Truyện Cổ Grimm – Jacob Grimm, Wilhelm Grimm

Những câu chuyện do anh em nhà Grimm kể lại thông qua cách kể của mình như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa ngủ trong rừng, Cô bé Lọ Lem, Cô bé quàng khăn đỏ, Bà chúa tuyết, Chú mèo Đi Hia, Chú bé chăn cừu,…đã trở nên vô cùng nổi tiếng và trường tồn với thời gian. Những tác phẩm này có sức ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới văn hóa, truyện cổ tích của nhiều quốc gia, được chuyển thể thành nhiều bộ phim điện ảnh và hoạt hình, trở thành tuổi thơ của rất nhiều thế hệ.

Review Truyện cổ Grimm

Tuổi thơ luôn gắn với những sắc màu và hình ảnh xung quanh, trong những bộ phim hoạt hình, hay trong câu chuyện cổ tích bên gối. Tưởng tượng và mộng mơ. Huyền ảo và kì bí. Tất cả đã tạo nên “Truyện cổ Grimm”, hay còn được gọi là truyện cổ dân gian Đức của anh em nhà Grimm. Truyện đưa tâm hồn trẻ thơ vào những chuyến phiêu lưu kì ảo, cho trẻ mặc sức mỉm cười và tự do trong chính không gian “bí ẩn” nhỏ của trẻ.

Tập truyện grimm có 88 câu chuyện nhỏ. Những hình ảnh động vật như: cáo, mèo, chuột, dê,… được nhân hóa thành nhân vật tài năng như câu chuyện “Chú mèo đi hia” hay thành những con vật có suy nghĩ, hành động như người qua câu chuyện “Mèo chuột kết nghĩa”. Hình ảnh quen thuộc mà chuyện cổ tích luôn có: nông dân, con quỷ, phù thủy,… Bên cạnh đó luôn có hình ảnh hiện diện của con người. Những đức tính dũng cảm, thông minh, tài năng,… luôn thuộc về phe chính diện. Còn tham lam, xấu xa,… là tính cách cho phe phản diện. Những hình ảnh kì lạ: cô một mắt, cô ba mắt, gã người dài, những người tí hon,… đan xen góp phần tạo nên những yếu tố kì bí, hài hước trong câu chuyện. Thông qua những hình ảnh để lồng ghép nội dung, xây dựng kết cấu chặt chẽ của một thế giới tưởng tượng đa màu sắc nhưng cũng để lại những bài học và giá trị nhân văn nhất định.

Yếu tố tích cực luôn tồn tại trong mỗi câu chuyện, thông qua những bài học hay những chi tiết hài mỉa mai. Sự chiến đấu của những con người hay một nhân vật đại diện cho phe chính diện, bằng sự dũng cảm, tài năng cùng sự giúp đỡ xung quanh để chiến thắng những tạo vật hung dữ: quỷ, chim ưng thần,…Tất cả đều đưa về những yếu tố: cái tốt thắng cái xấu, tôn sùng chính nghĩa và giá trị của mỗi nhân vật dù là người, động vật hay chỉ là một đồ vật, đều chiến đấu vì một sứ mệnh riêng. Từ đó khắc họa nên niềm tin vào con người và tạo vật xung quanh.

Đối với mình, câu chuyện “Mèo chuột kết nghĩa” khiến mình ấn tượng nhất. Hình ảnh đáng yêu của mèo và chuột kết hợp với cốt chuyện ngược đời: mèo và chuột kết thân. Nhưng kết quả mèo lại lừa chuột, và ăn thịt luôn chuột, với câu nói kết chuyện: “Bạn xem đấy, tình đời là thế đấy!”. Như một yếu tố mỉa mai khẳng định lại yếu tố mang tính hiển nhiên: mèo đối nghịch với chuột. Câu chuyện truyền tải thông điệp khá thực tế về việc suy xét và tin tưởng một người thông qua những liên kết sinh động của loài vật.

“Truyện cổ Grimm” là một tập truyện dành cho những đứa trẻ, nhưng đồng thời cũng dành cho người lớn muốn hồi tưởng về tuổi thơ của mình.

– Ánh Minh