Lần cập nhật gần nhất July 10th, 2020 – 02:04 pm
Tư duy nhanh và chậm của Daniel Kahneman, cuốn sách tóm lược hàng thập niên nghiên cứu giúp ông đoạt giải Nobel, giải thích những đóng góp của ông trong tư duy hiện đại của ta về tâm lý và kinh tế học hành vi. Trong nhiều năm, Kahneman và những đồng nghiệp của mình đã có những đóng góp lớn lao cho lối hiểu biết mới về tâm trí con người. Giờ đây, ta đã hiểu sâu sắc hơn về cách con người ra quyết định, tại sao một số lỗi đánh giá lại rất phổ biến và làm sao để cải thiện bản thân tốt hơn.
Review Tư duy nhanh và chậm (4)
“Nếu trong năm nay bạn chi được đọc một cuốn sách, tôi khuyên bạn nên chọn cuốn này.” — JANICE GROSS STEIN, The Globe and Mail.
Tác giả Daniel Kahneman là người giành giải thưởng Nobel về kinh tế và cuốn sách tuyệt vời này kết hợp nhiều giờ nghiên cứu miệt mài mà ông đã thực hiện trong nhiều thập kỷ qua.
Trong cuốn sách này Kahneman đề cập đến cách bộ não của chúng ta suy nghĩ, cũng như chạm vào các khía cạnh khác của tâm lý học. Về bản chất, Kahneman tin rằng có hai loại suy nghĩ, đặc trưng bởi hệ thống 1 (suy nghĩ nhanh) và hệ thống 2 (suy nghĩ chậm):
Hệ thống 1: xảy ra nhanh chóng và dễ dàng, chẳng hạn như các giả định, lần hiển thị đầu tiên hoặc các quyết định nhanh chóng.
Hệ thống 2: phần chậm hơn, cảm thấy nỗ lực hơn và sử dụng logic và lý luận để giải quyết các câu hỏi và tình huống khó hơn.
Chúng ta thường đưa ra quyết định nhanh chóng với Hệ thống 1, đơn giản là vì Hệ thống 2 thường lười biếng.
Làm sao để suy nghĩ mọi thứ một cách hợp lý, và đầu óc lý trí của chúng ta không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào công việc. Thì cuốn sách này là một lời giải thích dài, toàn diện về lý do tại sao chúng ta đưa ra quyết định theo cách chúng ta làm. Cả hai hệ thống đều cần thiết, nhưng cả hai đều là đối tượng ngụy biện. Kahneman giải thích nhiều trong số những ngụy biện này. Hầu hết mọi người không thực sự hiểu xác suất, vì vậy chúng ta không giỏi trong việc đánh giá mức độ rủi ro tương đối. Quyết định của chúng ta được tô màu mạnh mẽ bằng cách chúng ta đóng khung các câu hỏi trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta cần hiểu những vấn đề đóng khung này, để tránh những quyết định tồi tệ. Các yếu tố của quan hệ nhân quả và xác suất Bayes được mô tả chi tiết.
Phần lớn các thí nghiệm trong quyên sách này đều khá hữu ích. Ví dụ:
❗️Hiệu ứng hào quang. (Mai Phương Thuý đại diện ủng hộ 20 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ. Bạn tin rằng cô ta là người hào phóng, bạn có thể thích cô ta hơn trước.)
❗Câu khẳng định “tỷ lệ sống sót một tháng sau phẫu thuật là 90%” nghe dễ chịu hơn câu khẳng định “tỷ lệ tử vong sau một tháng phẫu thuật là 10%”, mặc dù hai câu có ý nghĩa tương đương. Hay 90% chất béo không có âm thanh tốt hơn 10% chất béo, có rất nhiều điều cần học ở đây về cách mô tả hoặc nêu vấn đề để đẩy mọi người tới những phản hồi nhất định bằng cách đóng khung hoặc neo thông tin bạn cung cấp.
❗Một quan sát gần đây hơn từ Israel, về các phán quyết tạm tha, đưa ra một ánh sáng đáng lo ngại hơn đối với các khoa lý luận của các cá nhân trong các vị trí của chính quyền. Cơ hội tạm tha của tù nhân đạt khoảng 65% sau khi các thẩm phán đã ăn một bữa ăn, nhưng đã giảm dần về số 0 vào thời điểm bữa ăn tiếp theo đến hạn. Lời giải thích không phải là sự đói khiến các thẩm phán phải trả thù, mà lý luận đó đòi hỏi năng lượng. Nhìn chung, chỉ có khoảng 35% yêu cầu được cấp, do đó từ chối là việc mà các thẩm phán mặc định khi pin của họ hết.
❗️Bạn có nguy cơ bị nhiễm một dịch bệnh mà một khi mắc phải sẽ dẫn tới tử vong nhanh chóng và không đau đớn trong vòng một tuần. Xác suất nhiễm bệnh là 1/1.000. Có một liều vắc-xin nhưng chỉ có tác dụng khi bạn chưa mắc bệnh. Bạn sẽ sẵn lòng chi trả cho liều vắc-xin đó nhiều nhất là bao nhiêu? Hầu hết mọi người đều sẵn lòng chi trả một lượng tiền đáng kể nhưng có giới hạn. Đối mặt với cái chết thật chẳng lấy gì làm dễ chịu, nhưng rủi ro là rất nhỏ và có vẻ như vô lý khi dốc cả tài sản để tránh nguy cơ ấy.
Hiểu cách các quá trình ra quyết định của chúng ta hoạt động và làm thế nào mà kinh tế học hành vi khác với những gì kinh tế học cổ điển gợi ý. Cuốn sách có thể giúp ta có ý thức hơn trong việc ra quyết định và hiểu rõ hơn về việc ra quyết định của đồng nghiệp hoặc các bên liên quan.
Với những ai quan tâm đến đầu tư hoặc hành vi con Kahneman là một tác phẩm đáng đọc. Trong cuốn sách này, ông chỉ ra rằng trong khi chúng ta luôn cho rằng những quyết định mà mình đưa ra là hợp lý, thì thực ra chúng ta lại đang mắc phải những thành kiến. Ít nhất cuốn sách cũng đem đến cho người đọc cơ hội tốt hơn để tránh những sai lầm hay giảm thiểu chúng.” — LARRY SWEDROE, CBS News.
Lỗi lạc… Từ này không thể nói hết được tầm quan trọng của những đóng góp của Daniel Kahneman trong việc hiểu cách thức chúng ta tư duy và lựa chọn. Ông đứng giữa những người khổng lồ giống như một tay thợ dệt với những sợi chi của Charles Darwin, Adam Smith và Sigmund Freud. Như mọi nhà tâm lý học quan trọng bậc trong lịch sử nhân loại, Kahneman đã định hình lại tâm lý học nhận thức, phân tích tính hợp lý và lý trí, hiểu biết về nguy cơ, nghiên cứu về hạnh phúc và an sinh… Một tác phẩm kiệt xuất, gây ấn tượng mạnh mẽ trong chính tham vọng của nó, truyền tải rất nhiều kiến thức, sự khôn ngoan với tâm thái hết sức khiêm tốn và nhân văn sâu sắc. Nếu trong năm nay bạn chi được đọc một cuốn sách, tôi khuyên bạn nên chọn cuốn này.” — JANICE GROSS STEIN, The Globe and Mail.
– Nguyễn Minh Nguyệt
Không ngẫu nhiên một thứ gì đó được tôn vinh và coi trọng, tất nhiên cuốn sách này cũng vậy. Cuốn sách Tư duy nhanh và chậm của tác giả Daniel Kahneman đã giành được một số giải danh giá như Sách khoa học hay nhất của Học viện Khoa học Quốc gia 2012; Sách hay nhất năm 2011 do Thời báo New York bình chọn; là cuốn sách được quan tâm nhất năm 2011 của tạp chí Los Angeles.
Tác giả Daniel Kahaneman là giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Princeton. Ông được coi là nhà tâm lí học vĩ đại nhất trên thế giới còn sống, đã từng được trao giải Nobel kinh tế năm 2002. Là người gốc Do Thái, ông đem tư duy, những kiến thứ uyên bác về hành vi con người trong hành trình khám phá và nghiên cứu hơn 30 năm của ông với đồng nghiệp; cùng sự dí dỏm, hài hước của mình vào cuốn sách để bạn hiểu cái hay của cuốn sách không chỉ là hàm lượng tri thức học thuật mà còn mang tính giải trí và sự hết sức khiêm tốn của tác giả.
Còn về cuốn sách, được nhiều người nổi tiếng nhận xét như sau:
“Với những ai quan tâm đến đầu tư hoặc hành vi con người, cuốn sách của Kahneman là một tác phẩm đáng đọc. Trong cuốn sách này, ông chỉ ra rằng trong khi chúng ta luôn cho rằng quyết định mà mình đưa ra là hợp lý, thì thực ra chúng ta lại đang mắc phải những thành kiến. Ít nhất cuốn sách cũng đem đến cho người đọc cơ hội tốt hơn để tránh những sai lầm hay giảm thiểu chúng” – Larry Swedroe, CBS News.
“Lỗi lac… Từ này không thể nói hết được tầm quan trọng của những đóng góp của Dainel Kahneman trong việc hiểu cách thwucs chúng ta tư duy và lựa chọn. Ông đứng giữa những người khổng lồ giống như một tay thợ dệt với những sợi chỉ của Charles Darwin, Adam Smith và Sigmund Freud. Như mọi nhà tâm lý học quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại, Kahneman đã định hình lại tâm lý học nhận thức, phân tích tính hợp lý và lý trí, hiểu biết về nguy cơ, nghiên cứu về hạnh phúc và an sinh…Một tác phẩm kiệt xuất gây ấn tượng mạnh mẽ trong chính tham vọng của nó, truyền tải rất nhiều kiến thức, sự khôn ngoan với tâm thái hết sức khiêm tốn và nhân văn sâu sắc. Nếu trong năm nay bạn chỉ được đọc một cuốn sách, tôi khuyên bạn nên chọn cuốn sách này.” – Janice Gross Stein, The Globe and Mail.
Trong Tư duy nhanh và chậm, Kahneman mô tả hai cách thức mà não chúng ta vận hành. Ông gọi đó là Hệ thống 1 và Hệ thống 2. Nếu như Hệ thống 1, còn gọi là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn và tiềm thức; thì Hệ thống 2 với cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi nỗ lực, ít được sử dụng, dùng logic, có tính toán và ý thức. Trong một loạt thí nghiệm tâm lý, Daniel Kahneman và Amos Tversky (đồng nghiệp của ông) chúng minh rằng con người chúng ta thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là nghĩ chậm. Phần lớn nội dung của cuốn sách là chỉ ra những sai lầm trong Hệ thống 1. Chẳng hạn, chúng ta vẫn tưởng con người vốn đầy lý trí, quyết định có suy tính cẩn thận, nhưng Kahneman và Tversky đã chứng minh trong cuộc sống hàng ngày và cả đời sống kinh tế, chúng ta thường quyết định một cách thiếu nhất quán, cảm tính và đầy chủ quan. Kahneman chứng minh rằng chúng ta tệ hơn những gì chúng ta tưởng: đó là chúng ta không biết những gì chúng ta không biết.
Cơ chế hoạt động của 2 hệ thống trong một con người, khi được nhìn nhận trên quy mô lớn hơn, có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động kinh tế xã hội. Hai hệ thống này chính là con người Kinh tế hư cấu sống trên mảnh đất lý thuyết và con người Hành động trong thế giới thực tại. – PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT.
– Minh Tam Hoang
Đây là cuốn sách nghiên cứu về tâm lý học nói chung, tư duy nói riêng và cũng là một cuốn sách tìm hiểu những vấn đề tâm lý dựa trên góc nhìn của thống kê . Bạn có thể tìm thêm cuốn “Tâm lý học hài hước” và “Phi lý trí” để có thể hiểu hơn về nghiên cứu tâm lý học con người.
Tư duy nhanh và chậm, cuốn sách sẽ thiên về nghiên cứu Hệ thống 1 và hệ thống 2. Hệ thống 1 được định nghĩa là tư duy tự động, mau lẹ, không cần cố gắng suy nghĩ và ít kiểm soát, cái này có thể xem là “bản năng”. Còn hệ thống 2 được định nghĩa là sự lựa chọn chủ quan, có đòi hỏi sự luyện tập , chậm rãi, tư duy cẩn thận. Vậy hệ thống 1-2 hoạt động thế nào, mời bạn đến ví dụ sau
VD: 2 x 2 = ? 35x 59= ? Ở đây, hệ thống 1 là bản năng, tất nhiên 2×2 = 4 và chúng ta chỉ cần trả lời trong vòng 1s; nhưng với phép tính 35×59 thì đòi hỏi sự nỗ lực của hệ thống 2. Lúc này bạn phải nhẩm tính và huy động nơ ron thần kinh, giấy bút để tính và kéo dài trung bình lâu hơn, có thể từ 20~30s chứ không có tính năng tự động như 2×2 = 4 được.
Tuy nhiên bạn rất dễ bị mắc bẫy khi hệ thống 1 kiểm soát. Mời bạn qua một ví dụ mà mình minh họa đời thường
VD: Bạn mua một gói mì tôm và một quả trứng có giá 11.000 VND; giá của gói mì tôm cao hơn giá quả trứng 10.000 VND ;vậy giá của quả trứng là bao nhiêu ?
Đến đây thì mình dám cá luôn, có nhiều bạn cho rằng giá của quả trứng là 1.000 VND, có gì mà phải đố chứ. Vậy thì bạn nhìn lại, 1.000 VND cho quả trứng và 11.000 VND cho gói mì tôm ( vì câu hỏi là giá của gói mì tôm cao hơn giá quả trứng 10.000 VND ) và tổng lúc này là 12.000 chứ không phải là 11.000. Bạn đã bị hệ thống 1 đánh lừa, lẽ ra đáp án chính xác phải là quả trứng giá 500 VND và giá gói mì tôm là 10.500 VND do hệ thống 2 cẩn thận tính toán. Một kết luận chỉ ra là người hay dùng hệ thống 1 là người bốc đồng, nói năng không suy nghĩ còn hệ thống 2 thì đa phần là những người cẩn thận.
Hai ví dụ khác: tự trả lời nha 😀
- VD1: Trong 5 phút thì 5 chiếc máy sản xuất 5 đồ vật. Vậy thì mất bao lâu để 100 máy sản xuất ra 100 đồ vật ?
- VD2: Có một cái hồ trồng hoa súng. Mỗi ngày diện tích hoa phủ kín mặt hồ tăng lên gấp đôi. Nếu cần 48 ngày để phủ kín mặt hồ thì để phủ được một nửa mặt hồ , cần bao nhiêu ngày ?
Nếu bạn trả lời nhanh là 100 phút và 24 ngày thì bạn đã bị mắc bẫy hệ thống 1 rồi đó.
Cuốn sách cũng chỉ ra rất nhiều về tâm lý học trong cuộc sống. Các ví dụ điển hình nghiên cứu về nhận thức lỏng, khoa học về sự sẵn có, hồi quy trung bình, hiệu ứng sở hữu hay chi phí chìm…..sẽ cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều điều trong cuộc sống tưởng chừng rất vô lý nhưng hóa ra sau khi nghiệm và đọc xong thì mới biết vì sao lại xảy ra những điều như thế.
Mặc dù cuốn sách dày gần 600 trang này còn hơi nặng về những kiến thức hàn lâm, khi đọc đòi hỏi bạn phải đọc, nghiệm kỹ thì mới có thể hiểu ra ý tác giả muốn truyền đạt và các ví dụ điển hình trong cuộc sống. Nhưng chắt lọc từ trong đây ra, nếu kiên nhẫn thì bạn cũng sẽ đồng ý với mình có rất nhiều thứ đáng suy nghiệm.
Chẳng hạn khi nhắc đến chi phí chìm; bây giờ một ví dụ khá đơn giản thôi; bạn mua một quyển sách nào đó giá hơi cao đi ( kiểu bạn phải dành dụm để mua được ) nhưng khi mở sách ra và đọc vài chương đầu, bạn cảm thấy khá ngán ngẩm và thất vọng. Lúc này, lựa chọn của bạn là gì? Theo như kết quả, bạn có xu hướng đọc tiếp vì…tiếc tiền và giá tiền bạn mua không hề nhỏ. Hay người ta kết hôn với nhau chỉ vì……”bác sĩ bảo cưới” chứ thực chất lúc đó hai bạn chưa sẵn sàng chuyện yêu thương hay mối liên kết của hai người lúc đó còn rất yếu. Kết hôn, chỉ vì có bầu mới cưới chứ không phải yêu thương thực sự mới cưới. Đây là ví dụ, bạn sẽ hiểu hơn khi đọc thêm trong cuốn sách.
Phần mình thích trong cuốn sách này đó là phần chương cuối trong cuốn sách khi nói về “Hai bản thể”. Một câu nói chứng minh “Bạn sẽ không cảm thấy quan trọng khi chừng nào bạn thấy điều đó quan trọng”. Người ta sẽ có xu hướng không coi trọng điều đó khi vẫn còn xảy ra trước mắt họ, chừng nào có ai đó nhắc thì bạn mới nhận ra. Câu hỏi “Lâu rồi bạn có gọi về cho mẹ hay không” sẽ khiến bạn thấy giật mình khi bạn cũng nhận ra đã từ rất lâu bạn chưa về nhà hay chưa gọi hỏi thăm họ.
Một điều nữa trong chương cuối đề cập sự nghiện cứu hạnh phúc. Bạn chỉ biết những gì bạn biết, viết tắt WYSIATI sẽ được chỉ rõ thêm khi bạn rơi vào sự ảo tưởng tập trung quá lớn về bất kỳ thứ gì đó xung quanh. Ví dụ định giá một căn nhà, một điện thoại mới mua hay đơn giản là chuyển tới nơi ở mới hoàn toàn xa lạ mà bạn chưa bao giờ nghĩ ra trước kia.
Phải nhắc lại đây là cuốn sách không hề dễ đọc, nó đòi hỏi bạn phải vận dụng hệ thống 2 để tìm tòi suy nghĩ và hiểu ra ý muốn của tác giả. Một cuốn sách dày 600 trang mà lại kiến thức nặng về hàn lâm thì quả thật chẳng dễ tẹo nào. Nhưng, khi đã đọc, bạn sẽ khám phá ra rất nhiều về những gì bạn đã biết hoặc chưa bao giờ được biết.
– Huy Đức
[Tư duy nhanh và chậm][8.5/10]
HAI HỆ THỐNG TƯ DUY NHANH – CHẬM
Tư duy nhanh và chậm là cuốn sách nổi tiếng tổng hợp tất cả nghiên cứu được tiến hành qua nhiều thập kỷ của nhà tâm lý học từng đạt giải Nobel Kinh tế Daniel Kahneman về cách tư duy và đưa ra quyết định. Bạn đánh giá mọi vật nhanh chóng bằng cảm quan, quyết định dựa theo cảm xúc hay tư duy một cách cẩn thận, chậm rãi nhưng logic hợp lý về một vấn đề? Tư duy nhanh và chậm sẽ đưa ra và lý giải hai hệ thống tư duy tác động đến con đường nhận thức của bạn. Kahneman gọi đó là: hệ thống 1 và hệ thống 2. Hệ thống 1, còn gọi là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn và tiềm thức. Hệ thống 2, còn gọi là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi nỗ lực, ít được sử dụng, dùng logic có tính toán và ý thức, thường gắn với kinh nghiệm chủ quan và tập trung của chủ thế.
——————
NHỮNG SAI LẦM KHI SUY NGHĨ THEO HỆ THỐNG 1Trong một loạt thí nghiệm tâm lý mang tính tiên phong, Kahneman và Tversky chứng minh rằng, con người chúng ta thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là nghĩ chậm. Phần lớn nội dung của cuốn sách chỉ ra những sai lầm của con người khi suy nghĩ theo hệ thống 1. Hệ thống tư duy nhanh liên tục diễn dịch chuyện gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta, và quá trình này sẽ sản sinh ra những phán đoán suy nghiệm khá hữu ích, nhưng đôi khi cũng dẫn đến những lỗi sai nghiêm trọng và hệ thống. Với các chuyên gia, những người đã luyện tập hàng nghìn giờ đồng hồ trong lĩnh vực của mình, tư duy nhanh của họ (gọi là tư duy trực giác của các chuyên gia) nhiều khi rất chính xác vì nó được dựa trên kinh nghiệm nhiều năm trời của họ. Một chuyên gia phòng cháy chữa cháy trong tích tắc cũng đã cứu được cả đội cứu hộ thoát chết trước khi toàn bộ sàn nhà họ đang đứng nứt sụp xuống và lửa bùng lên dữ dội hay một bác sĩ chỉ cần liếc mắt nhìn bệnh nhân là có thể chưa ra những chuẩn đoán phức tạp của một căn bệnh. Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào có thể tư duy như vậy cũng vậy chứ chưa nói đến người thường. Đơn cử một giám đốc đầu tư tài chính lớn ở phố Wall cũng đã mắc sai lầm khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu của hãng ô tô Ford, chỉ vì ông rất ấn tượng sau khi tham dự buổi trình diễn của hãng này. Một sai lầm khác của hệ thống tư duy nhanh Kahneman gọi là “sai lầm dự kiến”: Chúng ta thường đánh giá quá cao lợi ích mà đánh giá thấp chi phí; và hẳn nhiên là chịu rủi ro một cách ngu ngốc. Chính vì điều này năm 2002, nhiều ngườiMỹ thiết kế lại nhà bếp của họ với chi phí ước tính là 18,000USD, tuy nhiên số tiền phải trả thực tế lên tới 38,000USD.
——————
MỐI QUAN HỆ GIỮA TƯ DUY VÀ SỰ KIỂM SOÁTCuốn sách cũng chỉ ra mối quan hệ giữa tư duy và sự kiểm soát. Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất của lịch sử ngành Tâm lý học là của Walter Mischel và các sinh viên của mình. Họ nghiên cứu dựa trên một tình huống điển hình đối với những đứa trẻ bốn tuổi. Chúng được lựa chọn, hoặc là nhận một phần thưởng nhỏ (một chiếc bánh Oreo), hoặc một phần thưởng lớn hơn (hai chiếc bánh) nếu chúng chịu khó đợi 15 phút. Khoảng một nửa số trẻ em tham gia thí nghiệm có khả năng đánh bại sự nôn nóng, chờ đủ 15 phút, chủ yếu là vì các em biết hướng sự chú ý của mình khỏi ham muốn có được phần thưởng. 10 đến 15 năm sau, khoảng cách giữa những đứa trẻ cưỡng lại được sự ham muốn và những đứa trẻ không có khả năng ấy là rất lớn. Những em cưỡng lại được sự ham muốn có khả năng kiểm soát nhận thức tốt hơn, đặc biệt là có khả năng định hướng sự chú ý của bản thân một cách hiệu quả. Những trẻ thể hiện khả năng kiềm chế tốt hơn khi mới chỉ bốn tuổi về cơ bản sẽ đạt được những thành tích cao hơn trong các bài kiểm tra trí tuệ.
——————
KẾTTrước đây khi chưa đọc cuốn sách này thì mình nghĩ bản thân luôn đưa ra quyết định logic và kỹ lưỡng nhưng sau khi đọc sách và chiêm nghiệm, xem xét bản thân thì nhận ra hầu hết các quyết định đều được đưa ra theo hệ thống 1. Cuốn sách Tư duy nhanh và chậm bàn sâu về sự sai lệch của trực giác, những giới hạn của đầu óc con người khi sử dụng phương pháp tư duy nhanh, giúp mỗi người nâng cao nhận thức của bản thân khi đưa ra các dự đoán, quyết định, tập trung chú ý đến các lỗi sai có thể xảy ra trong dòng chảy tư duy của chính mình. Cuốn sách mang lại rất nhiều kiến thức bổ ích và rất đáng đọc.
- Huong Thanh Nguyen
Tóm tắt Tư duy nhanh và chậm
1. Về hai tâm trí: hành vi của chúng ta được điều khiển bởi hai hệ thống khác nhau – một cái tự động và một cái hay suy xét
Có một vở kịch hấp dẫn diễn ra trong tâm trí chúng ta, một câu chuyện giống trên phim giữa hai nhân vật với nhiều chi tiết lắt léo, kịch tích và mẫu thuẫn. Hai nhân vật bao gồm Hệ thống 1 – bản năng, tự động và cảm tính; và Hệ thống 2 – chín chắn, chậm rãi, và toan tính. Khi đối đầu với nhau, sự tương tác của chúng quyết định cách ta nghĩ, đưa ra phán xét, quyết định và hành động.
Hệ thống 1 là phần bộ não hoạt động theo trực giác và đột ngột, thường không có sự kiểm soát có ý thức. Bạn có thể trải nghiệm hệ thống này hoạt động khi bạn nghe thấy một âm thanh rất lớn và đột ngột. Bạn sẽ làm gì? Có thể bạn ngay lập tức và tự động chuyển hướng chú ý của mình đến nó. Đó là Hệ thống 1.
Hệ thống này là di sản của quá trình tiến hóa hàng triệu năm: những lợi thế sống còn nằm bên trong khả năng ra quyết định và phán đoán nhanh chóng.
Hệ thống 2 là thứ ta ám chỉ khi tưởng tượng phần bộ não chịu trách nhiệm cho quá trình ra quyết định, lập luận và niềm tin của mỗi cá nhân. Nó điều khiển các hoạt động có ý thức của tâm trí như tự kiểm soát, khả năng lựa chọn và chủ ý tập trung.
Ví dụ, tưởng tượng bạn đang tìm kiếm một cô gái giữa đám đông. Tâm trí của bạn sẽ cố tình tập trung vào nhiệm vụ: nó nhớ lại những đặc điểm của người đó hay bất cứ thứ gì giúp xác định tọa độ của cô. Khả năng này giúp loại trừ những sự sao lãng, giúp bạn bỏ qua đối tượng không liên quan. Nếu bạn suy trì sự tập trung có chủ ý này, bạn có thể phát hiện ra cô ấy trong vài phút, trái lại nếu bạn bị phân tâm, bạn sẽ khó có thể tìm thấy cô ấy.
Như bạn sẽ thấy trong phần tiếp, mối liên hệ giữa hai hệ thống này xác định cách hành xử của chúng ta.
2. Hệ thống lười biếng: tính chây ì có thể dẫn đến sai lầm và tác động đến trí tuệ
Để xem cách hai hệ thống hoạt động ra sao, hãy thử giải bài toán cây gậy-và-quả bóng nổi tiếng sau:
Một cây gậy và quả bóng có giá $1.10. Cây gậy đắt hơn quả bóng $1. Vậy quả bóng có giá bao nhiêu?
Mức giá xuất hiện trong tâm trí bạn, $0.10 là kết quả của hệ thống 1 cảm tính và tự động, và nó đang hoạt động đấy! Hãy dành ra vài giây và thử giải bài toán này xem.
Bạn có nhìn thấy lỗi của mình? Đáp án đúng là $0.05.
Chuyện vừa xảy ra là Hệ thống 1 bốc đồng của bạn chiếm quyền và tự động trả lời bằng cách dựa vào cảm tính. Nhưng nó trả lời quá nhanh.
Thông thường, khi đối mặt với một tình huống chưa rõ ràng, Hệ thống 1 sẽ gọi Hệ thống 2 để giải quyết vấn đề, nhưng trong bài toán cây gậy và quả bóng, Hệ thống 1 đã bị lừa. Nó nhìn vấn đề quá đơn giản, và sai lầm khi tin rằng nó có làm chủ được.
Bài toán cây gậy-và-quả bóng đã bộc lộ bản năng lao động trí óc lười biếng của chúng ta. Khi não hoạt động, ta thường chỉ sử dụng tối thiểu số năng lượng đủ cho công việc đó. Người ta còn gọi đây là quy luật nỗ lực ít nhất. Bởi vì rà soát lại đáp án với Hệ thống 2 sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn, tâm trí sẽ không làm thế khi nó nghĩ chỉ cần dùng Hệ thống 1 là đủ.
Sự lười biếng rất tai hại bởi vì tập luyện Hệ thống 2 là một phần quan trọng trong trí tuệ của con người. Nghiên cứu chỉ ra rằng làm những công việc liên quan đến Hệ thống 2 đòi hỏi tập trung và tự kiểm soát, giúp ta thông minh hơn. Bài toán cây gậy- và-quả bóng minh họa cho điều này, bởi vì tâm trí của chúng ta lẽ ra có thể kiểm tra lại đáp án bằng cách sử dụng Hệ thống 2 và do đó tránh được lỗi phổ biến.
Nếu lười biếng và lười sử dụng Hệ thống 2, tâm trí của ta sẽ tự giới hạn sức mạnh thông minh của nó.
3. Lái tự động: tại sao chúng ta không phải lúc nào cũng kiểm soát có ý thức các suy nghĩ và hành động của mình.
Bạn nghĩ gì trong đầu khi bạn nhìn thấy các chữ cái “SO_P”? Có thể chưa có gì. Nhưng nếu bạn nhìn thấy chữ “EAT” (ĂN) đầu tiên? Bây giờ, khi nhìn lại chữ “SO_P”, bạn sẽ có thể điền nốt nó thành “SOUP.” Quá trình này lại còn được gọi làmồi (Priming).
Chúng ta bị thả mồi khi bắt gặp một từ, một khái niệm hoặc một sự kiện khiến ta liên tưởng đến những từ và khái niệm liên quan. Nếu bạn nhìn chữ “SHOWER” (TẮM) thay vì chữ “EAT” (ĂN) bên trên, có thể bạn sẽ hình dung ra chữ “SOAP” (XÀ PHÒNG).
Hiện tượng thả mồi này không chỉ ảnh hưởng tới cách ta nghĩ mà còn tới cách ta hành động. Giống như tâm trí bị ảnh hưởng khi nghe một số từ và khái niệm nhất định, cơ thể bạn cũng có thể bị ảnh hưởng. Một ví dụ tiêu biểu về hiện tượng này có thể được tìm thấy trong 1 nghiên cứu trong đó những người tham giả bị thả mồi bằng những từ gắn với tuổi già, như “Florida” và “nếp nhăn”, có phản ứng đi chậm hơn bình thường.
Đáng ngạc nhiên là, chúng ta hoàn toàn không ý thức được suy nghĩ và hành động của mình bị tác động bởi việc thả mồi.
Vì vậy thả mồi cho thấy, trái với lập luận của nhiều người, chúng ta không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát có ý thức những hành động, phán đoán và lựa chọn của mình. Thay vào đó chúng ta luôn luôn bị định hướng bởi những điều kiện xã hội và văn hóa nhất định.
Ví dụ, nghiên cứu được thực hiện bởi Kathleen Vohs chứng minh rằng chỉ nghĩ đến tiền sẽ khiến mọi người sống cá nhân hơn. Những người bị thả mồi bằng khái niệm tiền bạc – ví dụ, như nhìn ảnh đồng tiền – sẽ hành động độc lập và ít sẵn sàng dính líu, phụ thuộc hay chấp nhận yêu cầu từ người khác hơn. Một ngụ ý từ nghiên cứu của Vohns là sống trong xã hội chứa đầy những kích thích gắn với tiền có thể khiến mọi người sống ích kỉ hơn.
Thả mồi, giống như các nhân tố xã hội khác, có thể ảnh hưởng suy nghĩ và từ đó lựa chọn, phán xét, hành vi của một cá nhân – và chúng lại phản chiếu lại vào văn hóa và ánh hưởng tới kiểu xã hội mà chúng ta đang sống.
4. Phán đoán nhanh: Tâm trí lựa chọn nhanh như thế nào, kể cả khi nó chưa có đủ thông tin để đưa ra một quyết định lý trí.
Tưởng tượng bạn gặp một ai đó tên Ben tại bữa tiệc và thấy anh ta rất dễ gần. Sau đó, khi ai đó hỏi liệu bạn có biết ai muốn quyên góp cho quỹ từ thiện không. Bạn nghĩ đến Ben, cho dù điều duy nhất bạn biết về anh ta là người thân thiện.
Nói cách khác, bạn thích một phần trong tính cách của Ben, và vì vậy bạn tưởng rằng mình thích mọi thứ khác về anh ấy. Chúng ta thường yêu hay ghét một người kể cả khi ta biết rất ít về họ.
Xu hướng đơn giản hóa mọi thứ khi chưa có đủ thông tin của tâm trí thường dẫn đến những lỗi phán đoán. Hiện tượng này được gọi là sự nhất quán cảm xúc phóng đại, còn được gọi là hiệu ứng hào quang (halo effect): cảm giác tích cực về sự dễ gần của Ben khiến bạn đặt một vòng hào quang lên Ben, kể cả khi bạn không hiểu anh ta là mấy.
Nhưng đây không chỉ là cách duy nhất tâm trí của ta đi đường tắt khi đưa ra phán xét.
Con người còn mắc thiên kiến xác nhận (confirmation bias), xu hướng đồng tình với thông tin nào ủng hộ niềm tin trước đây của họ, cũng như chấp nhận bất cứ điều gì hợp với nó.
Ta có thể quan sát hiện tượng này khi đặt câu hỏi, “Liệu James có thân thiện không?”. Các nghiên cứu chỉ ra, khi đối mặt với câu hỏi kiểu này mà không có thông tin nào khác, chúng ta rất dễ coi James là một người thân thiện – bởi vì tâm trí sẽ tự động đồng tình với ý kiến được gợi ý.
Hiệu ứng hào quang và thiên kiến xác nhận cùng xảy ra đồng thời bởi vì tâm trí ta hấp tấp đưa ra phán xét nhanh. Nhưng điều này thường dẫn đến sai lầm, bởi vì ta không phải lúc nào cũng có đủ dữ liệu để phán đoán chính xác. Tâm trí của ta dựa trên những gợi ý có thể sai lầm và đơn giản hóa quá khích mọi thứ để lấp chỗ trống trong dữ liệu, đưa chúng ta đến những kết luận có khả năng sai lầm cao.
Giống như thả mồi, những hiện tượng nhận thức này có thể xảy ra một cách hoàn toàn vô thức và tác động lên những lựa chọn, phán đoán và hành động của ta.
5. Suy nghiệm: Tâm trí sử dụng những lối tắt để ra quyết định nhanh như thế nào
Ta thường gặp tình huống phải đưa ra phán xét nhanh chóng. Để làm điều này, tâm trí của ta đã phát triển những lối tắt nhỏ để giúp ta ngay lập tức hiểu được môi trường xung quanh. Đây được gọi là những quy tắc dựa theo kinh nghiệm – suy nghiệm (Heuristics).
Đa phần, những quá trình này rất có ích, nhưng vấn đề là tâm trí ta thường tận dụng chúng quá mức. Áp dụng các quy tắc này trong những tình huống không phù hợp có thể dẫn đến sai lầm. Để hiểu hơn về các quy tắc dựa theo kinh nghiệm là gì và những lỗi kéo theo, ta có thể xem xét hai loại sau: suy nghiệm thay thế (substitution heuristic) và suy nghiệm săn có (availability heuristic).
Tự nghiệm thay thế xảy ra khi ta trả lời một câu hỏi dễ hơn một câu hỏi thực sự được đưa ra.
Ví dụ, hãy thử câu hỏi này: “Một phụ nữ ứng cử chức cảnh sát trưởng. Liệu cô ấy sẽ thành công trong chức vụ đó tới đâu?” Ta tự động thay thế câu hỏi lẽ ra mình cần phải trả lời với câu dễ hơn, như, “Liệu cô ấy có trông giống người sẽ trở thành một cảnh sát trưởng tốt hay không?”
Tự nghiệm này nghĩa là thay vì nghiên cứu hồ sơ và chính sách của ứng viên, ta chỉ đơn giản hỏi bản thân một câu hỏi dễ hơn nhiều là liệu người phụ nữ này có khớp với hình ảnh trong tâm trí của ta về một viên cảnh sát trưởng tốt hay không. Không may là, nếu cô ấy không khớp với hình ảnh tâm trí đó, ta sẽ loại bỏ cô – kể cả cô có nhiều năm kinh nghiệm đấu tranh tội phạm, điều khiến cô trở thành một ứng viên sáng giá.
Tiếp theo là tự nghiệm săn có, là khi bạn cho rằng một thứ có khả năng xảy ra cao hơn chỉ vì bạn thường xuyên nghe về nó hơn, hay thấy nó dễ nhớ hơn.
Ví dụ, đột quỵ gây tử vong nhiều hơn tai nạn giao thông, nhưng một nghiên cứu cho thấy 80% những người được hỏi cho rằng có nhiều người chết vì tai nạn giao thông hơn. Đó là bởi vì ta nghe nhiều về cái chết kiểu này trên truyền thông hơn, và bởi vì chúng để lại ấn tượng sâu đậm hơn; ta nhớ những cái chết do tai nạn khủng khiếp dễ dàng hơn là chết do đột quỵ, và vì vậy ta dễ có phản ứng không phù hợp với những nguy hiểm này.
6. Ghét con số: Tại sao chúng ta vật lộn để hiểu thống kê và phạm sai lầm có thể tránh được chỉ vì nó.
Làm sao bạn có thể dự đoán được việc này sẽ xảy ra hay không?
Một cách hiệu quả là hãy nhớ tỉ lệ cơ sở (base rate). Nó ám chỉ tỉ lệ cơ sở trong thống kê, mà các bản thống kê khác phụ thuộc vào. Ví dụ, tưởng tượng một hãng tắc xi lớn có 20% xe màu vàng 80% xe màu đỏ. Nghĩa là tỉ lệ cơ sở với xe tắc xi màu vàng là 20% và với xe màu đỏ là 80%. Nếu bạn gọi xe và muốn đoán màu của nó, hãy nhớ tỉ lệ cơ sở và bạn sẽ đưa ra được dự đoán tương đối chính xác.
Vì vậy ta nên luôn luôn nhớ tỉ lệ cơ sở khi dự đoán một sự việc, nhưng không may là điều này thường không xảy ra. Trên thực tế, việc quên mất tỉ lệ cơ sở xảy ra cực kì phổ biến.
Một trong những lí do tự ta lại quên mất tỉ lệ cơ sở là ta tập trung vào thứ mình kì vọng hơn là thứ có khả năng xảy ra cao nhất. Ví dụ, tưởng tượng lại những chiếc tắc xi trên: Nếu bạn thấy 5 chiếc xe đỏ chạy qua, bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy khả năng cao chiếc tiếp theo sẽ có màu đỏ. Nhưng bất kể có bao nhiêu xe dù màu nào đi qua, xác suất chiếc xe tiếp theo có màu đỏ vẫn vào khoảng 80% – và nếu ta nhớ tỉ lệ cơ sở, ta sẽ nhận ra điều này. Nhưng thay vào đó, ta thường tập trung vào thứ mình kì vọng muốn thấy, một chiếc xe màu vàng, và vì vậy ta rất dễ mắc sai lầm.
Bỏ quên tỉ lệ cơ sở là một lỗi phổ biến liên quan tới vấn đề của con người khi đối mặt với số liệu. Ta thường hay quên rằng mọi thứ sẽ hồi quy về trung bình. Nghĩa là thừa nhận rằng tất cả mọi tình huống đều có giá trị trung bình, và những dao động khỏi giá trị trung bình cuối cùng cũng sẽ về lại điểm cân bằng.
Ví dụ, nếu một tiền đạo bóng đá ghi 5 bàn thắng trung bình 1 tháng, lại ghi đến 10 bàn trong tháng 9, huấn luyện viên của cô sẽ rất vui sướng, nhưng nếu suốt năm còn lại cô lại chỉ ghi 5 bàn 1 tháng, huấn luyện viên sẽ chỉ trích cô vì không giữ phong độ. Tuy nhiên, cô không đáng bị phê bình bởi vì cô chỉ đang hồi quy về giá trị trung bình!
7. Bất hảo trong quá khứ: Tại sao ta nhớ những sự kiện từ nhận thức muộn (hindsight) chứ không phải từ trải nghiệm.
Tâm trí của ta không ghi nhớ các trải nghiệm theo một đường thẳng. Ta có hai bộ máy ghi lại các tình huống khác nhau.
Đầu tiên, là bản thể trải nghiệm, ghi lại cảm giác của mình ở hiện tại. Nó đặt câu hỏi: “Hiện tại mình đang cảm thấy ra sao?”
Thứ hai, là bản thể hồi tưởng, chép lại toàn bộ sự việc đã diễn ra. Nó đặt câu hỏi: “Nói chung thì mình cảm thấy như thế nào?”
Bản thể trải nghiệm mô tả chính xác hơn những gì đã xảy ra, bởi vì cảm giác của ta lúc đó là chính xác nhất. Nhưng bản thể hồi tưởng không chính xác bằng bởi vì nó ghi lại chỉ một số các kí ức nổi bật sau khi sự việc đã kết thúc.
Có hai lý do giải thích tại sao phần ghi nhớ lại lấn át phần trải nghiệm. Nguyên nhân đầu tiên được gọi là phởt lờ yếu tổ thời gian (duration neglect), khi mà ta quên mất cả quá trình sự kiện để nhớ một phần nhỏ của nó. Thứ là do quy luật đỉnh-đáy (peak- end rule), khi ta thường quá nhấn mạnh thứ xảy ra ở cuối một sự kiện.
Để dễ hình dung, xem xét một thí nghiệm ghi lại trí nhớ của mọi người về một lần soi nội tràng đau đớn. Trước khi soi, mọi người sẽ được chia thành hai nhóm: một nhóm được nội soi rất lâu, trong khi nhóm còn lại được nội soi nhanh hơn, nhưng cảm giác đau đớn tăng dần khi kết thúc.
Bạn hẳn sẽ nghĩ những bệnh nhân khó chịu nhất là những người trải qua quá trình nội soi dài hơn, bởi họ phải chịu đau lâu hơn. Đó đúng là những gì họ cảm thấy vào thời điểm đó. Trong khi nội soi, khi được hỏi về cảm giác đau, bản thể trải nghiệm sẽ đưa ra câu trả lời chính xác: ai phải nội soi lâu hơn sẽ cảm thấy tệ hơn. Tuy nhiên, sau khi kết thúc, khi bản thể hồi tưởng lấn át, những ai được nội soi nhanh với màn kết đau đớn hơn sẽ cảm thấy tệ nhất. Cuộc khảo sát này đưa cho ta một ví dụ rõ ràng về hiệu ứng phởt lờ yếu tổ thời gian và quy luật đỉnh-đáy, và các kí ức không chính xác của ta.
8. Sức mạnh ý chí: điều chỉnh sự tập trung của tâm trí có thể tác động đáng kể tới suy nghĩ và hành vi của ta như thế nào
Tâm trí của ta sử dụng các mức năng lượng khác nhau tùy vào loại công việc. Khi không cần kêu gọi sự tập trung và cần ít năng lượng, ta ở trong trạng thái đầu óc thoải mái (cognitive ease). Tuy nhiên, khi cần phải chú ý, tâm trí sử dụng nhiều năng lượng hơn và bước vào trạng thái đầu óc căng thẳng (cognitive strain).
Những thay đổi này trong mức năng lượng của não có tác động đáng kể lên cách ta hành động.
Khi đầu óc thoải mái, Hệ thống 1 cảm tính sẽ làm chủ tâm trí, và Hệ thống 2 logic và cần nhiều năng lượng sẽ suy yếu. Điều này có nghĩa là ta sẽ quyết định theo trực giác hơn, sáng tạo và hạnh phúc hơn, tuy nhiên ta cũng dễ phạm sai lầm hơn.
Khi đầu óc căng thẳng, nhận thức của ta được nâng cao, và Hệ thống 2 sẽ làm chủ. Hệ thống 2 có xu hướng kiểm tra lại các phán xét của ta hơn Hệ thống 1, vì vậy mặc dù ta có thể bớt sáng tạo hơn, ta sẽ ít mắc lỗi hơn.
Bạn có thể chủ ý ảnh hưởng tới mức năng lượng mà tâm trí sử dụng để chọn hệ thống nào làm chủ cho phù hợp với từng công việc. Ví dụ nếu muốn thông điệp của mình thuyết phục hơn, hãy thử chuyển sang trạng thái đầu óc thoải mái.
Một cách để làm được điều này là tiếp xúc nhiều lần với các thông tin lặp lại. Nếu thông tin được lặp đi lặp lại với ta, hoặc dễ ghi nhớ hơn, nó sẽ trở nên thuyết phục hơn. Đó là bởi vì tâm trí đã thay đổi để phản ứng tích cực hơn khi tiếp xúc nhiều lần với cùng một thông điệp. Khi ta nhìn thấy một thứ đã quen thuộc với ta, ta sẽ bước vào trạng thái đầu óc thoải mái.
Mặt khác, đầu óc căng thẳng sẽ giúp ta thành công trong các công việc liên quan đến con số.
Ta có thể chuyển sang trạng thái này bằng cách tiếp xúc với thông tin được trình bày một cách rắc rối, ví dụ bằng phông chữ khó đọc. Khi đó tâm trí sẽ phải chú tâm hơn và gia tăng mức năng lượng để hiểu vấn đề, và vì vậy ta ít có khả năng từ bỏ hơn.
9. Đánh liều: cách xác suất được trình bày như thế nào sẽ ảnh hưởng đến ta đánh giá mức độ rủi ro
Cách ta đánh giá ý tưởng và tiếp cận vấn đề bị ảnh hưởng nặng bởi cách chúng được trình bày như thế nào. Chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ hoặc nhấn mạnh vào một câu nói hoặc một câu hỏi có thể thay đổi lớn lao phản ứng của ta.
Một ví dụ tiêu biểu có thể tìm thấy trong cách ta đánh giá rủi ro:
Bạn có thể nghĩ rằng một khi ta có thể xác định được xác suất của rủi ro, mọi người sẽ tiếp cận nó cùng một cách. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Kể cả với những khả năng được tính toán cẩn thận, chỉ cần thay đổi cách diễn đạt một con số có thể thay đổi cách ta tiếp cận nó.
Ví dụ, mọi người sẽ thấy một sự việc hiếm gặp có khả năng xảy ra cao hơn nó được diễn đạt dưới dạng tần suất tương đối hơn là xác suất thống kê.
Trong một ví dụ còn được biết đến là Thí nghiệm Mr. Jones, hai nhóm chuyên gia tâm thần được tham vấn về việc liệu thả ông Jones khỏi bệnh viện tâm thần lúc này có an toàn. Một nhóm được bảo rằng bệnh nhân như ông Jones có “10% khả năng hành hung người khác,” và nhóm thứ 2 được bảo rằng “trong 100 bệnh nhân giống ông Jones, 10 người có khả năng gây ra bạo lực.” Kết quả là nhóm 2 có số người từ chối thả người cao gấp đôi nhóm 1.
Sự tập trung của ta còn bị sao lãng khỏi những thông tin có liên quan về mặt thông kê, được gọi là sự phớt lờ mẫu sổ (denominator neglect). Điều này xảy ra khi ta lờ đi các thống kê rõ ràng để chọn những hình ảnh sống động trong tâm trí mà có thể ảnh hưởng tới quyết định của ta
Ví dụ hai câu sau: “Loại thuốc này sẽ bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh X nhưng có 0.001% gây ra biến dạng vĩnh viễn” với “1 trong 100,000 trẻ dùng thuốc này sẽ bị biến dạng vĩnh viễn.” Cho dù ý nghĩa của 2 câu như nhau, câu sau gợi lên hình ảnh một em bé dị tật và có tác động lớn hơn, và đó là lý do nó làm ta chần chừ hơn khi áp dụng loại thuốc này.
10. Không phải Rô bốt: Tại sao con người không quyết định dựa trên tư duy lý trí
Các cá nhân đưa ra lựa chọn như thế nào?
Từ lâu, một nhóm các nhà kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đã cho rằng con người ra quyết định dựa trên lập luận lý tính. Họ cho rằng mọi người đều lựa chọn theo lý thuyết lợi ích, khẳng định rằng khi các cá nhân ra quyết định, họ chỉ nhìn vào những dữ liệu lý tính và chọn phương án có tổng lợi ích lớn nhất.
Ví dụ, thuyết lợi ích sẽ đưa ra kiểu câu như sau: nếu bạn thích cam hơn kiwis, thì bạn sẽ chọn cơ hội 10% có được quả cam hơn cơ hội 10% có được quả kiwis.
Hiển nhiên phải không?
Nhóm nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này tập trung tại Trường kinh tế Chicago và học giả nổi tiếng nhất của họ là Milton Friedman. Sử dụng thuyết lợi ích, trường phái Chicago cho rằng các cá nhân trên thị trường là những người ra quyết định siêu lí tính, những kẻ mà nhà kinh tế học Richard Thaler và luật sư Cass Sunstein sau này gọi là Thương gia (Econs). Với Thương gia, mỗi cá nhân hành xử hệt như nhau, đánh giá hàng hóa và dịch vụ dựa trên các nhu cầu duy lý của họ. Hơn nữa, người kinh tế cững đánh giá tài sản của mình một cách lý trí, chỉ quan tâm tới mức lợi ích nó đem lại cho họ.
Vậy nên nếu tưởng tượng hai người, John và Jenny, đều có tổng tài sản là 5 triệu đô. Theo thuyết lợi ích, vì họ có cùng số tiền nên họ sẽ hạnh phúc ngang nhau.
Nhưng nếu chúng ta phức tạp hóa vấn đề hơn một chút? Giả dụ tài sản 5 triệu đô là kết quả của một ngày đánh bạc, và hai người có điểm xuất phát khác nhau: John ban đầu chỉ có 1 triệu đô và cuối cùng có được số tiền gấp 5, trái lại Jenny khởi đầu với 9 triệu đô và lỗ chỉ còn 5 triệu đô. Liệu bạn có vẫn nghĩ John và Jenny đều hạnh phúc ngang nhau với số tiền 5 triệu đô?
Rõ ràng, chúng ta đánh giá mọi thứ không chỉ dựa vào lợi ích thuần túy của nó.
Như ta sẽ thấy trong phần tiếp, bởi vì con người không nhìn lợi ích một cách lý trí như thuyết lợi ích khẳng đinh, ta có thể đưa ra những quyết định lạ lùng và phi lý trí.
11. Trực giác: tại sao thay vì quyết định dựa trên các cân nhắc lý tính, ta thường bị lung lay bởi các yếu tố cảm xúc.
Nếu thuyết lợi ích là sai, vậy thuyết nào đúng?
Một phương án khác là thuyết triển vọng (prospect theory), do chính tác giả sách phát triển
Thuyết triển vọng của Kahneman thách thức thuyết lợi ích bằng cách chỉ ra rằng khi đưa ra lựa chọn, ta không phải lúc nào cũng hành động một cách có lý trí nhất.
Tưởng tượng có hai kịch bản: Trong trường hợp 1, bạn được cho $1000 và phải chọn giữa: 100% nhận được $500 hoặc đánh cược 50/50 để thắng $1000 nữa.Trong trường hợp 2, bạn được cho $2000 và phải chọn giữa: 100% mất $500 hoặc đánh cược 50/50 mất $1000.
Nếu chúng ta chỉ quyết định lý trí, thì bạn sẽ lựa chọn giống nhau trong hai trường hợp. Nhưng thực tế không phải thế. Trong ví dụ đầu, đa số mọi người sẽ chọn giải pháp an toàn là lấy $500, nhưng trong trường hợp 2, đa số lại đánh liều.
Thuyết triển vọng giúp giải thích tại sao lại có sự khác biệt. Nó nhấn mạnh ít nhất hai lý do tại sao ta không hành động lý trí. Cả hai đều đều cập đến tính sợ thua lỗ của ta – thực tế là ta sợ thua lỗ hơn là nhận được lời.
Lý do đầu tiên là ta định giá mọi thứ dựa trên các điểm tham chiếu. Khởi đầu với mức $1000 hay $2000 trong hai kịch bản thay đổi khả năng đánh bạc của ta, bởi vì điểm khởi đầu tác động tới cách ta định giá vị thế của mình. Điểm tham chiếu trong trường hợp 1 là $1000 và $2000 trong trường hợp 2, nghĩa là nếu còn $1500, thì là lãi với TH1 nhưng là lỗ trong TH2. Kể cả lý luận rõ ràng phi lý (vì kiểu gì bạn cũng có $1500), ta hiểu giá trị thông qua điểm xuất phát cũng như giá trị khách quan tại thời điểm đó.
Thứ hai, ta bị ảnh hưởng bởi nguyên tắc giảm độ nhạy (diminishing sensitivity principle): giá trị ta nhìn nhận có thể khác với giá trị thực của nó. Ví dụ, mất tiền từ $1000 xuống $900 không cảm thấy tệ bằng việc mất tiền từ $200 xuống $100, bất kể khoản bị mất có giá trị ngang nhau. Tương tự trong ví dụ của ta, giá trị khoản lỗ được nhìn nhận khi mất tiền từ $1500 xuống $1000 sẽ lớn hơn khoản mất từ $2000 xuống $1500.
12. Hình ảnh sai: tại sao tâm lý lại xây dựng một hình ảnh hoàn chỉnh để giải thích thế giới, nhưng chúng thường dẫn đến tự tin thái quá và sai lầm.
Để hiểu các tình huống, tâm trí ta sử dụng sự nhất quán nhận thức (cognitive coherence); ta xây dựng những hình ảnh tâm trí (mental image) hoàn chỉnh để giải thích các ý tưởng và khái niệm. Ví dụ, ta có rất nhiều hình ảnh trong não về thời tiết. Giả dụ ta có hình ảnh về thời tiết mùa hè, có thể một bức tranh về mặt trời chói chang, nóng bỏng làm ta đổ mồ hôi nhễ nhại.
Ngoài việc giúp ta hiểu sự vật, ta cũng dựa vào những hình ảnh này để ra quyết định.
Khi ra quyết định, ta tham khảo những hình ảnh này và xây dựng giả định và kết luận dựa trên chúng. Ví dụ, nếu ta muốn biết nên mặc đồ gì vào mùa hè, ta dựa các quyết định của mình vào hình ảnh trong tâm trí ta về trời mùa hạ.
Vấn đề là ta quá tin vào những hình ảnh này. Kể cả khi các thống kê và dữ liệu hiện có phủ nhận những bức ảnh tâm trí này, ta vẫn sẽ để nó chỉ dẫn mình. Người dự báo thời tiết có thể cho rằng ngày nay sẽ lạnh, nhưng bạn vẫn quần đùi và áo phông, như bức ảnh tâm trí về mùa hè nói cho bạn. Do đó bạn có thể co ro ngoài trời.
Tóm tắt, ta quá tự tin vào những hình ảnh tâm trí sai lầm. Nhưng có 1 số cách để khắc phục vấn đề này và đưa ra các dự đoán tốt hơn.
1 cách để tránh lỗi là tận dụng phương pháp dự đoán theo lớp tham chiếu (reference class forecasting). Thay vì phán xét dựa trên hình ảnh tâm trí chung chung, hãy sử dụng những dữ liệu lịch sử để dự đoán chính xác hơn. Ví dụ, hãy nghĩ về những lần bạn ra ngoài mùa hè mà trời lại rét. Lúc đó bạn mặc gì?
Ngoài ra, bạn có thể tạo ra một chiến lược phòng thân (riskpolicy) dài hạn, để lên kế hoạch cho những biện pháp cụ thể trong cả trường hợp dự báo chuẩn và sai. Trong qua sự chuẩn bị và bảo vệ, bạn có thể dựa vào chứng cứ thay vì những hình ảnh tâm trí và đưa ra dự báo chính xác hơn. Trong trường hợp thời tiết của ta, điều này có nghĩa là hãy mang theo một chiếc áo len cho chắc.
13. Tổng kết
Thông điệp chính trong cuốn sách này là:
Tư duy nhanh và chậm cho ta thấy tâm trí của mình gồm hai hệ thống. Hệ thống 1 hoạt động theo bản năng và đòi hỏi rất ít nỗ lực; Hệ thống 2 hoạt động tỉ mẩn hơn và đòi hỏi sự tập trung nhiều hơn. Những suy nghĩ và hành động của ta thay đổi tùy thuộc vào hệ thống nào đang kiểm soát bộ não vào thời điểm đó.
– Du Học Đồng Thịnh dịch (Theo Blinkist)