Tư Trị Thông Giám – Tư Mã Quang

Lần cập nhật gần nhất October 2nd, 2020 – 02:05 pm

Hồ Tam Tỉnh 胡三省, sử học gia thời Tống Nguyên đã khen rằng:

“Làm vua mà không biết ‘Thông giám’ thì muốn trị cũng không biết cái nguồn tự trị, ghét cái loạn mà không biết thuật phòng loạn. Làm bề tôi mà không biết ‘Thông giám’, thì trên không thể thờ vua, dưới không thể trị dân. Làm con mà không biết ‘Thông giám’, thì mưu tính cho bản thân tất sẽ khiến nhục tổ tiên, làm việc không đủ để lưu danh hậu thế.”

Nguồn: Cổ Thư Lâu

Review (2)

TƯ TRỊ THÔNG GIÁM – PHÉP TRỊ CỦA ĐẾ VƯƠNG

Để hiểu sử Trung Quốc, người ta nhắc đến hai cuốn: “Sử ký” của Tư Mã Thiên và “Tư trị Thông giám” của Tư Mã Quang.

Bạn đọc yêu sử ở Việt Nam chắc hẳn đã quá quen với “Sử ký” – cuốn sách đã là gối đầu của nhiều thanh niên ở các thế hệ trước. Song, phải đến nay “Tư trị Thông giám” mới đến được tay người đọc nhờ công sức dịch thuật miệt mài của đội ngũ nhóm Cổ Thư Lâu.

Nhà sách Tri Thức Trẻ xin hân hạnh giới thiệu với các độc giả bộ 4 cuốn “Tư trị Thông giám” trong series 18 cuốn.

_____

Bởi chưa được dịch thuật nhanh nên “Tư trị Thông giám” vẫn còn xa lạ với bạn đọc Việt. Nhưng ở Trung Quốc, “Tư trị Thông giám” có thể coi là được xếp hàng tuyệt phẩm trong hàng cổ sử.

“Tư trị Thông giám” đã được đón nhận đông đảo ở mọi tầng lớp nhân dân Trung Quốc. Trong đó, có rất nhiều nhà lãnh đạo. Tương truyền trong hòa đàm Quốc – Cộng năm 1945, Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch tình cờ gặp nhau ở trong vườn, trên tay hai người cầm 2 quyển sách, sau cùng giở ra thì cả hai đều cầm “Tư trị Thông giám”. Một nhà lãnh đạo khác là Đặng Tiểu Bình – Người đàn ông vực Trung Quốc ra khỏi vũng bùn thời hậu cách mạng Văn hóa. Ông đã đọc “Tư trị Thông giám” nhiều tới mức thuộc lòng.

_____

Nguyên do nào khiến “Tư trị Thông giám” đặc sắc tới như vậy. Do nhiều lẽ mà cái chính là ở giá trị mà thiên đại sử thư này mang lại.

Phạm vi thời gian của “Tư trị Thông giám” trải dài gần một thiên niên kỉ rưỡi, cụ thể là 1.362 năm bắt đầu từ thời Đông Chu (403 Trước Công Nguyên) cho tới thời cuối thời Ngũ Đại mà chính xác là triều đại Hiển Đức năm thứ 6 – Trước khi Tống Thái Tông Triệu Khuông Dẫn đoạt ngôi nhà Hậu Chu.

Sách được viết theo lối “kỷ truyện”, thể cương mục biên niên tức viết theo năm. Không chỉ ghi chép các sự kiện lịch sử, tác giả Tư Mã Quang còn đưa ra những bình luận, kiến giải về các sự kiện đó. Đây chính là một trong những yếu tố hấp dẫn của “Tư trị Thông giám” và tạo cho “Tư trị Thông giám” giá trị giáo dục về sau này.

Còn một điều nữa mà có thể người đọc thắc mắc, tại sao tên sách lại là “Tư trị Thông giám”? Hãy phân tách các chữ như sau, “Tư” (資) là sự thông suốt, anh minh, còn “trị”(治) ở đây là cách trị quốc. Gộp lại, “Tư trị Thông giám” có nghĩa là trị quốc một cách anh minh. Mục đích chủ yếu của Tư Mã Quang khi viết cuốn sách này là muốn những người thống trị lấy lịch sử đời trước làm răn, khảo sát cải tiến chính trị đương thời để đạt đến thiên hạ thái bình.

Có thể coi “Tư trị Thông giám” như một lời răn dạy của tiền nhân với hàng trăm, hàng ngàn bài học được đúc kết từ lịch sử tới các bậc quân chủ. Chẳng trách vì sao các bậc lãnh đạo lại say mê “Tư trị Thông giám” đến vậy.

Phạm vi thời gian của “Tự trị Thông giám” trải dài trên 1.362 năm, ngắn hơn quãng thời gian 2.500 năm của Sử ký Tư Mã Thiên. Song. Đây lại là quãng thời kì chứa đựng rất nhiều biến động lớn nhỏ trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ sự kiện Chu Vương phong chư hầu cho ba nước Hàn, Ngụy, Triệu – Khởi đầu thế cục Xuân Thu – Chiến Quốc, xen vào đó là những cuộc đại phân tranh góp phần không nhỏ trong việc định hình nên nước Trung Quốc ngày nay đó là Hán – Sở tranh hùng, Tam Quốc phân tranh, Thế cục Nam – Bắc triều và sự thống nhất dưới triều Tùy và đạt đỉnh cao dưới thời nhà Đường. Kết thúc cuốn thiên sử là đoạn cuối của thế phân tranh Thập quốc – Ngũ đại và ngưỡng cửa trong việc định hình nên nhà Tống.

Trải dài trên khung thời gian dài như vậy lại mang nhiều biến động nên nguồn tư liệu để tổng hợp nên thiên sử ký “Tư trị Thông giám” là cực kì khổng lồ. Nguồn tư liệu biên tập được Tư Mã Quang soạn ra như sau:

1. Tàng thư của triều đình có 30.699 quyển sách

2. Đích thân Tống Thần Tông ban cho ông 2.400 quyển sách khác.

3. Tư Mã Quang tự sưu tầm hơn 5.000 quyển sách ở nhà riêng.

Tổng cộng số sách mà Tư Mã Quang và những người cộng sự đã tham khảo để soạn “Tư trị Thông giám” lên đến gần 4 vạn cuốn. Từ hàng chục triệu chữ từ 4 vạn cuốn sách ấy, cùng với công sức, trí lực của Tư Mã Quang cùng các cộng sự đã kết tinh lại thành 3 triệu chữ được gói ghém trong 294 quyển sách. Ngoài ra còn có 30 quyển mục lục, 30 quyển Khảo dị (khảo sát sự giống và khác nhau). Thế mới hiểu rằng, vì sao đội ngũ biên soạn toàn tinh hoa của Tư Mã Quang gồm Lưu Ban, Lưu Thứ, Phạm Tổ Vũ, Tư Mã Khang cũng phải mất tới 19 năm để hoàn thành.

Thời đó sách đã được in trên giấy, tương truyền số sách tham khảo chất đầy 2 gian phòng. Quá trình biên soạn của Tư Mã Quang và những người phụ tá chia làm 3 bước:

1. Sắp xếp lại các nguồn sử liệu theo trật tự thời gian, phân loại các tài liệu theo hạng mục

2. Trường biên, sơ bộ xử lý nguồn tư liệu đã sắp xếp, xem xét lựa chọn và cắt bỏ những phần không liên quan, đồng thời hiệu chỉnh cách hành văn

3. San thành định cảo, do Tư Mã Quang trực tiếp đọc, nghiên cứu, khảo đính những điểm giống và khác nhau giữa các tư liệu, loại bỏ những phần thừa, chỉnh lý và hoàn thành bản thảo.

Với cách làm như vậy, sau 19 năm miệt mài, “Tư trị Thông giám” mới được đến tay độc giả. 19 năm ròng rã của Tư Mã Quang cùng các cộng sự của mình đã để lại cho thế hệ sau một cuốn tàng thư tồn tại tới muôn đời.

– Lê Quốc Phong

TƯ TRỊ THÔNG GIÁM – PHO SỬ ĐẾ VƯƠNG
==================================

Muốn hiểu lịch sử Trung Quốc, có hai cuốn sách không thể không đọc: một là Sử ký của Tư Mã Thiên, tác phẩm lịch sử vĩ đại nhất của Trung Quốc cổ đại, là bộ truyện ký đầu tiên thể thông sử; hai là Tư trị thông giám của Tư Mã Quang, cũng là một tác phẩm lịch sử nổi tiếng, là bộ biên niên thể thông sử đầu tiên hoàn thiện nhất của Trung Quốc cổ đại, đã từng được coi là sách giáo khoa bắt buộc cho vua, tôi, kẻ sĩ. Xét về tác dụng và ảnh hưởng đối với lịch sử và văn hóa, có thể nói Tư trị thông giám không kém Sử ký.

1. TƯ MÃ QUANG

Ông sinh năm 1019 tại nơi hiện nay là huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Tây (đồng hương với Tống Áp Ty – aka Tống Giang đầu lĩnh Lương Sơn Bạc lừng cmn danh) trong một gia đình quan lại “máu mặt”, một nhà ba đời đều là Tiến Sĩ: Tư Mã Trì – cha ông, Tư Mã Đán anh ông và chính ông. Ông cũng là hậu duệ của Tư Mã Ý và các hoàng đế nhà Tấn khi xưa, tề danh cùng thời với nhà Tư Mã may ra chỉ có họ Lý ba đời Thám hoa (xạo đấy, hehe). Do đường lối giáo dục và truyền thống gia đình, tuy còn trẻ nhưng Tư Mã Quang nổi lên như một nhân vật bảo thủ, cứng nhắc. Người ta nói nhiều đến ông như một đối trọng với Vương An Thạch khi ông Thạch lên làm tể tướng và thi hành Tân Pháp. Tư Mã Quang kịch liệt phản đối những cải cách của Thạch với câu nói nổi tiếng: Phép tắc tổ tông không thể bỏ được.

Cải cách Vương An Thạch sau đó nát bét, Tống Thần Tông loay hoay với một loạt các văn thần như Âu Dương Tu, Tô Đông Pha… rồi cuối cùng trọng dụng lại Tư Mã Quang. Tháng 2 nhuận năm 1086, Tư Mã Quang được phong làm thừa tướng. Lúc đó ông đã 67 tuổi, sức khỏe yếu. Tuy nhiên, ông vẫn cố đảm đương công việc. Tư Mã Quang phế bỏ những điều luật mới mà Vương An Thạch đề ra, coi đó là “hại dân hại nước”. Đồng thời, ông phạm một số sai lầm như bỏ luôn chính sách miễn nô dịch của Vương An Thạch, tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang, 7 tháng sau, tháng 9 năm 1086, Tư Mã Quang được hoàng đế gọi về aka chết.

2. TƯ TRỊ THÔNG GIÁM

Đầu tiên phải nói ngay là Tư Mã Quang cực kỳ uyên bác và nhớ lâu, thù dai. Thù dai như thế nào các bạn xem ở trên rồi hehe, còn uyên bác và nhớ lâu là hai phẩm chất không thể thiếu của các nhà làm sử. Thời đó, ông thấy không có một bộ thông sử hoàn chỉnh dễ đọc nào khiến cho người đọc cảm thấy khó nắm bắt các kiến thức. Mặt khác, ông mong muốn vua Tống tu chỉnh, rút ra những bài học xương máu từ sự thịnh suy của các triều đại trước để giữ vừng cơ nghiệp nhà Tống. Tháng 11 năm 1067 ông trình bày trước triều đình và hoàng đế mới Tống Thần Tông về công trình đang tiến hành của mình. Hoàng đế không chỉ xác nhận sự quan tâm tới bộ sử đó mà còn đề xuất đổi tên cuốn sách từ Thông chí thành một cái tên ấn tượng và trang trọng hơn: Tư trị thông giám và giao cho ông tiếp tục soạn sách. Tựa đề Thông giám ở đây có thể được hiểu được hiểu là đề cập tới một tác phẩm có tính chất tham khảo và hướng dẫn; vì thế hoàng đế đã chấp nhận tác phẩm trong lĩnh vực khoa học lịch sử và những ứng dụng của nó trong công việc triều đình, và trong nhiều thập kỷ cai trị của mình vị hoàng đế luôn để tâm tới công trình đó. 18 năm sau, 1084, giữa một ngày trời đông tuyết trắng, Tư Mã Quang đóng sách vào 10 chiếc hòm khảm vàng lộng lẫy, thân chinh đi từ Lạc Dương lên Biện Kinh dâng sách cho vua, áp giải là Trung Nguyên tiêu cục lừng danh đảm nhiệm.

Vượt qua núi cao suối sâu, bộ sử đã đến được tay hoàng đế, gồm 294 thiên gần 3 triệu chữ. Tư trị thông giám được đánh giá là cuốn sử biên niên quan trọng hàng đầu của Trung Quốc. Từ lúc làm đề cương cho lúc viết thành sách không có việc nào là Tư Mã Quang không tự làm. Làm việc hết ngày này sang ngày khác, tổng cộng là 19 năm. Khi sách làm xong, ông đã 65 tuổi, hai mắt mờ, răng chỉ còn mấy chiếc, sức nhớ suy giảm, hẳn như đã hiến dâng toàn bộ tâm huyết cho cuốn sách. Cuốn sách cung cấp những bài học kinh nghiệm cho giai cấp thống trị theo tôn chỉ ban đầu mà cuốn sách đặt ra và thực sự là kiệt tác của sử học Trung Quốc. Nhà sử học đời nhà Thanh là Vương Minh Thịnh đã đánh giá đây là một cuốn sách “không thể thiếu được trong trời đất, tất cả các học giả đều không thể không đọc”.

Tư trị thông giám là một tác phẩm khổng lồ. Sách bắt đầu được viết từ thời Đông Chu (năm thứ 23 đời Uy Liệt Vương nhà Chu, tức 403 trước công nguyên) đến đời Ngũ Đại (năm Hiển Đức thứ 6), Thế Tôn Hậu Chủ, tức 956 sau công nguyên), bao quát công việc lịch sử trong 1362 năm. Bộ sách này đã thu nhặt lượng tài liệu cực lớn: chỉ riêng chính sử, trong thời đại Tư Mã Quang đã dùng tới 19 bộ, từ Sử ký đến Tân Ngũ đại sử tất cả là hơn 1900 quyển, hơn 28 triệu chữ. Ngoài ra còn sử dụng khoảng 300 loại tạp sử, truyện, văn, gia phả v.v… đến nay có loại còn chưa làm rõ được.

Tư Mã Quang là một học giả nghiêm túc. Trong quá trình biên tập Tư trị thông giám, ông đã khảo đính sử liệu một cách cẩn thận, lấy hoặc bỏ điều gì đều có lý do đầy đủ. Ông đã tập hợp những khảo chứng đó thành 30 quyển Thông giám khảo dị, hoàn thành cùng một lúc với Tư trị thông giám.

Tư trị thông giám là cuốn sách được nhiều bậc đế vương, khanh tướng nhiều đời ở Trung Quốc tìm đọc. Những nhà lãnh đạo nổi tiếng sau này cũng không ngoại lệ. Xin kể mấy ví dụ:

Tháng 8 năm 1945, khi Mao Trạch Đông từ Diên An đến Trùng Khánh để tham dự cuộc hội đàm Quốc – Cộng, và ở lại đây 43 ngày. Trong một buổi sáng sớm, Mao Trạch Đông vừa cầm một cuốn sách vừa đi dạo trong vườn tình cờ gặp Tưởng Giới Thạch cũng vừa cầm một cuốn sách vừa đi dạo ở đó. Khi gặp nhau, hai người đều giấu cuốn sách ra sau lưng. Khi Tưởng Giới Thạch đề nghị: hãy cho nhau biết là xem cuốn sách gì, thì hóa ra cả hai người đều cầm Tư trị thông giám trong tay.

Riêng với Mao Trạch Đông, Tư trị thông giám là cuốn sách gối đầu giường, ông đã đọc nát bộ sách này, nhiều trang phải dùng băng dính dán lại. Có những thời gian ông mê mải đọc hàng mấy giờ liền. Theo lời ông nói với thư ký cơ yếu thì ông đã đọc Tư trị thông giám tới 17 lần và lần nào cũng thấy hiệu quả. Chính ông là người đã giải thích vì sao Tư trị thông giám lại mở đầu vào năm thứ 23 đời Uy Liệt Vương nhà Chu. Đó là vì năm đó trong lịch sử Trung Quốc xảy ra một sự kiện lớn – hoặc là do Tư Mã Quang cho rằng đã xảy ra một sự kiện lớn – thiên tử nhà Chu phong ba nước Hàn, Ngụy, Triệu làm chư hầu, coi việc 3 họ này chia nhau nước Tấn là hợp pháp. Tư Mã Quang cho rằng đó là một điều then chốt chứng tỏ nhà Chu đã suy vong. Tư trị thông giám lấy việc đó làm thiên mở đầu là đã nói rõ ý nghĩa chủ yếu. Mao Trạch Đông còn cho rằng Tư trị thông giám kết thúc ở đời Ngũ Đại mà không viết đến đời ông là vì “Người đương thời viết lịch sử triều đình sẽ gặp một số việc không tiện nói, hoặc không dám nói”. Theo lời Đặng Dung, con gái Đặng Tiểu Bình thì “ông đặc biệt thích Tư trị thông giám; trong nhà có hai bộ, không biết là ông đã đọc bao nhiêu lần, nhưng có thể nói là đọc thuộc”. Vì là tác phẩm quá đồ sộ nên trước giờ Tư Trị Thông Giám chưa từng được dịch tiếng Việt, chỉ thời xưa, những bậc quan lại, khoa cử thì có học qua bằng chữ Hán.

Hiện nay Tư Trị Thông Giám đã được Cổ Thư Lâu – Tri Thức Trẻ và nxb Văn Học hợp tác xuất bản, hiện đã ra đến tập 2, sách in giấy đẹp, bìa cứng có bọc hoa văn đẹp (như hình), mục đích chính của Ad là khoe sách vậy thôi, các bạn mua đọc hay không thì tùy, hehe…

– Hiền Bái.

Trích dẫn

Tóm tắt