Lần cập nhật gần nhất January 5th, 2021 – 09:36 am
Tuổi Trẻ Hoang Dại là những ghi chép về kinh nghiệm sống qua tuổi trẻ của bản thân Nguyễn Ngọc Thạch. Đó là chuyện về kỹ năng đi làm, viết email xin việc, đi phỏng vấn lần đầu, viết CV cho đúng… cho đến suy nghĩ về cuộc sống, về chuyện dùng tiền ra sao, về mối quan hệ với gia đình, bạn bè… Và phần cuối cùng của nó sẽ là về giai đoạn trầm cảm, khủng hoảng nửa đời người và cách sống đơn giản để vượt qua nó.
Review Tuổi trẻ hoang dại (3)
Tuổi trẻ …
Là khoảng thời gian vô cùng đẹp đẽ của đời người.
Là độ tuổi cuồng nhiệt nhất, thích trải nghiệm khám phá, muốn làm những thứ mình thích, thích chạy theo những thứ mình yêu với khao khát được chứng minh bản thân.
Là độ tuổi mà người ta biết mở lòng yêu một ai đó từ ngây ngô khờ dại rồi đến trưởng thành hơn.
Là nơi những nghĩ suy lưng chừng, nơi những hoài bão cuồng quay vẫn chưa xác định được đâu là hướng đi đứng đắn cho bản thân với những ước mơ vô định.
Đã bao giờ bạn cảm thấy chông chênh trên chặng đường này chưa? Tuổi trẻ thì không tránh được hoang mang, trưởng thành thì không tránh được cô độc. Và những điều này thì không ai có thể tránh được, ai cũng đều phải trải qua. Và tất cả những điều đó đã được tác giả Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ trong cuốn sách “Tuổi trẻ hoang dại”. Nhâm nhi cuốn sách để đưa tôi được đến với nhiều suy ngẫm hơn!
Mở đầu cuốn sách là những chia sẻ của tác giả về những kĩ năng mềm (soft skills) mà thời đại ngày nay các bạn cần có. Đó là những thứ hành tranh không thể thiếu cho học sinh, sinh viên, các bạn trẻ chuẩn bị đi làm cần trang bị. Bằng các kinh nghiệm làm việc của mình từ nhiều vị trí khác nhau xuất phát là một nhân viên bưng bê đến tổng giám đốc của một công ty, Nguyễn Ngọc Thạch đã đưa ra cho mọi người những thứ tưởng chừng là những điều vụn vặt, nhỏ bé nhưng mà hết sức hữu ích: cách viết gmail, làm CV đi xin việc, kinh nghiệm phỏng vấn (những câu hỏi, trang phục, giờ giấc,..). Đó chính là văn hóa văn phòng và công sở.
Phần tiếp theo của cuốn sách, tác giả đưa chúng ta đến với những nhận định về mối quan hệ giữa người và người, người và xã hội trả lời một số câu hỏi như: Tiền nhiều để làm gì? Đạo nhà người ta?,… Có những thứ rất thực và cũng rất đời. Câu văn giản dị nhẹ nhàng mà hết sức tinh tế nhưng đưa ra câu trả lời cũng hết sức thuyết phục. Đã bao giờ bạn cảm thấy bạn chỉ đang chạy theo người khác, chạy theo đánh giá chung của xã hội hay không? Để rồi dần bạn cảm thấy mất dần ý thức và mục đích về cuộc sống. Đâu đó cũng có bài viết từng nói rằng: 18 tuổi bạn lo về kì thi đại học, 25 tuổi bạn lo sự nghiệp, đâu đó 30 tuổi lại lo lập gia đình,lo hết gia đình lại lo có con, có con rồi lại lo chăm dạy, kinh tế… Ôi nó là một chuỗi dài các bạn à. Bạn ơi: “Bạn là cá thì việc của bạn là phải bơi.” (Tỉ phi ngư, an tri ngư chi lạc). Hãy chỉ cần cố gắng mỗi ngày, làm những điều tốt nhất cho bản thân. Hãy học cách chấp nhận bản thân với những sự khác biệt. Học cách yêu thương từ những điều giản dị đâu đây.
Phần cuối cùng của cuốn sách cũng là sự phản tỉnh của tác giả về chính bản thân mình. Nghĩ suy về quãng thời gian tinh thần bị trầm cảm của mình – quãng thời gian tuổi trẻ có thể đối mặt. Những cái nhìn mới mẻ của tác giả qua đa chiều được lấy ví dụ 5 thầy trò Đường tăng từ bộ phim truyền hình nổi tiếng Tây Du Ký, bộ phim có lẽ nổi tiếng mà ai cũng được đồng hành khi còn nhỏ. Từ đó rút ra được lăng kính nhìn nhận của mỗi người dần dần sẽ thay đổi nó càng ngày càng có chiều rộng và cả chiều sâu.
Đây là một cuốn sách không quá xuất sắc nhưng với mình nó đủ những thứ mới mẻ, vừa đủ, cũng như nhìn nhận để nhấm nháp trong quãng tuổi này.Tuổi trẻ là vậy đó?
Là ….
Một chút trôi qua ngàn năm khó tìm lại, là chuyến tàu một khi bước chân lên là không dừng được nữa, nó sẽ trôi qua mãi không quay lại được.
Đối với mỗi người hãy cùng đi tìm câu trả lời hoàn hảo nhất cho bản thân để vẽ lên những trang sách thanh xuân của riêng bạn nhé.
– Nguyen Dat
Cứ mỗi giai đoạn đầu năm mình sẽ đọc một quyển sách nói về tuổi trẻ. Cá nhân mình thấy, các quyển sách dạng này, ít nhiều đều giúp bản thân học hỏi được nhiều thứ mới và lấy lại năng lượng cho một năm nhiều thử thách.
Đối với Tuổi Trẻ Hoang Dại cũng vậy
“Thực tế”, là cụm từ đầu tiên mà mình nói về quyền sách này. Các chương sách dường như không ăn nhập gì với nhau, nhưng mỗi chương nói về cách sống của những người trẻ qua góc nhìn rất thực tế và đôi lúc là trần trụi của tác giả, mà cá nhân mình nghĩ, không phải ai cũng sẽ nói với bạn.
Từ cách đọc sách như thế nào, đến việc viết CV hoặc đi phỏng vấn ra làm sao, lương bổng & bằng cấp có thực sự quan trọng không? Mới đi làm thì chú ý những gì… và rất nhiều điều đơn giản nhưng rất thiết thực trong quá trình người trẻ bắt đầu bước vào cuộc sống thực sự. Có những lúc đọc mà cảm giác tiếc nuối “giá như mình biết đến quyển sách này sớm hơn”
“Cảm xúc” là cụm từ tiếp theo khi đọc đến nửa cuối quyển sách. Mình đã thực sự rơi nước mắt, khi nghe tác giả trải lòng tâm sự về lần đầu tiên để dành tiền dẫn ba mẹ đi du lịch nước ngoài. Rằng phải làm lụng vất vả, đâm đầu vào cố gắng lao động để giúp người thân của mình hạnh phúc hơn….bằng chính đôi tay, thực lực của bản thân.
Câu chuyện những lúc ba mẹ không dám đòi mua cái này cái kia vì thương, vì xót tiền của con…. làm mình đôi lúc nghẹn ngào…. Đã bao giờ, những người con có tự vấn bản thân mình, rằng bậc sinh thành thực sự cần gì từ con cái hay chưa? Tiền bạc, du lịch…hay chỉ một mong muốn con của mình được sống vui vẻ, hạnh phúc ?
Tâm trạng mình cũng chùn xuống, khi nghe anh nói về giai đoạn bị trầm cảm, rằng khi trầm cảm không phải biết nói với ai, không biết phải làm gì, và tự tử là cách giải quyết cuối cùng sau chuỗi những cảm xúc dài bất tận mà người bị trầm cảm phải trải qua.
Nếu bạn có cảm giác chán chường, hoặc không biết mục tiêu sống, hãy thử đọc chương trầm cảm, biết đâu, nó sẽ giúp ích điều gì đó? Mình tin chắc là, trầm cảm không phải thứ để khinh thường, ngay cả khi bạn là người vui vẻ, tích cực.
Len lõi vào đó là những điều tích cực như cách để vượt qua trầm cảm, cách đối diện với thị phi, lời bàn ra nói vào của người đời, hoặc cách vượt qua cái cảm giác bị so sánh với “con nhà người ta”. Và mình đặc biết thích chương 30 ngày luyện tập sống tối giản, nó thực sự có ích để giảm căng thẳng và stress trong thời buổi hiện nay.
Tóm lại, theo cá nhân mình đây là quyển sách đáng để đọc & học hỏi về những quan điểm về lối sống của người trẻ thời hiện đại. Quyển sách rất đổi thực tế, đặc biệt là trong cách giao tiếp và giải quyết vấn đề của người trẻ, đến mức có thể áp dụng dễ dàng sau khi đọc.
– Tô Nguyễn Trọng Nhân
TUỔI TRẺ HOANG DẠI – Nguyễn Ngọc Thạch
Mình xin phép chia sẻ một số cảm nhận cá nhân của mình về cuốn sách gần nhất mình đọc.
Ấn tượng đầu tiên đó là tên sách và màu bìa, nó gây một sự tò mò cho một người cũng tạm gọi là còn trẻ như mình (cũng sắp sang tuổi 26). Tuy nhiên cũng không đến nỗi vồ vập ngay lật vài trang sách đọc thử thấy cũng ổn mình mới mượn về đọc (sách của thư viện nơi làm việc).
Về phần nội dung, ấn tượng nhất của mình là 3 mục:
- Đọc sách phải vui: có lẽ mình cùng quan điểm với tác giả. Đọc sách cũng là 1 cách tận hưởng cuộc sống như các hoạt đông khác: chơi game, xem phim, đi du lịch,…nếu đọc mà gượng ép thì không nên. Tác giả cũng chia sẻ phương pháp đọc “5c” của mình.
- Vô cùng thông minh, vô cùng tàn nhẫn: một ví dụ về việc thế giới ảo đã tạo ra những tổn thương thật cho những người bị đưa nên đó bàn luận (chuyện này thì thời gian gần đây không ít youtuber cũng nhắc đến và khai thác nhiều), và câu chuyện về các bậc phụ huynh nên tránh khi dạy con. Mình khá cảm động với những chia sẻ về gia đình, người thân của tác giả mục này.
- Đường thỉnh kinh trong mỗi chúng ta: câu chuyện về thầy trò Đường Tăng được tác giả cảm nhận, luận giải khi trải qua từng độ tuổi khác nhau: nó có thể đại diện cho xã hội – các kiểu người trong 1 nhóm nhỏ – đại diện cho 1 con người. Đường thỉnh kinh con đường tự hiểu mình, tìm lấy bản thân và sự yên bình bên trong.
- Các mục về công việc: chủ yếu nói về kiểu công việc văn phòng, công ty. Có lẽ phù hợp với các bạn sinh viên sắp đi làm.
Tóm lại: cuốn sách chia sẻ những trải nghiệm, kinh nghiệm, tâm tư của tác giả khi đã trải qua gần nửa cuộc đời: có những thành công, khó khăn, những điều thú vị, những triết lý nhân sinh, cách sống, đạo đức, tình yêu,… Cuốn sách chia sẻ những kiến thức đáng để suy ngẫm nhưng vì mỗi thứ chia sẻ một chút nên không quá sâu sắc. Mỗi cuốn sách đều có những giá trị riêng của nó. Nếu bạn là một người trẻ (tầm 18-22) nên đọc thử. Trên nữa thì có thể đọc để hiểu về một người từng trẻ, có khi là thấy mình hoặc những điều có thể đến với mình như cuộc ” khủng hoảng nửa đời người”, ” bệnh trầm cảm” của tác giả.
Cuối cùng cảm ơn mọi người đã đọc bài viết này. Rất vui được bàn luận và chia sẻ.
– Nguyễn Tiến Đạt
Trích dẫn Tuổi trẻ hoang dại
“Khi đã đủ mười tám tuổi, bước chân ra khỏi gia đình và học tập, thì đã trưởng thành và phải tự chịu trách nhiệm với tất cả những việc mình gây ra, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ thứ gì trước khi nhận ra rằng đó là lựa chọn của mình.”
“Thích xăm mình, cứ việc. Đừng xăm nhiều quá, kín người rồi sau này lỡ đi xin việc gặp ngay công ty khó thì mình là người thiệt thòi chứ chả ai thiệt thòi giùm. Xăm một cái hình nho nhỏ, mang yếu tố kỷ niệm là được. Đừng xăm tên người yêu người tình, sau này chia tay xóa mệt.”
“Nên tập uống bia, biết uống chút rượu, đừng sa đà nghiện ngập. Uống để sau này có cần tiếp khách thì dùng, và uống để không dễ say mà bị kẻ khác lợi dụng. Uống vào tuyệt đối không được lái xe.”
“Ăn chơi thoải mái, nhưng nên nhớ sang đó để học, khó khăn lắm mới có cái học bổng, không biết trân trọng, học hoài không qua môn, ra trường rồi về nước không có cái bằng trong tay thì lúc đó nhục ráng chịu, anh hai sẽ là người đầu tiên cười vào mặt.”
“Đi bar, club thì cũng vui đó, nhưng tốn tiền. Đi ít thôi, đi cho biết chứ đừng nghiện vào đó. Tuyệt đối không để bọn trai bỏ tiền ra bao mình đi bar, club. Xài tiền của trai trong mấy chỗ đó chả có gì tốt đẹp cả.”
“Ngoài tiếng Việt và tiếng Anh, nên học thêm một hoặc giỏi hơn thì hai ngoại ngữ, Trung Quốc, Nhật, Hàn là ưu tiên hàng đầu vì đây là các nước đầu tư rất nhiều vào thị trường Việt Nam.”
“Yêu được, thấy trai nào tốt thì cứ yêu, đời sinh viên mà chả yêu đương gì thì chán chết. Dĩ nhiên là nghe theo con tim, nhưng dĩ nhiên cũng phải nghe theo lý trí. Chọn mấy đứa nào giỏi giỏi, có chí cầu tiến mà yêu, còn thể loại suốt ngày rủ đi ăn chơi thì đừng dính vào.”
“Ngực to hay ngực nhỏ không quan trọng, quan trọng là não nhiều hay ít. Hãy để trai thích mình vì tính tình và sự thông mình, chứ không phải vì bề ngoài và chuyện lên giường.”
“Yêu có thể làm tình khi cảm thấy tin tưởng, nhưng tuyệt đối phải dùng bao cao su. Ngoài chuyện có thai ngoài ý muốn ra thì còn vì chuyện bảo vệ bản thân khỏi hàng đống bệnh tình dục. Quan hệ tình dục với một người có nghĩa là ngủ với cả quá khứ của người đó, mà thường thì ít ai thành thực hoàn toàn trong chuyện quá khứ.”
“Đừng bao giờ tin vào một thằng đàn ông thề sống thề chết yêu mình mà lại sợ vướng víu bởi cái bao cao su, không chịu bảo vệ người nó yêu. Đàn ông như vậy tin được thì heo nái cũng biết leo cây.”
“Nếu lỡ trường hợp có thai ngoài ý muốn, đừng sợ, đừng hoảng loạn, không chết đâu. Nhắn tin cho anh hai biết ngay lập tức, anh hai sẽ cùng em tìm cách xử lý vấn đề này. Đừng làm gì dại dột.”
“Hòa nhã cùng mọi người, có việc gì nên đặt sự an toàn của bản thân lên đầu, đừng quá tin ai, cũng đừng quá tốt với tất cả mọi người. Đừng cố ý hại ai, nhưng nên đề phòng người khác hại mình.”
“Quan trọng nhất không hẳn là việc học chữ, mà là bài học ‘đối nhân xử thế’ ở một nơi tứ cố vô thân, hãy trân trọng và học bài đó thật kỹ.”
“Tất cả chúng ta cũng chỉ là những con ếch ngồi dưới đáy giếng. Chỉ là, nếu được tiếp cận các nền giáo dục khác nhau thì miệng giếng của mình sẽ rộng hơn và nhìn thấy bầu trời to lớn hơn.”
“Trước mặt là thế giới, sau lưng là nhà, bất cứ khi nào mệt mỏi đều có thể quay về, đừng sợ.”