Tuổi Trẻ Sống An Nhiên Nhưng Đừng An Phận – Sten Morgan

Trong những giây phút thành thật nhất với bản thân, có bao giờ bạn cảm thấy lo lắng, sợ rằng nếu cuộc đời mình cứ tiếp diễn như hiện tại, thì năm sau, rồi năm sau nữa, bạn sẽ vẫn chỉ giậm chân tại chỗ? Trước khi bạn kịp nhận ra, quỹ thời gian của bạn đã cạn kiệt mà bạn vẫn chỉ ở nguyên vị trí cũ, bị mắc kẹt và tràn đầy hối hận vì đã không chịu hành động khi còn có thể. Để phá vỡ tình trạng đình trệ, thôi thúc các cá nhân khai phá tiềm năng của bản thân và nắm lấy những cơ hội vươn tới thành công đích thực và ý nghĩa.

Review

“Tuổi Trẻ Sống An Nhiên Nhưng Đừng An Phận”: Bí Quyết Thành Công Trong Mọi Hoàn Cảnh.

Với nhiều người, thành công là kiếm được thật nhiều tiền, có được cuộc hôn nhân viên mãn hay chỉ đơn giản là đậu bằng lái xe. Tuy nhiên, câu hỏi được đề ra là sau khi kiếm được thật nhiều tiền, có một cuộc hôn nhân viên mãn và đậu bằng lái xe, bạn sẽ chọn dừng lại tại đó hay tiếp tục tiến xa hơn? Vậy nên, Sten đã có một cách định nghĩa hoàn toàn mới mẻ mà hầu như chúng ta không ngờ đến: Thành công là việc thường xuyên theo đuổi để tiến gần hơn đến mục tiêu đề ra, và khi đạt được, bạn sẽ nhận thấy mình còn có thể làm được nhiều hơn nữa. Và để gặt hái được thành công thực sự, hãy chắc chắn rằng bạn thực sự sẵn sàng làm tất cả mọi thứ vì mục tiêu đã đề ra. Chỉ khi đó, bạn mới có thể tiếp nhận những quan niệm mới – những quan niệm có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn.

Bảy quan niệm thay đổi lối tư duy của bạn

1. Tôi trong tương lai

Khi bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, hãy tưởng tượng một người bạn muốn trở thành trong 5, 10 hay 20 năm nữa. Và đừng quên trả lời ba câu hỏi khi tưởng tượng về hình ảnh bản thân trong tương lai: Tôi đang làm tốt điều gì? Tôi có thể làm gì tốt hơn? Tôi sẽ phải làm gì tiếp theo?

Hãy xác định rõ tôi trong tương lai của bạn muốn gì và đề ra các hành động để thực hiện việc đó. Ứng dụng quan niệm này chính là một cách để cân nhắc hậu quả của các hành động mà không phải tốn thời gian làm những việc không thực sự giúp bạn đạt được mục tiêu. Và khi đã tiến tới mức mà các mục tiêu của bản thể tương lai không còn đủ lớn nữa, bạn sẽ phải sa thải bản thể tương lai của mình để thiết lập các thử thách và mục tiêu mới ở mức độ cao hơn.

2. Gỡ bỏ lưới an toàn

Để đạt được thành công lớn hơn, vươn đến một vị trí cao hơn, hãy ra khỏi vùng lưới an toàn đang kìm hãm và khóa chặt chân bạn.

Bởi lẽ, thành công đỉnh cao và nhanh chóng chỉ đạt được khi bạn đối diện với rất nhiều rủi ro. Chỉ khi bạn rơi vào hoàn cảnh cấp bách nhất, bạn mới có thể phát huy hết năng lực bản thân và làm những điều bạn nghĩ rằng bạn không thể. Thử tưởng tượng bạn đang ở trong một hang cọp. Xung quanh bạn chỉ có những tảng đá lớn và một con cọp với đôi mắt sáng quắc đang nhìn bạn với ánh mắt của một con thú săn mồi khi nhìn thấy con mồi. Chắc chắn bạn sẽ rất sợ hãi, thậm chí chân bạn còn run lập cập và đầu óc bạn thì tê liệt. Bạn chỉ có thể sống nếu bạn giết chết con hổ này. Bạn không còn lựa chọn nào khác. Và nếu thất bại, con hổ sẽ ăn thịt bạn. Đừng để sợ hãi và căng thẳng cản trở bạn. Hãy biến những cảm xúc đó thành vũ khí giúp bạn chiến đấu với con hổ. Bạn biết không, con hổ đó chính là tâm trí của bạn, tâm trí của một người vẫn đang sống trong vùng an toàn. Hãy thử một lần gỡ bỏ lưới an toàn với niềm tin rằng bạn có thể vượt qua tất cả. Một khi ra khỏi lưới an toàn, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật đẹp biết bao, và giờ đây bạn có thể sống một cuộc sống không hối tiếc.

3. Quan điểm

Một yếu tố không thể không kể đến trong hành trình tiến tới thành công: chủ động tìm kiếm và tiếp nhận quan điểm của người hướng dẫn, người đồng cấp và khách hàng. Hãy lắng nghe và tiếp nhận quan điểm của người khác nếu bạn muốn thành công. Người hướng dẫn sẽ cho bạn những lời khuyên bởi họ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ấy và sẵn sàng giúp bạn trong khả năng của mình. Người đồng cấp, hay các thành viên trong nhóm, sẽ cho bạn một nguồn tư duy mới, bất ngờ nhưng rất giá trị. Và trên tất cả, khách hàng sẽ dạy cho bạn cách đặt quan điểm của mình sang một bên và lắng nghe người khác. Khi tìm kiếm quan điểm của những người xung quanh, bạn sẽ tránh được cạm bẫy và khám phá ra công cụ mới để tiến xa hơn.

4. Hoàn cảnh

Chúng ta có thể để hoàn cảnh khống chế, hoặc tự chịu trách nhiệm và điều khiển cuộc đời mình từ động lực bên trong. Sten phân định rõ hai loại hoàn cảnh: hoàn cảnh có thể kiểm soát được và hoàn cảnh không thể kiểm soát được. Bạn chỉ có thể kiểm soát khoảng 10% các tình huống hay các sự kiện diễn ra trong đời. Vậy nên, hãy lờ đi 90% còn lại và tập trung toàn bộ sức lực để phát huy tiềm năng của bạn trong hoàn cảnh có thể kiểm soát. Hãy đánh bại những lời biện minh trong đầu bạn, rằng vì hoàn cảnh nên bạn không làm được. Và dù đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn, bạn hãy đặt ra câu hỏi cho bản thân: Liệu đây có phải là điều tốt nhất mình có thể làm được không? Hoàn cảnh có thể tác động lên bạn, nhưng không vì thế mà bạn lựa chọn đầu hàng trước hoàn cảnh.

5. Sự khó chịu

Nếu bạn né tránh cảm giác khó chịu, thì đổi lại, thành công sẽ né tránh bạn. Điều này hoàn toàn đúng trong mọi hoàn cảnh. Bởi thành công sẽ không bao giờ đến với những người không biết chịu khó, chịu khổ. Thử thách chính là một cách giúp bạn mở rộng triệt để suy nghĩ về những điều khả thi. Vậy nên, thay vì cảm thấy khó chịu với các thách thức trong cuộc sống, hãy học cách chấp nhận nó, chấp nhận sự khó chịu ấy như một điều hiển nhiên của cuộc sống.

6. Xung đột

Xung đột là công cụ phát triển mục tiêu của bạn. Nên hãy chắc chắn rằng bạn sẽ không né tránh xung đột. Bởi xung đột đem đến cho bạn 1 góc nhìn mới về sự việc đang xảy ra. Khi bạn chia sẻ suy nghĩ và niềm tin của bạn, những người khác sẽ hiểu bạn hơn, cũng như lý do bạn xuất hiện trong xung đột này. Tuy nhiên, hãy chọn xung đột phù hợp để duy trì mối quan hệ bằng cách tự hỏi bản thân: Xung đột này có dẫn đến giải pháp không?

7. Cân đối thời gian

Bạn chỉ có thể làm tốt nhất một việc trong một thời điểm. Vậy nên hãy đề ra cho bản thân các việc cần làm trước và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Đừng để bản thân bị sao nhãng với những việc không cần thiết. Việc cân đối thời gian rất quan trọng trong quá trình tiến đến thành công. Là một người thông minh, bạn nên cân nhắc kĩ thời gian thực hiện công việc, và cân bằng với thời gian nghỉ ngơi, thời gian cho gia đình…

Cảm nhận sau khi đọc:

Đây là một trong những cuốn sách kĩ năng hay nhất mà tôi từng đọc. Sau khi đọc và ứng dụng một vài quan niệm vào cuộc sống, tôi cảm thấy mình có động lực làm việc hơn bao giờ hết. Cuốn sách đã thay đổi lối tư duy của tôi, giúp tôi tin rằng bản thân mình sẽ thành công trong lĩnh vực tôi chọn.

– Chau Anh Bui (Bookademy)