Tuổi Thơ Dữ Dội – Phùng Quán

Một cuốn sách chưa tới nghìn trang mà chứa đựng biết bao nhân vật, biết bao cảm xúc hào hùng, bi thương về một thơì kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam. Việc đánh giặc không phải chỉ là của người lớn, mà chính các em thiếu niên trinh sát của Trung đoàn Trần Cao Vân cũng là những mắt xích quan trọng cho con đường giành độc lập dân tộc. Tuổi thơ dữ dội – Là kết tinh của máu và nước mắt, kẻ chai lỳ bao nhiêu đọc cuốn sách này cũng sẽ thấy lửa nóng căng tràn trong lồng ngực và hơi cay tuôn trào nơi khoé mắt.

Review Tuổi thơ dữ dội

Thú thực, trước đây, tôi không phải là người thích đọc sách. Tôi cũng đến với sách khá muộn – 25 tuổi. Khi đó, tôi yêu một anh chàng thích đọc sách và anh ấy cũng thích người yêu mình thích đọc sách. Và thế là, tình yêu sách bắt đầu. Cuốn sách đầu tiên tôi đọc là một cuốn khá dày – hơn 700 trang. Đó cũng là cuốn để lại cho tôi cực kì nhiều cảm xúc. Tác phẩm “TUỔI THƠ DỮ DỘI” của tác giả Phùng Quán.

Tuổi thơ dữ dội của mọi người có thể là những trò như: ô ăn quan, nhảy dây, trốn bố mẹ đi câu cá, bắt ve vào giữa trưa hè, đi trảy trộm cà chua hay xoài nhà hàng xóm,… Nhưng “TUỔI THƠ DỮ DỘI” của Phùng Quán lại hết sức đặc biệt.

“TUỔI THƠ DỮ DỘI” là câu chuyện kể về những cậu bé cực kì dũng cảm sinh ra, lớn lên và thậm chí là hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Nhân vật của truyện là những cậu bé chạc 13, 14 tuổi bao gồm: Mừng, Lượm, Quỳnh Sơn ca, Tư dát, Hòa đen, Châu xém, Bồng da rắn, Vịnh sưa… Mỗi cậu bé đều mang một câu chuyện khác nhau, sinh ra ở những hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau, sở trường khác nhau nhưng lại có chung một lòng yêu nước nồng nàn.

Mừng tham gia đội trinh sát với mục đích ban đầu chỉ để hái lá thuốc chữa bệnh cho mẹ. Nhưng càng ngày, em càng gắn bó và thể hiện rõ tài năng của mình; Quỳnh Sơn ca từ bỏ sự sung túc và cây đàn piano để tham gia kháng chiến. Với tài năng thiên phú về âm nhạc, Quỳnh đã sáng tác ra ca khúc cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta “Sông ô lâu kháng chiến”; Lượm là “con nhà nòi” mang trong mình dòng máu cách mạng; Tư dát khi đang đi học về, em thấy Vệ quốc quân nên lén trốn lên tàu, vứt ba lô đi theo để xin vào vệ quốc đoàn; Bồng da rắn với đôi mắt siêu tinh tường và khả năng nhìn người cực chuẩn. Em đã nhiều lần phát hiện ra quân địch dựa vào khả năng đó; Vịnh sưa bị gia đình ghẻ lạnh nên tham gia Vệ quốc đoàn; Vệ to đầu với biệt tài cưỡi và thuần phục ngựa;…

Tôi thực sự đã khóc rất nhiều lần khi vừa đọc vừa tưởng tượng đến sự tàn khốc của cuộc chiến ấy. Tôi khóc khi Vịnh sưa hy sinh trên mái kho vũ khí của địch để ra tín hiệu cho quân ta; khi Lượm hy sinh lúc quân Pháp tấn công căn cứ; khi Quỳnh Sơn ca vỡ tim mà chết lúc nghe tin những việc làm xấu của gia đình; khi Mừng cứu thoát Quỳnh trong lần đánh bom dinh của Lơ-bơ-rút; khi Lượm hai lần bị bắt lại lúc đang cố gắng trốn tù và thậm chí khi bài hát “Sông ô lâu kháng chiến” của Quỳnh được cất lên.

Tôi bật cười trước vẻ ngây ngô, đáng yêu trong lời nói, hành động của những “cậu bé” ấy; bởi những lần “chửi thề” mà vẫn đáng yêu của Mừng – “Cố tổ chúng nó chứ. Đã đi xe quỵt không biết nhục mà con chửi người ta “cô-soong” với đá đít người ta bổ, lõa đầu chảy máu”.

Tôi giật mình trước những tình huống quân ta sắp bị địch phát hiện hay lần Lép sẹo đánh cắp con gà của vợ Một Điếu.

Tôi căm hận trước sự xấu xa của thực dân Pháp; bởi cách “chúng” đối xử với nhân dân ta; căm hận trước những việc làm đáng hổ thẹn của Kim – gián điệp của địch. Nhưng tôi cũng thầm nghĩ “Liệu Kim có bao giờ hối hận về những việc mình làm?”

Tôi ngưỡng mộ những con người dũng cảm này. Sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì đất nước, vì dân tộc.

Cuốn sách đã giúp tôi cảm nhận được phần nào diễn biến tàn khốc của kháng chiến chống thực dân Pháp mà tôi nghĩ, không có cuốn sách giáo khoa Lịch sử nào có thể lột tả được một cách chân thực đến vậy.

Tôi tự hỏi bản thân rằng, nếu sinh ra trong những năm tháng ấy, liệu bản thân có đủ can đảm để làm nên những điều phi thường này? Chúng ta được sinh ra, lớn lên trong thời bình. Chúng ta thực sự cần phải trân trọng điều đó và biết ơn những người đã dũng cảm hy sinh để chúng ta có được cuộc sống tự do như ngày hôm nay.

– Đàm Hồng Ngọc