như một cái bóng. Tôi thấy người đàn ông đang điêu khắc một người phụ nữ, đau khổ nhấn chìm ông ta. Và tôi thấy Jude mỉm cười với tình yêu khi nó gõ cửa.

Ở dưới cùng là Vực Tử Thần, sâu hoắm và dữ dội nhưng vô cùng gọi mời.
Thế giới đó là thời niên thiếu của họ. Chao đảo, hỗn độn với những ghen tị, hiểu nhầm, oán trách, tách Noah và Jude ra cái kết nối linh thiêng có từ trong bụng mẹ. Nhưng rồi cũng thế giới ấy, ấm áp và dịu dàng, đầy lòng vị tha và trên hết, có hơi thở của nghệ thuật len vào, đã mang họ lại với nhau, đã gắn kết những trái tim vụn vỡ. Những trang sách lật qua trước mặt, chạy theo sau hành trình trưởng thành vất vả, đau đớn và cô đơn của hai đứa trẻ, để dừng chân cùng chúng tại bến bờ của tương lai, nơi hai thiếu niên học được cách tha thứ, học lại cách thấu hiểu nhau và thấu hiểu những trái tim cô đơn khác. Ở bến bờ ấy, Noah tìm lại chính bản thân mình, đã từng bị Vực Tử Thần hút lấy. Ở bến bờ ấy, Jude giải thoát bóng ma quá khứ để có thể thành thật với chính mình. Và nghệ thuật lấp đầy tâm hồn họ bằng thứ khí mang ước mơ, khát vọng và tình yêu.

Thế giới của Noah và Jude đóng lại trước mắt tôi – mắt tôi, đã rưng rưng từ lúc nào không hay. Tôi cảm ơn họ vì đã dũng cảm, cảm ơn họ đã cho tôi thấy một câu chuyện đẹp và dữ dội đến thế, cảm ơn họ vì đã gợi nhắc cho tôi rằng, trưởng thành là một bản nhạc thăng trầm nhưng lại rung động thế nào, cho dù trải nghiệm của mỗi người có khác nhau, đó vẫn là bản nhạc quý giá nhất mà tôi cất giữ làm hành trang cho mình. Trước khi tạm biệt, tôi hứa với họ tôi sẽ quay lại nhiều lần nữa, có lẽ xúc cảm sẽ không còn vỡ òa như lần đầu nhưng sẽ cóp nhặt những vị cảm xúc khác nhau mỗi lần tôi trở lại.

Và có lẽ tới lúc tôi tìm cho mình người mà tôi có thể trao cả mặt trời.

– Ngọc Hiền

Trích dẫn Trao em mặt trời

“Gặp tri kỉ của mình cũng giống như là bước vào một căn nhà quen: bạn có thể nhận ra đồ đạc trong nhà, bức tranh trên tường, những cuốn sách trên kệ, những món đồ lặt vặt trong ngăn kéo. Thậm chí nếu tắt đèn đi, bạn vẫn có thể tìm đường trong bóng tối.”

”Nghe mẹ nói này. Phải rất can đảm mới có thể sống thật với bản thân, với trái tim mình. Trước giờ con vẫn luôn can đảm như thế và mẹ cầu mong rằng con sẽ mãi can đảm như vậy. Đó là trách nhiệm của con, Noah. Hãy nhớ thế.”

“Thứ tồi tệ cho trái tim lại tuyệt vời cho nghệ thuật”