“Tự truyện Gandhi” kể về hành hành trình trưởng thành và tu dưỡng tâm tính của vị lãnh tụ được tôn là bậc thánh Mahatma của người dân Ấn Độ. Đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực áp bức, ông đã sử dụng những gì mình học được và giúp người dân bị áp bức nhận ra những đòi hỏi hợp lý sẽ đạt được mục đích nếu họ có lòng quyết tâm tranh đấu mà không phải dùng đến bạo loạn để có thể bị đàn áp và đổ máu.
Review Tự truyện Gandhi
Tôi không còn nhớ mình biết tới Mahatma Gandhi từ khi nào, những có lẽ ấn tượng sâu sắc hồi còn trẻ của tôi về ông là từ một người bạn, qua câu nói mà cậu ấy thích nhất của ông: “Bạn phải chính là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời này”.
Thấm thoát thời gian trôi qua cũng nhiều năm, tôi tình cờ đọc cuốn “Tự truyện của một Yogi” của Paramahansa Yogananda, trong đó có một chương viết về cuộc gặp gỡ giữa một “bậc thầy tâm linh” và “vị lãnh tụ tinh thần” của Ấn Độ, những đoạn đối thoại giữa các vị ấy sâu sắc đến mức khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu thêm về bậc Hiền Nhân ấy, thế là tôi khởi sự đọc cuốn “Tự truyện Gandhi”.
Cuốn sách nói về cuộc đời của ông, từ những năm tháng tuổi thơ đến khi trưởng thành ông bình thường tới mức có lẽ không ai ngày đó dám nghĩ rằng sau này ông sẽ trở thành một vị thánh sống. Ông cũng ham mê nhục dục, hút thuốc, ăn trộm, lại còn thêm tính hay ghen với vợ, có lần còn đuổi vợ về nhà mẹ đẻ, mà sau này nhìn lại, ông thú nhận rằng chuyện đó không có nguyên nhân gì khác ngoài sự điên dồ của chính mình.
Nhưng tôi nhận thấy ở ông có một đức tính mà theo tôi nhờ nuôi dưỡng nó mà sau này ông đã trở thành bậc vĩ nhân, đó là một lòng theo đuổi “Sự Thật”.
Lần ông sang du học Anh Quốc, ông đã lập lời thề với mẹ của mình rằng sẽ luôn ăn chay khi ở đó, vậy nên dù rất nhiều cám dỗ xung quanh, rất nhiều người khuyên ông ăn thịt và thời đó họ tôn thờ thịt hơn bây giờ rất nhiều, những lời khuyên thực tế đến mức ông không thể đối đáp lại được với họ, xong ông vẫn kiên định với lời thề của mình, ông nói sau lời khuyên của bạn mình:
“Xin anh tha lỗi cho tôi. Những chuyện sâu xa ấy thực ngoài sức tôi. Tôi công nhận là cần ăn thịt. Song tôi không thể nuốt lời thề. Tôi không lý luận về điều ấy được. Tôi chắc chắn không thể địch nổi anh về lý luận. Nhưng xin anh cứ bỏ mặc tôi, coi như tôi điên rồ hay ương gàn bướng bỉnh gì cũng được. Tôi cảm ơn tấm lòng đó của anh đối với tôi và biết rõ anh muốn tốt cho tôi. Tôi cũng biết rằng anh cứ nói đi nói lại mãi việc này vì anh thương hại tôi. Song tôi không biết làm gì hơn. Một lời thề vẫn là một lời thề. Không thể nuối lời được”. – tôi bị ấn tượng mãnh liệt bởi sự trung thực ấy của ông. Một phẩm hạnh thật cao quý.
Ông đã ăn chay từ đó cho tới hết cuộc đời mình. Sau này ông quan niệm rằng ăn uống không phải để thỏa mãn vị giác mà cốt để giữ cho cơ thể khỏe mạnh để toàn tâm toàn ý cho một đời phụng sự, và sau nhiều lần thực nghiệm, ông đã rút ra rằng: “Sáu năm kinh nghiệm cho tôi thấy rằng món ăn lý tưởng cho người giữ tịnh hạnh là trái cây tươi và hạt dẻ.”
Cùng với sự tiết chế trong ăn uống, ông còn kết hợp thêm việc nhịn ăn, trong cuốn Tự truyện, ông viết “Có một tương quan thiết yếu giữa thể xác và tâm linh, một tâm thức thú tính luôn luôn thèm những cao lương mỹ vị và xa hoa. Muốn tránh khuynh hướng này thì những sự hạn chế và nhịn đói dường như là cần thiết. Tâm thức ham dục lạc, thay vì kiểm soát giác quan, lại trở thành nô lệ cho chúng, bởi thế thân xác luôn luôn cần phải ăn những thức ăn sạch không kích thích và thỉnh thoảng phải nhịn đói”. Và theo ông, sự nhịn đói cần đi đôi với một tinh thần hướng đến sự tự chủ tuyệt đối thì mới đem lại sự thanh lọc thân tâm tốt nhất.
Về Phạm hạnh, ông cho rằng: “Một người theo đuổi Phạm hạnh sẽ phải luôn ý thức lỗi lầm mình, phải tìm lôi ra những dục vọng còn vương vấn từ trong đáy lòng sâu xa và không ngừng nỗ lực diệt trừ chúng”. Nhưng theo tôi, ta không cần nỗ lực diệt trừ chúng, chỉ cần “thấy” chúng là đủ. Bản chất dục vọng xuất phát từ những “suy nghĩ, hình ảnh, cảm giác và cảm xúc” được lưu lại qua những trải nghiệm của quá khứ, qua hồi tưởng nó thôi thúc ta lặp lại một hành động trước đó (ví dụ như trước đó bạn chơi rất vui một trò chơi, hôm sau cảm giác, cảm xúc đi cùng những hình ảnh vui vẻ hôm qua tái hiện lên trong tâm thức và thôi thúc bạn chơi lại trò chơi ấy). Và bản chất thì những “suy nghĩ, hình ảnh, cảm giác và cảm xúc” hiện lên trong Tâm đều là vô thường, chúng đến rồi chúng sẽ tự đi, theo bản chất chúng sẽ tự diệt mà ta không cần phải nỗ lực làm gì cả, chỉ cần sáng suốt “thấy” chúng một cách kiên nhẫn là đủ.
Trong công việc luật sư, cũng như sau này dấn thân vào con đường chính trị, ông thường lắng nghe đầy kiên nhẫn và cảm thông đối với những người chịu áp bức, bóc lột (đặc biệt là những người nông dân và người làm thuê), ông thường ăn mặc như họ, dù ít, dù nhiều nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ, đi lại trên khu tàu hạng ba để thấu hiểu nỗi cơ cực của họ. Tôi không thấy điều gì đặc biệt ở Gandhi cả, trong ông tôi thấy một con người giản đơn, chất phác và luôn nỗ lực sống một cuộc đời phụng sự. Có lẽ chính sự chân thật và giản dị ấy mà ông đã chiếm chọn trái tim của hàng trăm triệu con dân Ấn Độ. Đúng như lời Albert Einstein từng nhận xét: “Thánh Gandhi chứng tỏ rằng người ta có thể điều phục được trăm triệu sinh linh không phải bằng những lời hứa hão huyền, nhưng mánh khoé xảo quyệt, mà chỉ bằng tấm gương sáng của một đời thanh cao, trong sạch”.
Gandhi đấu tranh gần nửa đời người để dành lại sự độc lập cho Ấn Độ, nhưng rồi khi thực dân Anh rút lui, người dân Ấn Độ lại tàn sát lẫn nhau vì sự xung đột giữa các tôn giáo. Qua đó tôi nhận ra một điều rằng, sự xung đột, hỗn loạn trên thế giới (giữa Anh và Ấn hay giữa những người Ấn với nhau) bắt nguồn từ chính sự hỗn loạn trong tâm trí mỗi người, chừng nào tâm trí mỗi người còn hỗn loạn, còn bị vô minh ái dục chi phối, thì thế giới sẽ luôn còn chiến tranh và khổ đau.
Bất chợt tôi nhớ đến lời dạy bảo của Ngài Jiddu Krishnamurti: “Bạn là thế nào, thì thế giới là thế đó. Vấn đề của bạn là vấn đề của thế giới, bởi vì thế giới là sự phóng chiếu của bản thân chúng ta, để hiểu thế giới, chúng ta phải hiểu chính mình. Để biến chuyển thế giới quanh ta cùng với nỗi đau khổ, chiến tranh, nạn thất nghiệp, nạn đói, sự phân chia giai cấp và tình trạng hỗn loạn hoàn toàn của nó, thì phải có sự chuyển biến trong chính chúng ta. Cuộc cách mạng phải bắt đầu với bản thân chúng ta, chứ không phải theo bất cứ niềm tin hay ý thức hệ nào cả.”
Tôi xin kết thúc bài viết này bằng một lời khuyên của Gandhi dành cho mỗi người trong chúng ta:
“Là con người, sự vĩ đại của chúng ta không nằm nhiều ở việc cải tạo thế giới – đó là thần thoại của thời đại nguyên tử – mà nằm ở khả năng ta cải tạo chính mình.”
(As human beings, our greatness lies not so much in being able to remake the world – that is the myth of the atomic age – as in being able to remake ourselves.)
Chúc mọi người một ngày bình an.
– Giang Tống