Trường Ca Achilles – Madeline Miller

Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 – 06:44 pm

“Trường ca Achilles” được viết dựa theo Sử thi Iliad và Thần thoại Hy Lạp, kể về Patrolus, Achilles, tình yêu của họ và cuộc chiến thành Troy huyền thoại, cuốn tiểu thuyết mang tới những khía cạnh tinh thần sâu lắng, những tình cảm đẹp đẽ, giàu nhân văn và cảm xúc. Một câu chuyện mới với những tình tiết hấp dẫn nhưng vẫn tôn trọng nguyên tác.

Review Trường ca Achilles (2)

Dựa trên nền tảng sử thi “Iliad”, câu chuyện về cuộc chiến thành Troy đã được Madeline Miller kể lại dưới một góc nhìn mới lạ đầy lôi cuốn nhưng cũng không kém phần xúc động.

Truyện được kể qua con mắt của Patroclus, một hoàng tử vụng về bị trục xuất đến vương quốc Phthia, nơi mà cậu gặp Achilles – người được tiên đoán sẽ là “Người Hy Lạp vĩ đại nhất”.

Khi mình mới đọc những chương đầu tiên của Trường ca Achilles, mình đã rất tò mò về cách xử lý của tác giả. Những ai đã biết về cuộc chiến thành Troy hẳn cũng có cùng câu hỏi với mình: Trường ca Achilles sẽ kết thúc như thế nào? Liệu nó có đi theo nền tảng cũ, hay tác giả sẽ tạo ra một kết cục mới khi mất đi góc nhìn của câu chuyện?

Sau cùng thì tác giả đã không làm mình thất vọng. Cách chuyển hóa khéo léo giữa các yếu tố tự sự và thần thoại đã đẩy câu chuyện đi đến hồi kết một vẹn toàn và mượt mà. Có lẽ điều làm mình hài lòng với cuốn sách nhất chính là việc tác giả lựa chọn và xử lý góc nhìn của câu chuyện này.

Bên cạnh đó, góc nhìn này đã gợi ra một khía cạnh mới mẻ và đầy thu hút về hai nhân vật Achilles và Patroclus. Theo thần thoại Hy Lạp, người ta thường nhớ đến Achilles với thanh danh của chàng, rằng chàng là người hùng dũng mãnh nhất. Người ta sẽ nhớ tới Achilles đầy kiêu ngạo và tàn bạo, là thứ vũ khí nguy hiểm, là nỗi khiếp sợ mang theo chết chóc. Còn Patroclus chỉ là một nhân vật phụ bên lề mờ nhạt và chẳng được ai nhớ đến. Thế nhưng bằng cách sử dụng góc nhìn của Patroclus, tác giả đã tái hiện một Achilles đầy tươi trẻ, hồn nhiên, và hơn hết là một Patroclus đầy tình thương và vĩ đại.

Achilles là một á thần, con của một tiên biển. Dưới sự miêu tả của Patroclus, cậu là tất cả những gì mỹ miều, tuyệt đẹp và xuất sắc nhất mà con người có thể mường tượng ra. Cậu đẹp, hoạt ngôn, thông minh, hát hay và thiện chiến. Cậu trưởng thành trong sự kính trọng và ngưỡng mộ của mọi người, trái ngược hoàn toàn với Patroclus. Dẫu vậy, mối quan hệ của hai người bắt đầu từ một tình bạn và dần trở thành mối nhân duyên không thể chia lìa.

Có lẽ vì câu chuyện được viết trên tự sự của Patroclus mà mình có ấn tượng sâu sắc hơn với nhân vật này. Thoạt tiên mình có đôi chút thất vọng khi nhân vật chính của truyện lại là một người kém cỏi, nhu nhược và yếu đuối. Thế nhưng càng ngày mình lại càng yêu mến nhân vật này và nhận ra mình đã sai lầm. Patroclus không phải một kẻ yếu đuối hay nhu nhược. Hành động của cậu dựa trên tình yêu thương và khát khao được yêu thương. Cậu từ chối học chiến đấu và ra chiến trường, không phải vì cậu là một kẻ hèn nhát, không có khả năng tấn công. Mà đơn giản vì cậu không muốn đánh nhau, không muốn gây sát thương. Có lẽ trong tất cả mọi người, chỉ có Achilles là hiểu được điều đó.

“Nhưng cậu sẽ không đánh trả, kể cả khi họ ra tay với cậu. Cậu ghét điều ấy.” Nếu tôi là một chàng trai khác, những lời này sẽ thật xúc phạm.
“Bởi vì mình không có kỹ năng đó,” tôi nói.
“Mình không nghĩ đó là lý do duy nhất,” cậu bảo.

Patroclus không ra chiến trường mà ở lại khu trại chăm sóc và chữa trị các binh lính bị thương. Đây chính là nơi mà cậu phát huy được sức mạnh của mình. Cậu dần nổi tiếng, các binh lính đều biết cậu, rồi đến các vị vua, và họ luôn trao cho cậu cái nhìn đầy mong đợi khi cần cậu giúp đỡ.

Patroclus đã “phản bội” Achilles để cậu không thể thực hiện mưu đồ trả thù của mình. Hành động đó đã bảo vệ được Briseis, chiến lợi phẩm của Achilles, và hơn hết là đã bảo vệ được danh dự của Achilles và ngăn cản cậu ta gây ra sai lầm trầm trọng. Không dừng ở đó, vì bảo vệ Achilles, Patroclus sẵn sàng ra chiến trường, dù ta đều hiểu cậu không hề có khả năng và thích thú với việc đó. Lời tiên tri được đưa ra về người tài giỏi nhất đoàn quân Myrmidon (ngoại trừ Achilles), nhưng cả hai không thể hiểu lời tiên tri đã nói về ai. Patroclus thực sự là một người vĩ đại bị lãng quên bởi mọi người, và bởi cả chính bản thân cậu.

Nhưng cậu chưa bao giờ quên Achilles. Achilles là tình yêu vĩnh cửu soi sáng cậu. Khi thầy Chiron kể câu chuyện về cơn điên loạn của Heracles đã khiến chàng giết vợ vì lầm tưởng nàng là kẻ thù, Patroclus đã nghĩ: ”Tôi vẫn sẽ nhận ra gương mặt ấy trong bóng tối, hay dưới lớp ngụy trang…Tôi vẫn sẽ nhận ra nó kể cả trong cơn điên dại.” Và quả thật cậu đã làm vậy, và đây cũng là đoạn mình thích nhất trong truyện, khi Patroclus tìm lại được Achilles.

“Tôi có thể nhận ra cậu chỉ bằng một cái chạm nhẹ, bằng mùi hương; tôi sẽ nhận ra cậu cả khi mù lòa, qua hơi thở phập phồng của cậu và tiếng bàn chân cậu nện xuống đất. Tôi sẽ nhận ra cậu cả khi đã chết, ở tận cùng của thế giới.”

– An Trần

“Tôi có thể nhận ra cậu chỉ bằng một cái chạm nhẹ, bằng mùi hương; tôi sẽ nhận ra cậu cả khi mù lòa, qua hơi thở phập phồng của cậu và tiếng bàn chân cậu nện xuống đất. Tôi sẽ nhận ra cậu cả khi cậu đã chết, ở tận cùng của thế giới.”

Đã lâu rồi mình mới có cảm giác muốn viết review ngay sau khi đọc 1 cuốn sách đến vậy. Trường ca Achilles không còn là 1 bộ truyện mơi với nhiều độc giả nữa nhưng sau khi đọc xong mình đã rất hối hận vì trước kia luôn bỏ qua cuốn này vì đã nghĩ rằng nó sẽ không hợp gu mình.

Truyện được kể ở ngôi thứ nhất, dưới cái nhìn của Patroclus, con người cảm thấy lạ lẫm với chính tên của bản thân khi được người khác gọi. Không ai sinh ra đã tự nghi ngờ bản thân mình nhưng Patroclus đã luôn sống, kể từ khi cậu chào đời, với sự khinh thường từ chính người cha và từ những con dân của cậu, dù cho cậu là một hoàng tử. Chỉ vì cậu được sinh ra bởi người mẹ mà người ta nói là bị trì độn, và chỉ vì không bệnh tật có lẽ là điểm mạnh duy nhất của cậu. Patroclus đã quen với sự vô hình của bản thân.

Và Achilles chính là định nghĩa cho sự tồn tại của Patroclus. Achilles giống như một người hoàng tử hoàn hảo với một nửa dòng máu của thần- trái ngược hẳn với người chỉ được biết đến là con trai vua Menoitius- Patroclus. Điều này khiến cậu sinh ra lòng mặc cảm ghen ghét, dĩ nhiên, nhưng dù mặc cảm ghen ghét thế nào đi chăng nữa cũng không thể ngăn những ánh mắt nhìn chăm chú hướng về Achilles của cậu.

Tình cảm của hai người nảy sinh một cách tự nhiên khiến mình không thể bất ngờ và đã nghĩ rằng “à, hiển nhiên là phải như vậy”. Achilles giống như ánh sáng của cuộc đời Patroclus, giúp cậu dần dần rũ bỏ sự tự ti hèn mọn, giúp cậu nhận ra năng lực của bản thân và thực hiện ham muốn của mình. Patroclus cũng chứng kiến sự trưởng thành của Achilles, từ khi cậu còn là một hoàng tử tự tin với năng lực của mình cho đến khi bị chiến tranh vùi lấp. Để rồi đến cuối truyện, mình nhận ra rằng không ai là bàn đạp tôn vinh ai cả, họ sống vì chính bản thân mình, vì chính bản thân mình đã luôn vì người kia.

Đối với mình, Trường ca Achilles đã không chỉ là một câu chuyện tình yêu nam nam thông thường, mà hơn hết, nó đã khắc họa chân thực nhất về tình yêu, tham vọng, sự ích kỉ của con người và cái khắc nghiệt của chiến tranh.

Thật ra một trong những nguyên nhân khiến ban đầu mình bỏ qua bộ này vì tuyến nhân vật truyện khá nhiều và rắc rối, nhưng lúc mua sách về có kèm thêm cả phụ lục chi tiết về các vị thần và nhân vật nên bạn nào còn đang băn khoăn thì cứ yên tâm đọc đi nha.

– Shmily Thảo