Trật tự thế giới

Trật tự thế giới

Trật tự thế giới

Tác giả : Henry Kissinger

Dựa trên những nghiên cứu sâu sắc của Kissinger về lịch sử và kinh nghiệm của ông với vai trò cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng Mỹ, Trật tự thế giới dẫn dắt độc giả qua những giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử thế giới đương đại, giúp độc giả hiểu rõ hơn về hoàn cảnh lịch sử của thời kì hòa bình ổn định, xen lẫn các xung đột đang diễn ra. Qua đó, Kissinger cũng đưa ra những nhận định của mình về trật tự thế giới mới trong thế kỉ 21.

Ai nên đọc cuốn sách này?

Bất cứ ai quan tâm đến toàn cầu hóa và sự đụng độ của các nền văn minh

Bất cứ ai quan tâm đến lịch sử, chính trị, quan hệ quốc tế

Bất cứ ai muốn thấu hiểu sự nổi lên của IS, Trung Quốc…và ý nghĩa của nó với sự ổn định của thế giới trong thế kỉ 21

Tác giả cuốn sách này là ai?

Henry Kissinger là một nhà ngoại giao người Mỹ gốc Đức. Ông là bộ trưởng ngoại giao trong 4 năm và được trao giải Nobel hòa bình năm 1973. Ông đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ 20 và đã viết hàng chục cuốn sách về chủ đề quan trọng này.

1: Cuốn sách này có ích gì cho tôi? Thấu hiểu logic phía sau những mâu thuẫn và hợp tác trên trường quốc tế.

Cố gắng tìm đường trong thế giới chính trị phức tạp có thể là một công việc mệt mỏi. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao các cuộc xung đột giữa các quốc gia lại tiếp tục tiếp diễn bất kể bao nhiêu cuộc đàm phán, những nỗ lực hòa giải từ các thể chế quốc tế lớn hay hàng trăm giờ họp mặt và nói chuyện hòa bình?
Những phần tóm tắt dưới đây sẽ cung cấp rất nhiều góc nhìn thú vị trong đời sống chính trị quốc tế, nhưng tựu trung vào một lời giải thích duy nhất: phần lớn các cuộc xung đột bắt nguồn từ những kì vọng không thể hòa hợp giữa các quốc gia về cách phân chia và tổ chức thế giới này.
Rút ra từ những quan sát và trải nghiệm của cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ Henry Kissinger, bạn sẽ nắm được lý do tại sao mỗi quốc gia lại có một hình dung về tương lai của thế giới khác nhau, việc này ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của nước đó như thế nào, và lịch sử của nhân lại sẽ được định hình bởi các thế giới quan khác biệt này ra sao.
Trong những phần tóm tắt này, bạn sẽ tìm ra
  • các cuộc chiến tranh khốc liệt đã thực sự cải thiện mối quan hệ ngoại giao giữa các nước châu Âu ra sao?
  • tại sao tuổi thơ của một chính trị gia lại có thể ảnh hưởng đến số phận của một đất nước; và
  • làm thế nào mà cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vài nghìn năm trước lại có thể liên quan đến những chính sách của nước Nga hiện đại.

2: Trật tự thế giới là tập hợp những ý tưởng về cách thế giới nên vận hành, và là một tấm bản đồ chỉ dẫn cho chính sách đối ngoại của bất cứ quốc gia nào

Bạn có bao giờ nghe bàn luận về những cuộc xung đột trong lịch sử nhân loại như Chiến Tranh Lạnh hay những sự kiện đương đại như các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và tự hỏi hoàn cảnh lịch sử nào đã thực sự phát sinh ra chúng? Nếu vậy, thì bước khởi đầu quan trọng để tìm lời giải đáp là hiểu về lịch sử của Trật tự thế giới.
Trật tự thế giới về căn bản ám chỉ một tập hợp những tư tưởng và niềm tin cùng được chia sẻ bởi một cộng đồng rộng lớn. Chúng thường là các khu vực hoặc các nền văn minh phát triển những quan điểm chung về cách thế giới này nên được điều khiển, như ai là người nên nắm quyền lực trong một nền văn minh.
Lấy các nước châu Âu làm một ví dụ. Hầu hết đồng ý rằng tất cả các chính phủ nên được lựa chọn thông qua những cuộc bầu cử tự do và dân chủ. Nhưng niềm tin này không chỉ được áp dụng cho các quốc gia của họ – nó là thứ họ mong muốn lan tỏa ra khắp thế giới.
Giờ bạn đã biết một trật tự thế giới là gì, vậy cái gì khiến nó quan trọng đến vậy?
Chính những ý tưởng vĩ đại và niềm tin vững chắc về trật tự thế giới của một quốc gia tự nhiên sẽ có tác động rất lớn lên cách đất nước đó tương tác với các nước bên ngoài; trên thực tế, rất nhiều cuộc chiến đã nổ ra chỉ bởi vì mỗi nước lại có góc nhìn khác nhau về trật tự thế giới.
Ngoài ra, các trật tự thế giới có thể xác định nền tảng chính sách ngoại giao và chiến lược dài hạn của một quốc gia. Trật tự thế giới được áp dụng thông qua những quyết định chính sách đối ngoại để thúc đẩy mục tiêu riêng biệt của từng quốc gia; những đại ý tưởng này cung cấp một nền móng vững chắc cho các chiến lược và kế hoạch trong tương lai của họ.
Ví dụ, chiến lược gia tài ba, Hoàng tử Klemens von Metternich hành động theo niềm tin rằng để duy trì những mối quan hệ quốc tế bền vững, bạn cần thừa nhận những lợi ích thật sự của tất cả những chủ thể tham gia cuộc chơi, chứ không chỉ của riêng bạn.

3: Sự cân bằng quyền lực có thể đóng vai trò thiết yếu để duy trì trật tự thế giới

Sau thế chiến thứ 2, các nước tư bản phương Tây, đặc biệt là nước Mỹ, và cộng sản Sô Viết bắt đầu ham muốn kiểm soát nền chính trị toàn cầu. Điều này đánh dấu sự ra đời của cuộc xung đột được biết đến với cái tên Chiến Tranh Lạnh, một cuộc đấu tranh đấu ý thức hệ kéo dài vài chục năm, khiến các công dân trên toàn thế giới lúc nào cũng ở trong trạng thái hoang mang, lo sợ.
Nhưng lạ thay, trong những năm tháng đầy căng thẳng này, không có một cuộc chiến thực sự nào nổ ra giữa Mỹ và Sô Viết. Tại sao xung đột lại không leo thang?
Khả năng cao là do hai cường quốc có sức mạnh ngang ngửa nhau; cả hai đều cảm thấy bị đe dọa bởi tiềm lực của đối phương. Điều này chỉ ra rằng, một sự cân bằng quyền lực có thể thực sự dẫn đến một tình thế chính trị ổn định.
Kết luận này có thể gây bất ngờ, bởi vì những sức mạnh tương đồng nhau dường như có thể gây ra một cuộc bế tắc toàn diện, ngăn chặn sự tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, một sự cân bằng quyền lực hoàn hảo có thể ngăn các nước gây ra những động thái quyết liệt, bởi vì tất cả các bên đều nhận thức được sức mạnh phản đòn của bên kia. Do đó, không bên nào có thể giành được lợi thế rõ ràng.
Tình huống này có lợi cho các bên bởi vì nó giúp các chủ thể khác nhau có thời gian để lên kế hoạch và giải quyết những vấn đề quan trọng. Vì vậy, rất nhiều các chính trị gia hoan nghênh một sự cân bằng quyền lực trong trường hợp không tồn tại một bá chủ địa cầu thực sự.
Trong Chiến Tranh Lạnh, cả Mỹ lẫn Sô Viết đều không thể dám manh động. Cả hai bên đều không thể tấn công trực diện bởi vì hậu quả của việc trả thù sẽ vô cùng thảm khốc.
Trên thực tế, tình trạng bế tắc không được giải quyết cho tới khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ từ bên trong, xáo trộn sự cân bằng quyền lực. Kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mỗi bên đã khiến tình huống trở nên cực kì nhạy cảm, và nhân loại đứng trước bờ vực diệt vong.
Vì vậy, cho dù Chiến Tranh Lạnh là một thời điểm tồi tệ trong lịch sử vì rất nhiều lý do khác nhau, nhưng nhờ nó mà sự cân bằng quyền lực đã ngăn chặn mỗi bên sử dụng vũ khí hạt nhân hủy diệt. Họ đơn giản là rất tôn trọng năng lực của đối thủ và chỉ riêng sự thật này thôi đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến hạt nhiên toàn diện.

4: Một trong những trật thế giới ảnh hưởng nhất được bắt nguồn từ châu Âu.

Mặc dù chưa bao giờ tồn tại một trật tự thế giới thực sự, nhân loại đã gần như đạt được mục tiêu đó. Nó thành hình đầu tiên ở châu Âu khi Hiệp ước hòa bình Westphalia đặt nền tảng cho phong cách thực hành chính trị kiểu mới.
Đây là những gì đã xảy ra:
Giữa những năm 1618 và 1648, châu Âu bị tàn phá bởi Cuộc chiến 30 năm. Xung đột bắt đầu từ mâu thuẫn giữa các quốc gia theo Đạo Cơ Đốc và Tin Lành, nhưng nhanh chóng leo thang thành một loạt các cuộc chiến đẫm máu liên tiếp, tước đoạt mạng sống của hàng triệu người. Cuối cùng, các nhà ngoại giao từ nhiều nước đồng ý gặp mặt tại tỉnh Westphalia của Đức để thỏa thuận những hòa ước và sắp xếp những cuộc trao đổi trong tương lai.
Họ quyết định rằng mỗi quốc gia, bất kể diện tích, có quyền chủ quyền và tự quyết, và các nước khác được yêu cầu phải tôn trọng những quyền đó. Những nhà ngoại giao đồng ý rằng không có một chân lý nào đúng với tất cả các nước; vì vậy hiệp ước họ thông qua thừa nhận rằng có rất nhiều tín ngưỡng tồn tại ở châu Âu, tất cả chúng đều ngang nhau.
Kết quả là hòa ước Westphalia được tạo ra, một trật tự thế giới mới được thành lập giúp ổn định châu Âu. Vì vậy, cho dù nhiều điều khoản chính của hiệp ước có bất hợp lý trong thời hiện tại, vào thời điểm đó sự tôn trọng chủ quyền cơ bản của một đất nước là một khái niệm cực kì mới lạ và tuyệt nhiên quan trọng.
Trên thực tế, hòa nước này thành công tới mức nó tạo ra một hệ thống tương đối ổn định cho các quốc gia châu Âu đến tận thế kỉ 20. Các cuộc chiến nhỏ lẻ vẫn xảy ra, nhưng chưa bao giờ to lớn và tàn khốc như cuộc chiến 30 năm.
Nhờ thành công của nó, những nguyên tắc quan trọng nhất của hiệp ước thường được sao chép và vẫn là một phần của trật tự châu Âu cho đến ngày nay.
Nhưng lý do chính xác khiến trật tự châu Âu thành công rực rỡ là gì?

5: Sự linh hoạt là nhân tố then chốt của trật tự thế giới Âu châu.

Vậy, sự cân bằng quyền lực có thể giúp bình ổn trật tự thế giới. Nhưng trong trường hợp châu Âu, một nhân tố thiết yếu khác cũng có công lao lớn: sự linh hoạt
Trong cuộc chiến 30 năm, bất kì quốc gia nào ở châu Âu cũng có thể liên minh với nước khác để không ngăn không cho một nước nào trở nên quá mạnh. Sau chiến tranh, hệ thống liên minh của châu Âu đã trở nên vô cùng linh hoạt – những khối đoàn kết được hình thành dễ dàng miễn là chúng có lợi về mặt chiến lược, cho dù có vượt qua những giới hạn tôn giáo.
Vì vậy, không một nước đơn lẻ nào có thể thống trị phần còn lại. Nếu bất cứ nước nào vẫn cố tình làm thế, tất cả các quốc gia châu Âu còn lại sẽ hợp tác cùng nhau để đánh bại họ.
Hãy xem thử thất bại Napoleon Bonaparte, Hoàng đế của nước Pháp, trong thế kỉ 19. Napoleon đặt mục tiêu xâm chiếm cả châu Âu – và ông gần như đạt được nó, cho tới khi liên minh Nga, Phổ, Áo, Thụy Điển đánh thắng ông tại Trận chiến Leipzig.
Nhưng sự linh hoạt ở châu Âu còn đi đến từ nhiều nguyên nhân. Trong cuộc chiến 30 năm, một vài nước đổi phe, để mặc đồng minh của họ. Vì vậy, không một nước nào dám phụ thuộc hoàn toàn vào một nước khác, càng thúc đẩy sự linh động hơn.
Tuy nhiên, ngay khi sự linh động này bị phá vỡ, châu Âu lại chìm vào hỗn loạn và chiến tranh.
Theo sau cuộc chiến Pháp-Đức từ 1870-71, những lãnh đạo Đức chiến thắng thành lập một nhà nước Đức mới tại lâu đài Versailles của Pháp. Đây là một sự sỉ nhục lớn tới nước Pháp và phá vỡ tình đoàn kết giữa hai đất nước. Thay vì sự linh hoạt, châu Âu giờ đầy những mặt trận cứng nhắc.
Trong khi những liên minh châu Âu mới được thành lập, chúng thường trở nên cực kì gò bó, với các bên kiên định không chịu thay đổi lập trường của mình.
Vì vậy, khi đế chế Áo-Hung gây chiến tại Serbia sau sự kiện Thái tử Franz Ferdinand bị ám sát, nó khởi sinh một chuỗi phản ứng kích hoạt tất cả các đồng minh ở châu Âu. Kết quả là ta có Thế chiến thứ nhất.

6: Đức đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực châu Âu.

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng trật tự thế giới Âu châu được sinh ra bởi một quốc gia vốn không ai gắn với sự ổn định của châu Âu trong suốt chiều dài lịch sử: nước Đức.
Cho tới năm 1871, Đức không phải là một quốc gia thống nhất, mà là tập hợp các nhà nước và công quốc nhỏ nói chung tiếng Đức. Đặc điểm này cực kì quan trọng cho trật tự châu Âu thời đó, bởi vì các nhà nước nhỏ lẻ này không được coi là một mối nguy hiểm; trái lại, một nước Đức hợp nhất sẽ trở nên quá to lớn và hùng mạnh. Một đất nước vĩ đại và đông dân như thế chắc chắc sẽ phá vỡ thế cân bằng quyền lực mong manh giưa tất cả các nước châu Âu vào thời đó.
Mặt khác, những nhà nước Đức nhỏ cũng liên minh với nhau thông qua nhiều mối lợi ích chung. Nếu có đe dọa từ bên ngoài, họ có thể sẵn sàng tập hợp một đội quân đáng sợ. Vì vậy, tất cả các quốc gia châu Âu còn lại rất cẩn thận để không khiêu khích các nước nói tiếng Đức.
Ngoài ra, vị trí trái tim châu Âu của Đức cũng giúp duy trì sự cân bằng quyền lực. Vì nằm ở giữa, các nhà nước Đức có thể vươn đến biên giới của hầu như mọi quốc gia châu Âu khác trong chốc lát. Điều này ngăn cản hầu hết các nước dám tấn công các nhà nước Đức.
Tuy nhiên, vai trò trọng yếu của Đức trong việc cân bằng quyền lực cũng có nghĩa rằng ngay khi Đức thay đổi, toàn bộ trật tự châu Âu sẽ gặp phải vấn đề lớn.
Vì vậy, khi các nhà nước Đức nhỏ thống nhât dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Otto von Bismarck năm 1871, tạo tiền đề cho những cuộc chiến tranh thế giới sẽ phá nát châu Âu trong những thế kỉ tiếp theo.
Sau khi gắn kết với nhau, nước Đức mới bắt đầu đi tìm kiếm quyền lực, và bằng động thái xâm lược Bỉ, họ cuối cùng cũng kích động Thế chiến thứ nhất. Trên thực tế, nhìn lại những gì mà châu Âu đã phải trải qua, thật khó mà tin cộng đồng châu Âu lại có thể trở nên thống nhất như ngày nay.

7: Khi bàn đến chính trị, bạn không thể không xem xét nguồn gốc và lịch sử của dân tộc và quốc gia đó.

Tại sao chúng ta lại nên quan tâm đến nguồn gốc và cách nuôi dạy của những nhà lãnh đạo như tổng thống Mỹ Barack Obama hay Thủ tướng Đức Angela Merkel?
Con người và hành động chính trị của họ tất nhiên bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tuổi ấu thơ của họ. Lấy ví dụ như Klemens von Metternich và Otto von Bismarck, hai nhà ngoại giao chiến lược vĩ đại nhất trong thời đại của họ:
Klemens von Metternich được nuôi dưỡng tại Đức gần biên giới nước Pháp, và trở thành bộ trưởng ngoại giao của Đế chế Áo. Lớn lên trong môi trường đa văn hóa, ông coi trọng lợi ích của mỗi dân tộc sống trong biên giới của Áo. Đối với ông, mục tiêu tối thượng của chính trị là sự chung sống hòa bình.
Otto von Bismarck trưởng thành trong một gia đình quý tộc của Phổ. Trái ngược với von Metternich, von Bismarck nhìn chính trị như một phương tiện để đạt được cứu cánh, và kiên định với niềm tin rằng ngoại giao chỉ có vai trò duy nhất là thúc đẩy lợi ích cho đất nước của mình.
Tuy nhiên, không chỉ hành động của mỗi cả nhân bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh lịch sử mà cả một đất nước cũng thoát khỏi nó.
Lấy Nga như một ví dụ. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Nga đã bị xâm lược bất cứ khi nào mất cảnh giác. Cuộc đánh chiếm tàn khốc của Mongol trong thế kỉ 13 và các cuộc tấn công khác, còn được gọi là “Giai đoạn khủng hoảng” giữa những năm 1600, đều xảy ra vào lúc Nga đã cắt giảm lực lượng quân đội của mình. Vì vậy, dân Nga ngày nay cực kì nghi ngờ bất cứ ai khuyến khích họ tinh giảm lực lương quân đội.
Trái lại, xém xét các nước châu Âu trải qua hàng thế kỉ chìm trong các cuộc chiến đẫm máu. Lịch sử bi thương này đã dạy cho lục địa này rằng chung sống hòa bình là điều kiện căn cốt cho sự thịnh vương chung. Do đó, họ nỗ lực cố gắng để hình thành những liên minh và giải quyết những xung đột thông qua ngoại giao hơn là hành động quân sự.
Vì vậy, mỗi con người và mỗi quốc gia đều bị tác động lớn bởi những trải nghiệm trong quá khứ; điều này thể hiện rõ ở các nước Trung Đông, nơi rất nhiều nền văn minh và dân tộc đối đầu lẫn nhau.

8: Vô số các cuộc xung đột lớn trong lịch sử là kết quả của những quan niệm về Trật tự thế giới đối lập nhau.

Khi các quốc gia va chạm, nguy cơ xung đột ngày càng tăng lên: bởi những trật tự thế giới thường không tương thích.
Lý do có thể đến từ sự thật rằng, mỗi nước đều mong muốn áp dụng thế giới quan của mình cho các nước khác. Vì thế, mỗi trật tự thế giới lại thường phủ nhận sự tồn tại của những cái còn lại, do đó không được thiết kế đề tồn tại hòa bình với nhau.
Ví dụ, như chúng ta sẽ thấy rõ hơn ở phần sau, một trật tự thế giới dựa trên diễn giải chính thống của kinh Quran sẽ tương khắc với hầu hết các trật tự khác.
Kể cả chiến tranh lạnh là một ví dụ tiêu biểu về sự mẫu thuẫn của những trật tự thế giới khác nhau. Những nhân vật chính của cuộc xung đột đại diện cho những thế giới quan hoàn toàn khác nhau: nước Mỹ ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, và Liên Bang Sô Viết vẫn trung thành với chủ nghĩa cộng sản.
Do đó, những cuộc đụng độ, như chiến tranh Triều Tiên, hay Việt Nam, có vai trò như con tốt thí mạng cho thế giới quan của hai cường quốc. Xung đột cũng có thể nổ ra ở các quốc gia yếu hơn về vấn đề liệu nước đó nên tham gia vào khối dân chủ hay chủ nghĩa xã hội, hay thay đổi lãnh đạo chính trị của mình.
Rất nhiều xung đột đã xảy ra, và tiếp tục xảy ra, ở Trung Đông cũng có thể bắt nguồn từ những trật tự thế giới bất tương hợp. Các nhà nước Ả rập cực kì đa dạng, chứa đầy những thế giới quan hoàn toàn khác biệt. Điều này đã kích hoạt rất nhiều cuộc chiến xung quanh những tầm nhìn toàn cầu, dựa trên những cách diễn giải kinh Quran khác nhau.

9: Trật tự thế giới dựa trên đạo Hồi cực đoan sẽ vô cùng nguy hiểm cho cả thế giới.

Đến giờ chúng ta đã biết, các trật tự thế giới thường bao gồm nhiều khái niệm rộng lớn với nhiều ứng dụng. Do đó, thường khó để giải quyết những sự bất tương đồng giữa chúng. Mặc dù chúng có thể không đến mức hoàn toàn đối lập nhau, nhưng sự mâu thuẫn chắc chắc vẫn tồn tại.
Đặc biệt là trật tự thế giới được dựa trên sự sùng bái cứng nhắc về kinh Quran.
Theo lời diễn giải chính thống của kinh Quran, thế giới được chia ra làm hai phần:
Phần đầu tiên là các nước nằm dưới sự lãnh đạo của đạo Hồi và được cai trì bởi luật đạo Hồi. Theo những kẻ cực đoan, những quốc gia này nên được tồn tại như một đơn vị lớn, điều hành bởi một vị lãnh đạo duy nhất theo đạo Hồi. Những nhà nước này còn được gọi là dar al-islam, hay Ngôi nhà của đạo Hồi.
Phần thứ hai là tất cả các nước không nằm dưới sự thống trị của đạo Hồi; hay nói cách khác, tất cả các nước còn lại. Những lời diễn giải chính thống coi sứ mệnh linh thiêng của tất cả người Hồi Giáo là phải đảm bảo rằng một ngày, những quốc gia này cũng phải được cai trị bởi các bộ luật đạo Hồi; Những người Hồi Giáo cũng được cho phép sử dụng bất cứ phương tiện nào cần thiết để biến điều này thành hiện thực. Vì vậy, những quốc gia còn lại này được gọi là dar al-harb, hay Vùng chiến tranh.
Do đó, thật dễ để thấy thế giới quan của họ thật khó có thể tương hợp với những trật tự thế giới khác. Đặc biệt khái niệm trật tự thế giới đi ra từ Hòa ước Westphalian sẽ xung khắc với những lời diễn giải cứng nhắc từ kinh Quran.
Theo khái niệm trật tự Westphalian, mỗi quốc gia có quyền để tự ra quyết định miễn là họ tuân theo một số nguyên tắc cơ bản và tôn trọng chủ quyền của các nước khác. Rõ ràng, quan niệm này hoàn toàn đi lệch với niềm tin xây dựng một nhà nước đạo Hồi duy nhất trên 5 châu.
Ví dụ, trong trật tự Westphalian, mỗi quốc gia đều được phép tự do thực hành tôn giáo của mình, một kết quả quan trọng từ Cuộc chiến 30 năm. Một trật tự thế giới được xác định bởi những niềm tin đạo Hồi cực đoan sẽ coi sự lựa chọn này là không tưởng.

10: Nước Mỹ thúc đẩy và sử dụng trật tự thế giới được dựa trên sự cân bằng quyền lực Westphalian

Bây giờ bạn đã nhìn thấy cách trật tự thế giới hoạt động, hãy thử xem nước Mỹ đã áp dụng cụ thể nó như thế nào.
Đầu tiên, Mỹ thường sử dụng những khái niệm được liệt kê trong trật tự Âu châu cho lợi ích của mình. Từ lâu, ba đối thủ lớn nhất của Mỹ là Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Sử dụng một phương pháp phổ biến trong trật tự Westphalian, những nhà lãnh đạo Mỹ đã cố gắng để khiến các kẻ thù của mình đối đầu lẫn nhau.
Mục tiêu là để đảm bảo rằng những kì phùng địch thủ này sẽ luôn luôn cân bằng lẫn nhau, và vì vậy không bên nào có đủ sức mạnh để trực tiếp tấn công nước Mỹ.
Ví dụ, khi Nhật Bản nhanh chóng mạnh lên trong đầu thế kỉ 20, Theodore Roosevelt, tổng thống Mỹ thời bấy giờ, đã quyết định phô trương sức mạnh hải quân của Mỹ. Ông triển khai 16 tàu chiến, được biết đến như Hạm Đội Trắng, đi khắp thế giới và dừng lại ở Nhật Bản rất nhiều lần.
Khẩu hiệu chính thức của chuyến tour này là “luyện tập thực tế quanh thế giới,” nhưng rõ ràng nước Mỹ đang muốn thể hiện sức mạnh và quy mô hạm đội hải quân của mình. Những lần biểu trưng sức mạnh như thế, mà không cần phải dùng đến sự đe dọa quân sự trực tiếp nào, là điển hình của mô hình trật tự thế giới Âu châu.
Nhưng nước Mỹ không chỉ sử dụng những khái niệm về trật tự thế giới của châu Âu; họ còn coi mình là người bảo vệ của trật tự thế giới. Trên thực tế, nhiều phần của trật tự Westphalian đã được nước Mỹ sử dụng rất nhiều lần để biện minh cho các cuộc chiến và xung đột vũ trang.

11: Tổng kết

Thông điệp chính trong cuốn sách này:
Các trật tự thế giới của các quốc gia khác nhau – tập hợp những niềm tin đại diện và định hướng tầm nhìn của họ về cách thế giới nên vận hành – là những nền tảng của các mối quan hệ quốc tế. Mặc dù một vài trật tự thế giới, như trật tự Westphalian được phát triển trong thế kỉ 17 ở châu Âu sau cuộc chiến 30 năm, được dựa trên sự tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, không phải mọi tầm nhìn về thế giới đều được trang bị tốt để ngăn chặn xung đột.
Lời khuyên hành động
Hãy tôn trọng những người mà bạn tranh cãi: Lần tới khi bạn lao vào một cuộc tranh cãi nảy lửa, hãy nhớ tôn trọng những người đối thoại với bạn, kể cả những cử chỉ nhỏ như chào tất cả mọi người giống nhau cũng có thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Ví dụ, trong cuộc hội nghị diễn ra tại Hòa ước Westphalia, mọi nhà ngoại giao đều phải được đối xử như nhau bất kểquốc gia của họ có hùng mạnh tới đâu. Do đó, những mâu thuẫn được xoa dịu và kết quả đồng thuận lớn đã đạt được.
Du Học Đồng Thịnh
Theo Blinkist