Trong Mỗi Chúng Ta Đều Có Một Đứa Trẻ Cần Vỗ Về – Choi Kwanghyun

Nỗi đau luôn là thứ mà con người khước từ, lãng quên hoặc xóa bỏ. Nhưng dù nỗ lực đến cách nào, nó cũng sẽ không mất đi, điều cần làm cho mỗi chúng ta là học cách làm hòa, xoa dịu và chữa trị cho nó.

Review Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về (2)

Đây là cuốn sách mà theo mình, bất cứ ai cũng nên đọc, đọc để hiểu, để yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn.

“Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về” là cuốn sách tâm lý chữa lành, lúc đầu mình khá e ngại, nhưng chỉ cần đọc vài trang thôi, nhất định bạn sẽ bị cuốn hút bởi những hiện tượng, những câu chuyện và cả cách giải quyết của tác giả.

Tất cả chúng ta ai cũng có một “đứa trẻ bên trong”. Đứa trẻ ấy luôn nép mình ẩn giấu ở một góc nào đó trong con người chúng ta, có “đứa trẻ” luôn được yêu thương chăm sóc, nhưng có “đứa trẻ” lại luôn bị hắt hủi, lãng quên và cố tình giấu đi để che giấu những tổn thương, những nỗi đau sâu thẳm trong một con người. Nhưng dù cố giấu thế nào thì “đứa trẻ” ấy luôn mãi ở đó, chỉ là chúng ta đánh lừa tâm trí của mình thôi, và việc tốt hơn là hãy nên đối diện với “đứa trẻ” ấy, vỗ về, thương yêu, và chữa lành.

Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về sẽ giúp bạn tìm hiểu những trải nghiệm thời thơ ấu ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của một người và tổn thương hoạt động theo nguyên lý ra sao.

Có một hiện tượng mình cũng rất thích khi đọc sách là “người tổn thương thu hút người tổn thương”: Những tổn thương thời thơ ấu thường được chúng ta phóng chiếu lên người khác khi trưởng thành, là hiện tượng những trải nghiệm trong quá khứ tác động tiêu cực tới các mối quan hệ hiện tại, khiến chúng ta hiểu lầm và nhầm tưởng về đối phương.

“Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về” là cuốn sách khiến mình vỡ oà trong cảm xúc, bởi mình thực sự đã tìm được lời giải đáp về những vấn đề trong chính bản thân mình và những người xung quanh của mình, để từ đó hiểu và yêu thương mọi người nhiều hơn. Đọc “Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về”, để yêu, để hiểu và yêu thương chính bản thân mình.

– Hương Thanh Nguyễn

Trước đây mình từng đọc tiểu thuyết, những câu chuyện như cậu bé Zeze trong “Cây cam ngọt của tôi” thường lấy đi của mình rất nhiều nước mắt. Thậm chí, những câu chuyện trong các bộ phim lấy đề tài gia đình như Reply 1988 cũng khiến mình xúc động. Hóa ra, tất cả đều có điểm chung: nó chạm tới “đứa trẻ bên trong mình”.

Đọc cuốn sách thứ 3 “Trong mỗi chúng ta có một đứa trẻ cần vỗ về” của tác giả Choi Kwanghuyn – một tác giả Hàn kiêm bác sĩ tâm lý đã khiến mình nhận ra mình đã không đối diện với đứa trẻ 6 tuổi trong mình – một đứa trẻ từng bị mất niềm tin, một đứa trẻ thiếu tình thương và cho đến lần lượt đứa trẻ năm 18 tuổi cô đơn…

Không phải chúng ta cứ lớn lên, biết thêm được nhiều điều mới mẻ hoặc có thêm nhiều mối quan hệ là có thể xóa nhòa đi những ký ức không hạnh phúc. Không phải bất cứ thương tổn nào cũng có thể tự lành miệng nếu như chúng ta không đối diện và ôm lấy nó vỗ về. Cuốn sách đã liệt kê ra 8 đặc điểm cơ bản nhất của những con người có “đứa trẻ bên trong bị tổn thương” đồng thời phân tích một cách dễ hiểu, gần gũi nhất thông qua các trường hợp tham vấn để người đọc có thể nhận biết được mình đang ở dạng phức cảm nào, biểu hiện vô thức như trốn chạy, làm hài lòng người khác, nổi nóng bất thường…có nguồn cơn bắt đầu từ đâu, loại tổn thương nào sẽ chuyển hóa thành một phần tính cách trong ta.

Cuối cùng, tác giả đưa ra 6 bước làm hòa với đứa trẻ bên trong thông qua việc thừa nhận, ghi chép và đặc biệt là đặt tên cho những đứa trẻ ấy. Bằng tình thương và những điều tươi sáng tích cực nhất, Choi Kwanghyun một lần nữa đã thuyết phục trái tim mình đồng thời cũng khiến mình mở ra một cánh cửa tự chữa lành. Mình rất thích đoạn tâm thư cuối của tác giả rằng khi viết cuốn sách này, ngoài nghĩ đến việc giúp mọi người thì chính bản thân tác giả cũng đã chữa lành cho đứa trẻ bên trong mình – một đứa trẻ cô đơn bên trong vị tiến sĩ đáng kính.

Sách lấy đi nhiều nước mắt đối với những ai nhạy cảm như mình, nhưng đồng thời cũng trả lại tiếng cười không thành lời cho tất cả những ai sẵn sàng nhìn sâu vào bên trong mình – nơi có một em bé đang cần được vỗ về. Nếu như “Hai mặt gia đình” là bức tranh toàn cảnh, “Góc khuất yêu thương” là cỡ trung của một khung hình nói về mối quan hệ gần gũi nhất thì “Trong mỗi chúng ta có một đứa trẻ cần vỗ về” chính là thấu kính của cận cảnh giúp bạn soi tỏ nỗi lòng mình. Đã đến lúc nỗi buồn, vết thương và bao hờn tủi được đem ra ánh sáng và hong khô.

Mong ai cũng có thể đọc được cuốn sách này và coi nó như một món quà dành tặng chính mình.

– Hoàng Mỹ Hà

Trích dẫn Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về

TRONG CUỘC ĐỜI CHẮC CHẮN CÓ MỘT AI ĐÓ SẼ YÊU BẠN.

Carl Jung nói rằng: “Chúng ta đang đi đôi giày quá nhỏ.” Theo ông, khi vẫn cứ duy trì chiến lược phòng vệ như trước đây và có góc nhìn quá hạn hẹp về cuộc sống, chúng ta vô thức lặp lại những lựa chọn bị trói buộc với quá khứ, cản trở sự trưởng thành của bản thân, sự rộng mở của linh hồn.

Để thoát khỏi trạng thái này, chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta đang xù gai lên sống như loài nhím vì những tổn thương của bản thân, vì điều đó mà góc nhìn thế giới và chính mình trở nên cực kỳ hạn hẹp.

Tình yêu và sự quan tâm của ai đó chính là động lực có thể thay đổi đứa trẻ bên trong đầy tổn thương. Chữa lành không phải là cuộc hành trình đơn độc.

Có thể bạn đã bị tổn thương sâu sắc lúc nhỏ và đã xù lông lên sống để không bị tổn thương thêm nữa. Nhưng trong cuộc sống này, chắc chắn có ai đó trao cho bạn những tình cảm ấm áp và thân thiết với bạn. Chỉ là vì mải nhìn vào nỗi đau khổ của tổn thương quá lớn, nên bạn không thể nhớ nổi và lướt qua sự ấm áp ấy.

NẾU KHUÔN MẶT BẠN LÀ MỘT CHIẾC MẶT NẠ

“Cái tôi sai lệch” còn đóng một vai trò khác ngoài “mặt nạ”. Cơ chế phòng vệ giống như tấm lá chắn được dựng lên để bảo vệ bản thân trong những tình huống bất an, bất ổn và cái tôi sai lệch cũng có chức năng như một lá chắn bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương. Cái tôi sai lệch càng kiên cố, càng khiến chúng ta thay đổi bản thân, đáp ứng yêu cầu của môi trường xung quanh như tắc kè hoa. Cái tôi sai lệch thường đi kèm sự mất tự tin, lòng tự trọng thấp, mối quan hệ đổ vỡ hay bị bỏ rơi và cả chứng trầm cảm do những điều này. Vốn dĩ được tạo ra là để bảo vệ lòng tự trọng nhưng nếu trở nên dày quá mức, cái tôi sai lệch ngược lại có thể dẫn đến hiện tượng phản đòn, đó là lòng tự trọng bị méo mó.

Nếu muốn gỡ bỏ chiếc mặt nạ của cái tôi sai lệch và sống là “tôi” thực sự, chúng ta cần một người để có thể chia sẻ, giãi bày khó khăn của bản thân, hay nói cách khác là chúng ta cần “nơi xả cảm xúc”. Một mối quan hệ mà khi ở bên người ấy, chúng ta không cần giấu mình sau cái tôi sai lệch, một mối quan hệ cho thấy bản thân như vốn là và có thể quan sát chính mình. Khi chúng ta tạo ra một không gian an toàn cho riêng mình và nhận ra cái tôi sai lệch không phải là mình, “nụ cười giả tạo” đằng sau chiếc mặt nạ sẽ trở thành “nụ cười thực sự”.